"Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"
Văn Thiên Tường
Đế quốc Mông Cổ, từ Thành Cát Tư Hản và đến khi Hốt Tất Liêt, thu phục Trung Quốc năm 1280, là đế quốc rộng lớn nhất, tự cổ chí kim. Nhà Nam Tống (1127-1279), những năm sau cùng, cũng như các quốc gia lân cận khác, đã phải chiến đấu ác liệt và cam go với quân của Hốt Tất Liêt (1216-1294), rút cục thảm bại trước nhà Nguyên (1279-1368). Và những trang sử cuối của nhà Tống tuy bi thảm, nhưng oanh liệt, đặc biệt với Tống vong tam kiệt.
Năm 1279, trong trận hải chiến sau cùng ở đảo Nhai Sơn (Quảng Đông), và sự kiện này, học giả Nguyễn Hiến Lê, trong quyển Sử Trung Quốc, chương 5.B-Nam Tống, viết:
http://vnthuquan,net/diendan/tm.aspx?m=54721
- Tể tướng Lục Tú Phu, “không thể chống cự được nữa, cầm kiếm xua hết cả vợ con phải gieo mình xuống biển, rồi cõng vua Tống Quảng Vương nhảy theo…”
- Thống tướng Trương Thế Kiệt “chưa thất vọng, dò đường thuỷ qua Việt Nam , mưu sự khôi phục, nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết”.
- Và Tống vong tam kiệt, lúc đó, chỉ còn lại có Văn Thiên Tường đang bị Hốt Tất Liệt cầm tù tại Yên Kinh (Bắc Kinh).
Văn Thiên Tường (1236-1283), sinh tại tỉnh Giang Tây, nhưng gốc lâu đời ở tỉnh Tứ Xuyên, Ông đỗ đầu kỳ thi Tiến sĩ năm 1256, và sau đó giữ chức Hình bộ Thượng Thư, rồi Tể tướng, đời nhà Tống... Năm 1205, Thiết Mộc Chân, tức Thành Cát Tư Hản (1162-1127), từ Mông Cổ đã đưa quân đi chinh phục tận các miền xa xôi trên thế giới, đến tận vùng Ba Tư và một phần châu Âu, về sau đến đời cháu nội là Hốt Tất Liệt, do sự thất bại khi chiếm vùng đất rộng lớn, nên dồn về lại chinh phục toàn bộ Trung Quốc và các nước láng giềng, Miến Điện, Nhật, Viêt Nam, Chiêm Thành, Nam Dương… trong kế hoạch mười năm từ 1268-1279. Khi quân Nguyên tràn xuống phương Nam và bao vây Lô Lăng năm 1275, Văn Thiên Tường được lệnh vua Tống là Tống Triệu La, ra thương thảo với địch quân, không may, bị đám tiền quân địch giữ lại, nhưng ông đã trốn thoát được và chạy về Ôn châu (tỉnh Triết Giang) tiếp tục chiến đấu. Năm 1278, tại Hải Phong (Quảng Đông) ông thua trận và bị bắt. Ông tự tử hai lần, nhưng được cứu thoát. Tướng Nguyên bắt ông viết thư kêu gọi quân Tống đầu hàng, nhưng ông từ chối.
Tháng tư năm 1279, ông bị dẫn về (đi đường mất nửa năm) kinh đô Nguyên là Đại đô (Bắc kinh). Là người Mông cổ, nên Hốt Tất Liệt muốn dùng Văn Thiên Tường, làm lại Tể tướng, để dễ cai trị người Hán, vì dân Trung quốc lúc đó là 100 triệu người, mà Mông cổ chỉ có một triệu, nhưng ông từ chối. Ba năm sau (1283 ) vua Nguyên, vào tận nhà giam, gặp ông và hỏi: Tại sao không đồng ý ? Văn Thiên Tường trả lời: Tôi đã tận tụy phục vụ đất nước tôi, tiếc thay nay không còn cơ hội . Tôi không muốn nói gì thêm nữa và mong chỉ muốn được chết ngay mà thôi. Thế là, ngay hôm sau Hốt Tất Liêt đã cho lệnh hành hình. Vợ ông cũng bị giam tại đây, khi hay tin đã nói: Chồng tôi là tôi trung nước Tống, tôi không phản bộ chồng tôi .Và đã dùng dao cứa cổ tự sát. Sau này, Hốt Tất Liệt đã lấy làm tiếc về hành động vội vã này và thương tiếc người tôi trung nhà Tống, mà mình không xử dụng được. Nhà viết sử phương Tây William Durant, lên án cuộc hành hình man rợ này. Từ ngày bị quân Nguyên bắt, cho đến khi chết, Văn Thiên Tường đã ở trong ngục tù khoảng hơn 4 năm.
