Sasanam là giáo huấn. Buddhana là tất cả các Đức Phật. Đây là giáo huấn của tất cả các Vị Phật. Ngài không bao giờ nói đây là giáo huấn của ta. Buddha không phải là tên một người nào. Buddha nghĩa là Bậc Giác Ngộ, người giải thoát. Tên của người giác ngộ ấy là Gotama. Và việc trở thành Phật không phải là độc quyền của một người nào, không phải chỉ một mình Ngài mới có thể thành Phật. Bất cứ người nào cũng có thể thành Phật. Dĩ nhiên, thành Phật không phải là chuyện dễ dàng. Quý vị đến đây 10 ngày và nghĩ rằng mình trở thành Phật. Không được, không được đâu. Đây là chuyện rất khó, rất khó nhưng nếu tu tập cần mẫn, cần mẫn, cần mẫn thì ai cũng có khả năng trở thành một người giác ngộ hoàn toàn, trở thành Phật. Và người nào trở thành Phật, người ấy sẽ chỉ giảng dạy con đường này mà thôi, ngoài ra không còn gì khác. Đây sẽ là giáo huấn của tất cả các Bậc Giác Ngộ. Giáo huấn đó sẽ là gì?
Đó là: “Không làm tất cả các điều ác (điều bất thiện), Siêng tạo các hạnh lành (điều thiện), không ngừng thanh lọc tâm mình trong sạch”. Toàn thể Dhamma (phương pháp giải thoát) nằm trọn vẹn trong đó, không thiếu sót gì cả. Ta không phải thêm gì vào. Nó hoàn toàn đầy đủ và ta không phải lấy bớt ra cái gì từ Dhamma. Không có gì sai dù chỉ là một dấu chấm để phải lấy ra. Do đó, lời dạy này hết sức tinh khiết, tinh khiết cực độ, không có gì để bớt đi hay thêm vào: “Không làm các điều ác, hãy làm các điều lành và thanh lọc tâm”. Tôn giáo nào xứng đáng với danh xưng cũng sẽ nói như thế. Nhưng khi Bậc Giác Ngộ giảng pháp, Vị ấy giảng Dhamma, pháp chung cho tất cả. Không bao giờ giảng điều gì có tính cách giáo phái. Dhamma phổ quát, vĩnh cửu. Luật tự nhiên là vĩnh cửu. Trong quá khứ đúng như sao, hiện tại cũng đúng như vậy, ở tương lai cũng đúng như vậy. Và pháp áp dụng cho từng người cũng như cho tất cả mọi người. Đó là Dhamma.
Sự hành Pháp sai lầm của các tông phái
Nhưng vì cuồng điên, vì vô minh, người ta quên mất cái tinh túy của Dhamma. Họ biến Dhamma thành tông phái, rồi tông phái này, tông phái kia, rồi chính giáo huấn này mang ý nghĩa khác nhau. Mọi người đều nói giống nhau là không làm điều ác. Không có tôn giáo nào nói cứ làm điều ác. Mọi người cùng nói một điều như nhau là làm điều thiện, điều lành. Tôn giáo nào, truyền thống nào cũng đều nói thế. Thanh lọc tâm, mọi tôn giáo, mọi truyền thống cũng sẽ nói như vậy. Nhưng khi giải thích thì có sự khác biệt rất lớn.
Điều ác là gì? điều lành là gì? Khi Dhamma biến thành tông phái, thì tông phái ấy, những người được gọi là Tu sĩ đạo hạnh của tông phái ấy, họ có thể khoát loại y này hay áo choàng kia, có thể có tràng hạt này hay chuỗi hạt kia, có dấu ấn này hay dấu ấn kia trên tráng, mang hình dáng bên ngoài này hay hình dáng bên ngoài kia. Lúc bấy giờ, những người thuộc tông phái này sẽ nói rằng chỉ có những ai có hình dáng bên ngoài như thế mới là người đạo hạnh, còn những người khác thì không. Một quan niệm được nêu ra, thứ quan niệm lệch lạc. Một quan niệm khác, vì mỗi tông phái có những nghi lễ khác nhau nên những người thuộc tông phái này sẽ nói những người nào cử hành những nghi thức, nghi lễ này, họ mới là những con người đạo hạnh; còn ai không cử hành những nghi lễ ấy, họ không phải là những người đạo hạnh, họ là những kẻ đầy tội lỗi. Một thứ quan điểm điên rồ về tội lỗi và thánh thiện được đưa ra.
