[VOC] Luật thi đấu Môn đua Ô tô Địa hình (Ban hành bởi Hiệp hội Ô tô Thể thao Việt Nam)

GiaoThongTài khoản đã xác minh

Em vẫn hành quân...
Biển số
OF-29
Ngày cấp bằng
22/5/06
Số km
15,681
Động cơ
841,226 Mã lực
Nơi ở
Đông dược Phú Hà
Website
www.duocphuha.com
LUẬT THI ĐẤU MÔN ĐUA Ô TÔ ĐỊA HÌNH

Luật thi đấu môn Đua ô tô địa hình là văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức một giải, hoặc chuỗi các giải đua ô tô địa hình; hướng dẫn xây dựng một bản Điều lệ thi đấu cho từng giải đua cụ thể.
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
  • Luật thi đấu môn Đua ô tô địa hình (sau đây viết tắt là Luật thi đấu) do Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam (sau đây viết tắt là Hiệp hội) ban hành để tổ chức các giải thi đấu vô địch, vô địch trẻ Quốc gia, các giải thi đấu do Hiệp hội tổ chức hoặc công nhận.
  • Đối tượng tham gia một giải đua xe ô tô địa hình bao gồm: Đơn vị điều hành giải đua (Organizer), đơn vị tổ chức giải đua (Promoter), các cán bộ điều hành (Officials), các vận động viên (Drivers) và khán giả.
  • Đơn vị tổ chức các giải đua xe ô tô địa hình được quy định tại khoản 1 của Điều này khi ban hành điều lệ thi đấu phải tuân thủ các quy định của Luật thi đấu môn Đua ô tô địa hình.
Điều 2. Các định nghĩa
  • Đua xe ô tô địa hình: là một hình thức đua xe ô tô thể thao, trong đó các vận động viên phải thể hiện khả năng điều khiển ô tô khéo léo, phối hợp ăn ý giữa vận động viên lái chính và vận động viên lái phụ để vượt qua các chướng ngại vật hoặc sa hình đã định sẵn trên đường đua với thời gian ngắn nhất.
  • Đường đua: là những đoạn đường ngắn (special stages), mỗi đường đua thường được bố trí các chướng ngại vật, địa hình khác nhau. Có thể kết hợp nhiều loại chướng ngại vật, địa hình trên một đường đua.
  • Các kỹ thuật cần phải xử lý thông thường là di chuyển xe qua địa hình bùn lầy, leo dốc đất đá, xuống dốc đất đá, di chuyển qua suối nước, di chuyển nhanh trên các địa hình mấp mô, cát, bùn và các loại địa hình đặc thù khác. Ở một số hạng thi đấu các vận động viên cần phải có kỹ năng sử dụng các loại tời được gắn trên xe.
  • Các kỹ năng cần có: tăng giảm ga, sử dụng côn, phanh, sang số, gài cầu, điều khiển các thiết bị, dụng cụ, công cụ hỗ trợ (như tời, neo tời, tấm lót đường,…) để có thể vượt qua những cung đường địa hình khó, các chướng ngại vật của bài thi.
Điều 3. Các quy định chung
  • Tất cả các giải đua xe ôtô địa hình được quy định tại khoản 1 Điều 1 phải được Hiệp hội phê duyệt Điều lệ thi đấu trước 30 ngày tổ chức giải đua. Điều lệ thi đấu phải tuân thủ tất cả các quy định trong Luật thi đấu môn Đua ô tô địa hình.
  • Một giải đua ôtô địa hình có thể được tổ chức ở một hoặc nhiều địa phương. Mỗi giải đua có thể diễn ra trong một hoặc nhiều ngày tuỳ thuộc vào số lượng đường đua và số vận động viên tham gia giải.
Điều 4. Ban điều hành giải đua và Ban tổ chức giải đua
  • Ban điều hành giải đua chịu trách nhiệm về chuyên môn, đảm bảo giải đua được diễn ra theo đúng Luật thi đấu và Điều lệ của giải.
  • Ban tổ chức giải đua có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức, lắp đặt, hậu cần, quản lý và điều phối nhân sự phục vụ, truyền thông, quảng bá, kinh doanh, kêu gọi tài trợ, và bán vé, ... trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Điều 5. Cán bộ điều hành
  • Giám sát giải đua: là người do Hiệp hội chỉ định, có trách nhiệm giám sát và đưa ra các khuyến nghị cho Ban tổ chức, Ban điều hành về công tác điều hành giải đúng luật thi đấu và điều lệ giải. Báo cáo công tác giám sát cho Hiệp hội về công tác điều hành sau giải đua.
