[VGC] Luật thi đấu môn Đua Ô tô Gymkhana - Được ban hành bởi Hiệp hội Ô tô Thể Thao Việt Nam

Biển số
OF-22
Ngày cấp bằng
22/5/06
Số km
7,665
Động cơ
645,226 Mã lực
LUẬT THI ĐẤU MÔN ĐUA Ô TÔ GYMKHANA

Luật thi đấu môn Đua ô tô Gymkhana là văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức một giải, hoặc chuỗi các giải đua ô tô Gymkhana; hướng dẫn xây dựng một bản Điều lệ thi đấu cho từng giải đua cụ thể.

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
  • Luật thi đấu môn Đua ô tô Gymkhana do Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam (sau đây viết tắt là Hiệp hội) ban hành để tổ chức các giải thi đấu vô địch, vô địch trẻ Quốc gia, các giải thi đấu do Hiệp hội tổ chức hoặc công nhận theo quy định của Hiệp hội.
  • Đối tượng tham gia một giải đua xe ô tô Gymkhana bao gồm: Đơn vị điều hành giải đua (Organizer), đơn vị tổ chức giải đua (Promoter), các cán bộ điều hành (Officials), các vận động viên (Drivers) và khán giả.
  • Đơn vị tổ chức các giải đua xe ô tô Gymkhana được quy định tại khoản 1 của điều này khi ban hành điều lệ thi đấu phải tuân thủ các quy định của Luật thi đấu môn Đua ô tô Gymkhana.
Điều 2. Các định nghĩa
  • Gymkhana là một hình thức đua xe ô tô thể thao, trong đó các vận động viên phải thể hiện được khả năng điều khiển xe ô tô khéo léo qua các chóp phân làn giao thông và sa hình đã được định sẵn thông qua khả năng nhớ đường, định hướng trong một khoảng thời gian ngắn.
  • Sa hình đường đua thường sử dụng các chóp phân làn giao thông (cone) làm điểm đánh dấu.
  • Các kỹ thuật cần phải xử lý thông thường: di chuyển xe dích dắc (còn được gọi là slalom) qua các chóp, khúc cua, cua 90 độ, quay đầu180 độ, quay tròn 360 độ, hoặc quay tròn nhiều vòng.
  • Các kỹ năng cần thiết khi điều khiển xe: Khả năng nhớ đường, tăng tốc, chuyển hướng trơn tru, phanh chính xác đúng lực và trượt bánh chuẩn xác.
  • Việc xếp hạng vận động viên căn cứ vào khả năng hoàn thành bài thi đã đề ra trong thời gian ngắn nhất, không phạm lỗi hoặc phạm ít lỗi nhất. Các lỗi phạt bao gồm: va chạm vào chóp dẫn đến đổ chóp, di chuyển chóp ra khỏi vị trí cho phép, hoặc xe thi đấu đi ra khỏi khu vực đường đua.
  • Gymkhana đề cao tính cộng đồng, tập trung vào sự giao lưu thân thiện giữa các vận động viên và nâng cao kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, bộ môn này cũng mang lại cho khán giả theo dõi những tình huống xử lý đẹp mắt có tính giải trí cao.
Điều 3. Các quy định chung
  • Tất cả các giải Gymkhana được quy định tại khoản 1 điều 1 phải được Hiệp hội phê duyệt Điều lệ thi đấu ít nhất 30 ngày trước ngày tổ chức thi đấu.
  • Một giải Gymkhana có thể bao gồm một hoặc nhiều chặng đua, có thể được tổ chức ở một hoặc nhiều địa phương. Mỗi chặng đua có thể diễn ra trong một hoặc nhiều ngày tuỳ thuộc vào số lượng đường đua, số vận động viên tham gia giải.
  • Đối tượng tham gia một giải Gymkhana bao gồm: Đơn vị tổ chức giải đua (Promoter), Đơn vị điều hành giải đua (Organizer), cán bộ điều hành (Officials), vận động viên (Drivers) và khán giả (Spectators).
Điều 4. Đơn vị tổ chức giải đua và Đơn vị điều hành giải đua
  • Đơn vị tổ chức giải đua có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức, lắp đặt trang thiết bị, hậu cần, quản lý và điều phối nhân sự phục vụ, truyền thông, quảng bá, kinh doanh, kêu gọi tài trợ và bán vé.
