- Biển số
- OF-420501
- Ngày cấp bằng
- 4/5/16
- Số km
- 465
- Động cơ
- 209,766 Mã lực
Từ đơn thư tố cáo, tiếp xúc với người dân, tiếp cận với kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, chúng tôi thật sự giật mình không chỉ bởi xây dựng sai phép diễn ra công khai mà còn bức xúc hơn rất nhiều: Chuyển đổi hơn 4 ha quỹ đất sử dụng lợi ích công cộng thành tổ hợp 12 chung cư cao tới 40 tầng. Điều đó cho thấy, nhóm lợi ích ngạo nghễ tới mức nào.
Bài 1: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Đến bán đảo Linh Đàm ở Hà Nội tìm hiểu theo đơn thư tố cáo, thực tế còn kinh khủng hơn rất nhiều những gì đơn thư mô tả. Cả khu hơn 4 ha lô đất công cộng ở đầu bán đảo biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng; có tòa được cấp 25 tầng thì xây thành 35 tầng. Trong khi thiết kế 3 tầng hầm thì chỉ làm có 1…
Có hay không việc hợp thức hóa hồ sơ cho sai phạm?
Những gì mắt thấy tai nghe ở bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến chúng tôi thật sự bàng hoàng. Bởi, đây vốn được coi là khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội và thực tế cổng chào vào khu này vẫn ghi rất rõ như vậy. Hạ tầng kỹ thuật ở đây được coi có thiết kế khá chuẩn, những biệt thự ven hồ và chung cư thấp tầng được che mát bởi những hàng cây xanh rì, tô điểm cho những con đường nội bộ rộng rãi, thoáng mát. Điểm trừ lớn nhất ở đây là việc kết nối hạ tầng giao thông từ trong khu đô thị ra ngoài còn rất kém, dẫn đến tắc đường liên tục.
Đến nay, điểm nghẽn giao thông đó vẫn nguyên vẹn, trong khi những điểm ưu trong quy hoạch là các quỹ đất dành cho các dự án công cộng đang bị xóa xổ một cách không thương tiếc.
Điển hình xây dựng sai phép ở đây là tòa chung cư VP6, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai được cấp phép 25 tầng nhưng chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (DN tỉnh Điện Biên) xây vượt thêm 10 tầng thành hẳn 35 tầng?! Trong khi đó, theo thiết kế, tòa nhà này có 3 tầng hầm nhưng thực tế chủ đầu tư chỉ cho xây 1 tầng hầm. Mặt khác, theo thiết kế, từ tầng 2 đến tầng 9 được sử dụng làm dịch vụ thương mại, văn phòng nhưng bị biến thành căn hộ. Chỉ thế thôi, đã đủ thấy hạ tầng kỹ thuật của tòa nhà này đã quá tải tới mức nào.
Ai làm ngơ để tòa nhà VP6 xây vượt phép tới 10 tầng, trong khi tầng hầm cấp phép 3 lại chỉ làm có 1 ?
Với vai người mua nhà, phàn nàn với các vị trông xe ở đây sao tòa nhà thì cao, to mà tầng hầm thì bé thế? Các vị này cho biết: nửa tầng hầm phải dành cho các thiết bị kỹ thuật cho tòa nhà, nên chỗ để xe đúng là chật. Tuy nhiên, nếu anh có nhu cầu gửi xe máy thì chúng tôi vẫn bán vé trông xe tháng. Tôi thắc mắc, cả tòa nhà to, cao ngất thế này thì chỗ nào chứa cho hết? Vị trông xe cười xòa: Ai về sớm thì cho vào hầm, nếu hết chỗ thì để ngoài trời, xung quanh tòa nhà. Còn nếu anh có ô tô thì đúng là chịu !! Cũng theo vị trông xe ở đây, già nửa trong tổng số khoảng 1.600 xe máy ở đây là để ngoài trời. Ra vậy. Thảo nào, khi đi xung quanh tòa chung cư này, trừ phía mặt đường, còn lại chỉ thấy xe máy là xe máy, khắp mọi nơi quanh tòa nhà.
Một nửa số xe máy ở tòa chung cư VP6 phải để ngoài trời vì chỉ có 1 tầng hầm, gồm cả sử dụng cho các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà
Vậy những ai phải chịu trách nhiệm ở đây?
Theo người dân cho biết, việc xây dựng sai phép này đã có kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cả năm nay, nhưng sau kết luận đó, mọi việc vẫn vậy. Chuyện đơn giản nhất, quy định giá trông xe máy là 60.000 đồng/ tháng, nhưng họ vẫn thu giá đồng hạng, kể cả ngoài trời là 80.000 đồng.
