Đầu tiên có lẽ sẽ nói về AEON, tạm coi là "nhà bán lẻ ngoại" trẻ nhất xâm nhập vào thị trường bán lẻ VN (đúng ra phải là thị trường bán lẻ kênh hiện đại VN) tính đến thời điểm hiện giờ. AEON rất tự tin khi đầu tư vào VN (tất nhiên rồi, không thì sao dám đầu tư, cả đống tiền cơ mà), người dân VN cũng rất kì vọng vào AEON, có lẽ bởi thiện cảm sẵn có dành cho đất nước Nhật Bản cùng với niềm tin vào sự uy tín trong cách làm việc của con người Nhật Bản. Hầu hết độc giả trong bài báo đều có niềm tin AEON sẽ thành công, nhưng em thì nghĩ AEON sẽ chật vật để tồn tại chứ khó thành công.
- Điểm thứ nhất: phong cách làm việc của Nhật khá cứng nhắc và thiếu sự linh hoạt, điểm mạnh của các nhà bán lẻ Nhật Bản là sự ổn định, nhưng trong môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh như thị trường bán lẻ VN, nơi mà chiêu trò và sự chộp giật vẫn thịnh hành thì việc chậm thay đổi lại rất khó thích ứng. Các nhà bán lẻ Nhật đã có 2 bài học kinh nghiệm nhỏ cho sự thất bại, là trường hợp của Unimart và Familymart. Unimart chỉ là trường hợp nhỏ, đây là siêu thị có liên kết vốn của VN - Đài Loan - Nhật Bản, tuy chỉ dính máu ăn phần một chút, nhưng sự cứng nhắc trong việc điều hành khiến cho những chiến lược của siêu thị bị lệch khỏi quỹ đạo của guồng quay bán lẻ, và Unimart ngày một đi xuống, đến bây giờ chỉ còn lay lắt. Trường hợp gần nhất là Familymart, Nhật Bản đã phải rút vốn và bán lại cho BJC của Thái Lan. Em có một lần qua Nhật và thấy Familymart là chuỗi cửa hàng cực kỳ phát triển tại Nhật, cứ vài trăm mét lại có 1 cửa hàng Familymart, lúc nào cũng có khách ra vào cửa hàng, nhưng tại VN thì Nhật thất bại hoàn toàn.
- Điểm thứ 2: Hướng đi của siêu thị là "uy tín chất lượng sản phẩm" -> ok. Nhưng AEON sẽ làm thế nào với logistic lởm khởm của VN. Thiệt tình bạn nào cũng thích "uy tín chất lượng sản phẩm", Metro, BigC, Saigon Coop, Fivimart, Hiway.... nếu làm được thì các bạn khác cũng làm luôn rồi, không đợi AEON vào tiên phong.
Và một chiến lược nữa của AEON: "mua sắm không chỉ là mua bán mà còn để trải nghiệm, giải trí, thư giãn". Nếu AEON xác định đi theo con đường này, thì chính xác AEON đang đi lại con đường của BigC, và để vượt qua được cái bóng của BigC, có lẽ AEON sẽ cần một sự đầu tư khổng lồ. BigC đã quá thành công trong việc ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Người ta nhắc đến BigC như một đại từ thay thế cho từ "siêu thị", giống như Honda là từ thay cho "xe máy" mà người dân miền Nam vẫn quen dùng. Nếu đi về các vùng tỉnh lẻ, người dân có thể không biết Saigon Coop là gì, không biết Metro, không biết Fivimart, không biết Intimex, nhưng chắc chắn họ biết chính xác BigC là nơi bán hàng hóa, rất đẹp, rất rộng, và đặc biệt hàng hóa rất rẻ, rất nhiều khuyến mại. Với những người dân thành thị có thể quen với việc mua sắm trong các siêu thị lớn, nhưng với người dân thuộc các tỉnh ngoại thành, việc đi BigC không còn là đi siêu thị nữa, mà giống như một chuyến du lịch, vừa mua sắm, vừa ngắm nghía, vừa giải trí, vui chơi. AEON đã bị muộn khi đầu tư vào VN nếu đi theo con đường đó.
- Điểm thứ 3: thị trường bán lẻ VN không màu mỡ với 90 triệu dân, vì kênh hiện đại chỉ chiếm chưa đến 30% , tức là chỉ có khoảng 27 triệu dân, và mỗi năm con số chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại chỉ từ 1 - 3%, có nghĩa là có thêm khoảng 0.9 - 2.7 triệu dân nữa. 5 năm nữa thị trường bán lẻ hiện đại sẽ phục vụ cho khoảng 31.5 - 40.5 triệu dân. Tính theo thời điểm hiện tại, bây giờ đang có khoảng hơn 1000 siêu thị (tạm lấy con số 1000 cho tròn), như vậy nếu chia đều ra mỗi siêu thị phục vụ khoảng 27000 người, con số không lớn.