[Thảo luận] Lịch sử và ý nghĩa logo của các hãng xe ô tô ( Phần I)

HungNexus

Xe điện
Biển số
OF-119980
Ngày cấp bằng
9/11/11
Số km
2,001
Động cơ
342,273 Mã lực
Nơi ở
Arab
Logo Fiat: Biến đổi cùng thời gian


Tập tin đính kèm:

_images_2008-02_car-logo-fiat.jpg.gif [ 92.79 KiB | Đã xem 1527 lần. ]

Logo Fiat: Biến đổi cùng thời gian Có lẽ hiếm có hãng xe nào trên thế giới lại thay đổi logo của mình nhiều như Fiat. Trải qua những thăng trầm của hơn một thế kỷ tồn tại, 14 logo đánh dấu các mốc thời điểm phát triển khác nhau của hãng xe từng có thời là số một châu Âu.
Mặc dù không mấy thành công tại thị trường Việt Nam, nhưng nhà sản xuất vẫn theo đuổi phong cách thiết kế tự do và giữ nguyên kiểu dáng cụm từ FIAT, hình khối của biểu tượng là hình oval, một kiểu thiết kế rất thời thượng vào thời điểm đó. Nhưng những điểm khác biệt cơ bản nhất của logo thứ 3 này so với logo năm 1901 là sự biến mất tên đầy đủ của Fiat trên logo, một hành động chứng tỏ tên tuổi Fiat thực sự đã trở nên rất nổi tiếng và những người lãnh đạo nhận ra rằng cái tên Fabbrica Italiana di Automobili Torino bỗng trở thành thừa thãi. Tiếp đến, hình ảnh mặt trời lúc bình minh ở logo thứ 2 không còn đủ sức để soi sáng cho Fiat nữa, giờ đây vai trò đã thay đổi, Fiat đã lớn mạnh, đã đủ để che lấp được mặt trời. Logo năm 1904 là dấu ấn cho thời kỳ khởi đầu đầy mãn nguyện của Fiat, nó còn được sử dụng cho đến năm 1926 khi những chiếc xe Fiat 501 và 502 xuất xưởng.
Song song với logo thứ 3, Fiat còn sở hữu một loạt những logo khác, phần lớn các biểu tượng này được gắn trên những dòng sản phẩm và vào một thời kỳ nhất định. Năm 1921, logo thứ 4 trong bộ sưu tập của Fiat được giới thiệu trên lưới tản nhiệt những chiếc xe SuperFiat 12 xi-lanh và Fiat 519 6 xi-lanh. Cụm từ FIAT được viết với phong cách không đổi và có những khác biệt so với logo thứ 3 khi hình khối của logo là hình tròn và chữ Fiat được sơn hai màu đỏ đen, 2 gam màu đặc trưng cho các loại xe đua thời kỳ đó.
Logo thứ 5 xuất hiện năm 1925 trên dòng xe thực dụng Fiat 509, mẫu xe được sản xuất với số lượng lớn và rất được ưa chuộng tại Italy chỉ trong vòng một năm sau khi xuất xưởng. Giữ nguyên kiểu dáng của logo thứ 4, logo thứ 5 của Fiat được thay đổi cho phù hợp với mẫu xe mà nó đại diện, chữ FIAT được sơn màu trắng, màu của sự tiện ích và thực dụng.
Năm 1929, dòng xe thực dụng mới 514 được sản xuất để thay thế cho Fiat 509, Fiat thay đổi màu nền của chiếc logo thứ 5 và cho ra đời logo thứ 6.
1931 là năm chiếc logo thứ 7 được giới thiệu, không khác so với những logo trước đó, màu nền màu xanh được thay bằng màu đỏ tươi. Logo thứ 7 gắn trên mẫu xe 515 và Fiat chỉ bán được 3.405 chiếc loại này.
Năm 1931 khai sinh ra chiếc logo thứ 8 gắn trên chiếc xe Fiat 524, kết hợp với kiểu kiến trúc đương đại, có hình chữ nhật thay vì hình tròn như các biểu tượng trước nó. Sự thay đổi này chủ yếu là do sự thay đổi kiểu dáng của lưới tản nhiệt trên những chiếc xe của thập niên 1930.