  • Trọng tài: Trọng tài của giải đua được lựa chọn trên tiêu chí đã có nhiều kinh nghiệm, công bằng và không có các tranh chấp quyền lợi. Các trọng tài có trách nhiệm điều hành đường đua theo đúng luật thi đấu và điều lệ giải.
  • An toàn đường đua và cứu hoả: có nhiệm vụ nhắc nhở khán giả và các đối tượng tham gia giải nhằm đảm bảo đường đua an toàn theo đúng luật và điều lệ giải. Các thành viên trong ban an toàn có thêm nhiệm vụ cứu hoả cho các phương tiện thi đấu của giải.
  • Y tế: có nhiệm vụ hỗ trợ, cấp cứu vận động viên và các đối tượng tham giải trong các tình huống tai nạn xảy ra.
  • Cứu hộ: có nhiệm vụ hỗ trợ, cứu hộ các xe thi đấu ra khỏi đường đua sau khi trọng tài chính đã kết luận bài thi DNF. Trong một số trường hợp khẩn cấp, Ban tổ chức, Ban điều hành giải có thể huy động ban cứu hộ hỗ trợ trong công tác sắp xếp xe, giải phóng ùn tắc các khu vực ngoài đường đua.
  • Thư ký tính điểm: có nhiệm vụ lưu trữ kết quả từ các Trọng tài và các tài liệu có liên quan đến giải đấu; đảm bảo công bằng, bảo mật và an toàn thông tin cho đến khi được phép công bố. Thư ký tính điểm phải đảm bảo sự minh bạch trong quy trình xử lý và lưu trữ thông tin.
  • Thiết kế và thi công đường đua: có nhiệm vụ lên phương án, kế hoạch thiết kế và thi công các đường đua của giải.
Điều 6. Vận động viên
  • Vận động viên phải có đủ năng lực hành vi dân sự và có giấy phép lái xe ô tô hạng B1 trở lên. Đối với các vận động viên nước ngoài, các vận động viên này phải chứng minh được ít nhất là có bằng lái xe tương đương với Hạng B1 của Việt Nam.
  • Trước khi thi đấu, tất cả vận động viên phải:
  • Cam kết tự chịu trách nhiệm về những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra đối với xe và người tham gia trong quá thi đấu.
  • Tham gia bảo hiểm tai nạn trong quá trình tham dự giải.
  • Vận động viên lái chính chịu trách nhiệm chính trước Ban tổ chức về việc đăng ký thi đấu, sự tuân thủ, sự an toàn và sẵn sàng của vận động viên và xe thi đấu; là người cầm lái xe thi đấu, trừ những bài thi quy định đổi lái, hoặc những bài thi cho phép đổi lái, hoặc trong trường hợp vận động viên lái phụ giúp vận động viên lái chính khi xe gặp sự cố.
  • Vận động viên khi tham gia thi đấu phải đi giầy buộc dây hoặc có khóa.
  • Trong suốt thời gian thi đấu các vận động viên bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm loại kín hàm hoặc loại hở hàm (3/4); cài dây đai an toàn trước khi xe di chuyển.
  • Tất cả các vận động viên phải tham gia họp kỹ thuật trước giải đua, việc vắng mặt ở cuộc họp này sẽ dẫn đến việc mất quyền thi đấu của vận động viên. Thời gian và địa điểm họp kỹ thuật sẽ được thông báo cụ thể trong Điều lệ thi đấu.
  • Các vận động viên không được phép sử dụng đồ uống có cồn và chất bị cấm vào bất kỳ thời gian nào trong suốt quá trình diễn ra giải.
Điều 7. Đội đua
  • Các đội khi đăng ký tham gia giải phải đăng ký tên thi đấu của đội. Tên đội không dài quá 30 ký tự, dùng chữ Latin, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Một đội đua gồm 1 xe và 2 vận động viên, chỉ được đăng ký tham gia một hạng thi đấu. Mỗi vận động viên chỉ được đăng ký thi đấu ở một đội. Hai vận động viên có thể đổi lái trong quá trình thi đấu theo yêu cầu của từng bài thi.
  • Để đảm bảo công bằng, các đội tuyệt đối phải tuân theo thứ tự thi đấu đã bốc thăm theo thông báo của Ban tổ chức, trừ khi có sự thay đổi thứ tự lượt đua của Trưởng ban trọng tài hoặc Trọng tài chính.
