[VOC] [PVOIL VOC 2022] VĐV Phạm Đình Trọng: “Thi mà không ganh đua thì mất đi chất lửa của cuộc thi rồi”

VOCTài khoản đã xác minh

Vietnam Offroad Cup
Biển số
OF-70903
Ngày cấp bằng
18/8/10
Số km
1,705
Động cơ
438,205 Mã lực
"Sắp 50 tuổi rồi mà cứ bước vào thi là hưng phấn, hồi hộp, y như lần đầu thi VOC ấy", Phạm Đình Trọng, nhà vô địch VOC 2014-2016 hào hứng nói.

- Năm nay mình tiếp tục đi đua với con Hilux già, vẫn đặt mục tiêu cao nhất nhé!
Phạm Đình Trọng chia sẻ với nụ cười rất tự tin. Câu trả lời của cựu vô địch hạng Bán tải đồng đội VOC 2014 và Nâng Cao VOC 2016 không có gì mới lạ đối với các anh em cùng chơi offroad với anh. Hỏi về Phạm Đình Trọng, tay đua Đinh Bá Trung cười nhẹ: tay Trọng với con Hilux già chứ gì. Trang Đặng, nữ vận động viên cùng thuộc câu lạc bộ PVC vui vẻ kể: anh Trọng và con Hilux già thì ai mà không biết chứ?

Nói về lòng chung thuỷ với "vợ hai", chắc không ai qua được Phạm Đình Trọng. 8 năm qua kể từ những mùa đầu tiên tham gia VOC, khi mà các tay đua cứ "đổi vợ" liên tục, riêng Phạm Đình Trọng lúc nào cùng "chung tình" với chiếc bán tải trắng già mà theo nhiều tay đua, nó "tã" lắm rồi.
Hỏi sao không cho em Hilux già "nghỉ hưu", anh nói chẳng phải hành hạ nó đến cùng kiệt, chẳng qua, chỉ nó mới hợp đi qua mọi thử thách ở hạng Nâng cao VOC, mà cũng chỉ nó mới chịu cùng anh chinh phục đam mê adventure khốc liệt đói khát trong rừng sâu hiểm trở. Hôm hẹn anh phỏng vấn, Phạm Đình Trọng dẫn cả chị Hiền, người vợ dịu dàng đằm thắm đi theo. Nghe chị tâm sự, tôi thấy anh sướng thật, vợ cả thì ủng hộ "nghịch bùn", vợ hai thì đồng cam cộng khổ không một tiếng kêu la. Nhất anh Trọng rồi!

Phạm Đình Trọng
Vợ chồng anh Trọng, chị Hiền​

- Xin chào anh chị, sắp tới, anh Trọng lại thi VOC tiếp, chị Hiền có cảm xúc gì không?
Chị Hiền: Mình ủng hộ anh ấy. Năm nay mình cũng hỏi anh tổ chức bao giờ, mình chưa hứa trước được nhưng cũng dự định đi cổ vũ.
Thời gian đầu anh chơi, mình chăm đi cổ vũ lắm, mấy năm gần đây không theo được thường xuyên vì công việc bận, cuối tuần chỉ muốn nghỉ ngơi. Các cháu hồi bé lên Đồng Mô còn chơi với trẻ con nhà khác, chứ giờ lớn rồi nó không hứng thú lên nữa, vì phải lang thang cả ngày.

- Anh Trọng ở độ U50 mà vẫn chơi offroad chị có lo lắng không?
Chị Hiền: Mình cho rằng offroad là môn lành mạnh, tất nhiên cái gì cũng tiềm ẩn nguy hiểm, chơi phải chú ý, có thể đang chơi mà hăng quá rất nguy hiểm nhưng dù sao, môn chơi cũng liên quan xe chứ không đến nỗi nguy hiểm về con người. Đường thi cũng có khán giả nên Ban tổ chức phải làm sao cho an toàn. Bản thân anh ấy chơi không đến nỗi nguy hiểm đến bản thân nên mình không quá lo.

