[Morning đi muôn nơi]
Kinh nghiệm đi Hà Nội - Mã Pí Lèng - Lũng Cú bằng xe Morning
Trước tiên xin khẳng định là các mẫu xe nhỏ như Morning hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện chuyến đi leo đèo vượt núi để lên tới đỉnh đèo Mã Pí Lèng và tới chân cột cờ Lũng Cú. Vậy nên cụ nào muốn đi mà chưa dám đi thì cứ tự tin mà lên đường nhé
1. Công tác chuẩn bị trước chuyến đi:
Tương tự như chuẩn bị cho chuyến đi Hà Nội - Đà Nẵng, công tác chuẩn bị được thực hiện tốt sẽ giúp cho chuyến đi an toàn và thuận tiện hơn. Chi tiết tham khảo tại đây:
https://www.facebook.com/vietcat/posts/2175634575838699
Ngoài ra, cần chú ý các điểm sau:
- Xe nên có đèn phá sương hoặc mang theo giấy bóng kính màu vàng để phòng trường hợp có sương mù
- Nên mang theo thuốc chống muỗi, côn trùng
- Nên mang dư tiền mặt một chút vì ở đây chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt và không có nhiều cột ATM hoặc ngân hàng
- Đường đèo dốc quanh co nhiều nên cần cân nhắc phương án dự phòng nếu trong đoàn có người bị say xe
- Nắm vững kỹ thuật đổ đèo để đảm bảo an toàn cho chuyến đi do nhiều đoạn đèo dốc dài cả chục km
- Nếu đi vào mùa lạnh, cần cân nhắc mang theo quần áo đủ ấm và chăn mỏng
- Chú ý kiểm tra tình trạng hoạt động của xe để đảm bảo xe hoạt động tốt trong chuyến đi
- Nên tránh đi đường đèo núi vào buổi tối do rất khó quan sát
2. Chuẩn bị lịch trình:
Có 2 tuyến đường chính để đi Mã Pí Lèng và Lũng Cú:
a. Hà Nội - Tuyên Quang - TP Hà Giang - Đồng Văn: Tuyến đường này đường rộng, đẹp hơn, ít đèo dốc, nhiều khu dân cư dọc đường, qua nhiều địa điểm đẹp hơn so với tuyến thứ 2. Tuyến đường này đi sẽ nhàn hơn, cho phép chải nghiệm các địa danh nổi tiếng ngay trong những ngày đầu tiên.
b. Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Mèo Vạc: Tuyến đường này qua ít khu dân cư, nhiều đèo dốc, nhiều đoạn đường nhỏ xấu. Tuyến đường này không có nhiều địa điểm nổi tiếng nhưng cho lái xe trải nghiệm cảm giác lái và cảnh hùng vĩ của núi rừng ngay ngày đầu tiên.
Sau khi cân nhắc, em lựa chọn tuyến đường như sau:�
Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Mèo Vạc - Mã Pí Lèng - Lũng Cú - Đồng Văn - Yên Minh - Quản Bạ - TP Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội
3. Lên đường:
a. Ngày 1:
* Tuyến đường: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Mèo Vạc
* Khoảng cách: hơn 400km
- Đi theo tuyến đường này, đoạn đầu (gần 200km) từ Hà Nội đến Phủ Thông (Bắc Kạn) đi khá nhàn do chủ yếu là đường cao tốc hoặc đường to, rộng (QL3). Bắt đầu từ đèo Giàng, lái xe có thể trải nghiệm đường đèo núi cũng như ngắm nhiều cảnh đẹp từ trên cao hoặc dọc bờ sông khi đi dọc tuyến QL279, ĐT212, QL34, QL4C.
- Các điểm có thể nghỉ ngơi hoặc ăn trưa là Thái Nguyên, TP Bắc Kạn, TT Nà Phặc, TT Tĩnh Túc, TT Bảo Lạc. Sau khi qua TT Bảo Lạc thì toàn đường đèo núi và rất ít dân cư cho đến khi đến Mèo Vạc.
- TT Mèo Vạc khá nhỏ và vắng. Lựa chọn một khách sạn tốt và có một bữa tối ngon miệng sẽ là cách hay để phục hồi sau một chuyến đi dài.
b. Ngày 2:
* Tuyến đường: Mèo Vạc - Mã Pí Lèng - Lũng Cú - Dinh Vua Mèo - Đồng Văn
* Khoảng cách: hơn 100km
- Mã Pí Lèng: Ngược lại với những tưởng tượng của nhiều người, đi 16km đèo Mã Pí Lèng nhàn hơn nhiều so với tuyến đường từ Bắc Kạn qua Cao Bằng lên Mèo Vạc. Tuy nhiên trải nghiệm khung cảnh hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng lại rất tuyệt vời. Núi cao ở xa xa, sông Nho Quế ở ngay dưới chân đem lại một cảm giác rất phấn khích.
- Cột cờ Lũng Cú: đoạn đường từ Mã Pí Lèng đến cột cờ Lũng Cú chỉ khoảng hơn 20km nhưng có thể mất hơn 1 giờ để đi do đường đi có nhiều đoạn xấu và nhỏ. Ô tô bị buộc phải dừng cách xa cột cờ khoảng 1km, sau đó đi bộ theo lối thang bộ hoặc đi xe điện hoặc thuê xe ôm để lên cột cờ.
