Khi nhắc đến các Tỉnh của VN thấy mọi người hay gọi là "tỉnh lẻ". Đã có "tỉnh lẻ" thì chắc phải có "tỉnh chẵn", vậy TP chính là "tỉnh chẵn" à các cụ. Thế thì, người ở các Tỉnh gọi là "người tỉnh lẻ", còn người ở TP gọi là "người tỉnh chẵn" có được không các cụ mợ?
Mời các cụ mợ vào đây chặt chém hay gạch đá gì cũng được!
Em tìm thấy cái này các cụ ngâm cứu nhé
http://hoaigianghl.vnweblogs.com/print/5861/377078
"Tỉnh lẻ" và vài suy nghĩ về từ này
Wednesday, 15th August 2012
Hoài Giang vừa nhận đươc bài viết của bác Tạ Hữu Đỉnh về chuyện "Tỉnh lẻ" nhân bài viết của nhà văn Vi Thùy Linh "Quyến rũ một sức sống trung du" đăng trên trannhuong.com. HG xin đưa lên để các bạn đọc và suy ngẫm!
Trước khi các bạn đọc bài viết này HG xin kể ngắn một chuyện về chuyện nhà quê tỉnh lẻ đã diễn ra từ rất lâu rồi: Nghe nói ông nội của cô bé vốn là người vùng núi xa tít tận biên cương. Gần nửa cuộc đời ông cụ chỉ gắn với rừng núi, cỏ cây và muông thú trên rừng. Sau người con trai của cụ nhờ buôn bán mà thành khá giả và thế là kéo cả gia đình về thủ đô. Cô bé sinh ra ở thủ đô và cô chẳng hay biết gì bố mẹ và ông bà cô vốn là người dân tộc thiểu số sống ở miền núi . Cô cứ nghĩ mình là người thành phố có nòi có cội lâu đời ở thủ đô này. Cứ thấy ai nghèo khó, hay ở nơi xa đến cô đều chê là đồ nhà quê, đồ tỉnh lẻ. Lần ấy ông nội cô muốn dạy cho cô để cô bỏ cái thói khinh người, cụ liền lấy bộ quần áo dân tộc Nùng của cụ bấy lâu vẫn cất kỹ trong tủ ra mặc. Cụ ngồi trước cửa nhà quay lưng ra cửa chờ cháu đi học về. Cô cháu về thấy một ông già mặc quần áo chàm ngồi chắn lối đi, nó khó chịu lách người bước vào, nó hỏi mẹ nó đang nấu ăn trong bếp: Có ông dân tộc nhà quê nào đang ngồi ăn xin trước cửa nhà mình thế hả mẹ? Mẹ nó vờ như không biết gì: Mẹ mải nấu cơm nên không để ý, con ra đưa cho ông ấy mấy đồng tiền lẻ rồi mời ông ấy đi! Cô bé quay ra cửa hất hàm hỏi ông già: Ông ở nhà quê đói ra Hà Nội ăn xin à? Hình như ông là người dân tộc? Nó không thể nhận ra ông nội nó vì ông cụ ăn mặc khác lạ, lại đội chiếc mũ lá rách. Ông cụ bảo: Ông đi tìm người nhà mãi mà không thấy, giờ đói và mệt quá! Cháu có biết ông Quang người dân tộc Nùng sống ở Hà Nội này không? Cô bé há hốc mồm, ông Quang là ông nội nó. Nó gặng hỏi: Sao ông biết ông Quang? ông là thế nào với ông Quang? ông cụ bảo: Ông là anh ruột ông Quang, ông ở miền núi xuống đây. Cô bé kinh sợ khí thấy ông cụ người dân tộc ăn mặc lôi thôi lếch thếch ở tít tận đẩu tận đâu lại dám nhận là anh của ông nội mình. Nó lắc đầu nguây nguẩy: Cháu không biết, tiền đây ông cầm lấy rồi đi đi. Nói dúi vào tay ông cụ mấy đồng lẻ rồi bỏ vào nhà. Ông cụ bước ra hè rồi đi lẫn vào dòng người trên đường...