  • Đơn vị điều hành giải đua được thành lập bởi Hiệp hội, chịu trách nhiệm về chuyên môn, phân công, sắp xếp nhân sự, đảm bảo giải đua được diễn ra theo đúng Luật thi đấu và Điều lệ thi đấu của giải.
Điều 5. Cán bộ điều hành
  • Cán bộ điều hành (Officials) của một giải Gymkhana bao gồm: Đại diện Hiệp hội (ASN Representative), Quản lý Đường đua (Clerk of the Course), Thư ký giải đua (Secretary of the Event), Trọng tài (Steward), Cán bộ kiểm tra kỹ thuật (Scrutineers) và trọng tài đường đua (Flag Officials).
  • Đại diện Hiệp hội là đại diện của Hiệp hội tham gia điều hành và đảm bảo giải đua được tổ chức theo đúng Luật thi đấu và Điều lệ giải.
  • Quản lý đường đua được đề xuất bởi Đơn vị tổ chức giải đua và được phê duyệt bởi Đại diện Hiệp hội.Quản lý đường đua có nhiệm vụ đảm bảo an toàn, công bằng cho giải đua; triển khai công việc đúng giờ theo kế hoạch.
  • Thư ký giải đua được đề xuất bởi Đơn vị tổ chức giải đua và được phê duyệt bởi Đại diện Hiệp hội. Thư ký giải đua có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giải đua; liên lạc với các thành viên trong nhóm điều hành giải; lưu trữ kết quả từ các trọng tài và các tài liệu có liên quan đến giải đua. Thư ký giải đua phải đảm bảo sự minh bạch, trung thực, bảo mật và an toàn thông tin cho đến khi được phép công bố.
  • Trọng tài của giải được đề xuất bởi Thư ký giải đua và được phê duyệt bởi Đại diện Hiệp hội. Trọng tài được lựa chọn trên tiêu chí: đã có nhiều kinh nghiệm, công bằng và không có các tranh chấp quyền lợi.
  • Cán bộ kiểm tra kỹ thuật có nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện các vấn đề kỹ thuật theo đúng quy định trong Luật thi đấu và Điều lệ giải. Trưởng nhóm kiểm tra kỹ thuật của mỗi giải đua phải báo cáo với Trọng tài về những xe đua không phù hợp với cuộc đua hoặc vi phạm các quy tắc của cuộc đua
  • Trọng tài đường đua có nhiệm vụ đưa ra tín hiệu bằng cờ theo nguyên tắc được quy định cụ thể tại Luật thi đấu này.
  • Số lượng và tên của tất cả các vị trí trên đều phải được đăng ký trong Điều lệ thi đấu của từng giải. Với một số giải có quy mô nhỏ, các cán bộ điều hành có thể kiêm nhiệm một hoặc nhiều vị trí khác nhau.
Điều 6. Vận động viên
  • Vận động viên tham dự giải đua phải có bằng lái xe ô tô hạng B1 trở lên do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với các giải đua cấp Quốc gia và Quốc tế trong hệ thống của Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA), vận động viên phải có bằng do Hiệp hội cấp hoặc các Hiệp hội, liên đoàn tương đương cấp.
  • Số lượng vận động viên cho từng giải đua sẽ được quy định trong Điều lệ thi đấu của từng giải.
  • Đối với các hạng mục đua đồng đội, số lượng vận động viên trong một đội đua sẽ được quy định trong Điều lệ thi đấu của từng giải.
  • Tất cả các vận động viên bắt buộc phải tham gia họp kỹ thuật trước giải đua, việc vắng mặt ở cuộc họp này sẽ dẫn đến việc mất quyền thi đấu của vận động viên. Thời gian và địa điểm sẽ được thông báo cụ thể trong Điều lệ thi đấu.
  • Các vận động viên không được phép sử dụng đồ uống có cồn và các chất bị cấm vào bất kỳ thời gian nào trong suốt quá trình diễn ra giải đua.
Điều 7. Xe đua
  • Các loại ô tô có đủ những tiêu chí sau được quyền tham dự giải:
    • Các loại ô tô có số chỗ ngồi dưới hoặc bằng 5 chỗ;
    • Các loại ô tô có trục cơ sở (chiều dài cơ sở) dưới 3200 mm (3.2 mét).