  • Ban tổ chức sẽ phát số thi đấu và trang bị của ban tổ chức (race-kit) trong ngày phát race-kit hoặc ngày họp kỹ thuật. Đội đua có trách nhiệm bảo quản race-kit của đội mình trong suốt quá trình thi đấu.
Điều 8. Xe đua
  • Trang thiết bị và dụng cụ cứu hộ:
    • Xe thi đấu phải được trang bị tối thiểu 2 chỗ ngồi và phải có dây đai an toàn ít nhất 3 điểm. Riêng phân hạng chuyên nghiệp xe phải được trang bị dây đai an toàn 4 điểm trở lên cho vận động viên lái chính và vận động viên lái phụ.
    • Có tời chịu được lực kéo tối thiểu 3.500kg (đối với hạng xe nâng cao, hạng chuyên nghiệp).
    • Móc kéo trước và sau xe chịu được lực kéo tối thiểu 3 tấn.
    • Bình cứu hoả tổng hợp dạng bột loại 2kg trở lên.
    • 02 đôi găng tay bảo hộ.
    • Cáp mềm kéo xe tối thiểu 6m.
    • 02 ma ní loại chịu tải tối thiểu 3 tấn.
    • Tấm đè cáp (damper) đối với xe có trang bị và sử dụng tời trong khi thi đấu. Mỗi tời lắp trên xe cần được trang bị một tấm đè cáp.
  • Chỉ được dùng những dụng cụ cứu hộ mang theo xe.
  • Ban trọng tài có thể kiểm tra kỹ thuật ngẫu nhiên, đột xuất với tất cả các xe trong quá trình thi đấu. Các xe vi phạm luật thi đấu về trang thiết bị, các hạng mục được phép tháo, nâng cấp, thay thế thì đội đua sẽ bị tính lỗi DNS cho tất cả các bài thi đã thực hiện trước thời điểm bị phát hiện vi phạm.
  • Ban tổ chức giữ quyền quyết định về việc dán logo, tên thương hiệu lên vỏ (thân) xe thi đấu. Trong trường hợp đội đua dán logo, tên thương hiệu nhà tài trợ của đội đua thì phải được Ban tổ chức giải cho phép trước khi thực hiện. Ban tổ chức có qui định chi tiết về kích thước, vị trí dán logo, tên thương hiệu của giải, của nhà tài trợ cho giải và các nhà tài trợ của đội đua.
Điều 9. Trọng tài
  • Trưởng ban trọng tài: có nhiệm vụ xây dựng nhân sự cho ban trọng tài, lên kế hoạch tập huấn đào tạo luật, điều lệ và phổ biến thông tin trước giải. Điều hành sắp xếp nhân sự trọng tài ở các đường đua, tiếp nhận và xử lý khiếu nại từ các vận động viên trong lúc giải diễn ra. Kiểm tra và xác nhận kết quả thi đấu, họp tổng kết báo cáo rút kinh nghiệm sau giải.
  • Trọng tài chính: có nhiệm vụ điều hành tổ trọng tài tại đường đua theo đúng luật và điều lệ của giải. Ở tại đường đua, trọng tài chính là người quyết định các lỗi phạt và xác nhận thời gian, thành tích thi đấu của các vận động viên.
  • Trọng tài đường đua: làm nhiệm vụ quan sát các lỗi vi phạm của vận động viên trong quá trình thi đấu. Trọng tài đường đua có trách nhiệm báo cáo các lỗi vi phạm như đổ cọc, đứt dây, đi ra ngoài đường đua, không tuân thủ các quy định của bài thi cho trọng tài chính của đường đua.
Điều 10. Các hạng xe thi đấu
  • Hạng bán tải cơ bản
    • Yêu cầu bắt buộc với xe thi đấu:
      • Xe thi đấu hạng Bán tải cơ bản là xe bán tải nguyên bản căn cứ theo thông số kỹ thuật từ nhà sản xuất và đăng kiểm. Xe không được phép tháo, nâng cấp, thay thế trừ các hạng mục xe thi đấu được phép quy định trong điểm 1.2 của Điều này.
    • Xe thi đấu được phép:
      • Sử dụng lốp loại HT, AT có đường kính bánh xe không vượt quá 33 inch (tương đương 840mm).
      • Nâng cấp hệ thống treo và giảm xóc.
      • Lắp tấm bảo vệ gầm và tấm che bảo vệ két làm mát.
      • Lắp thêm móc kéo sau và các phụ kiện không ảnh hưởng đến tính năng vận hành như: nắp thùng, giá nóc, ống thở, đồ trang trí.