Bài: “Quyến rũ một sức sống trung du”, trên Trần Nhương com, của nhà văn Vi Thuỳ Linh có câu: “…Đỗ Ngọc Dũng là một trong không nhiều hoạ sĩ không sống ở thành phố lớn vượt thoát được tầm mức tỉnh lẻ…”.
Thiển nghĩ, trong tiếng Việt ta, khái niệm chẵn lẻ là một cặp phạm trù đối lập nhau, và cùng tồn tại trong sự đo đếm. Chẵn song hành với lẻ. Có lẻ tất có chẵn, và ngược lại. Còn lớn (to), đi đôi với nhỏ (bé). Nếu đã gọi Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là những thành phố lớn, thì các tỉnh còn lại trong cả nước phải là tỉnh nhỏ, chứ sao lại là “tỉnh lẻ”?
Song, ngôn ngữ của ta vốn đa dạng và nhiều ngữ nghĩa. Tỉnh nhỏ là từ ngữ chính quy, được sử dụng trong các tài liệu, văn bản quốc gia, và mọi trường hợp thông thường trong đời sống hằng ngày như họp hành, học tập và giao tiếp… Còn cái từ “tỉnh lẻ”, tuy cũng được hiểu là tỉnh nhỏ, nhưng chỉ được sử dụng hạn chế trong những trường hợp, hoàn cảnh nào đó mà người sử dụng muốn gói cả cái ý coi thường, không nể trọng vào trong đó (Thường là của người ở thành phố lớn). Cũng như những người ở phố phường thường chê người ở thôn quê là: “Quê mùa, cục mịch”, “Quê một cục”. Hay như thời xưa, thời kinh tế quan liêu bao cấp, người ta không gọi những người còn ở ngoài hợp tác xã là người làm ăn “cá thể”, mà gọi là: “bọn cá lẻ”. Không gọi người làm nghề buôn bán là lái buôn, mà gọi là “con buôn”, “con phe” để chê bai, châm biếm.
Cháu tôi nghỉ hè, lên Hà Nội học thêm tiếng Anh, ở nhờ gia đình người bác. Cháu mặc cái áo thể thao, in hai chữ Quảng Ninh. Bác gái bảo: “Thay cái áo đi, đừng mặc cháu ạ!”. Bác không giải thích vì sao. Nhưng cháu đoán biết: Bác sợ cháu ra ngoài phố, trông thấy hai chữ Quảng Ninh, bọn ăn cắp sẽ bâu đến. Hoặc cháu có tiêu pha mua sắm gì, dễ bị người ta bắt chẹt giá.
Nhà văn Vi Thuỳ Linh khen tranh của hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng: “đã vượt thoát được tầm mức tỉnh lẻ”. Vậy xin hỏi cái tầm mức tỉnh lẻ ấy, cụ thể là cái gì? Và dựa vào đâu, căn cứ vào những tiêu chí nào để biết đó là “tầm mức tỉnh lẻ”? Hay: “… sự tri trệ, buồn tẻ, lạc hậu…” mà nhà văn đã viết để khen hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng “đã vượt thoát được”, đó chính là tiêu chí, là biểu hiện, là nét đặc trưng để nhận ra cái mặt của “tỉnh lẻ”? Hay là người ở : “tỉnh lẻ” thì tầm nhìn, kiến thức, tài năng và sản phẩm của họ làm ra đều ở tầm mức thấp kém, nhỏ nhoi, heo hút và buồn tẻ như bạt đất, nơi họ đang sinh sống, nếu ai đó không vượt thoát được căn bệnh “tỉnh lẻ”? Còn người ở thành phố lớn, do không bị cái “tầm mức tỉnh lẻ” chi phối, cho nên sản phẩm của họ làm ra, đương nhiên là đẹp hơn, hay hơn, tốt hơn, giá trị hơn sản phẩm cùng loại, và tài năng cùng tầm của người ở “tỉnh lẻ”. Nếu người đó không vượt thoat được “cái vòng kim cô tỉnh lẻ”.
Nếu đúng như vậy thì chúng ta cũng có thể hiểu rằng, tranh của tất cả các hoạ sĩ đang sinh sống ở các tỉnh nhỏ trong cả nước, nếu ai không có khả năng vượt thoát được như hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng, thì giá trị tác phẩm của họ mặc nhiên đều có: “sự trì trệ, buồn tẻ, lạc hậu”, do vậy mà thấp kém về giá trị nghệ thuật.
