CĂN NGUYÊN CỦA MỌI BỆNH TẬT
( Hòa thượng Tịnh Không giảng)
Quy nap nguyên nhân chỉ có ba loại:
1. Loại thứ nhất là bệnh sinh lý do đi đứng ăn uống không điều độ. Người xưa thường nói “bệnh từ miệng vào”, chúng ta ăn uống không vệ sinh, không khoa học; ở, ăn mặc không lưu ý nên bị cảm mạo phong hàn. Những thứ bệnh này thuộc về sinh lý cần tìm bác sĩ chẩn đoán trị liệu.
2. Loại bệnh thứ hai, oan gia trái chủ tìm đến thân. Loại bệnh này không thuộc sinh lý, thuốc thang sẽ không có hiệu quả, thầy thuốc cũng không thể trị hết. Chỉ có phương pháp duy nhất, đó là hòa giải cùng oan gia trái chủ để họ tiếp nhận, đồng ý và rời khỏi. Cho nên pháp sự siêu độ thông thường dụng ý chính là hòa giải, tiếp nhận cũng có không ít. Thế nhưng trường hợp không tiếp nhận cũng có, làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn.
3. Loại bệnh thứ ba là bệnh nghiệp chướng, không phải sinh lý cũng không phải oan gia trái chủ mà do chính mình tạo nghiệp quá nặng. Loại bệnh này rất phiền phức, thầy thuốc chào thua, siêu độ cũng không tác dụng. Đức Phật nói, loại bệnh nghiệp chướng này chỉ có một phương pháp đối trị, chính là chân thành sám hối. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta sám trừ nghiệp chướng, bệnh liền có thể hết. Trong Phật pháp, nếu biết được căn nguyên của bệnh này, hiểu được phương pháp đối trị, chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền oan uổng, quan trọng nhất phải dùng tâm chân thành sám hối, tụng kinh niệm Phật hồi hướng.
Thế nhưng điều trị vẫn là phương thức cần thiết. Nó có thể giúp chúng ta hồi phục sức khỏe, quan trọng vẫn từ nơi nội tâm mà sám hối, đoạn ác tu thiện.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, mười hai năm trước bị bệnh ung thư nghiêm trọng. Tế bào ung thư của ông gần như phát tán khắp cơ thể. Hiện ông còn giữ lại hơn 30 tấm phim chụp X quang. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán ông thọ mạng chỉ còn ba tháng. Bắt đầu từ đó ông thực sự hồi đầu. Ông đem sự nghiệp của gia đình, mọi thứ thảy đều giao phó hết. Ông đến cư sĩ Lâm làm công quả và đợi chết. Chờ đợi đến nay là mười hai năm, thân thể của ông ngày càng khỏe mạnh. Như vậy, từ nơi nguyện lực của thân đã làm cho nghiệp lực được thay đổi.
Thọ mạng bệnh khổ của con người chúng ta là nghiệp báo, cư sĩ Lý phát thệ nguyện quá lớn, nguyện lực siêu vượt qua nghiệp lực, ông toàn tâm toàn lực làm việc vì Phật pháp, xả mình vì người. Đạo tràng cư sĩ Lâm này từ tay ông mà hưng vượng, cống hiến rất lớn đối với Phật giáo. Mỗi ngày đều giảng kinh, từ đầu năm đến cuối năm không hề gián đoạn. Niệm Phật đường 24 giờ cũng không hề gián đoạn. Thời gian gần đây, đạo tràng lại phát tâm mở lớp bồi huấn nhân tài hoằng pháp, đoàn kết chín tôn giáo của Singapore. Chủ nhật hàng tuần, giảng đường chật ních đại biểu các tôn giáo khác tụ về giảng đạo. Đại đoàn kết tôn giáo trong lịch sử trước đây chưa từng có. Những công đức này có thể chuyển được nghiệp báo
Chuyển nghiệp báo nhất định phải dựa vào chính mình, không thể dựa vào người khác. Nếu người khác có thể thay chúng ta chuyển nghiệp báo thì cha có thể chuyển nghiệp báo thay cho con. Hay nói cách khác, Phật Bồ Tát liền có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng ta, chúng ta cần gì phải tu hành? Cho nên nhất định phải hiểu lý, nghiệp báo là do chính mình tạo, thì chính mình phải quay đầu tiêu trừ nghiệp chướng.