      • Tháo hoặc nâng cấp bệ bước lên xuống, lốp dự phòng và cản (bumper) phía trước và sau xe.
    • Xe thi đấu không được phép:
      • Gắn xích hoặc sử dụng các loại lốp máy cày, máy kéo (lốp nông cụ).
      • Dùng tời (kể cả xe được trang bị nguyên bản hoặc lắp thêm).
  • Hạng cơ bản:
    • Yêu cầu bắt buộc với xe thi đấu:
      • Xe thi đấu hạng cơ bản phải là một phiên bản thương mại hoàn chỉnh được bán trên thị trường.
      • Xe phải có móc kéo trước và móc kéo sau.
      • Đối với xe mui trần, mui bạt (các loại tương tự Jeep, UAZ): phải có khung thép bảo vệ cabin chắc chắn liên kết vào khung xe để bảo vệ người lái trong các trường hợp lật xe. Khung chống lật sử dụng ống thép tròn. Đối với ống chính, đường kính tối thiểu 40mm, độ dày thành ống tối thiểu 3mm; Đối với ống phụ, đường kính tối thiểu 30mm, độ dày thành ống tối thiểu 2mm. Khung chống lật được liên kết vào khung xe (body) qua ít nhất 6 tấm đế. Tấm đế có kích thước tối thiểu dài 100mm x rộng 100mm x dày 5mm. Mỗi tấm đế được liên kết với khung xe bằng 4 bu lông có đường kính tối thiểu 10mm.
    • Xe thi đấu được phép:
      • Sử dụng lốp HT, AT và MT có đường kính bánh xe không vượt quá 33inch (tương đương 840mm).
      • Thay thế, nâng cấp, tháo cản trước và cản sau.
      • Nâng cấp hệ thống treo và giảm xóc.
      • Tháo bệ bước lên xuống, lốp dự phòng.
      • Can thiệp, nâng cấp nhưng không được thay thế động cơ xe.
    • Xe thi đấu không được phép:
      • Gắn xích hoặc sử dụng các loại lốp máy cày, máy kéo, lốp nông cụ.
      • Thay đổi chiều dài cơ sở, cắt ngắn sắt xi (chassis).
      • Tháo, cắt: cửa xe, kính xe, mui xe, nắp capo.
      • Tháo thùng và cửa thùng xe đối với xe bán tải.
      • Tháo ghế hành khách trong cabin.
      • Dùng tời (kể cả xe được trang bị nguyên bản hoặc lắp thêm)
  • Hạng bán tải nâng cao:
    • Yêu cầu bắt buộc với xe thi đấu:
      • Xe thi đấu Hạng Bán tải nâng cao phải là một phiên bản bán tải thương mại hoàn chỉnh được bán trên thị trường, được phép tháo, nâng cấp, thay thế các hạng mục, trừ các hạng mục bị không được phép được quy định trong điểm 3.3 của Điều này.
      • Xe thi đấu bắt buộc phải có tời, có móc kéo trước và móc kéo sau.
    • Xe thi đấu được phép:
      • Nâng cấp, thay thế thùng xe và cửa thùng xe.
      • Can thiệp, nâng cấp nhưng không được thay thế động cơ xe.
    • Xe thi đấu không được phép:
      • Gắn xích hoặc sử dụng các loại lốp máy cày, máy kéo (lốp nông cụ).
      • Sử dụng lốp có đường kính trên 35inch (890mm)
      • Thay đổi chiều dài cơ sở, cắt ngắn sắt xi (chassis).
      • Tháo, cắt: cửa xe, kính xe, nóc xe, nắp capo, thùng xe, cửa thùng xe.
      • Trang bị và sử dụng tời cơ khí.
  • Hạng SUV nâng cao:
    • Yêu cầu bắt buộc với xe thi đấu:
      • Xe thi đấu hạng SUV nâng cao phải là một phiên bản thương mại hoàn chỉnh được bán trên thị trường, được phép tháo, nâng cấp, thay thế các hạng mục, trừ các hạng mục không được phép được quy định trong điểm 4.3 của Điều này.
      • Xe thi đấu bắt buộc phải có tời, có móc kéo trước và móc kéo sau.
      • Đối với xe mui trần, mui bạt (các loại tương tự Jeep, UAZ): phải có khung thép bảo vệ cabin chắc chắn liên kết vào khung xe để bảo vệ người lái trong các trường hợp lật xe. Khung chống lật sử dụng ống thép tròn. Đối với ống chính, đường kính tối thiểu 40mm, độ dày thành ống tối thiểu 3mm; Đối với ống phụ, đường kính tối thiểu 30mm, độ dày thành ống tối thiểu 2mm. Khung chống lật được liên kết vào khung xe (body) qua ít nhất 6 tấm đế. Tấm đế có kích thước tối thiểu dài 100mm x rộng 100mm x dày 5mm. Mỗi tấm đế được liên kết với khung xe bằng 4 bu lông có đường kính tối thiểu 10mm.