Phạm Đình Trọng
Phạm Đình Trọng và con Hilux già đã trở nên quen thuộc tại mỗi mùa VOC​

- Anh Trọng chơi gần chục mùa VOC với con bán tải già Hilux quen thuộc, năm nay vẫn là "em nó" chứ?
Anh Trọng: Vẫn con Hilux đời cũ đã cùng mình nâng cúp vô địch mùa 2016, chỉ modify một chút thôi.

- Tại sao anh chung thuỷ với "vợ hai" vậy?
Anh Trọng: Khi thi đấu, mỗi vận động viên sẽ đưa ra phương án lựa chọn cho mình về chủng loại xe, cấu hình xe. Ở hạng Nâng cao, mình chọn chiếc xe bình thường có thể tham gia adventure với câu lạc bộ bán tải địa hình PVC, chứ không chỉ chuyên cho thi đấu. Xe cấu hình cao có cái hạn chế là chỉ đem đi thi đấu chứ không đi bình thường được. Vậy nên chiếc Hilux này mình hài lòng và thấy thú vị với nó.

Tại sao lại là con Hilux già cũ kỹ này à? Vì mình muốn dùng kỹ năng kết hợp cấu hình xe để vượt địa hình hơn là phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật xe. Đi thi, sử dụng kỹ năng và sự ăn ý giữa giống chã để vượt thử thách, thế mới hay. Đây là lý do mình tôn trọng nền xe bán tải và thi ở hạng Nâng cao.

- Chiếc Hilux này đời cũ vậy, anh có tốn kém cho nó không?
Anh Trọng: Xe mình không đầu tư quá nhiều tiền như các anh em chơi offroad khác. Môn này chính xác là môn khá tốn kém.
Những anh chơi hạng Bán tải hay Cơ bản, chạy trơn tru không sao, còn khi xảy ra cái gì chi phí sửa chữa lớn. Chi phí trước giải không lớn nhưng có chuyện gì thì tổn thất sau giải khá nhiều. Với hạng Nâng cao hoặc Mở rộng, chi phí đầu tư cho xe lớn, một cái tời mấy trăm triệu, làm ra một cái xe đi đua mất đâu đó tiền tỉ.

Phạm Đình Trọng
Phạm Đình Trọng rất chung thuỷ với xe đua của mình.​

- Anh Trọng có biết chiếc xe của anh rất nổi tiếng trong giới chơi offroad không?
Anh Trọng: Anh em chơi chung nói vui rằng mình giành chức vô địch với cái xe chưa bằng một cái tời. Đúng thật! Cái tời một hai trăm triệu, nhưng xe mình đầu tư trước sau chỉ có hơn 100 triệu, đây là toàn bộ số tiền mình bỏ ra để có cái xe đi thi đấu mấy mùa vừa rồi.

- Anh có sợ vì xe cũ mà mình mất đi lợi thế so với các đối thủ hiện tại không?
Anh Trọng: Hạng chơi của mình khó nên cấu hình xe thế hệ mới không đáp ứng được. Vì xe thế hệ cũ chịu va đập tốt hơn, thiết kế gầm xe cũ như cục sắt cứng, chịu tải tốt, xe mới thì êm ái nhẹ nhàng, nhiều thiết bị điện tử hơn nhưng chỉ vượt địa hình ở cấp độ vừa phải thôi chứ cấp độ khó không bằng xe cũ. Những bài hố nước sâu, xe mới thiết bị điện nằm dọc sàn xe nên đi qua ngập hỏng hết. Xe cũ đơn giản, giống cái công nông chạy ngoài đồng ruộng không hỏng.

- Không những chung thuỷ với xe đua, anh còn chung thuỷ cả với chã, 8 năm qua không đổi chã một lần?
Anh Trọng: Có, năm nay có thay đổi chút, nhưng mà đổi vị trí, Sang lên giống, mình làm chã.

