Việt Nam có thể sở hữu khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry
Các tàu chiến lớp Oliver Hazard Perry sẽ là sự bổ sung nhằm nhanh chóng tăng cường sức mạnh cho đội tàu mặt nước của Hải quân Nhân dân Việt Nam?
Vào ngày 2/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo về việc nước này chính thức gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương áp đặt trong gần 4 thập kỷ qua với Việt Nam. Ưu tiên ban đầu của Mỹ là bỏ hạn chế với các loại vũ khí hàng hải và giúp Việt Nam tăng cường an ninh biển. Vậy Việt Nam có thể hưởng lợi và cần nắm bắt cơ hội này như thế nào?
Một trong những mối quan tâm của Mỹ khi bán vũ khí cho Việt Nam là quá trình hiện đại hóa hải quân. Trong những năm qua,
Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc tăng cường hiện đại hóa đội tàu mặt nước, thành lập nhiều binh chủng mới như tàu ngầm, pháo-tên lửa bờ... Tuy nhiên, mặc dù đã được đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều tàu chiến nhưng hiện nay số lượng tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam vẫn còn ít và lượng giãn nước của các tàu còn nhỏ. Chúng ta đang có một
số hợp đồng mua tàu chiến cũng như tự đóng trong nước nhưng việc mua sắm và đóng mới cần một thời gian dài để đáp ứng đủ nhu cầu tác chiến.
Những tàu hải quân Mỹ từng đến thăm Việt Nam Sau 19 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, rất nhiều tàu hải quân Mỹ đã ghé thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận có thể mở ra một hướng đi mới nhằm tăng cường đội tàu mặt nước nói riêng và sức mạnh của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói chung, đó là mua lại các tàu chiến cũ của Mỹ, do các tàu này có vòng đời ngắn (Mỹ thường xuyên nghiên cứu phát triển và đóng mới tàu chiến thế hệ tiếp theo) nên khi loại biên vẫn đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện nay. Một trong những ứng viên sáng giá nhất đối với Hải quân Việt Nam chính là khinh hạm lớp
Oliver Hazard Perry.
Khinh hạm USS Oliver Hazard Perry (FFG-7)
Được thiết kế từ những năm 1970 với mục đích làm tàu hộ tống bảo vệ các tàu đổ bộ, nằm trong biên đội hộ tống tàu sân bay..., khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry được chế tạo với yêu cầu giá thành không quá đắt để đủ sức thay thế các tàu khu trục cũ cũng như các khinh hạm lớp Knox.
Tổng cộng đã có 71 tàu lớp Oliver Hazard Perry được đóng tại Mỹ và các quốc gia đồng minh (Australia, Tây Ban Nha, Đài Loan). Hiện có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Pakistan, Ai Cập, Bahrain, Đài Loan đang sử dụng loại khinh hạm này dưới dạng được Mỹ chuyển giao tàu cũ. Tất cả số tàu đó sau khi tiếp nhận đều được nước sở tại sửa chữa, nâng cấp để có thể tiếp tục sử dụng thêm một thời gian dài nữa.
Tàu hộ tống lớp Oliver Hazard Perry có chiều dài 136 m, rộng 14 m, lượng giãn nước 4.200 tấn (đầy tải), thủy thủ đoàn 176 người. Tàu được trang bị 2 động cơ General Electric LM2500-30 giúp đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý.
Tên lửa phòng không SM-1 phóng đi từ bệ phóng Mk 13.
Về vũ khí, khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry được trang bị 1 ray phóng đơn Mk 13 dùng để phóng tên lửa phòng không SM-1MR và tên lửa chống hạm Harpoon (với cơ số 40 quả cho cả 2 loại). Từ năm 2004, tất cả các tàu lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ đã thay thế bệ phóng Mk 13 bằng pháo tự động Mk 38 Mod 2 do tên lửa SM-1 bị loại bỏ khỏi biên chế của Hải quân Mỹ.
Vị trí bệ phóng Mk 13 được thay thế bằng pháo Mk 38 Mod 2.
Ngoài ra, khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry còn được trang bị 2 cụm 3 ống phóng Mk 32 dùng để phóng ngư lôi Mk 46 hoặc Mk 50, 1 pháo hạm OTO Melara Mk 75 76 mm/62 bố trí ở giữa tàu, 1 hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx và 4 súng máy 12,7 mm. Trên tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng săn ngầm loại MH-60.
Cụm ống phóng Mk 32 dùng để phóng ngư lôi Mk 46 hoặc Mk 50.
Pháo hạm OTO Melara 76/62.
Một trong những phương án cần xét đến khi nghiên cứu khả năng Việt Nam sở hữu các tàu lớp Oliver Hazard Perry là nâng cấp hỏa lực cho tàu. Việc không còn bệ phóng Mk 13 khiến Oliver Hazard Perry chỉ còn thuần túy là một lớp tàu săn ngầm. Đài Loan đã sớm giải quyết vấn đề này bằng việc lắp đặt thêm 8 ống phóng tên lửa chống hạm HF-2 lên tàu lớp Cheng Kung (phiên bản Oliver Hazard Perry đóng tại Đài Loan).
Đài Loan đã lắp 8 ống phóng tên lửa HF-2 (hoặc 4 ống phóng tên lửa HF-2 và 4 ống phóng tên lửa HF-3) giữa tháp radar chính và tháp radar AN/SPS-49), phương án này đảm bảo không thay đổi kết cấu của tàu và Việt Nam có thể lựa chọn tên lửa Exocet để lắp đặt thay thế.
Tiếp đến là tên lửa phòng không, sau khi loại bỏ bệ phóng Mk 13 thì tàu lớp Oliver Hazard Perry mất khả năng phòng không bằng tên lửa. Để khắc phục nhược điểm trên, Australia và Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng phương án lắp đặt 1 cụm 8 ống phóng thẳng đứng Mk 41 ở gần mũi tàu.
Bệ phóng Mk 41 trên khinh hạm TCG-Göksu (F-497) của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Việt Nam lựa chọn phương án trên thì có thay bằng bệ phóng thẳng đứng của tên lửa VL MICA.
Ngoài 2 phương án nâng cấp/thay thế hỏa lực như trên thì các tàu lớp Oliver Hazard Perry còn có thể thay đổi về radar như phương án thay radar AN/SPS-49 bằng SMART-S Mk2 3D (tương tự như radar trên tàu
Sigma 9814 của Việt Nam đặt mua) nhằm đảm bảo tính đồng bộ với tên lửa
Exocet và
VL MICA.
Radar SMART-S Mk2 3D trên khinh hạm TCG-Göksu (F-497).
Giải pháp mua lại tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ là một phương án bổ sung nhanh chóng cho đội tàu mặt nước của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Các tàu lớp Oliver Hazard Perry có lượng giãn nước tương đối lớn (4.200 tấn), hỏa lực sau khi nâng cấp là tương đối mạnh, sẽ đảm bảo khả năng tác chiến hiện tại và trong tương lai.
Giới thiệu vũ khí trang bị của khinh hạm USS GARY (FFG-51) lớp Oliver Hazard Perry
theo Đại Lộ
Nguồn : http://soha.vn/quan-su/viet-nam-co-the-so-huu-khinh-ham-lop-oliver-hazard-perry-20141005205052682.htm