  • Các loại ô tô không được tham gia giải:
    • Các loại xe bán tải – pickup;
    • Các loại xe SUV có khung rời (chassis rời);
    • Các loại xe mui trần, xe không mui;
    • Các loại xe có số chỗ ngồi trên 5 chỗ.
  • Động cơ và hệ thống truyền động phải trong tình trạng hoạt động tốt, không rò rỉ nhiên liệu, nước làm mát và các loại dầu. Xe phải có đủ dầu bôi trơn, dầu thủy lực, dầu hộp số.
  • Hệ thống lái và hệ thống phanh trong tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo không bị rơ, trễ.
  • Ghế ngồi chắc chắn, phải có dây an toàn ít nhất 3 điểm.
  • Lốp là loại sử dụng trên đường nhựa với gai lốp không nhỏ hơn 4mm (tình trạng hao mòn không vượt quá 50%).
  • Trường hợp xe mui trần tham gia giải phải được kiểm tra kỹ thuật có đủ điều kiện an toàn, được sự đồng ý bằng văn bản của Quản lý đường đua và Trọng tài chính.
  • Các xe mui kín phải có khung vỏ nguyên bản, không được can thiệp vào khung vỏ (cắt bớt, thay đổi), khung chống lật gắn trong hoặc gắn ngoài là giải pháp an toàn cho xe và không tính là thay đổi khung vỏ. Các chi tiết khác được phép thay đổi, kể cả động cơ.
  • Trong quá trình kiểm tra xe, đơn vị Điều hành giải đua được phép yêu cầu sửa chữa những bộ phận thiếu an toàn và có quyền từ chối tham gia đối với các xe không đạt chuẩn an toàn. Đơn vị điều hành giải đua cũng có quyền từ chối các xe có những biểu hiện thiếu an toàn mà không cần nêu lý do.
Điều 8. Phân hạng xe thi đấu
  • Các hạng xe được phép tham gia giải đua bao gồm:
    • Xe cầu trước FWD;
    • Xe cầu sau RWD;
    • Xe 4WD, AWD;
    • Xe cầu trước FWD nâng cấp;
    • Xe cầu sau RWD nâng cấp;
    • Hạng tổng hợp (Overall): Tất cả các hạng xe;
    • Xe thuần điện.
    • Xe hybrid được xếp chung với các phân hạng xe động cơ đốt trong. Trường hợp xe hybrid không có hệ dẫn động trực tiếp từ động cơ đốt trong đến bánh xe thì được xếp vào hạng xe thuần điện.
  • Số lượng xe của mỗi hạng được quy định trong Điều lệ thi đấu của mỗi giải đua. Trong trường hợp không đủ ba (3) vận động viên trong một hạng, Đơn vị Điều hành giải đua có thể điều chỉnh hạng bằng cách gộp các hạng với nhau, hoặc hủy bỏ một hay nhiều hạng, đưa ra hạng mới tùy thuộc số lượng các xe tham gia, mục đích giải đua.
Điều 9. Trang phục, thiết bị của vận động viên
  • Mũ bảo hiểm là bắt buộc, có thể che hàm hoặc 3/4 theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đối với các giải đua cấp quốc tế trong hệ thống của Liên đoàn ô tô quốc tế (FIA), mũ bảo hiểm phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn của FIA.
  • Trang phục, giày có thể do Ban Tổ chức cấp hoặc tự trang bị, được quy định trong Điều lệ thi đấu của mỗi giải đua. Đối với các giải đua cấp Quốc tế trong hệ thống của Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA), quần áo đua, giày đua, găng đua phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn của FIA.

Điều 10. Kiểm tra kỹ thuật
  • Tất cả vận động viên tham gia đua đều phải qua công đoạn kiểm tra kỹ thuật bởi cán bộ kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo các xe đua và trang phục, thiết bị đua của vận động viên đều trong tình trạng an toàn để đua.
  • Trong trường hợp xe đua bị lỗi kỹ thuật, hỏng trong quá trình đua thì Trọng tài và Cán bộ kiểm tra kỹ thuật có thể xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan để đưa ra phán quyết cho việc chấp nhận lấy kết quả bài thi đó hay phải chạy lại bài thi.
