EM kiếm được bài cho các cụ , link :
http://thitruongtaichinh.vn/index.php?r=public/index&news_id=9193
Tiền đồng đang chịu sức ép mất giá
Đợt điều chỉnh thứ 13 của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ (VND/USD) trong tháng 10 đã khiến đồng nội tệ mất giá khoảng 0,73% tính từ đầu tháng 10.
Sáng nay, 27-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 20.788 VND/USD, tăng 20 đồng so với mức 20.768 VND/USD của ngày hôm qua. Các ngân hàng thương mại hôm nay áp tỷ giá trần 20.996 VND/USD. Giá mua vào khoảng 20.990 đồng.
Đợt điều chỉnh thứ 13 của tỷ giá trong tháng 10 đã khiến đồng nội tệ chính thức mất giá khoảng 0,73% trong vòng gần bốn tuần qua. Theo cam kết không để tỷ giá tăng quá 1% của Thống đốc NHNN ngày 7-9, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng tương đương 0,77%. Tỷ giá chính thức sẽ tiếp tục được điều chỉnh lên khoảng 20.840 VND/USD từ nay đến cuối năm.
Các công ty chứng khoán nhận định rằng về cơ bản, đây không phải thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) khi giới đầu tư có thêm lý do để lo ngại việc tỷ giá sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, điều này sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền lên giá vàng và vấn đề lạm phát những tháng cuối năm.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nói tại một hội thảo mới đây ở TPHCM rằng nếu lãi suất tiền đồng sẽ phải giảm thì tỷ giá sẽ phải đi theo chiều ngược lại. “Trong 18 tháng tới, hai nguy cơ lớn nhất vẫn là sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tỷ giá”, ông nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” nếu lan rộng và tác động mạnh vào khu vực tài chính thì nó có thể khiến TTCK toàn cầu phải áp đặt những tiêu chuẩn chặt hơn và đòi hỏi minh bạch cao hơn. Điều này có thể làm TTCK một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, bị tác động theo vì nó làm người ta nghi ngờ rằng sự phát triển của TTCK không phải không có giới hạn. Và nó có thể tạo nên một cú sốc nhất định về giá vàng cũng như tác động tiếp tới tỷ giá.
“Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào quản trị rủi ro lãi suất, tỷ giá, và đừng trông chờ vào các yếu tố thị trường không thuộc sự tự chủ của mình”, ông Huỳnh Bửu Quang - Giám đốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC Việt Nam nói với TBKTSG Online: “NHNN cũng nên có những hướng dẫn hạn chế các mục đích vay ngoại tệ không xác đáng, điều hành tỷ giá linh hoạt để giới đầu cơ khó dự đoán và giảm tính đầu cơ”.
Ông Quang cũng phân tích rằng, hiện sự chênh lệch tỷ giá vẫn phụ thuộc thị trường vàng sẽ thế nào. Vàng đang là kênh cho nhà đầu cơ trú ẩn trước lạm phát. Ngoại tệ đâu để đáp ứng cơn khát vàng cho đủ? Đó là yếu tố khiến giới chuyên môn cho rằng cần tiếp tục siết chặt hơn và đưa vàng vào quỹ đạo.
Dòng tiền đang bị tồn đọng trong các ngân hàng, trong vàng và trong người dân, trong khi nguồn lực dành cho các hoạt động phát triển kinh doanh, tạo ra của cải đang khan hiếm. Điều này chưa dễ tháo gỡ ngay bởi theo một số ngân hàng, vàng và ngoại tệ vẫn là ẩn số. Tỷ giá từ hơn một tuần qua đã ổn định ở mức cao mới. Bên cạnh đó, NHNN đã bắt đầu mạnh tay đối với các hoạt động đầu cơ và giao dịch ngoại hối bất hợp pháp, bằng cách tăng mức phạt đối với các hoạt động đầu cơ và giao dịch ngoại tệ phi pháp lên gấp 7- 10 lần (từ 300 -500 triệu đồng) đồng thời tiến hành kiểm tra tỷ giá tại các ngân hàng để đảm bảo tỷ giá không vượt ngoài biên độ.
Theo một ngân hàng đầu mối kinh doanh vàng, sức cầu của thị trường vàng chưa bớt nóng, ngoại tệ vẫn được huy động cho nhập khẩu vàng khiến họ lo ngại các biện pháp hiện nay với vàng, tỷ giá chỉ là tình thế. NHNN trong ngày nghỉ cuối tuần qua đã họp với một số ngân hàng về tình hình vàng. Rõ ràng vàng đang kéo ngoại tệ và tiền đồng đi theo.
Quản thị trường vàng thế nào vẫn là câu hỏi lớn và một số ý kiến cho rằng không loại trừ một số biện pháp hành chính có thể sẽ được tung ra thời gian tới