- Anh đã làm giống suốt 8 năm, tại sao năm nay lại đổi?
Anh Trọng: Bao nhiêu năm thi làm giống suốt rồi, năm nay để Sang lên giống. Chã vất vả nhưng có cái thú vị riêng. Về Sang, mình nhận xét kỹ năng lái xe tốt. Hai anh em thi đấu nhiều nên hiểu nhau khi xử lý tình huồng. Trong bài thi mình và Sang đổi chỗ cho nhau nhiều lần rồi.

Những năm vừa rồi mình toàn thi với Nguyễn Văn Sang. Hai anh em khá ăn ý khi bàn nhau phương án. Bình thường bọn mình cũng trải nghiệm nhiều cung đường như vậy rồi nên khi đi thi, cái khác biệt là có tính thời gian nhanh chậm, còn tình huống thực tế thì anh em chỉ tìm cách sao cho vượt qua cái địa hình đó.

Phạm Đình Trọng
Cặp đôi Sang - Trọng đồng hành cùng nhau nhiều mùa VOC​

- Tại sao anh thích hạng Nâng cao vậy?
Anh Trọng: Từ khi đạt chức vô địch bán tải năm 2014 là sang 2015 đến nay mình đã thi Nâng cao liên tục rồi. Mình thích Nâng cao vì cảm giác vượt địa hình khó như hố sâu, trèo cao, hạng này không thiên về tốc độ.
Xe mình dù là xe bán tải nhưng phù hợp thi Nâng cao. Một số hạng thi như Bán tải nguyên bản hay Cơ bản phù hợp cho những xe thế hệ mới, công nghệ mới đáp ứng tốt bài thi về tốc độ. Xe mới có hệ thống phanh lái hiệu quả nên thiên hướng về tốc độ. Hầu như những bạn trẻ thích hai hạng này.

- Vô địch ở cả hạng Bán tải và Nâng cao rồi, anh muốn có thêm chức vô địch ở hạng nào nữa không?
Anh Trọng: Hạng Mở rộng có hứng thú! Nhưng xe mình cấu hình không đáp ứng được, cần thêm nhiều kỹ năng nữa, cần modify cao hơn nữa.

- Trở lại hai chức vô địch năm 2014 và 2016, anh thích lần vô địch nào hơn?
Anh Trọng: Mỗi lần đứng bục đều có cái hưng phấn khác nhau, không thể nói cái nào hơn cái nào. Năm 2014 mình bất ngờ lần đầu tham gia mà được cầm cúp nhưng liền ngay sau đó lại muốn chinh phục cái khó hơn. Năm 2016 lại đứng bục, vui vì đoạt cúp và chinh phục chính mình, cảm giác vượt qua được những cái mà bình thường mình nghĩ không thể làm được.

Năm 2016 có bài thi mình bứt phá được mà đoạt cúp. Năm đó có bãi đá Hải Âu làm rất khoai, ai cũng phải tời để lôi xe từ từ qua đá, lúc đó mình phi qua được, chấp nhận xe què thì quăng. Vì thi tối muộn lắm rồi, và đây là bài quyết định ngày thi này nên chơi hết mình.
Mọi người nghĩ đi qua bãi đá đó xe sẽ què, vì cơ bản mọi tay đua đều qua nhưng phải lôi kéo từ từ vất vả, mình thì phi qua quá nhanh, bài này dành điểm chốt để vươn lên. Lúc đó đang xếp thứ hạng 2,3, thi xong bài đó đạt 100 điểm là mình bứt tốc vươn lên. Cảm xúc lên cao vì nghĩ không thể vượt qua được.

