Xu hướng các hãng chế tạo ôtô ngày càng thu gọn kích thước động cơ (giảm dung tích xi lanh, giảm kích thước, trọng lượng), nhưng tăng cao công suất. Phương pháp giải quyết là không khí nạp vào động cơ được nén với áp suất cao bằng máy nén - turbo.
Turbo tăng áp được sử dụng trước tiên trên động cơ diesel. Thế hệ đầu tiên lắp trên xe vận tải quân sự Mỹ của hãng GMC gọi là turbo charger. Luồng không khí xả được dẫn động thổi vào 1 bộ cánh rotor trục thẳng đứng liền với hệ thống ống xả đặt bên kính trước tài xế. Bộ turbo kích thước to, tiếng hú gió rất lớn... Các thế hệ turbo ra sau được thu gọn lại và đặt trong nắp capo, ngay sau cổ góp thoát. Kỹ thuật bôi trơn turbo cùng với công nghệ hóa dầu (nhớt) ngày càng hiện đại (dầu tổng hợp) thay đổi hiệu năng và tuổi thọ turbo rất nhiều. Tuy nhiên nó vẫn có nhược điểm là phản ứng tức thì với chân ga (trong các trường hợp đuối đà của xe) không nhanh, tức có độ trễ lớn. Các hãng xe của Đức đã khắc phục nhược điểm đó bằng cách thiết kế 2 turbo (BMW) có tính năng lệch pha, một pha nhanh - ga lớn, một pha chậm - ga nhỏ gọi là biturbo. Sau một thời gian, Audi phát triển turbo siêu nạp super charger bằng cách gắn nối tiếp một turbo điện trên đường nạp của động cơ, triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng trễ. Tuy nhiên phải nâng cấp hệ thống điện đủ lớn để tải turbo, loại này khi mới sử dụng rất tốt, nhưng khi cũ, hư hỏng sửa chữa, thay thế khó khăn.
Nguyên lý turbo trên động cơ xăng tương tự nhu vậy, do đó chắc chắn nếu là tăng áp thì động cơ phải phun xăng, chỉ khác là áp suất nén nhỏ hơn so với động cơ dầu vì tỷ số nén máy xăng nhỏ hơn máy dầu, không cần ép lớn tới mức tự phát cháy như dầu, vẫn có bugie nẹt tia lửa điện để phát nổ. Công suất động cơ xăng có tăng áp được nâng lên rất nhiều bởi phát huy ưu điểm "nạp đầy đốt sạch", bên cạnh các công nghệ mới, đặc biệt là phun xăng điện tử đa điểm. Phun xăng điện tử truyền thống là phun đúng thời điểm piston gần tử điểm thượng 1 góc π=5-15 độ tùy hãng (nạp sớm). Phun đa điểm là số lần phun nhiều hơn, lần phun sớm có tác dụng "mồi" cho lần phun chính. Kết quả nâng cao hiệu suất nhiệt (hsn) động cơ. Phun xăng điện tử truyền thống có hsn khoảng 38-39%, phun đa điểm lên tới 42% (hsn ở động cơ diesel 45%).
Ở mọi trường hợp, các kỹ sư thiết kế đã tính toán độ bền cơ học động cơ để thừa chịu tải với hệ số an toàn bền theo thời gian, trước nhất là cụm piston, ắc, thanh chuyền, tay biên, trục khuỷu... độ bền động cơ hút khí tự nhiên đã được kiểm chứng qua thực tế thời gian dài, còn động cơ tăng áp cần có thời gian trải nghiệm vì hệ số an toàn bền theo thời gian mỗi hãng thiết kế một khác theo quan điểm thiết kế riêng của mình.