Mỹ đang chạy đua ngăn Israel phát động cuộc chiến tổng lực chống Hezbollah ở Lebanon, nhưng vẫn
phải duy trì viện trợ quân sự vô điều kiện cho Tel Aviv.
Cái bôi đen nó sao sao ấy nhỉ !!!
Mỹ đang chạy đua ngăn Israel phát động cuộc chiến tổng lực chống Hezbollah ở Lebanon, nhưng vẫn phải duy trì viện trợ quân sự vô điều kiện cho Tel Aviv.
vnexpress.net
Mỹ đang chạy đua ngăn Israel phát động cuộc chiến tổng lực chống Hezbollah ở Lebanon, nhưng vẫn phải duy trì viện trợ quân sự vô điều kiện cho Tel Aviv.
Các cuộc giao tranh biên giới giữa Israel và Hezbollah, nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, đang tăng nhiệt, làm dấy lên lo ngại bùng phát cuộc chiến tranh toàn diện có thể nhấn chìm cả khu vực.
Hezbollah bắt đầu bắn phá vùng biên giới phía bắc Israel kể từ sau khi xung đột Gaza bùng phát tháng 10/2023. Nhóm vũ trang này, được cho là có kho vũ khí hơn 150.000 tên lửa và rocket, nhiều lần tuyên bố ủng hộ người Palestine và nhấn mạnh giao tranh biên giới chỉ dừng lại khi xung đột Gaza chấm dứt.
Căng thẳng mới giữa Israel và Hezbollah xảy ra cuối tuần qua, khi Tel Aviv cáo buộc nhóm vũ trang Lebanon tập kích sân bóng ở Cao nguyên Golan khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng. Ngoại trưởng Israel cho hay cuộc tấn công "vượt qua mọi lằn ranh đỏ", nói rằng thời điểm chiến tranh toàn diện chống Hezbollah và Lebanon đang đến gần.
Hezbollah phủ nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, dù thừa nhận tập kích mục tiêu quân sự Israel ở Cao nguyên Golan cùng ngày.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này nói Israel có quyền bảo vệ công dân và Washington quyết tâm đảm bảo Tel Aviv có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo Tổng thống Israel Isaac Herzog về việc leo thang cuộc chiến với Hezbollah.
Sau khi quan chức Israel cảnh báo về khả năng phát động chiến tranh khiến Lebanon "trở lại thời kỳ đồ đá", chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường nỗ lực ngoại giao để xoa dịu căng thẳng và ngăn nguy cơ xung đột lan rộng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo cuộc chiến có thể gây ra "hậu quả khủng khiếp cho Trung Đông".
Một quả đạn pháo được cho là chứa photpho trắng phát nổ phía trên tòa nhà ở làng al-Bustan, Lebanon, giáp biên giới Israel ngày 15/10/2023. Ảnh:
AP
Cuộc chiến nếu bùng phát có thể leo thang thành xung đột quy mô lớn bao trùm Trung Đông, bởi nó liên quan tới Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, theo giới quan sát. Nó cũng sẽ đẩy Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi cả Lebanon lẫn Israel đều là đối tác, đồng minh của nước này.
Washington đã rót hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Beirut, đào tạo hàng chục nghìn lính Lebanon và triển khai một đơn vị biệt kích ủy nhiệm do lực lượng đặc nhiệm Mỹ điều hành trong nhiều năm.
Bất chấp những hỗ trợ đó của Mỹ, Hezbollah vẫn là lực lượng thống trị ở Lebanon và có ảnh hưởng đáng kể tới chính phủ nước này. Ngoài sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân ở miền nam và đông Lebanon, Hezbollah cũng nhận được hậu thuẫn từ nhiều nước Arab do nỗ lực đối đầu của họ với Israel, theo giới quan sát.
Mỹ cũng đã góp phần gián tiếp gia tăng ảnh hưởng của nhóm, theo Erik Sperling, giáo sư Đại học Stanford. Sperling cho rằng chính hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel trong cuộc xung đột Gaza đã củng cố các nhóm như Hezbollah, khi họ tăng cường phản đối hành động của Washington và Tel Aviv.