Xem trong hội Lăng Nghiêm, A Nan gặp phải nạn ma Đăng già. Đó là một ví dụ rất rõ ràng, Thích Ca Mâu Ni Phật không thể giúp được. Ngạn ngữ có câu “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”, không cách gì thay thế. Gặp được người cao minh, gặp Phật Bồ Tát, các ngài dạy chúng ta phương pháp, giúp đỡ chúng ta hiểu lý luận, sau đó chính mình chăm chỉ nỗ lực tu hành, sửa chữa hành vi sai lầm, nghiệp chướng của chúng ta liền được tiêu trừ, vận mạng liền được thay đổi. Chúng tôi cũng thường khuyên các vị đồng tu đem nghiệp báo của thân chuyển biến thành nguyện lực của thân thì chúng ta được tự tại, được chư Phật Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ.
Khi chưa gặp Phật pháp, chúng ta khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Sau khi học Phật mới hiểu ra cái chấp trước này là sai lầm, là tạo nghiệp luân hồi. Phật dạy bảo chúng ta đem ý niệm chuyển đổi lại, từ đây về sau không vì chính mình, buông bỏ ý niệm tự tư tự lợi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã buông bỏ, quyết không vì chính mình, tất cả vì Phật pháp, vì chúng sinh. Khi vừa chuyển đổi nghiệp lực biến thành nguyện lực, sức mạnh hiệu quả rất lớn.
Oan gia trái chủ báo thù, muốn gây phiền phức, đó là vì chúng ta còn có lòng riêng tư. Khi vừa chuyển đổi ý niệm, oan gia trái chủ không những không dám tìm đến gây phiền phức mà còn giúp đỡ, ủng hộ. Họ không thể báo thù, chúng ta vì tất cả chúng sinh, nếu họ hại chết chúng ta có nghĩa là họ sẽ hại tất cả chúng sinh, tội này cực trọng, họ sẽ không thể gánh vác nổi. Nhưng nếu chúng ta không có ý niệm vì chúng sinh, vì Phật pháp, mà vì tự tư tự lợi, họ sẽ có biện pháp đối phó. Hiểu rõ đạo lý này, hãy làm thế nào chuyển nghiệp báo một cách hiệu quả.
Bản thân chúng tôi cũng được chuyển biến. Khi tôi còn trẻ, mẫu thân và những thân thích xem tướng đoán mạng đều nói tôi không vượt qua 45 tuổi. 26 tuổi tôi bắt đầu học Phật, cũng không cầu trường thọ. Đến năm 45 tuổi, tôi bị một trận bệnh hết một tuần lễ. Tôi biết thời gian đang đến nên cũng không tìm bác sĩ, không uống thuốc. Mỗi ngày niệm Phật đợi vãng sinh. Niệm hết một tháng bệnh liền khỏi, cả đời từ đó về sau không hề bị bệnh nữa. Cho nên tôi không có bệnh án trong bệnh viện. Chuyển biến nghiệp lực không vì chính mình. Vì chính mình là con đường tử lộ, vì chúng sinh là con đường sinh lộ.
Chúng tôi thường khuyên đồng tu buông bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sinh, tất cả vì xã hội, vì chánh pháp cửu trụ. Nhà Phật thường nói “thừa nguyện tái lai”. Thân chúng ta là thừa nguyện trở lại, không phải là thân nghiệp báo. Sau khi chuyển đổi, phải tinh tấn, nỗ lực, quyết không giải đãi, không tạo tội nghiệp, mỗi ngày phải đọc tụng kinh điển tiếp nhận giáo hóa của Phật Bồ Tát, và y giáo phụng hành. Mỗi ngày đọc một bộ kinh, từ sơ phát tâm đọc đến thành Phật đều không chán, vì mỗi biến luôn có ý mới, mỗi biến đều có chỗ ngộ mới. Đọc tụng chân thật sẽ mang lại an vui vô cùng, giúp chúng ta hoạt động, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật, lợi ích rộng lớn vô tận.
(HT Tịnh Không)