Điều 11. Đường đua
  • Đường đua phải được đặt ở trên mặt phẳng, tốt nhất là đường nhựa hoặc bê tông.
  • Đường đua được tạo ra bởi nhiều chóp phân làn giao thông, dải phân cách mềm bằng nhựa hoặc/và các loại chóp đặc biệt theo quy định của ban tổ chức giải. Vị trí của chân chóp sẽ được đánh dấu để khi chóp rời khỏi vị trí do va chạm sẽ áp dụng các phương án trừ điểm hoặc cộng thời gian.
  • Tùy vào thiết kế đường đua, có thể đặt các loại chóp đặc biệt có màu hoặc hình dáng khác biệt và được đánh dấu trên bản đồ đường đua. Khi xe va chạm làm chóp đặc biệt rời khỏi vị trí được đánh dấu sẽ bị trừ điểm gấp đôi hoặc cộng thời gian phạt gấp đôi so với chóp thông thường.
  • Sơ đồ thiết kế đường đua cần được gửi cho Đơn vị điều hành giải đua và Hiệp hội trước ngày đua ít nhất 2 tuần. Hội đồng Chuyên môn bộ môn Gymkhana thuộc Hiệp hội chịu trách nhiệm tư vấn về kỹ thuật cho giải đua bao gồm cung cấp sa hình và tư vấn kỹ thuật trong việc thiết kế các đường đua theo đúng định dạng Đua ô tô Gymkhana.
  • Kích thước thiết kế đường đua:
  • Khoảng cách giữa các chóp của đoạn dích dắc (Slalom): Lớn hơn 11m và nhỏ hơn 18m.
  • Khoảng cách giữa 2 chóp làm tâm quay của đoạn quay số 8 (figure 8): Lớn hơn 11m và nhỏ hơn 18m.
  • Đoạn cua bất kỳ cần có bán kính tối thiểu 6m.
  • Bán kính quay tối thiểu của các đoạn 180o và 360o là 6m.
  • Đoạn chạy thẳng có độ dài tối đa là 50m.
  • Khoảng cách giữa các đoạn dích dắc (slalom), quay đầu chữ U (U-Turn), hình số 8 (figure8), 180độ, 360 độ cần có khoảng cách tối thiểu là 15m. Nối giữa các đoạn này có thể là đường thẳng hoặc đường cua.
  • Bản vẽ sơ đồ của mỗi đường đua cần trưng bày tại điểm xuất phát để các vận động viên có khả năng ghi nhớ đường đua. Các vận động viên phải có ít nhất 10 phút dành cho việc ghi nhớ một đường đua trong đó có thể bao gồm thời gian đi thăm đường.
  • Ở các giải đua hạng phong trào, phải bố trí ít nhất một (1) đường đua thực hành cho các vận động viên, mỗi vận động viên mới tham gia được chạy ít nhất hai (2) lượt chạy thực hành. Đường thực hành không nhất thiết là đường dùng để thi đấu nhưng cần thể hiện các yếu tố cơ bản của đường đua (đoạn thẳng, dích dắc, chữ U, hình số 8, 180 độ).
  • Các quy định chi tiết về đường đua được quy định trong Điều lệ thi đấu của mỗi giải đua.
Điều 12. Thể thức đua:
Thể thức đua đơn (Solo):
  • Đua đơn là thể thức đua chỉ có một xe chạy trên đường đua ở một thời điểm. Trong một giải đua, mỗi xe sẽ có thể có một hoặc nhiều lượt chạy.
  • Thời gian hoàn thành bài thi là tổng thời gian chạy từ lúc xuất phát đến khi về đích cộng với tổng thời gian lỗi phạt.
  • Một giải Gymkhana thông thường sẽ bao gồm vòng phân hạng (Qualifying), sau đó sẽ bắt cặp để đấu loại trực tiếp hoặc thi đấu lần lượt để xếp hạng theo thành tích. Ở thể thức bắt cặp đấu loại trực tiếp, tùy theo số lượng vận động viên tham gia Đơn vị điều hành giải đua sẽ đưa ra số lượng cặp đấu loại theo mô hình: Dựa trên kết quả ở vòng phân hạng, vận động viên nhanh nhất sẽ gặp vận động viên chậm nhất, vận động viên nhanh nhì sẽ gặp vận động viên chậm nhì,… để đảm bảo các vận động viên có thành tích tốt trong vòng phân loại có ưu thế khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp.