Năm thứ ba ở trong nhà lao của vua Nguyên, ông đã viết tuyệt phẩm Chính Khí Ca (Ode to the Noble Spirit), lưu lại hậu thế. Đầu bài thơ này, có đoạn mở đầu “tịnh tự” nói hoàn cảnh và lý do ông viết bài thơ này, như sau:
"Tôi đang bị giam tại một nhà tù ở phía Bắc, phòng giam bằng đất, rộng khoảng mét 2 mét, chiều dài khoảng 4 mét, lui tới mấy bước, phòng trống mà chật, nền thấp và ẩm; Bây giờ đang mùa hè, khí nóng dồn lên, trên dưới bốn bề, đứng ngồi không yên.
Gặp lúc thuỷ khí, lại bê bết bùn, hơi lạnh bốc lên,
Gặp lúc thổ khí, càng nắng càng nóng, bốn bề không gió,
Gặp lúc nhật khí, nhà như lò nung, càng nóng dữ dội
Gặp lúc hỏa khí, ngán cơm tù thối, đày ải con người.
Gặp lúc mễ khí, đôi vai cáu bẩn, mồ hôi nhể nhại
Gập lúc nhân khí, mùi hôi lẫn lộn, như chuồng xí, chuồng tiêu, chuột chết, khí độc toả ra.
Gặp lúc uế khí, chừng đó khí xông lên, chuyện cũng bình thường, nhưng người càng yếu đi, nằm sấp nằm ngửa, đã hai năm rồi, cũng không sao cả. vì trước kia đã có luyện tập, nên giờ được thế thôi. Mạnh Tử nói: “Tôi un đúc khí hạo nhiên của tôi”. Khí; có bảy loại, tôi chỉ có một, một chống bảy, có ngại lắm không? Nhưng khí hạo nhiên ấy, vốn cũng từ trời đất vậy thôi. Nên chi từ đó, trộm làm bài Chính Khí Ca này vậy.
Chính khí ca
Văn Thiên Tường
Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạc
Thượng tắc vi nhật tinh
Ư nhân viết hạo thiên
Bái hồ tắc thương minh
Hoàng lộ đương thanh di
Hàm hòa thổ minh đình
Thì cùng tiết nãi hiện
Nhất nhất thùy đan thanh.
Tại Tề Thái Sử giản
Tại Tấn Đổng Hồ bút
Tại Tần Trương Lương chùy
Tại Hán Tô Vũ tiết
Vi Nghiêm tướng quân đầu
Vi Kê thị trung huyết
Vi Trương Thư Dương xỉ
Vi Nhan Thường Sơn thiệt
Hoặc vi Liêu Đông mạo
Thanh tháo lệ băng tuyết
Hoặc vi Xuất sư biểu
Quỷ thần khấp tráng liệt
Hoặc vi độ giang tiếp
Khảng khái thôn Hồ Yết
Hoặc vi kích tặc hốt
Nghịch thụ đầu phá liệt
Thị khí sở bàng bạc
Lẫm liệt vạn cổ tồn
Đương kỳ quán nhật nguyệt
Sinh tử an túc luân
Địa duy lại dĩ lập
Thiên trụ lại dĩ tôn
Tam cương thực hệ mệnh
Đạo nghĩa vi chi căn.
Ta dư cấu dương cứu
Lệ dã thực bất lực
Sở tù anh kỳ quan
Truyền xa tống cùng bắc
Đỉnh hoạch cam như di
Cầu chi bất khả đắc
Âm phòng khích quỷ hỏa
Xuân viện bí thiên hắc
Ngưu ký đồng nhất tạo
Kê thê phượng hoàng thực
Nhất triêu mông vụ lộ
Phân tác câu trung tích
Như thử tái hàn thử
Bách lệ tự tích dịch
Ai tai thư như trường
Vi ngã an lạc quốc
Khởi hữu tha mậu xảo
Âm dương bất năng tặc
Cố thử cảnh cảnh tại
Ngưỡng thị phù vân bạch
Du du ngã tâm bi
Thương thiên hạt hữu cực
Triết nhân nhật dĩ viễn
Điển hình tại túc tích
Phong thiềm triển thư độc
Cổ đạo chiếu nhan sắc.