    • Xe thi đấu được phép nâng cấp và thay thế động cơ xe.
    • Xe thi đấu không được phép:
      • Gắn xích hoặc sử dụng các loại lốp máy cày, máy kéo (lốp nông cụ).
      • Sử dụng lốp có đường kính trên 35inch (890mm), hoặc còn dưới 80% gai lốp.
      • Thay đổi chiều dài cơ sở, cắt ngắn sắt xi (chassis).
      • Tháo, cắt: cửa xe, kính xe, mui xe, nắp capo.
      • Trang bị và sử dụng tời cơ khí.
  • Hạng chuyên nghiệp
    • Yêu cầu bắt buộc với xe thi đấu:
      • Phải sử dụng khung xe dạng thang hộp (chassis rời) hoặc dạng ống tròn hàn liền cabin chịu lực (dạng buggy).
      • Có vỏ cabin với đầy đủ: Nắp capo, nóc, các cánh cửa hoặc thanh chắn bảo vệ người cao ít nhất 40cm tính từ sàn xe; kính lái hoặc lưới thép khu vực kính lái với mắt lưới không lớn hơn 2cm; tai xe trước và sau.
      • Có tời, móc kéo trước và móc kéo sau.
      • Trang bị dây đai an toàn 4 điểm trở lên.
      • Có khung thép bảo vệ cabin chắc chắn liên kết vào khung xe để bảo vệ người lái trong các trường hợp lật xe. Khung chống lật sử dụng ống thép tròn. Đối với ống chính, đường kính tối thiểu 40mm, độ dày thành ống tối thiểu 3mm; Đối với ống phụ, đường kính tối thiểu 30mm, độ dày thành ống tối thiểu 2mm. Khung chống lật được liên kết vào khung xe (body) qua ít nhất 6 tấm đế. Tấm đế có kích thước tối thiểu dài 100mm x rộng 100mm x dày 5mm. Mỗi tấm đế được liên kết với khung xe bằng 4 bu lông có đường kính tối thiểu 10mm.
    • Xe thi đấu không được phép:
      • Gắn xích hoặc sử dụng các loại lốp máy cày, máy kéo, lốp nông cụ.
      • Sử dụng lốp có đường kính trên 42inch (1066mm).
Điều 11. Cách tính điểm và xếp hạng

Cách tính điểm và xếp hạng đối với các đường đua thông thường:

Kết quả thi đấu của đội đua trong một bài thi sẽ được quy đổi từ thời gian thi đấu sang điểm.
  • Thời gian thi đấu (TGTĐ) = Thời gian xe chạy (TGXC) + Thời gian phạt (TGP).
  • Thời gian thi đấu được xác định chính xác đến 1/100 giây.
  • Cách xác định TGXC bằng phương pháp dùng đồng hồ bấm giờ hoặc dùng thẻ từ/thẻ chip:
Thời gian xe chạy được tính từ khi lái xe bấm đồng hồ tính giờ hoặc dùng thẻ từ/thẻ chip kích hoạt hệ thống tính giờ cho đến khi xe về đến ô đích, lái xe bấm kết thúc hoặc dùng thẻ từ/thẻ chip xác nhận kết thúc bài thi.

Vận động viên lái chính chỉ được bấm giờ hoặc dùng thẻ từ/thẻ chip kích hoạt hệ thống tính giờ và xác nhận kết thúc bài thi khi vận động viên lái phụ ngồi trên xe, thắt dây đai an toàn và có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ trên xe theo quy định.
  • Cách xác định TGXC bằng phương pháp tính giờ tự động: Thời gian xe chạy được hệ thống tính giờ tự động kích hoạt khi xe chạy qua vạch xuất phát và kết thúc khi xe chạy qua vạch đích. Khi xe về đích, vận động viên lái chính và vận động viên lái phụ ngồi trên xe, thắt dây đai an toàn và có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ trên xe theo quy định.
  • Mỗi bài thi có một khoảng thời gian xe chạy tối đa (COT), được thông báo tại thời điểm mở đường đua bởi trọng tài.
  • Thời gian phạt được quy định trong mục các lỗi phạt.