- Dinh Vua Mèo: công trình này không lớn nhưng có giá trị lịch sử. Thời gian tham quan ở đây cũng không tốn nhiều, nên nếu thấy còn sớm thì có thể đi thêm địa điểm Cao nguyên đá cách Dinh Vua Mèo khoảng hơn 2km
- TT Đồng Văn nhộn nhịp hơn nhiều so với Mèo Vạc nên đi dạo quanh khu trung tâm, ăn thử các món ăn địa phương cũng là ý hay.
- Nên ăn trưa ở Lũng Cú vì dọc tuyến đường này rất ít khu dân cư hay trạm dừng nghỉ.
c. Ngày 3:
* Tuyến đường: Đồng Văn - Phim trường Chuyện Của Pao - Dốc Chín Khoanh - Cánh đồng hoa Tam Giác Mạch - Phố Cáo - Dốc Thẩm Mã - Yên Minh - Cổng trời Quản Bạ - TP Hà Giang
* Khoảng cách: khoảng 150km
- Đoạn này là đoạn có nhiều địa điểm đẹp nhất và tương đối gần nhau trong cả chuyến đi. Đường khá rộng và đẹp, trừ một số đoạn có đèo dốc quanh co, còn lại khá dễ đi. Thời gian di chuyển thoải mái nên có thể thong thả ngắm cảnh, checkin, nghỉ ngơi mà không lo bị gấp.
- Dọc đường có một số điểm có thể ăn trưa hoặc nghỉ ngơi là: Phố Cáo, Yên Minh, Cán Tỷ.
- TP Hà Giang tương đối sầm uất nên không khó để tìm được một chỗ nghỉ ngơi, ăn tối ưng ý.
d. Ngày 4:
* Tuyến đường: TP Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội
* Khoảng cách: 300km
- Khoảng cách không quá lớn nên hoàn toàn có thể đi thong thả về trong ngày. Nếu muốn có thể ghé thăm nghĩa trang Vị Xuyên để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ tổ quốc.
- Chú ý đoạn đường qua nhiều khu dân cư, trong đó có đoạn có cắm biển dân cư, có đoạn không. Một vài đoạn có cắm biển hạn chế 50km/h.
- Chú ý có nhiều chốt csgt trên dọc tuyến đường này.
4. Tổng kết:
- Tổng quãng đường: khoảng 950km
- Chi phí xăng: khoảng 1tr5
- Phí cầu đường: dưới 100k (1 trạm trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, 1 trạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai)
- Xe morning nhỏ nên việc di chuyển trên quãng đường dài, quanh co, nhiều đèo dốc sẽ khiến cho người ngồi trên xe không thoải mái (nhất là người ngồi hàng ghế sau). Tuy nhiên, vì là xe nhỏ nên cũng có lợi khi tránh vượt ở các đoạn đường hẹp, xấu
- Do xe thấp, cột A lớn nên việc quan sát gặp nhiều trở ngại đặc biệt là các khúc dốc cao và cua tay áo (vừa cua vừa dốc). Người lái sẽ phải ngó nghiêng nhiều khi vào các khúc cua này
- Lái xe cần chú ý quan sát mặt đường do đường có nhiều đoạn vừa nhỏ vừa xấu và có nhiểu ổ voi hoặc rãnh sâu do xe tải tạo nên. Thêm vào đó là các đoạn sạt lở hoặc rãnh nước ở taluy dương khá sâu và dốc đứng. Nếu xệ bánh xuống những chỗ này thì khả năng phải dừng hành trình là rất cao.
- Cần chú ý (nên bấm còi) khi vào khúc cua để tránh va chạm với phương tiện ngược chiều do đường nhỏ nên nhiều xe vào cua lấn hết phần đường ngược chiều với tốc độ cao. Các thanh niên trẩu người dân tộc hoặc các phượt thủ đi ẩu, phóng nhanh, lấn đường ở khúc cua diễn ra khá thường xuyên.
- Khi leo đèo nên để ý xe phía sau xem họ có muốn xin vượt hay không để tránh gây cản trở các xe phía sau vì morning yếu, không thể vọt nhanh được như xe khác.
- Nếu lên xuống đèo mà ngược chiều nắng thì cần chú ý tình huống "quáng nắng".
- Chú ý "nuôi đà" khi leo dốc. Điều này quan trọng nếu đi đủ tải.
- Trên đường có nhiều tảng đá lớn nằm bên vệ đường hoặc chiếm 1 phần đường xe chạy (có thể do sạt lở hoặc bên thi công đường bỏ sót lại). Cần chú ý quan sát để tránh xảy ra va chạm
- Những đoạn đường xấu hoặc có nhiều sống trâu, lái xe cần cân nhắc lựa chọn cách di chuyển vì gầm xe morning khá thấp, rất dễ bị sạt gầm
- Thời điểm hiện tại (12/2019), nhiều đoạn đường đang được cải tạo dọc tuyến QL4C, QL34 nên đường khá xấu và bụi.
- Nên cố gắng hết sức tránh đi đường đèo núi buổi tối
- Chú ý đổ xăng đầy đủ do nhiều đoạn dài chục km ko có cây xăng nào. Hết xăng giữa rừng là cảm giác rất thốn
Chúc các cụ có chuyến đi vui vẻ!
P/S: Trên đường từ Bảo Lâm đến Đồng Văn người dân tộc đi xe buổi tối không bật pha. Nếu có bật pha thì chỉ cần nháy đèn là họ hạ cốt ngay (kể cả ninja người dân tộc nhé). Gặp ông nào để pha, mình nháy mà không hạ thì y như rằng là xe biển 30, 88 hoặc 19. Có vẻ người dân tộc họ có văn hoá hơn mấy ông thành phố thì phải
)