GIẢI MÃ SỰ THẬT VỀ ÔNG HOÀNG BẨY
Ông Hoàng Bẩy với ngôi đền có tên Bảo Hà quả là nổi danh thiên hạ, quanh năm người người rùng rùng khắp nơi kéo đến, dù mãi tít Lào Cai thậm xa.
Tò mò, nên mình cũng bỏ thời gian tìm hiểu, xem ông Hoàng Bẩy là ông nào, mà nổi danh khủng khiếp như vậy. Đến nỗi, nhập đồng cùng lúc cả ngàn đồng trên khắp cả nước.
Vị tướng quá... bí ẩn!
Sở dĩ, mình nói quá bí ẩn, là vì đến những người hương khói, thờ phụng, trông nom ngôi đền cũng chả biết cái ông Hoàng Bẩy mà cả nước xì xụp khấn vái là ông nào.
Thế nhưng, cứ đến ngày 17/7, Ban quản lý và chính quyền địa phương vẫn tổ chức lễ giỗ to tướng cúng ông Hoàng Bẩy cùng với đó là khai hội. Mà đã cúng thì phải có thông tin chứ. Vậy nên, thông tin về ông Hoàng Bẩy chung chung thế này đây: Ông Bẩy là “thần vệ quốc”, là một vị anh hùng lừng lẫy của miền sơn cước, từng đánh giặc phương Bắc, bảo vệ đất nước! Hết chuyện.
Tra cứu từ nhiều nguồn cả dân gian lẫn sử liệu, thì thêm được ít thông tin cũng rất lơ mơ: Thời Cảnh Hưng (1740 – 1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc. Tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Nhưng, trong một trận chiến, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.
Dân gian thì lại kể thế này: Ông Hoàng Bẩy là con Đức Vua Cha, theo lệnh vua giáng phàm trần, trở thành con trai thứ 7 trong tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Được cử lên Văn Bàn đánh giặc, ông bị giặc bắt. Chúng tra khảo, sát hại rồi vứt thi thể xuống sông. Kì lạ thay, di quan của ông trôi dọc sông Hồng, đến phà Trái Hút (Bảo Hà, Lào Cai) thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.
Sau này, khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà. Ông nổi tiếng là một ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu. Khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa… lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận. Mặc dù ăn chơi nức tiếng, nhưng ông lại luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu.
Truyền thuyết dân gian thì toàn là do các cụ bịa ra cho thần bí, vui nhộn, hút khách.
Ông Hoàng Bảy là ông này...
Mình đã gặp nhiều người hiểu biết ở Lào Cai, và thu thập được thông tin đáng tin cậy như sau: Các cụ cao niên thời kháng Pháp sống ở vùng Lào Cai, Yên Bái kể lại rằng, theo lời tổ tiên đời trước, ông Hoàng Bẩy được thờ trong đền Bảo Hà là vốn là một tay buôn thuốc phiện khét tiếng ở vùng Trái Hút khoảng thế kỷ 18 (thuộc đất Yên Bái bây giờ), cách Bảo Hà chừng 20km. Trước thời Pháp thuộc, vùng Trái Hút, cùng với phố Lu là trung tâm thuốc phiện lớn vùng Tây Bắc, thu hút rất nhiều tay chơi đổ về hút hít. Giới buôn bán thuốc phiện từ Lai Châu, Sơn La đều qua đây, tập kết thuốc phiện ở vùng này, rồi mới đưa về xuôi.
Sông Hồng từ TP. Lào Cai về khu vực Trái Hút chỉ dài vài chục cây số, nhưng có rất nhiều ghềnh thác, xoáy nước. Trong đó, đoạn sông qua Bảo Hà nước chảy quẩn, nên người chết trôi hay vật nào đó trôi về đây, thì bị nước quẩn giữ lại. Từ xưa đến nay, người trên ngược chết đuối, dân vớt xác chỉ việc chầu chực ở Bảo Hà là tìm thấy xác người.
Trong một lần chuyển hàng từ Phố Lu về Trái Hút bằng đường sông, ông trùm thuốc phiện Hoàng Bẩy bị lật thuyền, chết đuối và xác đã trôi về Bảo Hà. Đám đệ tử của ông trùm này đã vớt xác, đem chôn, rồi lập miếu thờ. Xưa kia, thuốc phiện không phải hàng cấm, nên thờ một đại gia buôn thuốc phiện cũng không trái đạo lắm. Ở Hà Giang vẫn có ngôi đền thờ một ông trùm thuốc phiện.
Ngày đó, đi đường thủy thì dễ bị lật thuyền, đi đường bộ dễ bị hổ vồ. Xưa, người Lào Cai có câu: “Cọp Bảo Hà - ma Trái Hút" - câu cửa miệng trong dân gian đã cho thấy sự u ám, hoang lạnh một thời của vùng đất này. Dân buôn bán, đặc biệt buôn thuốc phiện đi qua thường ghé miếu Hoàng Bẩy thắp hương cầu may mắn cho chuyến buôn đường dài.
Tin đồn cứ thế lan rộng, ngôi đền trở nên linh thiêng, nổi tiếng. Tiền của đổ về nhiều, nên các cụ phải sáng tác thêm để tay buôn thuốc phiện kia thành vị tướng, thành “Thần Vệ Quốc”.
Ở Lào Cai không chỉ có ngôi đền Bảo Hà có nguồn gốc lạ lùng, mà còn ngôi đền nữa cũng có lai lịch chết cười. Ngôi đền này ở Sapa, vốn là ngôi miếu do các cô gái bán dâm phục vụ lính Pháp dựng lên, thờ tổ nghề bán dâm là Bạch Mi bên Tàu, giờ đã thành đền thờ Mẫu. Dân mình đến cúng vái coi như Mẫu, keke.
Còn rất nhiều ngôi đền, miếu ở Việt Nam có lai lịch rất buồn cười, nhưng khi khách thập phương đến đông, cúng bái nhiều tiền của, thì phải bịa ra truyền thuyết cho đẹp, cho linh. Truyền thuyết càng hay, thì càng hút được nhiều tiền. Hết chuyện!
p/s: Tìm hiểu được thế này, thì em đây chép lại cho các cụ tham khảo. Cụ nào mê tín thì cứ cúng, cứ bái, chớ ném đá em là xúc phạm thánh thần, mà tội em nhé, keke.
Nguồn:Facebook