[Công nghệ] [Review] Màn hình đồ họa BenQ SW2700PT - Xứng danh siêu phẩm giá rẻ

rami

Đi bộ
Biển số
OF-352829
Ngày cấp bằng
29/1/15
Số km
7
Động cơ
265,370 Mã lực
Ngày nay, với các tiêu chí về thời gian hồi đáp cũng như đánh mạnh vào công nghệ đồng bộ hình ảnh, chúng ta đang nói đến những model màn hình dành cho game thủ. Những đối tượng này sẽ rất ít khi để ý những tính năng khác của màn hình đặc biệt là về màu sắc và chất lượng hiển thị. Đây chính là những điểm suy xét rất phổ biến của người dùng chuyên dụng như nhiếp ảnh gia, chuyên gia hình ảnh v.v... Các đối tượng này sẽ đặc biệt chú ý về độ chính xác màu sắc, các chế độ màu hiển thị, độ tương phản sâu để nhận biết các góc cạnh hình ảnh khi chỉnh sửa, và đặc biệt nếu những yêu cầu này đều được thực hiện thông qua một nút bấm thì màn hình đó sẽ được ưu tiên hơn.

SW2700PT là màn hình được BenQ thiết kế hướng đến các nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, chuyên gia hình ảnh khi nó sở hữu gamut màu AdobeRGB với độ phủ lên đến 99%, độ tương phản cao và nhiều tùy chọn về chế độ màu. SW2700PT có kích cỡ màn hình 27", độ phân giải QHD 2560x1440 với mật độ điểm ảnh 109ppi.

Các tính năng chính của BenQ SW2700PT:

  • Gamut màu AdobeRGB với độ phủ 99% cùng tấm nền màn hình IPS góc rộng
  • Khả năng tái tạo màu chính xác 10-bit
  • Chế độ màu sắc được cân chỉnh sẵn và tích hợp trong màn hình
  • Đi kèm phần mềm cân chỉnh màu sắc Palette Master Element do BenQ phát triển
  • Chế độ màu trắng đen
  • Có bộ điều khiển OSD rời cùng màn chắn chống khúc xạ ánh sáng gắn trên màn hình

BenQ SW2700PT hiện được bán với giá thị trường khoảng 14 triệu đồng. Đây có thể xem là một cái giá khá rẻ cho một màn hình thiết kế chuyên nghiệp nếu so với các màn hình khác cùng chức năng có giá tầm 900 USD trở lên (Tức là tầm 20 triệu đồng). Tuy nhiên, với hàng loạt các tính năng đi kèm khá hấp dẫn, BenQ SW2700PT vẫn là cái tên đáng để cân nhắc dành cho người dùng không có hầu bao lớn.

Hiện tại trên tay tôi là mẫu SW2700PT do BenQ Việt Nam gửi đến và tôi sẽ tiến hành đánh giá thử chiếc màn hình này để xem khả năng thực chiến của nó như thế nào?

Thông tin chi tiết về cấu hình, bạn đọc có thể xem tại trang chủ BenQ theo địa chỉ này.​
I - Unbox và thiết kế

Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được khi tiếp nhận SW2700PT từ BenQ Việt Nam chính là thùng đựng của nó rất cồng kềnh. Nó khác hẳn với những lần mở hộp màn hình 27" trước đây mà tôi từng làm. Tôi cảm giác mình đang mở hộp một chiếc TV 32" hơn là màn hình 27". Do đó, bên trong chiếc hộp đựng SW2700PT sẽ có rất nhiều thứ hay ho đây, tôi nghĩ thế.

Đây là toàn bộ phụ kiện (Không tính màn hình) của SW2700PT. Theo đó, phần giấy tờ đi kèm theo sản phẩm bao gồm bảng kết quả đo đạc màu sắc của BenQ thực hiện trên SW2700PT, sách hướng dẫn sử dụng, thẻ bảo hành online, giấy hướng dẫn tải về phần mềm Palette Master Element và dĩa driver. Có một sự bất tiện không hề nhẹ ở đây, lý do tại sao BenQ lại hướng dẫn người dùng lên website của hãng để tải về Palette Master Element trong khi họ lại không tích hợp phần mềm này vào dĩa CD? Hơn nữa, trong mục driver của dĩa CD này thực chất chỉ là profile ICC do BenQ cân chỉnh sẵn cho SW2700PT. Sẽ hay và tiện lợi cho người dùng hơn rất nhiều nếu BenQ tích hợp Palette Master Element vào dĩa CD, tiếc thay BenQ đã không nghĩ đến việc này.