Người dân ở đây cũng rất biết “tầm” của ông chủ những lô chung cư này. Gặp ai, họ cũng nhắc tới ông chủ tòa nhà với biệt danh “ Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản – người có nhiều khách sạn mang tên Mường Thanh và nhiều khu chung cư ở nhiều tỉnh, thành phố.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Người dân ở đây ngao ngán chỉ cho chúng tôi 12 tòa chung cư vừa mọc lên rất nhanh ở trên lô đất công cộng có ký hiệu là CC6. Chính vì biết “tầm” của ông Thanh Thản, họ tỏ ra không bất ngờ khi loáng thoáng nghe một số nội dung sai phép của những dự án này đang được hợp thức hóa hồ sơ.
Liệu có khả năng đó hay không, đây là câu hỏi lớn mà cơ quan chức năng cần trả lời trước công luận.
Những ai phải chịu trách nhiệm
Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi không khỏi chóng mặt trước 12 tòa nhà chung cư cao ngất ngư được xây dựng trên mảnh đất vốn là quỹ đất công cộng.
12 tòa chung cư này được xây thành một khối hình vuông vây quanh một khoảng đất ở giữa. Các tòa chung cư này được phân thành 4 cụm: HH1, HH2, HH3 và HH4. Mỗi cụm chung cư có ký hiệu HH này án ngữ một góc hình vuông, gồm 3 tòa chung cư được điền thêm các chữ cái A, B, C. Diện tích chung ở giữa thật bé nhỏ so với 12 khối chung cư cao ngất nghểu bao quanh.
Khu đất rộng trên 4 ha này nằm ở đầu bán đảo Linh Đàm có địa thế tuyệt đẹp, vì vậy, được các nhà thiết kế quy hoạch làm quỹ đất công cộng với mục đích xây dựng khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho cả bán đảo rộng lớn này. Vậy mà, nó lại có thể chuyển đổi thành cả cụm chung cư rất lớn, bất chấp luật pháp và dư luận?
Lý do nào để quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất công cộng (ký hiệu CC6, diện tích hơn 4 ha) thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng ?
Một câu hỏi lớn của người dân đặt ra cho chúng tôi: Vậy, việc xây dựng như thế này có đúng quy hoạch hay không? Những ai, ban ngành nào đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất công cộng này?
Đây là câu hỏi mà người dân ở đây không chỉ nói với nhau mà còn đưa ra chất vấn tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân phường Hoàng Liệt gần đây. Nhưng tất cả các câu hỏi đó, kể cả kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, người dân thấy hầu như chẳng có tác dụng gì vì các nhà chung cư này vẫn đang tiếp tục hoàn thiện như không có chuyện gì xảy ra.
Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng phát hiện tòa chung cư VP6 xây dựng vượt 10 tầng khi nó đã hoàn thành. Vậy, trước đó, các cơ quan chức năng của Hà Nội có biết hay không? Ai phải chịu trách nhiệm?
Chúng tôi có cảm giác, người dân tố cáo để giải tỏa những bức xúc là chính. Theo họ, trước đây, bởi có quy hoạch quỹ đất công cộng CC6 này và một số lô đất công cộng khác, người dân mới mua những biệt thự, những tòa nhà chung cư ở đây vì nghĩ sẽ có những khu vui chơi giải trí cho cả bán đảo Linh Đàm này. Lúc đó, khu này được coi là khá xa trung tâm, hẻo lánh nhưng tin vào quy hoạch, rất tin đây là khu đô thị kiểu mẫu, nên họ vẫn bỏ tiền để mua nhà ở đây.
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, họ cảm thấy như bị ai đó ăn chặn, ăn cướp khá trắng trợn mà chẳng biết kêu ai, mà kêu cũng chẳng thấu. Bởi, giá cả ngày đó là bao gồm có những hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như vậy. Chua chát hơn, khi kết nối giao thông trong và ngoài khu đô thị vẫn chưa được cải thiện, nay lại tăng thêm những chung cư cao ngất trời ngoài quy hoạch ban đầu như thế này thì chỉ có ngày càng thêm… tắc và tắc.
Vậy, những ai, những cơ quan chức năng nào ở thành phố Hà Nội đã thay đổi quy hoạch này? Đây là một câu hỏi rất lớn cần có sự trả lời rõ ràng, minh bạch của lãnh đạo thành phố Hà Nội.
(Còn tiếp)
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/loi-ich-nhom-chi-phoi-trat-tu-xay-dung-o-ha-noi-595101.bld