Một quan niệm khác được đưa ra còn gây lầm lẫn hơn nữa. Mỗi tông phái con có niềm tin này, giáo điều kia, triết thuyết nọ. Chỉ những ai tin vào giáo điều này, triết thuyết này mới là người thật đạo hạnh, những ai không tin vào những điều ấy, họ không phải là con người đạo hạnh. Những quan niệm này về tội lỗi và thánh thiện gây tổn hại cho Dhamma (Giáo pháp). Dhamma không còn là Dhamma nữa. Trong Dhamma, quan niệm là chung cho tất cả, không có tính cách tông phái. Hình dáng bên ngoài có khác biệt từ người này sang người khác, từ tông phái này sang tông phái khác.
Các nghi thức, lễ bái sẽ khác biệt tùy theo từng người, từng tông phái. Niềm tin về lý thuyết có thể khác nhau tùy theo từng người, từng tông phái. Nhưng định nghĩa của Dhamma không thể khác đi, nó là phổ quát và vĩnh cửu. Việc ác là gì ? Việc bất thiện là gì? Bất cứ hành vi nào từ lời nói cho đến việc làm. Bất cứ việc nào ta làm mà gây tác hại, thương tổ đến các chúng sinh khác; quấy nhiễu sự an lạc và hòa hợp của các chúng sinh khác, đó là một việc ác, việc bất thiện.
Việc lành là gì? Việc thiện là gì? Tất cả các hành vi nào từ lời nói cho đến việc làm hỗ trợ, giúp đỡ các chúng sinh khác; đem lại một bầu không khí an lạc và hòa hợp, không quấy nhiễu sự an lạc và hòa hợp của các chúng sinh khác, không gây tác hại hay thương tổn cho ai, đó là việc lành, việc thiện. Định nghĩa này là phổ quát, là chung cho tất cả. Khi người ta tiếp tục đi sâu hơn vào Dhamma, ở mức độ thực nghiệm, nó trở nên rất rõ ràng, điều này phù hợp với luật tự nhiên.
Tránh làm các điều ác
Điều thứ nhất là tránh tất cả các điều ác, được gọi là Sīla (Giới hạnh), sống cuộc đời đạo đức, không làm bất cứ hành động nào từ lời nói đến việc làm mà gây tổn hại đến các chúng sinh khác. Hãy sống một cuộc đời đạo đức, làm những việc thiện và việc thiện lớn nhất là làm chủ tâm mình. Đừng bao giờ chịu làm nô lệ cho tâm, học cách làm sao để định tâm và nhất tâm bất loạn. Hãy lấy thiện làm nền tảng, không có bất cứ điều gì chống đối ai, không có tức giận, thù hận hay ác ý.
Đây là việc thiện tốt nhất. Khi người ta bắt đầu bước chân trên con đường giải thoát, điều trở nên rất rõ ràng là giáo huấn này là phổ quát, là chung cho tất cả. Bước đầu là Sīla (Giới hạnh), kế đến là Samādhi (Định tâm) và cuối cùng là Panna (Thanh lọc tâm). Panna có nghĩa là trí tuệ, tuệ giác chứng nghiệm trực tiếp về sự thật bên trong mình, phát triển trí tuệ về quy luật tự nhiên và thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm ở mức độ sâu nhất.