Tại miền nam Lebanon, các cuộc đấu pháo, tập kích qua lại giữa Hezbollah với Israel gần đây đã khiến nhiều thị trấn và làng mạc bị bỏ hoang hoặc phá hủy. Hơn 1.900 người thương vong, trong đó 466 người thiệt mạng, và gần 100.000 cư dân phải rời bỏ nhà cửa, theo Liên Hợp Quốc.
Tháng trước, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc Israel sử dụng đạn pháo chứa photpho trắng tấn công mục tiêu dân sự ở miền nam Lebanon. Những người ủng hộ nhân quyền cho biết theo luật pháp quốc tế, sử dụng photpho trắng ở những nơi đông dân là tội ác. Photpho trắng có thể gây cháy nhà hoặc khiến người tiếp xúc bị bỏng sâu tới xương. Những người dù bị vết bỏng nhỏ cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng, suy hô hấp hoặc suy tạng.
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah có thể dẫn tới "thảm họa" nghiêm trọng hơn nhiều đối với người dân Lebanon, theo Seth Binder, thành viên Trung tâm Dân chủ Trung Đông ở Mỹ.
Lebanon đã rơi vào khủng hoảng từ trước khi nổ ra xung đột Gaza. Đại dịch Covid-19, tỷ lệ dân nhập cư lớn, tham nhũng và vụ nổ kho chứa phân bón ở cảng Beirut năm 2020 càng khiến đất nước này thêm điêu đứng.
Nền kinh tế sụp đổ, với GDP giảm từ 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 31,7 tỷ USD năm 2020. Đây được xem là một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất lịch sử hiện đại. Khoảng 80% dân số Lebanon hiện nay sống trong cảnh nghèo đói.
Báo cáo của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ gần đây tóm tắt tình hình ở Lebanon là đất nước "đã đứng bên bờ vực trở thành quốc gia thất bại từ trước xung đột Gaza. Điều này tác động tiêu cực đến năng lực của Lực lượng Vũ trang Lebanon và khả năng ngăn chặn các mối đe dọa khu vực, gồm cả Hezbollah".
Đầu tháng này, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đe dọa tấn công các khu vực mới ở Israel nếu Tel Aviv không ngừng gây tổn hại cho thường dân ở miền nam Lebanon.
"Tên lửa sẽ nhắm vào các khu định cư của Israel, những nơi chưa từng bị tấn công. Nếu xe tăng Israel tới Lebanon, họ sẽ không còn xe tăng nào nữa", ông tuyên bố.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cảnh báo Israel không phát động chiến tranh với Hezbollah. "Khôi phục hòa bình dọc theo Đường Xanh là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, đồng thời phải là điều quan trọng nhất đối với cả Lebanon và Israel", một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Đường Xanh (Blue Line) là đường phân chia ranh giới giữa Lebanon với Israel và khu vực Cao nguyên Golan mà Tel Aviv kiểm soát, được Liên Hợp Quốc xác lập ngày 7/6/2000.
Vị trí Israel, Lebanon và Đường Xanh. Đồ họa:
FT
"Các cuộc giao tranh dọc theo Đường Xanh giữa Israel và Hezbollah đã diễn ra đủ lâu. Các bên đều cần nhanh chóng tìm cách giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao. Chúng tôi tin rằng giải pháp ngoại giao có thể nhanh chóng đạt được", quan chức này nói.
Mỹ đảm bảo với các lãnh đạo Israel rằng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự, ngay cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện với Hezbollah. Kể từ khi xung đột Gaza bắt đầu, Mỹ đã lên án hành động ném bom bừa bãi của Israel và thúc giục đồng minh có biện pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Tuy nhiên, sự ủng hộ của họ dành cho Tel Aviv gần như không suy suyển bất chấp xung đột khiến hơn 39.000 người ở Gaza thiệt mạng, hơn 89.000 người bị thương và 90% dân số phải rời bỏ nhà cửa.