Phạm Đình Trọng
Phạm Đình Trọng nâng cúp vô địch Nâng cao VOC 2016​

- Thế còn năm 2014, ấn tượng của bài thi năm đó là gì?
Anh Trọng: VOC năm 2014 cũng là lần đầu mình tham gia, và vô địch luôn hạng Bán tải đồng đội. Năm đó mình thi cùng đội Đinh Bá Trung, một tay đua nhiều thành tích. Mình với Trung ở cùng câu lạc bộ Bán tải địa hình PVC nên bắt cặp với nhau, sau đó cùng nhau nâng cúp vô địch.
Năm đó, hạng Bán tải thi là Bán tải đồng đội, hạng này khá hay, đáng tiếc là giờ không thi theo thể thức này nữa mà thi kiểu cá nhân. Bán tải đồng đội thi hai xe, lấy kết quả từng cặp. Ngoài bài thi cá nhân mỗi xe, phải có những bài đồng đội hỗ trợ, kết hợp, lôi kéo nhau, giả lập tình huống thực tế trên đường.

- Anh có vẻ thích những bài thi sát với thực tế?
Anh Trọng: Mình thích bài sát với thực tế như cung đua đêm, và bài càng khó mình càng thích. Mình thích bài mang tính phân loại, nếu ai cũng về kết quả chênh một vài giây thì làm gì còn thú vị. Mình thích bài nào mà một vài người DNF (lỗi không hoàn thành bài thi) vì khó quá, khó ở địa hình, kỹ năng, sơ sẩy đường thi... Chính ra mưa đường lầy lội hố sâu ngập nước mình lại thích.

Đua xe không phải chỉ là đạp ga, chân to chân khoẻ là thắng, thực ra phải là kỹ năng, ông nào ga to có khi thua, ông phải kiểm soát chân côn tốt nhất, tạo ra cái xe phù hợp đường thi nhất, có sức bền, khai thác xe hiệu quả nhất.

Phạm Đình Trọng

- Tại sao anh thích cung đua đêm?
Anh Trọng: Mình đặc biệt thích đường đua đêm vì nó gần gũi với các chuyến adventure mà anh em trong câu lạc bộ hay thực hiện. Bản chất môn offfroad là môn chơi hao sức.
Yếu tố kinh điển của việc chơi offroad không phải là các cuộc thi mà là ở cung đường. Bạn đã nghe câu chuyện tốn 72 giờ để đi vỏn vẹn 10 km, ăn ngủ trong rừng, đói không có gì ăn chưa? Nên đường đua đêm là cái rất bình thường với mình.

Ở Việt Nam, đặc biệt là Tây bắc, có rất nhiều tuyến đường kinh điển. PVC bọn mình hầu hết đi rồi. Ví dụ đường tăng Xuân Mai, nhiều khi bọn mình chỉ chờ mùa mưa đến để chinh phục cung đường huyền thoại ấy. Anh em trong Nam kéo xe ra tận ngoài này để khám phá cung đường.
Có những chuyến mình bảo nốt lần này, lần sau không chơi nhé, vì đi nhẵn hết rồi, vào đó vật vã đói khát ngày này qua ngày khác, nhưng mà rồi đến lúc trở về thì có cơ hội lần sau, anh em nhắc đến cung đường là nhớ tiếng í ới gọi nhau trong đêm, tiếng xe gầm rú, thậm chí chửi nhau mày đi ngu thế à? Vì môn này là lôi kéo, cùng nhau vượt qua, ông đi trước kéo ông sau, đây là cái thú vị, có liên kết tương tác giữa các thành viên trong team.

- Nhưng đường đua đêm sẽ rất vất vả cho các đội ở hạng Nâng cao như anh đấy?
Anh Trọng: Bài adventure đêm thường chạy từ đêm đến 2-3h sáng ra rồi nên vẫn nhẹ so với thực tế. Đường đua đêm phát sinh việc xe khoẻ kéo xe yếu, hạng Mở rộng không ngại, hạng Nâng cao đắn đo chút nhưng hạng dưới thì vất vả hơn. Quan trọng là kéo theo mấy xe hạng dưới. Cái lo lắng ở đây là nếu mình cứ chạy thì làm sao lôi ông yếu qua, vì thế mọi người bàn nhau phương án để cùng hoàn thành bài thi là chính. Nếu đường mà cứ chạy vèo vèo thì còn gì là thi, đôi khi có nút thắt để tạo ra sự hấp dẫn mới hay.