  • Trong trường hợp sau khi đội đua đã đăng ký bài thi nhưng không thể xuất phát (do xe có sự cố) thì đội đua phải thông báo cho trọng tài chính. Mỗi lần khắc phục sự cố là 30 phút. Mỗi đội sẽ có nhiều nhất 2 lần khắc phục trong một ngày thi và có thể dùng 2 lần trong cùng 1 bài thi. Với mỗi lần xin khắc phục sự cố, đội đua sẽ nhận 1 lỗi phạt 30 giây do thay đổi thời gian và thứ tự thi đấu.
  • Đội nào có thời gian thi đấu ngắn nhất tại mỗi bài thi sẽ được 100 điểm. Từ vị trí thứ 2 đến 3 sẽ trừ lùi 5 điểm, từ vị trí 4 đến vị trí 6 sẽ trừ lùi 4 điểm, từ vị trí thứ 7 đến vị trí thứ 9 sẽ trừ lùi 3 điểm, từ vị trí thứ 10 đến vị trí thứ 38 sẽ trừ lùi 2 điểm, từ vị trí 39 trở đi sẽ được 10 điểm.
  • Cách xếp hạng các đội có thời gian thi đấu bằng nhau trong cùng bài thi:
  • Đội nào có tổng thời gian phạt ít hơn sẽ được xếp hạng cao hơn.
  • Nếu tổng thời gian phạt bằng nhau, đội nào có số lỗi 30 giây ít hơn sẽ được xếp hạng cao hơn.
  • Nếu tổng thời gian phạt và số lỗi 30 giây bằng nhau, đội nào có số lỗi 10 giây ít hơn sẽ được xếp hạng cao hơn.
  • Nếu tổng thời gian phạt, số lỗi 30 giây, số lỗi 10 giây bằng nhau thì đội nào có số thứ tự thi đấu nhỏ hơn sẽ được xếp hạng cao hơn.
  • Bảng thứ tự về đích và số điểm tương ứng tính theo thời gian thi đấu tại bài thi:

  • Trường hợp không thể kết thúc bài thi (DNF): 10 điểm.
  • Xe không hoàn thành bài thi (DNF) vẫn bị tính các lỗi đã vi phạm của bài thi đó, nhưng không bị trừ điểm hay tính thời gian phạt.
  • Trường hợp không tham gia bài thi (DNS): 0 điểm
  • Điểm chung cuộc sẽ bằng tổng số điểm của các bài thi.
  • Hai đội cùng điểm trong cùng phân hạng thì đội nào có ít điểm phạt sẽ thắng (xét theo tổng thời gian phạt, tổng số lỗi 30 giây, tổng số lỗi 10 giây).
  • Hai đội cùng điểm và cùng điểm phạt thì đội nào có tổng Thời gian Thi đấu thấp hơn sẽ thắng.
Cách tính điểm và xếp hạng đối với các đường đua đặc biệt:

Cách tính điểm và xếp hạng đối với bài thi thử thách (adventure)
  • Bài thi thử thách được thi đấu theo nhóm các đội đua do Ban trọng tài chỉ định, thứ tự xuất phát do Ban trọng thông báo khi công bố đường đua.
  • Các nhóm đội đua phải đi qua các điểm checkpoint theo thứ được quy định bới Ban trọng tài thông báo khi công bố đường đua.
  • Các đội đua phải được xác nhận của Trọng tài tại tất cả các điểm checkpoint mới hoàn thành bài thi.
  • Nhóm đội đua được coi là về đích khi tất cả đội đua đã hoàn thành bài thi. Mỗi đội đua sẽ nhận được đồng hạng 50 điểm và cộng vào điểm chung cuộc.
Cách tính điểm và xếp hạng đối với bài thi dạng Gymkhana (chạy theo sa hình)
  • Đội đua phải chạy theo đúng sa hình đã được công bố. Khi xe thi đấu đi sai quá 2 cọc thì sẽ bị tính là đi sai sa hình và tính lỗi DNF.
  • Mỗi đội đua được chạy 2 lần và được lấy thời gian thi đấu tốt nhất trong 2 lượt chạy để làm kết quả thi đấu của bài thi dạng Gymkhana.
  • Ngoài các quy định trên thì cách tính điểm và xếp hạng được áp dụng giống như đối với các đường đua thông thường quy định tại khoản 1 của Điều này và điểm bài thi được cộng vào điểm chung cuộc.
Điều 12. Các lỗi phạt
  • Các lỗi phạt cộng thêm 10 giây vào thời gian thi đấu:
    • Cửa mở khi xe chạy.
    • Không đeo găng tay khi sử dụng tời.