"Sự hỗ trợ gần như vô điều kiện mà Mỹ cung cấp cho Israel trong 9 tháng qua không chỉ dẫn tới thảm kịch ở Gaza, mà còn cho phép Israel leo thang căng thẳng với Hezbollah và nguy cơ khiến xung đột lan rộng", Binder nói.
Lịch sử ở Lebanon có nhiều liên quan tới Mỹ. Năm 1958, thủy quân lục chiến Mỹ từng mở chiến dịch can thiệp nhằm ngăn cuộc nổi dậy ở Lebanon. Năm 1983, khi Lebanon đang chìm trong nội chiến kéo dài 15 năm, các vụ đánh bom đại sứ quán và doanh trại lính Mỹ ở Beirut đã khiến hơn 300 người thiệt mạng. Mỹ đổ lỗi cho Hezbollah về các cuộc tấn công và từ lâu liệt nhóm này vào danh sách khủng bố.
Trong nhiều năm, Mỹ đã rót tiền cho quân đội chính phủ Lebanon để tạo ra đối trọng với Hezbollah. Báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ gọi Lebanon là "đối tác an ninh hàng đầu". Kể từ năm 2006, Mỹ cung cấp hơn 5,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho Lebanon, trong đó có 3 tỷ viện trợ quân sự.
Chính phủ Mỹ cũng tạo điều kiện cho Lebanon mua gần 2 tỷ thiết bị quân sự gồm máy bay tấn công hạng nhẹ, trực thăng và tên lửa Hellfire. Washington cung cấp cho Beirut 130 xe bọc thép và phương tiện chiến thuật. Năm 2016-2021, Mỹ xuất khẩu hơn 82 triệu USD thiết bị quân sự tới Lebanon, gồm 12 triệu USD "súng và các mặt hàng liên quan".
"Hỗ trợ an ninh của Mỹ dành cho Lebanon khá lớn", Binder nói. "Tuy nhiên, đất nước này vẫn bất ổn và lực lượng an ninh do Mỹ hậu thuẫn vẫn không thể trấn áp hoạt động của Hezbollah ở trong nước và khu vực".
Hệ thống Vòm Sắt của Israel ở vùng Thượng Galilee đánh chặn rocket phóng từ miền nam Lebanon ngày 15/7. Ảnh:
AFP
Ngoài viện trợ quân sự, Mỹ cũng duy trì hiện diện quân sự nhỏ ở Lebanon. Trong nhiều năm, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến bí mật ở Lebanon chống lại các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al Qaeda, theo tướng Mỹ về hưu Joseph Votel, người từng giám sát nỗ lực này.
Trong báo cáo "Quyền lực chiến tranh" trình quốc hội hồi tháng 6, Tổng thống Biden lưu ý khoảng 75 nhân viên quân sự Mỹ được triển khai ở Lebanon để "tăng cường khả năng chống khủng bố của chính phủ và hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố của lực lượng Lebanon".
Mỹ đã huấn luyện hơn 32.000 binh sĩ Lebanon, trong đó có 6.000 người được đào tạo tại Mỹ từ năm 1970.
Bài toán hiện tại của Mỹ là tìm cách ngăn xung đột Israel - Hezbollah leo thang thành chiến tranh toàn diện, nếu không nó sẽ dẫn tới hậu quả không mong muốn cho cả Washington. Thử thách càng lớn hơn sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở thủ đô Tehran của Iran, gây ra làn sóng giận dữ trong thế giới Arab.
Israel chưa lên tiếng về vụ ám sát Haniye, nhưng Hamas đã ám chỉ rằng Tel Aviv đứng sau sự việc và thề sẽ báo thù, bất chấp cái giá phải trả lớn đến mức nào. Hamas là đồng minh của Hezbollah và nhiều khả năng hai nhóm này sẽ phối hợp để có hành động trả đũa.
"Chiến tranh không chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn theo cấp số nhân. Nó có nguy cơ xảy ra xung đột lan rộng, gây tổn thất lớn cho người dân khu vực và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ", Binder nói.