Tiếp theo là bộ chắn sáng (Hood) đi theo màn hình. Vì SW2700PT là màn hình chuyên dụng dành cho việc thiết kế và chỉnh sửa hình ảnh nên BenQ đã kèm theo bộ hood này để đảm bảo giảm thiểu tối đa tình trạng khúc xạ ánh sáng tại môi trường làm việc cho mắt người dùng. Hiện tượng này sẽ khiến mắt nhìn của người dùng mất đi cảm nhận về màu sắc của ảnh dẫn đến kết quả chỉnh sửa bị sai lệch hoặc không được như ý. Bộ hood bao gồm 5 module và bạn sẽ cần đến sách hướng dẫn nếu không muốn làm hư mối nối giữa các module với nhau vì chúng khá mỏng manh, nếu lắp sai và tệ hơn là mạnh tay quá, bạn sẽ làm gãy những mối nối này và đồng thời sẽ khiến trải nghiệm sử dụng màn hình SW2700PT giảm đi trông thấy. Do đó, tôi khuyên bạn nên đọc kỹ sách hướng dẫn lắp ráp bộ hood này vào màn hình.

Cuối cùng là các bộ phận chân đế, cáp nguồn và một số cáp kết nối. Chưa hết, có một thứ rất đặc biệt giúp người dùng sử dụng SW2700PT thoải mái hơn. Đó là bộ điều khiển OSD rời kết nối với màn hình thông qua cổng miniUSB. Với bộ điều khiển này, bạn sẽ dễ dàng tinh chỉnh thông số màn hình cũng như chuyển nhanh các chế độ màu sắc do bạn thiết lập trong menu OSD của SW2700PT. Mặc định, remote này cho bạn chuyển nhanh 3 chế độ màu sRGB, AdobeRGB và trắng đen Black&White. Đây là những chế độ màu mà theo BenQ, họ hướng đến hoàn toàn đến các photo editor với chế độ sRGB thích hợp cho việc chỉnh sửa ảnh và đưa lên các website chuyên ảnh như Flickr, imgur v.v..., trong khi đó AdobeRGB sẽ hiển thị hình ảnh với dải màu xanh lá rộng hơn rất nhiều so với sRGB tuy nhiên bạn vẫn phải cần thiết bị hiển thị đầu cuối hỗ trợ tốt cho hệ màu này. Vấn đề sử dụng hệ sRGB hay AdobeRGB hiện vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng nhiếp ảnh gia trong nước và thế giới, tuy nhiên tôi sẽ không đề cập sâu vào vấn đề này trong bài viết của mình. Trắng đen Black & White được xem là chế độ màu rất hữu ích dành cho nhiếp ảnh gia vì màu sắc ảnh chụp có thể đánh lừa con mắt của người dùng, nhưng với chế độ này họ có thể kiểm tra độ tương phản và mức độ phủ chi tiết của bức ảnh một cách tốt nhất. Trước đây, thay vì phải tạo một lớp layer trắng đen trên Photoshop, bây giờ bạn chỉ cần chuyển sang chế độ Black&White thông qua nút bấm trên remote là được.


Đây là SW2700PT sau khi tôi đã lắp ráp hoàn chỉnh kèm theo bộ hood chắn sáng. Thiết kế về tổng thể của màn hình này nhìn rất đơn giản nhưng phần chân đế của nó có thể nói là một trong những chân đế màn hình cứng cáp nhất mà tôi từng sử dụng qua. Cụ thể, chân đế này cho phép bạn điều chỉnh góc nhìn màn hình mà không gặp tình trạng thân màn hình bị rung thường thấy ở những màn hình văn phòng hay một phần nào đó là màn hình chơi game.