    • Không dùng đè cáp khi tời.
    • Bước qua cáp khi đang tời.
    • Cáp tời để trong cabin xe.
    • Cáp tời chạm đất khi xe chạy.
    • Bánh xe đè lên cáp tời.
    • Để lại vật dụng và trang thiết bị cứu hộ của xe trên đường đua (trừ trường hợp rơi không cố ý, nhưng phải dọn sau khi kết thúc bài thi).
    • Lái xe ở ngoài khi xe chuyển động (trừ khi đang tời).
    • Không mặc áo thi đấu, không đi giày trong quá trình thi đấu.
  • Các lỗi phạt cộng thêm 30 giây vào thời gian thi đấu:
    • Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai trong thời gian thi đấu.
    • Không cài dây đai an toàn trong khi xe di chuyển.
    • Vận động viên chạy ra ngoài đường đua đối với bài thi bắt buộc phải chạy trong dây.
    • Xin thay đổi thời gian thi đấu để khắc phục sự cố 30 phút sau khi đã check-in bài thi.
    • Lỗi làm gẫy cọc, đổ cọc. Các lỗi gẫy cọc, đổ cọc được xác định như sau:
    • Nếu đầu cọc cách mặt đất nhỏ hơn hoặc bằng 80cm (vị trí đầu cọc chiếu thẳng đứng xuống đất theo địa hình thực tế) thì xác định là lỗi làm đổ cọc.
    • Cọc bị gẫy, bị vỡ dập và gập so với phương thẳng đứng (do xe đâm, đè, va vào làm gẫy, vỡ dập và gẫy gập).
    • Làm đổ cọc đồng thời làm gẫy chính cọc đó được tính là 1 lỗi.
    • Thời điểm để xác định lỗi làm gẫy cọc, đổ cọc, là thời điểm xe đã về đích.
    • Lỗi làm đứt dây. Thời điểm xác định lỗi làm đứt dây là thời điểm xe đã về đích.
    • Làm đứt dây đồng thời làm gẫy hoặc đổ cọc được tính là 2 lỗi.
    • Trường hợp làm đổ cọc, đứt dây trong ô xuất phát và ô về đích vẫn bị tính lỗi cọc, dây theo quy định.
(mô tả cách xác định lỗi đổ cọc)
  • Các lỗi phạt bị dừng cuộc thi DNF (Did Not Finish)
    • Đội đua không thực hiện đúng quy định của bài thi (chạy sai đường hoặc không thực hiện các yêu cầu bắt buộc trong bài thi cụ thể).
    • Thời gian xe chạy vượt quá thời gian tối đa (Cut off time COT) của bài thi.
    • Cả 4 bánh xe ra ngoài đường đua (đối với đường đua căng dây).
    • Làm đổ từ 4 cọc trở lên trong cùng 1 bài thi.
    • Vận động viên cố tình vi phạm lỗi an toàn trong quá trình thi đấu (không đội mũ bảo hiểm, không cài dây an toàn, không đi giày buộc dây) dù đã được các trọng tài nhắc nhở.
    • Vận động viên không chấp hành hiệu lệnh dừng thi đấu của trọng tài chính trong trường hợp nguy hiểm, có các yếu tố gây mất an toàn đến các đối tượng tham gia giải.
    • Vận động viên cố tình tác động vào cọc hoặc dây trong quá trình thi đấu như nhổ cọc cắm sang vị trí khác; làm nghiêng cọc; tháo dây; làm đứt dây và nối lại.
  • Các lỗi phạt bị mất quyền thi đấu DNS (Did Not Start)
    • Trong vòng 30 phút sau khi kết thúc một bài thi mà đội đua không đến đăng ký thi đấu bài thi tiếp theo.
    • Sau khi đã đăng ký thi đấu tại đường đua (check in), trong vòng 5 phút sau khi có hiệu lệnh của Trọng tài mà đội đua không xuất phát.
    • Vi phạm thứ tự thi đấu mà không được sự đồng ý của Trọng tài chính, Trưởng ban trọng tài.
    • Nhận sự trợ giúp từ bên ngoài.
    • Các xe vi phạm luật thi đấu về trang thiết bị, các hạng mục được phép nâng cấp, thay thế thì đội đua sẽ bị tính lỗi DNS cho tất cả các bài thi đã thực hiện trước thời điểm bị phát hiện vi phạm.
  • Các lỗi phạt bị loại khỏi giải DQF (Disqualified)
    • Sử dụng đồ uống có cồn và các chất cấm trong thời gian tham gia thi đấu.