Bài thi đêm tiếp cận adventure, không tính thời gian, không phải đua xem ông này về nhanh hay chậm mà là đi hết quãng đường đó trong khoảng thời gian từ đêm đến sáng hôm sau, nó khá gần gũi với thực tế mình trải nghiệm.

Thích đường đua đêm nên đây là lý do mình đổi từ Bán tải sang thi Nâng cao.
- Là một trong những tay đua lão làng nhất giải, năm nay thi VOC cảm xúc anh như thế nào?
Anh Trọng: Sắp 50 tuổi rồi mà cứ bước vào thi là hưng phấn, hồi hộp, y như lần đầu thi VOC ấy, chắc tâm lý chung đi thi đều vậy.

- Anh đặt mục tiêu như thế nào và bắt đầu tập luyện chưa?
Anh Trọng: Luôn luôn đặt mục tiêu cao nhất, thực hiện phụ thuộc vào may mắn. Cuộc đua còn phụ thuộc may mắn, ví dụ bình thường xe chạy tốt, lúc thi lăn quay ra thì mệt.
Mình bận nên chưa có thời gian tập. Do tham gia môn này lâu rồi nên những kỹ năng cơ bản vẫn nắm được, phần còn lại phụ thuộc sự ổn định của cái xe và thiết kế đường thi, có những năm bài thi thú vị.

Phạm Đình Trọng

- Phạm Đình Trọng và chiếc Hilux cũ, so sánh với các tay đua trẻ và những chiếc xe mới, sẽ như thế nào?
Anh Trọng: Người chơi lớn tuổi thiên về kỹ thuật. Tình huống nào đó có khi người trẻ vượt lên được, do công suất xe cũ không hiệu quả bằng thế hệ mới. Đây chính là một lý do mình thích hạng Nâng cao.
Bọn mình kỳ cựu đi đua với bạn trẻ là thua, vì các bạn ấy trẻ khoẻ, rất "hăng máu", sẵn sàng vác xe giá trị lớn lên đua, cánh già mình không làm được điều đó.

- Tính "hăng máu" này là điểm yếu hay điểm mạnh khi chơi offroad?
Anh Trọng: Hồi ở cái tuổi của các bạn trẻ bây giờ, mình cũng thế. Cái khác ở đây là do công nghệ ngày càng thay đổi, trước đây thi đấu kỹ năng bản thân là chính, xe chiếm 40%, còn giờ kỹ năng bản thân giảm, phần xe tăng lên. Có thể nói bọn mình thích chinh phục, thích thể hiện kỹ năng bản thân hơn phụ thuộc thiết bị.

Trong thi đấu, sự "hăng máu" này dễ dẫn đến mất bình tĩnh. Nhưng thi thì phải kèn cựa chứ, phải có máu ăn thua, ganh đua. Cái đó là bình thường. Không ganh đua thì mất đi chất lửa của cuộc thi rồi.

- Vậy là cánh tài già các anh cũng kèn cựa nhau trong lúc thi?
Anh Trọng: Bọn mình có kinh nghiệm nên kiềm chế hơn chút xíu nhưng khi đã đi thi, ai cũng muốn có thêm cơ hội dành chiến thắng. Nên giới trẻ giờ kèn cựa cũng là bình thường. Cá nhân mình ở tuổi này còn thế mà. Đã thi là phải vươn lên, phải quyết tâm. Được cái mình không cự cãi ai bao giờ. Nhưng không gây mất lòng người khác không có nghĩa là không ganh đua. Sống thì không mất lòng, nhưng thi mà phải tìm cách để hơn thì mình vẫn tìm.