Một điểm cộng nữa trong thiết kế của SW2700PT là khả năng tương tác với màn hình của nó. Cụ thể, do có tính năng công thái học (Ergonomic Design), màn hình này cho phép bạn xoay ngang trái phải, điều chỉnh độ cao và độ nghiên của nó cực kỳ dễ dàng. Chưa hết, bạn còn có thể quay màn hình theo góc 90* để tiện cho việc xem văn bản, đọc ebooks hay cắm dây kết nối thuận tiện hơn thay vì phải đặt màn hình nằm hay cúi đầu để cắm như những màn hình chân đế cố định.


Lại nói về phần chân đế, BenQ đã khoét sẵn lỗ đặt remote OSD để khi người dùng không còn sử dụng nữa có thể đặt vào. Hơn nữa, nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy phần chân đế có 2 mũi tên hướng vào nhau, đây là ký hiệu để BenQ cho bạn biết màn hình của bạn đã về góc chính diện hay chưa? Đây là điểm rất hay ở màn hình này và tôi đánh giá rất cao về nó.

Phía trên đầu của hood chắn sáng, BenQ đã tích hợp khay mở cho phép người dùng có thể thả dụng cụ cân màu vào để giữ chặt thiết bị đó bằng cách khóa khay lại. Trước đây, khi phải cân màu cho một số màn hình, tôi thường phải nghiên màn hình ngửa ra sau để đặt mắt đo lên mà không sợ bị rơi, tuy nhiên nếu gặp phải những màn hình chân đế cố định thì tôi buộc phải đặt màn hình nằm ngửa xuống mới có thể dùng được mắt đo màu. Tuy nhiên, với SW2700PT, tôi chỉ cần thả máy đo thông qua khay mở trên hood chắn rồi đóng ngàm khay lại là có thể cố định được máy đo để tiến hành cân chỉnh màu sắc được rồi.

Phía cạnh trái của màn hình, chúng ta sẽ có hai cổng USB 3.0 cùng khe đọc thẻ nhớ SD. Muốn sử dụng được các cổng này, bạn cần phải kết nối dây USB 3.0 từ cổng hub bên dưới màn hình đến thùng máy tính của bạn. Nhờ các cổng này, bạn có thể cắm nhanh USB để chuyển dữ liệu hay lướt nhanh số hình chụp được còn lưu trên thẻ nhớ SD mà không cần phải động đến thùng máy hay đầu đọc thẻ nhớ. Phía cạnh phải của SW2700PT không có gì đặc biệt cả.

Phía sau SW2700PT, thay vì sử dụng chân đế như truyền thống, bạn vẫn có thể treo tường khi màn hình này có hỗ trợ chuẩn treo tường VESA. Ngoài ra, cũng ở vị trí này, SW2700PT có thêm chốt khoá Kensington cho vấn đề chống trộm.

Bên dưới của SW2700PT chúng ta sẽ có dãy cổng kết nối bao gồm nguồn, hub USB 3.0, DisplayPort, HDMI, DVI, cổng Audio Out và cổng miniUSB. Tiếc rằng màn hình này chỉ có 1 cổng DisplayPort vì thế bạn sẽ không thể xuất hình nối tiếp (Daisy-chain) sang một màn hình khác có cổng DisplayPort. Thêm một điểm trừ nữa về dãy cổng này của SW2700PT chính là cổng Audio Out. Theo lý thuyết, cổng DisplayPort có thể xuất tín hiệu âm thanh đến cổng Audio Out của màn hình, và từ đó người dùng sẽ cắm tai nghe vào và nghe nhạc. Tuy nhiên, với màn hình của BenQ, cổng DisplayPort của nó không hỗ trợ tính năng này mà thay vào đó là cổng HDMI. Đây là điểm cực kỳ khó hiểu của BenQ khi thiết kế phần âm thanh cho SW2700PT. Tiếp đến cụm nút điều khiển OSD của SW2700PT, tuy nhiên cụm nút này trong quá trình sử dụng tôi không hề phải đụng đến do đã có remote rời quá tiện lợi rồi.


Phía cạnh dưới cũng như mặt trên phía sau của SW2700PT có các dãy khe rãnh thoát nhiệt giúp màn hình này hoạt động tốt sau thời gian dài sử dụng.


Một điểm nữa tôi chưa đề cập đến ở chân màn hình SW2700PT đó là BenQ đã tích hợp thước đo độ cao cho phép bạn có thể điều chỉnh độ cao chính xác từng cm của màn hình cũng như góc nghiên của màn hình cho phù hợp với trải nghiệm sử dụng của mình.