    • Hành vi, cử chỉ, lời nói phi thể thao, xúc phạm đối với khán giả, Ban điều hành và Ban tổ chức.
    • Có hành vi xấu đối với đội đua khác.
Điều 13. Cờ hiệu
  • Quy cách chuẩn cờ hiệu
1724401885510.png

  • Bảng sau đưa ra định nghĩa các loại cờ, giải thích và đưa ra hướng dẫn ai có quyền sử dụng.

Cờ Xanh – Cờ báo an toàn, hiệu lệnh xuất phát
  • Đường đua an toàn
  • Sẵn sàng xuất phát
  • Hiệu lệnh xuất phát
Người sử dụng: Trọng tài, An toàn đường đua
Cờ Đỏ - Nguy hiểm, dừng thi đấu
  • Đường đua chưa đủ điều kiện xuất phát
  • Dừng bài thi
  • Hết giờ, DNF
  • Gọi cứu hộ
Người sử dụng: Trọng tài
Cờ Vàng – Cảnh báo nguy hiểm
  • Có mối nguy hiểm tiềm ẩn (xe thi đấu đang lao tới, Xe đang tời, Xe cứu hộ đang thực hiện nhiệm vụ).
Người sử dụng: An toàn đường đua
Cờ Caro – Về đích
  • Báo hiệu xe thi đấu đang về đích
Người sử dụng: Trọng tài chính
Điều 14. Công bố kết quả
  • Kết quả phải được Trưởng ban trọng tài xác nhận trước khi công bố.
  • Sau 30 phút, nếu không có bất kì khiếu kiện nào thì kết quả sẽ là chính thức và không thể thay đổi.
Điều 15. Khiếu nại
  • Vận động viên khi khiếu nại cần phải có bằng chứng.
  • Khi có các khiếu nại tại đường đua, vận động viên liên hệ với trọng tài chính của đường đua.
  • Trong trường hợp vận động viên không đồng ý với quyết định của trọng tài chính đường đua đó, vận động viên có quyền khiếu nại lên trưởng Ban trọng tài trong vòng 60 phút kể từ khi kết thúc bài thi đó.
  • Lệ phí khiếu nại lên trưởng Ban trọng tài sẽ được quy định trong Điều lệ thi đấu. Trong trường hợp trưởng Ban trọng tài quyết định vận động viên khiếu nại là đúng thì vận động viên đó sẽ hoàn trả lệ phí khiếu nại.
  • Trưởng Ban trọng tài sẽ ra quyết định cuối cùng trong vòng 12 giờ, nhưng không được muộn hơn thời gian công bố kết quả chung cuộc.
  • Quyết định của trưởng Ban trọng tài là quyết định cuối cùng đối với kết quả khiếu nại.
Điều 16. Thay đổi, dừng, huỷ giải hoặc một phần của giải

Để đảm bảo an toàn cho các đối tượng tham gia giải, đảm bảo thời gian thực hiện chương trình theo kế hoạch của giải đua. Ban điều hành được quyền thay đổi, dừng hoặc huỷ giải hoặc một phần của giải, huỷ bỏ bất cứ bài thi nào, tại bất cứ thời điểm nào trong các trường hợp bất khả kháng, mà không cần báo trước.

Điều 17. Hiệu lực thi hành
  • Luật thi đấu Môn đua Ô tô địa hình có hiệu lực thi hành kể từ ngày Chủ tịch Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam ký ban hành.
  • Trong quá trình thực hiện luật nếu có những vướng mắc, vấn đề nảy sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam để kịp thời nghiên cứu giải quyết.
  • Chỉ có Ban chấp hành Hiệp hội Ô tô Thể thao Việt Nam mới có quyền thay đổi các nội dung của luật này.
Phụ lục: Mẫu điều lệ giải thi đấu Đua ô tô địa hình
  • Điều lệ thi đấu
  • Tên giải đấu:
  • Đơn vị tổ chức:
  • Đơn vị điều hành:
  • Các đơn vị đồng hành, hỗ trợ:
  • Thời gian và địa điểm:
  • Các mốc thời gian chính:
  • Lịch phát racekit và họp kỹ thuật:
  • Lịch thi đấu kèm địa điểm bài thi:
  • Quy trình đăng ký:
  • Phân hạng và số lượng các đội đăng ký mỗi hạng:
  • Lịch đăng ký tham gia:
  • Lệ phí đăng ký và hỗ trợ đội đua:
  • Giải thưởng:
  • Bảo hiểm y tế:
  • Các quy định về quảng cáo:
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top