Sáng 10/1, người chăn nuôi bò sữa ở hai xã Tu Tra và Đạ Ròn, thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đông đảo tại trạm thu mua sữa của Công ty Cổ phần Đà Lạt Milk (nay thuộc quản lý của Công ty TH True Milk) để phản đối về việc công ty này tự ý phá vỡ hợp đồng thu mua sữa như đã cam kết, khiến hàng nghìn lít sữa tươi phải đổ bỏ.
Theo phản ánh của người chăn nuôi bò sữa, 3 ngày trước, Công ty cổ phần Đà Lạt Milk đột ngột ra thông báo với nội dung chỉ thu mua sản lượng sữa bò tươi của người dân theo định mức mỗi con là 16 lít/ngày. Qui định này hoàn toàn trái ngược với hợp đồng đã được ký kết trước đó giữa công ty này với người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương là đơn vị sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hậu quả, nông dân buộc phải đổ bỏ hàng ngàn lít sữa tươi trong 2 ngày qua.
Lượng sữa bò tươi dư ra, nông dân đã đổ bỏ tại điểm thu mua
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Chủ nhiệm Hợp tác xã bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương bức xúc cho rằng, hành động đơn phương phá vỡ hợp đồng của Công ty cổ phần Đà Lạt Milk đã đẩy người chăn nuôi bò sữa vào cảnh lao đao, trong đó nhiều hộ có nguy cơ phá sản. Bởi với cách thu mua hạn chế này, hộ nào cũng dư thừa một lượng lớn sữa bò tươi mỗi ngày mà chẳng biết bán cho ai nên người dân đành phải đổ bỏ.
“Công ty này đơn phương vi phạm hợp đồng. Sản lượng sữa bà con sản xuất ra bình quân mỗi con là 20 đến 25 lít, nhưng công ty khống chế mua chỉ 16 lít. Vì vậy, mỗi con bò dư ra từ 5 đến 10 lít, bình quân mỗi hộ dư từ 30 đến 50 lít, có những hộ còn dư nhiều hơn nhưng đành phải bỏ. Trong khi trong hợp đồng cam kết là bao tiêu hết tất cả sản phẩm của các nông hộ”, ông Nguyễn Hoàng Nhật bức xúc.
Trong khi đó, ông Ngô Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đà Lạt Milk cho rằng, sở dĩ đơn vị đưa ra định mức như vậy là đã nghiên cứu sản lượng sữa bình quân của đàn bò tại địa phương. Đây là giải pháp để tránh tình trạng người chăn nuôi mua sữa từ bên ngoài bán lại cho đơn vị: “Đánh giá của các chuyên gia thì mức trung bình của địa phương hiện nay mỗi con bò chỉ cho 15 lít sữa tươi/ngày. Theo đó, người dân tạm xây dựng định mức 16 lít để mà thu mua để bà con khỏi gửi sữa từ bên ngoài vào. Nếu hộ nào có bò thực tế cho năng suất cao hơn 16 lít thì mời chúng tôi đến để kiểm tra, nếu cao hơn thực thì chúng tôi sẽ thu mua”.
Ngay khi sự việc xảy ra, đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương huyện Đơn Dương đã có buổi làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần Đà Lạt Milk. Qua đó, đề nghị đơn vị này phải tiếp tục thu mua sữa bò tươi đầy đủ cho người dân theo đúng cam kết, sau đó mới tiến hành đi đến thương thảo để tìm biện pháp giải quyết hợp lý, tránh tình trạng nông dân phải đỏ bỏ sữa bò tươi như trong 2 ngày qua.
Được biết, hiện tỉnh Lâm Đồng có 3 đơn vị thu mua sữa tươi cho nông dân, trong đó công ty Cổ phần Đà Lạt Milk chỉ thu mua khoảng 10% trên tổng sản lượng sữa bò tươi trong toàn tỉnh.
Theo Quang Sáng