Bên dưới lòng chân đế có tổng cộng 5 chiếc ron cao su. Các ron này sẽ giúp SW2700PT cố định trên mặt bàn làm việc, tránh tình trạng xê dịch màn hình do chúng ta vô tình gây nên khi điều chỉnh độ cao, độ nghiên hay xoay màn hình.[/INDENT]

II - OSD (Bảng điều chỉnh thông số màn hình hiển thị)


Để truy cập vào menu OSD của SW2700PT, bạn có thể dùng remote hoặc dàn nút bấm ở cạnh dưới màn hình. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi thường sử dụng remote nhiều hơn vì sự tiện lợi của nó khi thực chiến. Menu OSD đầu tiên tôi tạm gọi là Quick Start, ở đây SW2700PT cho bạn điều chỉnh cổng xuất hình, chế độ màu, độ sáng và truy cập vào menu chính.

Sau khi vào menu chính, mục Display đầu tiên sẽ cho bạn điều chỉnh cổng xuất hình và tỷ lệ khung hình hiển thị trên màn hình SW2700PT. Điểm này rất giống với mẫu Zowie RL2460 trước đây tôi có đánh giá. Có lẽ đây là điểm đặc trưng trên các màn hình BenQ cỡ lớn chăng?

Tiếp đến là mục Color Adjustment. Đây là mục rất quan trọng của màn hình SW2700PT khi nó cho phép người dùng can thiệp sâu vào các tùy chỉnh liên quan đến màu sắc và khả năng hiển thị. Đầu tiên là Color Mode cho bạn tùy chọn các chế độ màu hiển thị cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, tôi thường chọn chế độ Standard để làm chuẩn cho các bài test màu sắc cũng như để làm việc văn phòng bình thường. Về độ sáng, độ tương phản cũng như độ sắc nét thì chức năng của nó quá rõ ràng rồi nên tôi không có giải thích gì thêm nhưng tới phần Color Temp (Nhiệt màu) thì thông thường khi chỉnh sửa ảnh, tôi thường sử dụng mức 6500K làm tiêu chuẩn. Nếu không thích bạn vẫn có thể tùy chỉnh theo sở thích của mình, nhưng lưu ý lúc này SW2700PT chỉ cho phép bạn điều chỉnh màu của màn hình theo hệ RGB.

Mục Color Gamut, SW2700PT được BenQ thiết lập sẵn theo chuẩn AdobeRGB, bạn vẫn có thể chuyển sang gamut màu khác như sRGB, Rec. 709 và DCI-P3 tùy theo công việc mà bạn đang thực hiện. Nhưng trong phạm vi bài đánh giá này tôi sẽ để mức AdobeRGB theo mặc định từ NSX. Tiếp theo, Hue (Sắc tố màu) cho phép bạn điều chỉnh màu hiển thị của màn hình theo hệ 6 màu (RGBCMY). Saturation (Bão hòa màu) tiếp tục cho bạn vọc tiếp với các thông số trong hệ 6 màu để điều chỉnh độ bão hòa màu cho phù hợp với mắt nhìn của mình. Tuy nhiên để truy cập vào 2 mục này, bạn phải chuyển chế độ màu từ Standard sang Custom. Cuối cùng là Black Level, nếu bạn kết nối với SW2700PT thông qua cổng HDMI thì mục này mới truy cập được, Black Level cho phép bạn chọn hai chế độ hiển thị màu đen theo các cấp độ từ 0-5 chứ không phải theo hai cấp 16-235 hay 0-255 thường thấy ở những màn hình khác.