Và cũng trên quan điểm nhìn nhận, đánh giá về sự khác biệt giữa thành phố lớn và tỉnh nhỏ trên kia, chúng ta thử đưa vấn đề đang bàn đây, đi xa hơn một chút, ra ngoài biên giới nước ta xem. Tự nhiên sẽ thành ra chuyện nước lớn và nước nhỏ. Người ở nước lớn, khác người ở nước nhỏ. Và cái sự khác đó có thể là người ở nước lớn thông minh hơn, giỏi giang hơn và cao quý hơn người ở nước nhỏ. Và nước lớn, lớn hơn nước nhỏ, nếu không phải là tất cả, thì cũng hơn rất nhiều mặt, nhiều thứ, mà trong đó chắc bao gồm cả hội hoạ.
Vậy là “tín đồ” của chủ nghĩa Sô vanh (Nicolas Chauvin) - nước lớn ở đâu và thời nào cung có.
Sách “Lịch sử chống Nguyên Mông”, có một tiểu tiết rất đặc trưng, đặc hữu của kẻ mạnh. Đó là, khi bon xâm lược Nguyên Mông tiến vào nước ta, chúng đem theo cả một đội quân hầu đông gấp bội số quân chiến đấu. Cứ mỗi tên lính Nguyên, thì có hai tên lính hầu người Hán (Trung Quốc) đi theo. Một tên hầu con ngựa của tên lính Nguyên. Chăn ngựa, cắt cỏ cho ngựa, tắm cho ngựa, đóng móng ngựa và hót phân cho ngựa. Còn một tên, hầu tên lính Nguyên. Sáng ông chủ dậy, thằng hầu phải gấp chăn. Ông chủ rửa mặt, thằng hầu phải bê nước. Ông chủ tắm, thằng hầu phải giặt quần áo. Ông chủ ăn, thằng hầu phải rửa bát. Và, và…nếu ông chủ đi “đại tiện”, thì thằng hầu phải đi đổ bô!
Thế mà thời ấy nước Tầu vẫn như bao giờ, to lớn hơn Mông Cổ rất nhiều lần. Chắc thời gian ấy, chủ nghĩa nước lớn bị thoái trào trâm trọng trên toàn bộ lục địa Trung Hoa!
Đó, đâu phải cứ thành phố lớn, nước to thì cái gì cũng hơn.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, thành phố lớn, nhất là thủ đô, là nơi trung tâm kinh tê và văn hoá, là đầu não của cả nước, nơi tập trung nhiều nhân tài, nhiều công trình văn hoá, nhiều cơ sở vật chất quan trọng về quốc kế dân sinh. Cho nên cư dân ở các thành phố lớn được hưởng cuộc sống có chất lượng cao hơn, và có điều kiện để học tập tốt hơn, rộng hơn cư dân ở các tỉnh nhỏ…
Còn về tài năng con người, thì thủ đô và các thành phố lớn cũng không phải là nơi sản sinh ra được nhiểu nhân tài hơn các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn. Có lẽ còn ngược lại. Các vị Tiến sĩ được lưu danh trên 82 tấm bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hầu hết đều xuất thân ở các làng quê, các tỉnh nhỏ, chứ có mấy vị là người kẻ chợ, người thành phố đâu.
Rồi cả 18 vị Quận công trong lịch sử nước ta, họ đã từ một làng Đại Lộc, Ý Yên, Nam Định mà đi lên kinh đô chiếm bảng vàng, chứ các vị ấy có đi ra từ một thành phố nào đâu.
Thiển nghĩ, trong văn học nghệ thuật, chỉ có tác phẩm hay và tác phẩm dở, chỉ có tác phẩm đẹp và tác phẩm xấu, chứ không có văn học nghệ thuật cấp thành phố lớn, và cấp “tỉnh lẻ”.
Thưa nhà văn Vi Thuỳ Linh, tôi là một người đọc, nói theo kiểu người đương thời, thì còn tồn tại nhiều bất cập trong kiến thức, rất mong được nhàn văn chỉ bảo cho, tôi xin cảm ơn
TP Uông Bí, ngày 20 - 7 – 2012
THĐ