  • Quy định chi tiết về việc chia bảng và số lượng chặng đua, hình thức chọn vận động viên vượt qua từng chặng đua sẽ được quy định trong Điều lệ thi đấu của từng giải đua.
Thể thức đua đồng đội (Team):
  • Mỗi đội phải có ít nhất hai (2) thành viên. Số lượng thành viên mỗi đội được quy định trong Điều lệ thi đấu mỗi giải đua.
  • Thời gian hoàn thành bài thi là tổng thời gian chạy từ lúc xuất phát đến khi về đích cộng với tổng thời gian phạt lỗi của từng thành viên trong đội.
  • Quy định chi tiết về việc chia bảng và số lượng chặng đua, hình thức chọn đội đua vượt qua từng chặng đua sẽ được quy định trong Điều lệ thi đấu của từng giải đua.
Thể thức đua đôi (Double):
  • Đua đôi là thể thức đua mà hai xe của mỗi đội (ký hiệu là D1 và D2) sẽ chạy trên đường đua ở cùng một thời điểm. Hai vận động viên sẽ cùng xuất phát trên cùng một sa hình.
  • Thời gian hoàn thành bài thi là tổng thời gian của hai lượt chạy, bắt đầu tính từ lúc xuất phát của xe D1 và kết thúc của xe D2 và ngược lại.
Lượt chạy đầu, xe D1 xuất phát trước và xe D2 chạy theo sau. Khi gần đến khu vực đích thì D1 sẽ phải nhường đường để D2 về đích. Vận động viên về đích sai thứ tự thì vận động viên đó sẽ có kết quả “Không hoàn thành bài thi - Did not finish” (DNF).

Lượt chạy thứ hai, xe D2 xuất phát trước và xe D1 chạy theo sau. Khi gần đến khu vực đích thì D2 sẽ phải nhường đường cho D1 về đích. Vận động viên về đích sai thứ tự thì vận động viên đó sẽ có kết quả DNF.

  • Quy định chi tiết về việc chia bảng và số lượng chặng đua, hình thức chọn đội đua vượt qua từng chặng đua sẽ được quy định trong Điều lệ giải hoặc trong các cuộc họp kỹ thuật. Trong trường hợp hai đội có điểm bằng nhau thì đội nào có vận động viên chạy một lượt nhanh nhất đội ấy sẽ thắng.
Điều 13. Hệ thống chấm điểm
  • Hệ thống ghi thời gian tự động sẽ được sử dụng để ghi thời gian thi đấu. Đồng hồ phải ghi được 1/100 giây. Đại diện Hiệp hội sẽ lựa chọn hệ thống ghi thời gian được sử dụng trong giải đua. Đơn vị điều hành giải đua và Đơn vị tổ chức giải đua phải đảm bảo có một buổi thử hệ thống trước khi đua chính thức và phải có biên bản nghiệm thu.
  • Trong trường hợp nhiều hơn một làn xe cùng xuất phát một lúc thì hệ thống phải ghi thời gian riêng biệt cho từng làn xe.
  • Trong trường hợp hai tay đua/đội đua có thời gian về đích bằng nhau, tay đua/đội nào có ít lỗi hơn sẽ thắng.
  • Trong trường hợp hai tay đua/đội đua có thời gian bằng nhau, số lỗi bằng nhau, hoặc không có lỗi, thì hai tay đua/đội đua sẽ chạy tiếp một lượt nữa để phân định thắng bại.
  • Ở thể thức đua đồng đội, nếu hai đội có điểm bằng nhau thì đội nào có vận động viên chạy một lượt nhanh nhất đội ấy sẽ thắng.
  • Trọng tài sử dụng đồng hồ bấm giờ bằng tay chạy cùng lúc với hệ thống bấm giờ tự động để lấy kết quả trong trường hợp hệ thống chấm tự động bị hỏng. Có thể sử dụng thêm một bộ chấm điểm tự động để dự phòng cho bộ chính.