Ở mục System cuối cùng, chỉ có 3 phần tôi đặc biệt chú ý là AMA (Advanced Motion Acceleration), Auto Pivot, Custom key và Controller key. Nếu như bạn đã từng đọc bài viết về màn hình Zowie RL2460 của tôi thì sẽ biết chức năng của AMA là dùng để làm gì. AMA cho phép SW2700PT loại trừ khả năng xuất hiện mờ chuyển động khi chơi game tốc độ nhanh. Với tấm nền IPS chỉ có thời gian hồi đáp 5ms theo thông số từ NSX, AMA được xem là tính năng khá đáng giá dành cho SW2700PT. Tuy nhiên, nó có thực sự hiệu quả không thì phần dưới của bài viết sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Auto Pivot là chức năng khá là đặc biệt của BenQ dành cho SW2700PT. Lúc đầu tôi tưởng rằng Auto Pivot sẽ tự động chuyển khung hình hiển thị của màn hình theo đúng vị trí mà màn hình được xoay. Ví dụ như khi tôi xoay dọc màn hình theo góc 90* thì nội dung hiển thị trên màn hình của tôi cũng phải xoay theo mà tôi không dùng tính năng Portrait của Windows để tự chuyển bằng tay. Nhưng không, Auto Pivot chỉ xoay nội dung hiển thị trên menu OSD chứ không phải là màn hình Windows. Có một chút hụt hẫng xíu dù đây là lỗi của tôi chứ không hẳn là BenQ khi chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

Còn Custom key và Controller key cho phép bạn lần lượt điều chỉnh các nút tắt chức năng trên menu Quick Start và 3 nút chỉnh chế độ màu trên remote.[/INDENT]
III - Thử nghiệm

Ở phần này, tôi sẽ trả toàn bộ các thông số của SW2700PT về mặc định, chuyển Color Mode về Standard, điều chỉnh độ sáng lên tối đa và tiến hành thử nghiệm các bài test sau:

  • Màu màn hình: Mở các hình nền màu cơ bản trắng, đen, xanh, đỏ, xanh lá để SW2700PT hiển thị.
  • Hình nền 4K: Đặt hình nền 4K trên SW2700PT, xem khả năng hiển thị của màn hình từ gam màu nóng, lạnh đến trung tính.
  • Mờ chuyển động (Motion Blur): Thử nghiệm khử mờ chuyển động AMA khi tắt và mở của SW2700PT bằng phần mềm PixelPerAnt.
  • Góc nhìn: Chụp lại hình ảnh hiển thị của SW2700PT ở các góc trên dưới trái phải xem có bị hiện tượng bệt hay tái màu không.
  • Chất lượng hiển thị: Đo khả năng hiển thị màu của SW2700PT bằng phần mềm LaCie BlueEye Pro với thiết bị chuyên dụng Spyder3 Elite và tiến hành cân màu lại cho chính xác nếu sai lệch màu sắc quá nhiều.
  • Ép xung tần số quét bằng NVIDIA Control Panel.
Đến đây ắt hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi không dùng phần mềm đo màu Palette Master Element (PME) của chính BenQ để thử nghiệm? Câu trả lời là nằm ở thiết bị đo Spyder3Elite của tôi, PME không hỗ trợ cho mắt đo này trong khi hai phiên bản đời sau của Spyder3Elite là 4 và 5 đều được hỗ trợ. Vì thế, tôi vẫn phải dùng lại phần mềm đo quen thuộc LaCie BlueEye Pro như các bài viết trước đây khi đánh giá về màn hình.

A - Màu màn hình

Ở bài test này, tôi sẽ lần lượt mở các hình nền màu cơ bản trắng, đen, xanh, đỏ, xanh lá để xem thử SW2700PT thể hiện như thế nào ở các màu này? Tôi sẽ chụp lại hình ảnh bằng camera Canon 600D kèm lens 24-105mm f/4 cùng chế độ cân bằng trắng Auto.

Ở độ sáng cao nhất, nhiều khả năng khi hiển thị màu đen, các màn hình sử dụng tấm nền IPS như SW2700PT sẽ bị hở sáng ở các góc cạnh màn hình. Tuy nhiên, màn hình này không hề xảy ra hiện tượng này. Đây là điểm tôi rất kết ở SW2700PT đặc biệt là khi xem phim bằng màn hình này với những bộ phim có tỷ lệ khung hình 21:9 (Xuất hiện 2 dải màu đen phía trên và dưới). Trước đây, với những màn hình IPS bị hở sáng, việc xem các bộ phim dạng này làm tôi hết sức bực mình. Tuy nhiên với SW2700PT thì hở sáng không còn là vấn đề nữa. Các màu đỏ, xanh lá, xanh và trắng hiển thị trên SW2700PT nhìn khá chuẩn khi xem bằng mắt thường nhưng có chuyển theo mắt đo Spyder3 hay không thì bạn hãy chờ xem phần dưới bài viết nhé.​
B - Hình nền 4K

Sau đây là một số hình ảnh tôi dùng camera 600D cũng như lens trên để chụp lại SW2700PT khi nó hiển thị các hình nền 4K theo các tông nóng, lạnh và trung tính. Phần này tôi sẽ dành cho các bạn nhận xét để mang tính khách quan hơn.