Dịch:
Bài ca chính khí
Bản dịch: Quốc Thái
Trời đất có chính khí
Phân hình thể khác nhau
Dưới hóa ra sông núi
Trên biến thành trời sao
Nơi người, "Hạo Nhiên" khí
Dâng tỏa khắp trời xanh
Gặp lúc thanh bình chỉ
Êm đềm và trọn lành
Khốn cùng mới rõ tiết
Thảy trọn nét đan thanh
Sử Tề ghi thẻ thắm
Bút Ðổng Hồ lưu danh
Chùy Trương Lương rửa hận
Cờ Tô Vũ dãi dầu
Ðầu Nghiêm Nhan bất khuất
Máu Kê Thiệu đẫm bào
Răng Thư Dương mắng giặc
Lưỡi Thương Sơn không sờn
Mũ Liêu Ðông ẩn sĩ
Trong sạch, tuyết không hơn
Khi là Xuất Sư Biểu
Hào khí cảm quỷ thần
Khi mái chèo Tổ Ðịch
Quyết thề chôn quân Hồ
Khi là hốt đánh giặc
Ðầu phản nghịch vỡ rời
Khắp nơi nơi, bàng bạc
Khí lẫm liệt muôn đời
Khi khí tràn nhật nguyệt
Cuộc tử sinh nhẹ hời
Khí dựng nên giềng đất
Khí làm cao cột trời
Tam cương là sinh mạng
Ðạo nghĩa là cội nguồn
Ta, lúc lâm nguy khốn
Bộ hạ chẳng ra hồn
Nên tù binh cam phận
Bị giải tận bắc phương
Vạc dầu sôi vị ngọt
Cầu mãi, trời không thương
Phòng giam ngập lửa quỉ
Viện xuân che tối trời
Bò, ngựa ăn chung máng
Phượng, gà nay sánh đôi
Chịu sương mù một sáng
Trong rạch thành sương khô
Trải hai mùa nắng lạnh
Trăm bệnh vẫn chưa vô
Thương thay, chốn ẩm thấp
Là nơi ta yên vui
Nào phải lo né bệnh
Tử thần sao chẳng mời ?
Lòng vẫn còn trong sáng
Trông mây trắng nổi trôi
Lòng thấy buồn man mác
Hiểu ta không, trời ơi !
Triết nhân ngày lại vắng
Gương xưa giờ im hơi
Gió bên hiên mở sách
Ðạo xưa soi mặt người
Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (không đầy đủ)
Trời đất có chính khí
Lẫn lộn trong các hình
Dưới đất là sông núi
Trên trời là nhật, tinh.
Tại người là hạo nhiên
Vũ trụ đầy anh linh
Khí hoà nhã trước sân
Là gặp lúc thanh bình
Thời cùng cao tiết hiện
Nhất nhất ghi sử xanh.
Ở Tấn, bút Đổng Hồ
Ở Tề, thẻ thái sử
Ở Tần, dùi Trương Lương
Ở Hán, cờ Tô Vũ
Là đầu Nghiêm tướng quân
Là huyết Kê thị trung
Là răng Trương Tuy Dương
Là lưỡi Nhan Thường Sơn
Hoặc là mão Liêu Đông
Tiết trong hơn băng, tuyết.
Hoặc là biểu xuất sư
Quỷ thần khóc tráng liệt
Hoặc gõ chèo qua sông
Khẳng khái nuốt rợ Hiệt
Cầm hốt đập bể sọ
Nghịch tặc phải rên siết.
Khi ấy nó bàng bạc
Lẫm liệt vạn cổ còn"
Will Durant khen khí tiết của ông.
