LÀM COPYWRITER LÀ LÀM GÌ?
Mình thấy các bạn hay thắc mắc copywriter là gì? content writer là gì? Mỗi người viết cái gì, làm cái gì, lương cao thấp thế nào, vv...? Mình không rành content writer, mình cũng không muốn nêu ra các định nghĩa, càng định nghĩa càng mông lung khó hiểu, nhưng đây là những việc copywriter đúng nghĩa sẽ làm, các bạn tự so sánh với content writer để thấy sự khác biệt.
VIẾT.
Copywriter tất nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất là viết, bao gồm gần như tất cả mọi thứ trên đời, khó nhất là tagline còn gọi là slogan, kế đến là headline, rồi viết body copy cho print ad, viết script cho TVC, viral, viết quảng cáo radio cũng khá khó khăn, rồi viết brochure, leaflet, viết manifesto thì ít hơn, viết rationale để bán logo, idea, viết cái này cái kia, viết quảng cáo tuyển dụng, viết diễn văn thư ngỏ cho khách hàng, riêng Quạ đã từng viết cáo phó dùm khách hàng nữa, thời digital thì cũng bắt đầu viết post Facebook, nói chung là copywriter viết từ A tới Z.
NGHĨ.
Copywriter không chỉ viết mà còn phải nghĩ. Cái này sau vài năm còn quan trọng hơn là viết. Nghĩ idea cho print ad, TVC, viral, radio, campaign, nghĩ ambient idea, nghĩ innovative billboard, nghĩ tùm lum đủ thứ, nghĩ cách trưng bày cho siêu thị merchandising, nghĩ về cách tiêu tiền budget sao cho ngon bổ rẻ, khi khách có triệu đô thì nghĩ kiểu khác, khi khách nghèo phải nghĩ cho thật đơn giản, rẻ, copy lead ad cho đỡ tiền hình. Nói chung cũng nghĩ từ A đến Z.
LÀM.
Copywriter giỏi không chỉ nghĩ idea và viết mà còn làm. Làm được cái gì thì làm. Đi canh quay phim, đi thu voice, đi market check, đi focus group, đi site check, đi siêu thị dòm ngó, và nhiều thứ khác. Quạ đã từng cắt board dán giấy rất giỏi, giỏi nhất agency. Rồi làm mockup mấy cái bao bì trông y như thật, đóng cuốn brochure mấy chục trang không khác bản chính là mấy, làm layout, tùy năng khiếu về art đến đâu làm đến đấy, làm máy tính phần mềm thiết kế, hay cắt báo ra những gì cần để thể hiện cho idea rồi gián lên giấy A3, nói chung cũng làm từ A đến Z.
LÙNG.
Lùng sục tất cả mọi thứ. Xem quảng cáo để biết xưa nay ra sao, hay dở thế nào. Search tung Google. Rồi phải nhớ cái gì là cái gì, ở đâu, tìm ra sao, lưu thế nào. Tất cả được gọi là reference, cần là lấy ra cho khách hàng cho team xem để làm ví dụ minh họa. (Khâu này dễ bị lạm dụng trở thành ăn cắp idea, copy cat, có tâm hay không là ở chổ này).
HỌC.
Học viết, cái này đơn giản vì là nghề chuyên môn rồi. Học về art, nghệ thuật, cái này khó hơn. Học kiến thức. Học trường lớp. Học cả trường đời. Học mãi, học hoài. Học xem account làm gì, art làm gì, strategy là gì, marketing là gì, chó là gì, mèo là gì. Học tất.
CHỌT.
Sẽ có lúc copywriter giàu kinh nghiệm sẽ được yêu cầu chọt, đó là một sự giúp đỡ người khác. Chọt tao nghe xem layout vậy được chưa, mày có ý kiến gì không, có gợi ý gì không. Chọt xem strategy vậy nghe có lọt lỗ tai không. Chọt xem cái này ổn không, đẹp không, hay không. Mày có ý gì hay nói tao nghe sẽ cám ơn nhiều.
SHARE.
Theo kinh nghiệm của Quạ thì nếu bạn không share những cái hay cho người khác, người khác cũng sẽ không share những cái hay cho bạn. Giấu nghề, giấu những cái hay cho riêng mình là bất lợi. Share với nhau để biết nhiều hơn, kiểm tra kiến thức xem đúng không, test thử xem có thật là hay không hay chỉ là tưởng tượng nó hay. Những thằng giỏi mà không share không biết nói sao ta, giống như có tài mà thiếu đức. Tâm ích kỷ, người khô khan, chết mang xuống mồ cũng vậy thôi.
CHƠI.
Theo để ý thì thằng nào chơi nhiều sẽ biết nhiều. Có thể vận dụng vào công việc hoặc không nhưng nói chung là biết nhiều. Xem phim, nghe nhạc, chơi thể thao, nhậu, hút, gái, chơi đàn, tấu hài, chơi như dân chơi. Nói chứ muốn chơi cũng khó, kinh phí và đạo đức là những thứ cần cân nhắc trước khi chơi. Không có năng khiếu, không có gan thì tối thiểu cũng phải nhìn người ta chơi cho biết.
LƯƠNG.
Vì copywriter đúng nghĩa rất cực, vì những thằng giỏi khá hiếm, nên mức lương của chúng là cao. Thật giỏi, thật siêng, ngoan hiền vui vẻ sẽ có lương đến mức vài ngàn đô, cái này tế nhị không theo sát sao lắm.
LÊN.
Một ngày nào đó copywriter có thể lên creative director, đồng nghĩa với lương cũng lên. Đời lên hương. Có copywriter khéo mồm sẽ lên nhanh, ai giỏi nhưng nhút nhát, không khéo present, yếu tiếng Anh, hoặc đơn giản là không thích lên, thì cứ an vị làm senior copywriter đến già, vẫn hết sức được tôn trọng. Tùy duyên. Có copywriter còn giỏi gấp vạn mấy thằng creative director thùng rỗng kêu to, đụng chuyện mới biết.
HẾT.
Vẫn có cái chưa nhớ ra để viết vào đây, nhưng thôi tới đây là hết, để mọi người bổ sung thêm. Hy vọng giờ thì các bạn đã phân biệt được copywriter là gì, và tự so với content writer để thấy sự khác biệt. Thật ra đời phức tạp cứ thích chia ra, định nghĩa đi định nghĩa lại, chứ thật ra bạn chỉ cần làm hết cái list bên trên là ổn, bất kể người ta gọi bạn là cái qué gì. Agency chào đón. Cheers!
Chia sẻ của anh Sơn Quạ trong Cộng đồng copywriter.