C - Mờ chuyển động (Motion Blur)

Theo thông số từ NSX, tấm nền IPS của SW2700PT có thời gian hồi đáp không nhanh lắm với 5ms do đó nó khó có thể hạn chế tình trạng mờ chuyển động khi chơi game hành động tốc độ cao. Tuy nhiên, BenQ có tích hợp tính năng AMA trên SW2700PT nên tôi sẽ cùng thử nghiệm AMA để chống Motion Blur. Để thực hiện bài test, tôi vẫn sử dụng Canon 600D cùng lens 24-105mm f/4L và phần mềm PixelPerAnt.


Với thiết lập tốc độ màn trập là 1/4000, ISO 6400 và khẩu độ lớn nhất là 4, Canon 600D sẽ chụp lại được hình ảnh chiếc xe đang chạy với tốc độ khung hình 60 tối đa của SW2700PT với độ chi tiết và rõ ràng nhất. Tuy nhiên, dù có bật AMA hay không, SW2700PT không thể chống mờ chuyển động do hạn chế về thời gian hồi đáp 5ms của tấm nền IPS. Khi bật AMA, có vẻ như bóng mờ của chiếc xe sắp hoà vào nền xanh của màn hình, tuy nhiên vết lưu hình vẫn còn khá rõ ràng nên có thể nói SW2700PT không có khả năng khử mờ chuyển động tốt. Tuy nhiên, trở ngược lại vấn đề nhu cầu chọn lựa sản phẩm, bạn khó có thể đòi hỏi một chiếc màn hình chuyên dụng cho đồ hoạ mà có khả năng khử mờ tốt như các màn hình gaming được. Do đó nếu thực sự hướng đến màn hình gaming thì trong tầm giá của SW2700PT không hề thiếu những cái tên nổi bật. Vì vậy, bạn cần phải xác định rõ nhu cầu của mình trước khi chọn mua màn hình.​
D - Góc nhìn

Với việc sở hữu tấm nền IPS, SW2700PT cho chất lượng hiển thị ở các góc nhìn là rất tốt, đặc biệt ở hai góc dễ bệt màu nhất là ngửa trước/sau, màn hình của BenQ vẫn đáp ứng tốt.


E - Chất lượng hiển thị

Trong phần này, tôi sẽ dùng hai công cụ là mắt đo Spyder3 Elite và phần mềm đo LaCie BlueEye Pro để tiến hành thẩm định chất lượng hiển thị của màn hình SW2700PT ở chế độ Standard. Lưu ý rằng ở chế độ Standard, độ sáng của màn hình đã được đẩy lên mức cao nhất, do đó tôi cũng có thể dùng mắt đo Spyder đo thử xem độ sáng của SW2700PT có đạt con số 350 nit như thông số NSX công bố hay không?

Về độ sáng, SW2700PT đạt tối đa 345 nit thiếu đi 5 nit so với thông số từ NSX, tuy nhiên mức độ lệch này không thực sự đáng kể. Độ gamma đạt 2.3 lệch 0.3 đơn vị so với mức chuẩn 2.0, nhưng nên nhớ rằng chế độ Standard mặc định BenQ đã thiết lập mức gamma là 2.2, vì vậy bạn chỉ cần chỉnh thiết lập về 2.0 sẽ chuẩn hơn. Delta E trung bình của SW2700PT đạt 2.1 cũng là mức khá tốt nhưng sẽ đẹp hơn khi nó ở mức dưới 1 theo tiêu chuẩn ngành in.