Bây giờ, nói đến phần đầu, Sīla là đạo đức, giới hạnh. Mới đầu, người ta chỉ hiểu Giới ở mức độ trí thức: “Phải! tôi không nên làm bất cứ điều gì từ lời nói đến việc làm gây tổn hại đến các chúng sinh khác. Chẳng hạn, nếu có người đến đánh tôi, giết tôi, chắc chắn là tôi không thích điều đó. Như thế, nếu tôi đánh người khác, giết người khác thì họ cũng ko thích điều đó. Do đó, tôi không nên làm điều gì mà tôi không muốn kẻ khác làm cho tôi. Tôi không nên sát hại, gây thương tổn, nguy hại đến người khác. Nếu có người ăn cắp, cướp đoạt vật gì rất thân yêu của tôi, tôi không thích thế và cảm thấy bị tổn thương. Vì thế, tôi không nên ăn cắp cái gì của người khác. Hành động này sẽ gây thương tổn đến người khác, tôi không nên làm như thế. Nếu có người nào hãm hiếp hay tà dâm trong gia đình tôi. Tôi không thích thế và bị tổn thương. Như thế, tôi không nên làm như vậy, người khác sẽ bị tổn thương. Nếu có người nào nói dối hay cố lường gạt tôi, tôi không thích như thế, tôi không nên nói dối, lường gạt người khác. Nếu có người nói thô bạo, tôi không thích như thế. Tôi không nên nói lời thô bạo với người khác, họ sẽ không thích như thế”. Tôi hiểu và ai ai cũng hiểu rằng: “Ta không nên làm điều này, điều kia nhưng khi bị say thuốc phiện hay say rượu, ta trở thành bất lực và nô lệ cho cơn say và sẽ làm tất cả những điều người ta không muốn làm. Tôi không nên dùng tất cả các chất gây say”. Đây là điều người ta hiểu ở bề mặt của tâm, ở mức độ lý trí.
Theo cách khác, người ta bắt đầu hiểu ở mức độ sâu hơn một chút, nhưng vẫn ở mức độ lý trí. Con người là một cá thể trong xã hội, phải sống trong xã hội, sống với người trong gia đình và với người khác. Nếu người ấy cứ tiếp tục làm những điều quấy phá toàn thể môi trường xung quanh, tạo bất hòa và phá rối an lạc khắp nơi, làm sao người này có thể hưởng được an lạc và hòa hợp: “Nếu tôi châm lửa đốt khắp nơi xung quanh tôi, chung quanh tôi là lửa, lửa thiêu đốt, làm sao tôi trông mong được sự tươi mát và yên tịnh trong tôi. Không thể được, cho nên, tôi phải giúp cho môi trường xung quanh trở nên an lạc hơn, thanh bình hơn, rồi chỉ khi ấy, tôi mới có thể sống trong môi trường đó và cảm thấy an lạc, thanh bình”.Phải! Điều này trở nên rõ ràng hơn.
Nhưng Dhamma mới thật sự rõ ràng khi ta bắt đầu thực hành. Và Bậc Giác Ngộ đưa ta tới chiều sâu nơi ta có thể bắt đầu chứng nghiệm được luật tự nhiên. Ở mức độ thực nghiệm, nó trở nên rất rõ ràng là: “Khi nào, tôi có hành động làm hại người khác, bằng lời nói hay việc làm, tôi không thể thực hiện hành động ấy, trừ khi tôi tạo ra rất nhiều điều xấu xa trong tâm mình. Tôi không thể giết hại kẻ khác, nếu tôi không phát sinh ra giận dữ, thù ghét, ác ý, hận thù. Tôi không thể ăn cắp, nếu tôi không nảy sinh sự tham lam dữ dội. Tôi không thể tà dâm, nếu tôi không đam mê nhục dục. Và như thế, có thể là ngã mạn, ghen tỵ, không bất tịnh này thì bất tịnh khác, tôi tạo ra những điều này trong tâm và chỉ từ đó, tôi mới có lời nói và việc làm gây tổn hại đến người khác”.