- Năm nay VOC quy tụ nhiều tay đua mạnh, giả sử không đứng bục, anh có ngại điều đó không?
Anh Trọng: Mình chơi vì đam mê, có những anh chơi cả chục mùa nhưng chưa đứng bục nhưng vẫn chơi một cách hồn nhiên. Những người đấy mình rất quý, không nhất thiết cứ phải đứng bực mới được tôn trọng, có phải đứng bục để kiếm được cái danh vọng gì lớn đâu, chơi cho vui thôi mà.
Nếu chơi chỉ vì đứng bục thì ai còn chơi lâu đến giờ.

Phạm Đình Trọng

- Chị Hiền, có khi nào chị nghĩ sẽ cùng chồng đua offroad?
Chị Hiền: Mình không đam mê môn này. Mình nghĩ cái này là cả sức khoẻ và sự hiểu nhau. Đành rằng vợ chồng hiểu nhau trong cuộc sốn, như anh nói gì mình sẽ hiểu anh muốn gì, chứ môn thể thao này yêu cầu phán đoán, sự hiểu nhau ăn ý, mình phải yêu thích cơ, nếu mình chỉ đi theo chơi cho vui thì ảnh hưởng đến thành tích.

- VOC có nhiều cặp vợ chồng đua cùng nhau đấy chị?
Chị Hiền: mình biết đôi Vinh Lê, Trang Đặng, hai vợ chồng đấy rất ăn ý với nhau.

- Nếu anh đề nghị chị làm chã cho anh, chị nghĩ mình có phù hợp không?
Chị Hiền: Mình cho rằng, nếu tham gia thì giống chã như hai người bạn, vai trò cả hai quan trọng, người bên cạnh bình tĩnh, thần kinh vững hơn. Ông giống lái xe, tâm lý có khi không vững bằng người ngồi bên cạnh. Nhưng để hai vợ chồng giống chã từ trong nhà đi ra, giống mà có vẻ áp đảo hơn chã, thì người bên ghế phụ dù tính toán đúng nhưng cũng không dám nói, dẫn đến thành tích thi đấu không tốt.

Anh Trọng: Ở hạng cao hơn, giống hoàn toàn tin tưởng định hướng chã, đặc biệt thi có yếu tố thời gian, chã không tốt thì ông giống cứ đứng chờ chã kèo tời sao cho chính xác, chã là tính toán tốt hơn giống, chã cần thể lực.

Trong bài thi, luôn luôn là giống là người điều khiển tay lái, lúc đó, sự phân tích phán đoán của chã rất quan trọng, những bài thi này mình chưa thấy rõ vì địa hình ngắn nhưng nếu bạn theo dõi cuộc thi quốc tế, ông chã cầm theo ipad, chỉ đường đi trái phải… vì ông lái xe không đọc được đâu, làm hoàn toàn theo quyết dịnh ông chã, ông giống thực hiện tốt theo khẩu lệnh ông chã. Bài qua cầu, chã quan trọng, chã là hoa tiêu, một cặp thi tốt là do phương án tốt và thực hiện theo phương án đó cho hiệu quả.

- Môn offroad mang lại điều gì cho cuộc sống của anh?
Anh Trọng: Mình đánh giá môn này thú vị vì sự gắn kết với mọi người. Lúc thi kèn cựa nhau từng giây nhưng kết thúc rồi đều rất hào sảng, ngồi với nhau vui vẻ, có thể cùng nhau đi đến bất cứ đâu, mình có những người bạn như thế kể từ lúc biết đến bộ môn này.
Có một anh trong team nói câu rất hay với các bà vợ, dù sao thằng chồng chúng mày yêu thích mấy cục sắt cứng còn hơn yêu mấy cục gì mềm mềm. (cười)

- Xin cảm ơn anh chị, chúc anh chị có một mùa VOC thật đáng nhớ!
Tên: Phạm Đình Trọng
Vị trí: chã (lái phụ)
Đội: PVC Sang Trọng
Thành tích: vô địch Bán tải đồng đội VOC 2014 & vô địch Nâng cấp VOC 2016


Phương Huyền
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top