"Trong một đoạn văn vào hàng nổi danh nhất của Trung Hoa, Văn Thiên Tường viết: "Ngục của tôi chỉ có hai con ma trơi chiếu sáng, không một ngọn gió nào thổi vào chỗ tối tăm, tịch liêu này cả.....Sống trong sương mù và trong không khí ẩm thấp, tôi thường nghĩ rằng sắp chết tới nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lảng vảng chung quanh tôi. Riết rồi tôi thấy cái ngục nền đất ẩm thấp, hôi hám này là một cảnh thiên đường. Vì thế mà tôi giữ vững được ý chí, ngắm mây trắng trôi trên đầu mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy"
"Sau cùng Hốt Tất Liệt sai người dẫn ông tới trước mặt mình hỏi: "Ngươi muốn gì" Văn Thiên Tường đáp: "Thiên Tường này đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng thì sao có thể thờ hai nhà được, ta chỉ xin được chết thôi". Hốt Tất Liệt chấp nhận. Khi lưỡi búa của tên đao phủ hạ xuống, ông quay mặt về Nam Kinh, như thể vua Tống còn ở đó, mà vái dài".
Will Durant chê hành động đó của Hốt Tất Liệt là "man rợ". Mấy hàng "nổi danh nhất" của Văn Thiên Tường. Will đã dẫn ở trên ít người được biết, nhưng bài chính khí ca của ông "tráng liệt như cầu vồng vắt ngang trời, mỗi lần ngâm lên thấy máu sôi trong lòng", nghe như một bài tiến quân ca, thì nhà nho Trung Hoa, Việt Nam thời xưa không ai không thuộc nó các vị như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực......của ta tất đã nhiều đêm vung bảo kiếm, nhìn ngân hà mà ca:
Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạc
Thượng tắt vi nhật tinh......
Trời đất có chính khí
Lẫn lộn trong các hình
Dưới đất là sông núi
Trên trời là nhật, tinh......
Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu được đời sau gọi là Tống vong tam kiệt (Ba hào kiệt thời Tống mất nước) . Có ba vị đó với Nhạc Phi, Tống cũng đỡ tủi..
Bài Chính Khí Ca thuộc thể Ca (song poem) gồm 30 khổ đôi 5 là 60 câu, là tiếng ca thể hiện cái tri thức của kẻ sĩ đương quyền, lòng yêu nước và thái độ hoà hoãn của vương triều Tống, qua sự xâm lược của quân phương Bắc (Nguyên), và với một thái độ lạc quan và vô uý, bởi ảnh hưởng phái Đạo gia, rằng sau khi con người rời ra khỏi cái thân thể vật chất, sẽ được trở về một thế giới bất tử và toàn thiện. Thi ca của ông đã góp phần phong phú văn học đời Tống và Trung quốc và bài Chính Khí Ca này, về sau được phổ biến rộng rãi trong giới sĩ phu các nước lân cận như Nhật Bản, Đại Hàn,Việt Nam như là bài học thuộc lòng về tinh thần yêu nước.
Hiện nay, ở phía Đông thành Bắc Kinh, có một ngôi trường học lấy tên Văn Thiên Tường, cạnh đó là ngôi đền, được xây cất năm 1376, trên nền đất của nhà tù, nơi ông đã viết bài Chính Khí Ca này, ở số 63 Fuxue Hutong, quận Dongchen. Trong đền thờ, ở gian giữa, hai bên cột, có khắc câu xưng tụng ông: “Nhà trí thức hàng đầu, Tể tướng triều Tống-Người con hiếu thảo sông Đông, thần dân trung tín.”
Về gia cảnh, ông có hai con trai, nhưng đều mất sớm, nên nuôi ba người con của em, như con mình và sau này, chính ba người con này, đã phục quốc, đánh nhà Nguyên, theo tinh thần Chính Khí Ca mà ông đã để lại.
Ở Hồng Kông, có một làng tên goi là San Tin, mà đa phần người dân ở đây đều mang họ Wen (Văn) mà ai cũng nghĩ rằng, đó là hậu duệ của Văn Thiên Tường (Wen Tiangxiang). Chính tại nơi đây, họ đã dưng một tượng lớn trong một công viên, lấy tên ông, để tưởng nhớ. Ngoài ra, người Tàu, từ Triều Châu, qua ở Việt Nam chúng ta, mang họ Văn, đều là hậu duệ của vị Tể tướng ái quốc này.