Quả báo ngay lúc tạo nghiệp
Qua kinh nghiệm, người bước chân trên con đường Dhamma sẽ bắt hiểu được những điều này. Và qua kinh nghiệm, ta có sẽ bắt đầu hiểu được rằng: “Bất cứ khi nào, tôi phát sinh sự tiêu cực nào trong tâm như giận dữ, ác ý, hận thù, đam mê, sợ hãi, ngã mạn, ganh tỵ, tham lam… Bất cứ bất tịnh nào trong tâm, thiên nhiên không muốn những điều này. Điều này đi ngược lại với luật tự nhiên và thiên nhiên bắt đầu trừng phạt tôi. Tôi chịu hình phạt ngay tại đây và ngay bây giờ. Hãy bỏ qua một bên chuyện hình phạt sau khi chết, chúng tôi không nói là không tin như thế. Nhưng hãy gát chuyện đó qua một bên, tôi sẽ chịu hình phạt đó ở đây và ngay bây giờ”.
Ai bước chân trên con đường sẽ bắt đầu nhận biết rằng: “Thiên nhiên sẽ bắt đầu trừng phạt tôi, bởi vì khi tôi nổi giận, tôi trở nên vô cùng dao động, bất hạnh, khốn khổ. Tôi không thể nào vừa nổi giận, lại vừa cảm thấy rất an lạc, đầy bình yên. Không thể được, chắc chắn là tôi trở nên dao động. Tương tự như thế, nếu tôi sinh ra bất cứ tật xấu nào, tôi sẽ trở nên dao động.
Luật tự nhiên là như thế, thiên nhiên đã bắt đầu trừng phạt tôi. Nếu tôi tránh, không có những hành động này và không phát sinh những tật xấu trong tâm, rồi thiên nhiên sẽ bắt đầu tưởng thưởng tôi, tôi cảm thấy an lạc vô cùng”. Định luật tự nhiên sau đây càng trở nên rõ ràng: “Không hãm hại và gây tổn thương người khác, đừng làm những gì bằng lời nói hay việc làm phiền nhiễu đến người khác. Vì như thế là mình đã bắt đầu tự hãm hại mình. Ta không biết đến điều ấy đâu, nhưng ta chính là nạn nhên đầu tiên do hành vi của mình”.
Nếu muốn giết hại ai, ta phải có tâm nóng giận, khi nổi giận, ta bị trừng phạt ngay lập tức. Mình chính là nạn nhân đầu tiên của sự nóng giận và tật xấu của mình. Điều này càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn đối vời người bước chân trên con đường Dhamma. Rồi ở mức độ sâu thẳm hơn, vì người ta đã bắt đầu chứng nghiệm sự thật bên trong, khuôn mẫu thói quen và lối sống tự động thay đổi. Vì không chứng nghiệm được sự thật bên trong nên lúc nào người ta cũng coi trọng những gì ở bên ngoài. Người ta không biết thiên nhiên đã trừng phạt người này hay tưởng thưởng người kia. Người ta chẳng biết gì cả.
Điều này càng trở nên rõ hơn. Không chỉ ở mức độ trí thức hay sùng tín, vì Đức Phật, Vị giáo chủ một tôn giáo hay Kinh điển đã nói như thế. Điều đó chẳng giúp ích được gì cả. Một khi nó trở nên rõ ràng hơn bằng mức độ thực nghiệm, kinh nghiệm trực tiếp thì nó giống như khi ta cho tay vào lửa, bàn tay mình bị phỏng. Bây giờ, ta biết đụng tay vào lửa chỉ làm khổ mình, nên lần tới, ta sẽ rất cẩn thận không cho tay vào lửa nữa.
Trong thâm tâm Quý vị bắt đầu kinh nghiệm được rằng: “Nếu bất cứ khi nào, mình làm tổn thương người khác, trước khi làm tổn thương người đó, mình đã bắt đầu tự làm tổn thương mình trước. Ta đã bắt đầu bị thiêu đốt trong tâm, lửa địa ngục nội tâm đã bắt đầu thiêu đốt mình ở ngay tại đây và ngay lúc này. Và khi làm những điều thiện, điều tốt lành giúp đỡ người khác, ta bắt đầu hưởng được sự an lạc, yên bình của cõi thiên đàng nội tâm. Địa ngục ở nội tâm, thiên đàng ở nội tâm, ta bắt đầu chứng nghiệm được điều này”. Kinh nghiệm này giúp ta tu tập Dhamma một cách thích hợp.