Một bài test nữa sẽ liên quan đến chuẩn màu AdobeRGB của SW2700PT. Theo BenQ, màn hình này có độ phủ chuẩn màu AdobeRGB lên đến 99%. Tôi sẽ chuyển thử chế độ màu của SW2700PT từ Standard sang AdobeRGB sau đó dùng mắt đo Spyder3Elite để kiểm tra xem thế nào?

Nhìn vào kết quả ở biểu đồ bên trái cũng như so sánh với kết quả đo từ BenQ, rõ ràng SW2700PT không phải dạng vừa nhất là khi xét đến độ phủ màu AdobeRGB.

Tiếp theo tôi sẽ tiến hành đo màu lại cho SW2700PT để thỏa mãn các điều kiện giúp tôi có thể làm việc với Photoshop được chuẩn hơn như Gamma đạt 2.0, Kelvin gần hoặc bằng 6500K, độ sáng 120 nit và delta E trung bình nhỏ hơn 1 theo tiêu chuẩn ngành in.

Đây là kết quả đo của SW2700PT sau khi được tôi tùy chỉnh lại độ sáng cũng như độ tương phản và một số điều chỉnh liên quan đến 3 màu RGB trong menu OSD của nó. Tất cả đều được lưu lại dưới dạng file ICC mà bạn có thể tải về tại link này. Lưu ý, ICC này chỉ phát huy phần nào tác dụng của nó nếu bạn điều chỉnh đúng các thông số độ sáng, độ tương phản, 3 màu RGB như các hình ảnh dưới đây. Sở dĩ tôi nói là phần nào là vì khả năng xuất màu hình ảnh của màn hình còn phụ thuộc vào card đồ họa bạn đang dùng nữa. Trong trường hợp này, tôi đang dùng card đồ họa Zotac GTX 750 Ti 2GB để xuất hình lên SW2700PT.


F - Ép xung tần số quét bằng NVIDIA Control Panel

Phương pháp ép xung bạn đọc có thể xem bài viết hướng dẫn của tôi tại link này. Dù không phải là màn hình gaming như SW2700PT lại có thể ép xung tần số quét lên đến 85Hz, một con số không hề nhỏ nhất là khi màn hình này được thiết kế chủ yếu dùng làm đồ họa.


IV - Lời kết

Ưu

Thiết kế đơn giản có công thái học cho phép người dùng tùy chỉnh độ cao, độ nghiêng và xoay màn hình phù hợp với góc nhìn của từng người.
Có hood chắn sáng giúp tránh tình trạng khúc xạ ánh sáng.
Chân đế có lỗ đi dây và mặt sau hỗ trợ khả năng treo tường theo chuẩn VESA.
Tấm nền IPS với chất lượng hiển thị ở các góc nhìn cực đẹp và không bệt màu.
Tái tạo màu 10 bit cho khả năng chuyển màu chính xác.
Độ sáng gần đạt 350 nit theo thông số của NSX.
Có remote điều khiển OSD rời tiện lợi cho việc điều chỉnh thông số màn hình.
Hỗ trợ nhiều chế độ màu phù hợp dành cho các nhà thiết kế, điều chỉnh hình ảnh đồ họa.
Tần số quét màn hình có thể ép xung lên đến 85Hz.
Khả năng phủ màu 99% AdobeRGB.
Giá rẻ đối với một màn hình thiết kế đồ họa có kích cỡ 27".
Khuyết

Phần mềm Palette Master Element không hỗ trợ thiết bị đo đời cũ.
Dù chất lượng màu khi chưa đo vẫn tốt nhưng vẫn phải cần đo màu lại để làm việc với các trình điều chỉnh đồ họa một cách tốt hơn.
Cổng Audio Out chỉ xuất âm thanh ra tai nghe khi kết nối với máy tính thông qua cổng HDMI.
Không hỗ trợ tính năng xuất hình nối tiếp (Daisy-chain) vì chỉ có 1 cổng Display Port.
 

duythanh226

Đi bộ
Biển số
OF-479175
Ngày cấp bằng
26/12/16
Số km
1
Động cơ
195,610 Mã lực
Tuổi
38
màn này màu sắc đẹp độ phủ màu tốt nhỉ
 

malcolm

Đi bộ
Biển số
OF-482143
Ngày cấp bằng
5/1/17
Số km
5
Động cơ
194,722 Mã lực
Cái này mua ở đâu nhỉ?
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top