Điều 14. Cờ hiệu
  • Trước khi xe đua xuất phát, các cán bộ phụ trách cờ hiệu đều phải vẫy cờ xanh (green flag) để ra tín hiệu rằng khu vực của mình đã sẵn sàng để bắt đầu.
  • Khi xe đua có dấu hiệu va vào chóp, cán bộ phụ trách cờ hiệu có nhiệm vụ giơ cao cờ vàng (yellow flag) và chỉ vào khu vực có chóp di chuyển. Sau khi xe đua đã về đích, một trọng tài sẽ trực tiếp đi xác định xem chóp xem có nằm ngoài vị trí đánh dấu hay không. Vận động viên có quyền được kiểm tra và xác nhận trước khi đại diện đơn vị điều hành đua xếp lại chóp vào vị trí cũ. Nếu chóp đã rời khỏi vị trí thì án phạt cộng 2 giây sẽ được áp dụng. Trường hợp chóp vẫn nằm một phần trong phần đánh dấu thì sẽ không có án phạt nào được đưa ra và cán bộ sẽ vẫy cờ xanh.
  • Trường hợp chóp bị đổ thì cán bộ phụ trách cờ hiệu sẽ vẫy cờ vàng ra hiệu. Lúc này trọng tài cùng với cán bộ phụ trách cờ hiệu sẽ xác định chính xác để áp dụng án phạt.
  • Trong trường hợp vận động viên đi sai đường và không có khả năng sửa lỗi (đuôi xe vượt qua cọc sai thứ 2) thì cờ đen (black flag) sẽ được vẫy, vận động viên phải tìm đường ngắn nhất để về đích và thời gian tối đa (Bogey time) sẽ được áp dụng.
  • Trong trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm, Quản lý đường đua sẽ ra lệnh cho toàn bộ cán bộ phụ trách cờ hiệu sử dụng cờ đỏ để báo hiệu cho vận động viên dừng ngay lập tức và di chuyển về khu vực an toàn.
  • Các vận động viên không được phản đối hoặc khiếu nại cán bộ phụ trách cờ hiệu. Các vấn đề khiếu nại, phản đối kết quả đều phải thông qua trọng tài chính. Các vận động viên cần đưa ra bằng chứng và chờ thư ký trọng tài sắp xếp thời gian họp để giải quyết khiếu nại.
Điều 15. Xuất phát
  • Cách đánh số thứ tự tay đua/đội đua và thứ tự xuất phát được quy định trong Điều lệ thi đấu của từng giải đua.
  • Khi được hiệu lệnh xuất phát thì xe đua phải nhanh chóng xuất phát trong vòng 5 giây. Nếu cố tình kéo dài thời gian xuất phát và không có lý do cụ thể thì bị phạt thời gian là 2 giây.
  • Đồng hồ sẽ dừng khi xe chạm vạch đích, các xe đua phải dừng lại trong chuồng đích. Xe làm đổ chóp chặn ở chuồng đích sẽ bị phạt cộng thêm 2 giây, trường hợp vượt hoàn toàn xe ra khỏi chuồng đích sẽ bị DNF và bị phạt nhận thời gian tối đa.
  • Mọi vận động viên đều phải hoàn thành tất cả các bài thi. Mỗi bài thi không hoàn thành sẽ bị đánh dấu DNF và bị phạt nhận thời gian tối đa.
Điều 16. Các lỗi phạt
  • Các vận động viên phải thực hiện đúng theo hướng và sa hình đường đua đã cho. Nếu thực hiện đúng và không xảy ra lỗi thì kết quả bài thi bằng đúng thời gian thi.
  • Trong trường hợp vận động viên chạy sai sa hình đã cho đến điểm đánh dấu bằng chóp kế tiếp, vận động viên đó có thể sửa hoặc lùi lại một lần duy nhất. Nếu tiếp tục sai lần thứ hai thì trọng tài sẽ vẫy cờ đen và chặng đó lập tức có kết quả DNF, vận động viên sẽ bị phạt nhận thời gian tối đa và phải dừng đua.
  • Mỗi chóp bị xe đua làm đổ, làm sai lệch ra khỏi vị trí trong lúc đua thì vận động viên sẽ bị phạt cộng thêm 2 giây vào thời gian thi đấu. Nếu xe chỉ chạm vào chóp làm dịch chuyển mà không làm chóp văng ra ngoài vạch hoặc đổ chóp thì vận động viên sẽ không bị phạt.
