Đây là một dãy núi, mà đỉnh cao nhất có chiều cao là 1.080 m (so với mực nước biển)[1]. Theo những dấu tích còn lại, thì hàng triệu năm trước, có thể núi Tà Lơn nằm sâu dưới đáy là biển. Rồi vì một tác động nào đó, khiến nó vươn mình ra khỏi biển như ngày nay. Bằng chứng là trên đỉnh núi có vô số khối đá bị nước biển ăn mòn, và cát ở nơi ấy cũng thật là trắng mịn [2].
Một nhóm người Việt cao tuổi đi trên lối mòn để lên đến đỉnh núi
Nhìn chung, khí hậu ở đây khá là mát mẻ. Tuy nhiên vào mùa khô, thời tiết trên đỉnh thường là "ngày nóng, đêm lạnh". Do vậy, cây cảnh trên đỉnh núi không thể cao lớn vì đất thiếu phân (đất thường lẩn cát đá) và thiếu nước (nhất là vào mùa khô). Đặc biệt, ở đây có nhiều cây bá tùng (lá của cây bách và cây tùng trên một cây), cỏ (mảnh và nhọn), địa lan [3] và cây "nắp nước" [4].
Bắt đầu từ năm 1917, người Pháp đã xây dựng ở đây các công trình, như nhà thờ, chùa chiền, nhà nghỉ, sòng bạc;...mà ngày nay phần lớn đã trở thành hoang phế. Trong thập niên 1990, người ta đã ví Tà Lơn (Bokor) như là "một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới" và là "thành phố ma" vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó [5].
Đối với một số người Việt và người Khmer, thì đây còn là ngọn núi thiêng, gắn liền với rất nhiều những truyền thuyết, huyền thoại. Tượng nữ thần Dì Mâu (gọi theo người Việt), tượng Ông Địa [6], chùa Năm Thuyền (Wat Sampov Pram)[7],...đều là nơi được đông đảo người Khmer đến cúng bái. Đối với một số người Việt, thì điện Tứ Giao[8], điện Minh Châu, Trung Tòa, Lan Thiên, cổng Bàn Ngự [9], v.v...đều là nơi linh thiêng. Ở thế kỷ 19-20, một số người Việt đã chọn ngọn núi ấy làm nơi tu luyện, hoặc đến vãn cảnh. Trong số đó có Nguyễn Thành Đa (Cử Đa, đạo hiệu là Ngọc Thanh), Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo), Ngô Văn Chiêu (khai sáng đạo Cao Đài)[10].
Hiện nay, người ta đã và đang biến núi Tà Lơn thành một nơi vui chơi[11], nghỉ dưỡng và hành hương. Nhiều công trình đang được xây dựng tại đây, trong đó có một con đường trải nhựa rộng, mà theo kế hoạch là sẽ lên tận đỉnh (nơi có điện Tứ Giao).
Wiki