  • Trên đường đua có thể có những loại chóp đặc biệt có hình dạng và màu sắc khác với loại thông thường. Vận động viên đâm đổ loại chóp này sẽ bị phạt cộng thời gian 4 giây (gấp đôi loại chóp thông thường), cách xác định đổ và sai lệch vị trí áp dụng giống như loại chóp thường.
  • Nếu vận động viên cố tình chậm xuất phát trễ quá 5 giây thì sẽ bị phạt 2 giây cộng vào thời gian thi.
  • Vận động viên sẽ bị phạt cộng 2 giây cho mỗi lần xe đua chạm vào hàng rào, rào chắn xung quanh khu vực đua.
  • Vận động viên sẽ bị phạt cộng 2 giây nếu làm đổ chóp hoặc xê dịch ra khỏi vị trí ở cuối chuồng đích.
  • Vận động viên sẽ bị phạt cộng 2 giây nếu đốt lốp xe (Burn out) trước khi xuất phát. Các hành động đốt lốp đều không được khuyến khích kể cả trong lúc đua.
  • “Thời gian tối đa” (Bogey time) là mức thời gian được quy định trên sa hình đường đua và được xác định bằng công thức: “Thời gian chạy thử trung bình” x 2. Thời gian chạy thử trung bình được quy định bởi Quản lý đường đua.
Điều 17. Công bố kết quả
  • Kết quả sẽ được xác nhận bởi Trọng tài chính của giải đua trước khi công bố.
Điều 18. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
  • Các vận động viên khiếu nại bằng văn bản theo quy định của Đơn vị điều hành giải đua.
  • Việc khiếu nại kết quả của các tay đua/đội đua sẽ chỉ được chấp nhận trong vòng 30 phút sau khi công bố kết quả lượt chạy. Sau khoảng thời gian này, mọi khiếu nại sẽ không được chấp nhận.
  • Các vận động viên phải nộp lệ phí khiếu nại tuỳ theo quy định ở Điều lệ thi đấu
Điều 19. Hiệu lực thi hành
  • Luật thi đấu môn Đua ô tô Gymkhana có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
  • Trong quá trình thực hiện luật nếu có những vướng mắc, vấn đề nảy sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Hiệp hội Ô tô Thể thao Việt Nam để kịp thời nghiên cứu giải quyết.
  • Chỉ có Ban chấp hành Hiệp hội Ô tô Thể thao Việt Nam mới có quyền thay đổi các nội dung của luật này.

Phụ lục:

Điều lệ thi đấu mẫu. (Supplementary Regulations Template)
  • Tên giải đua: ...................................................................................
  • Đơn vị tổ chức:................................................................................
  • Đơn vị điều hành:.............................................................................
  • Các đơn vị đồng hành, hỗ trợ:..........................................................
  • Thời gian và địa điểm
  • Các mốc thời gian chính
  • Lịch phát racekit và họp kỹ thuật
  • Lịch thi đấu kèm địa điểm từng bài thi
  • Quy trình đăng ký
  • Phân hạng và số lượng các đội đăng ký của mỗi hạng
  • Lịch đăng ký tham gia
  • Lệ phí đăng ký và hỗ trợ đội thi
  • Quy định về trang phục và mũ bảo hiểm
  • Giải thưởng
  • Bảo hiểm y tế
  • Quảng cáo
Tham chiếu
  • Luật thi đấu chung môn đua xe ô tô Gymkhana sử dụng tiếng Việt, đồng thời được dịch ra tiếng Anh để đối chiếu và sử dụng trong trường hợp có đơn vị tổ chức hoặc đối tượng tham gia là người nước ngoài.
  • Văn bản này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Luật thi đấu Thể thao Quốc tế (International Sporting Code) của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA), “Luật thi đấu chung bộ môn Motorkhana” của Liên đoàn Ô tô Úc (Motorsport Australia) và Luật thi đấu chung của giải Asia Auto Gymkhana Championship (AAGC) – 2019. Luật thi đấu bộ môn Gymkhana của liên đoàn ô tô thể thao Oman 2022. Điều lệ thi đấu của giải MSS Auto Gymkhana Championship Serie 2023 – Singapore.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top