Tại triển lãm ôtô năm 1932, Fiat giới thiệu dòng xe 508 với biểu tượng được thiết kế riêng và đó là chiếc logo thứ 9. 508 nhanh chóng trở thành mẫu xe nổi tiếng nhất của Fiat vào lúc đó khi họ bán được 41.000 chiếc chỉ trong tháng 7 năm 1934.
Logo thứ 10 được Fiat giới thiệu năm 1938, trước khi nước Ý bước vào chiến tranh thế giới thứ 2. Vẫn kiểu thiết kế những năm 1930, tuy có những thay đổi về kiểu dáng bên ngoài. Fiat 850, 124, 127 là những mẫu xe cuối cùng được mang chiếc logo này.
Chiến tranh kết thúc, Fiat sử dụng lại một số mẫu logo của những năm 1920 trên các sản phẩm của mình. Một trong số đó là chiếc logo thứ 11, xuất hiện vào năm 1959. Trên thực tế logo này chỉ được gắn trên những chiếc xe thể thao Fiat Fiat Dino, 124 và 131 Abarth Rally.
Đến năm 1968, Fiat bắt tay vào thành lập một công ty cổ phần đa ngành, trong đó Fiat Car là một thành viên. Để đánh dấu mốc phát triển mới, logo thứ 12 của Fiat được trình làng, nó gồm 4 khối vuông, mang 4 chữ FIAT viết theo phông “univers” xiên 18 độ so với chiều thẳng đứng. Logo này được Fiat sử dụng cho đến những năm 1982, trước khi được thay đổi một cách hết sức bất ngờ.
Năm 1982, Giám đốc thiết kế, Mario Maioli, lái xe qua nhà máy Mirafiori sau khi điện vừa cắt. Ông nhìn thấy logo rất lớn của Fiat trên nóc nhà máy với 5 vạch kẻ in trên nền trời, rất nhanh, Mario Maioli phác thảo mẫu biểu tượng mới cho hãng, với năm vạch thẳng liền nhau xiên 18 độ, chiếc logo thứ 13 ra đời. Nó được sử dụng đồng thời với logo thứ 12 trên các sản phẩm của Fiat và Fiat Car cho đến năm 1999.
Năm 1999, chiếc logo thứ 14 trong lịch sử 100 năm của Fiat ra đời. Nó như là sự kết tinh từ những vinh quang, cay đắng, từ ước muốn tìm lại chính mình, từ những kỳ vọng vào tương lai tươi sáng. Đánh dấu 100 năm trong chu kỳ phát triển của một thương hiệu, logo này tượng trưng cho khởi đầu của Fiat khi bước vào một thế kỷ mới, thế kỷ của hy vọng.


Logo Lexus: ‘Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng’


Tập tin đính kèm:

lexus logo vang.jpg [ 19.16 KiB | Đã xem 1527 lần. ]

Logo Lexus: ‘Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng’ Sinh ra từ gia đình Toyota, dưới sự chăm sóc đặc biệt và tuyệt mật bởi 4.000 con người xuất sắc, với cái tên tượng trưng cho tính cách Á Đông: sang trọng mà tao nhã, sau 20 năm, Lexus đã giành được vị trí riêng tại sân chơi của ngành công nghiệp ôtô.

Mùa xuân 1989, trước những bô lão, những bậc cha chú tại “chiếu chèo” triển lãm ôtô Detroit, Lexus bước ra và “xưng danh”. Đó là thành quả của nỗ lực kéo dài từ giữa năm 1983. Chủ tịch Toyota khi đó, Eiji Toyoda triệu tập một cuộc họp cấp cao và tuyệt mật, bao gồm các nhà quản lý, kỹ sư và những nhà chiến lược để đặt ra một câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể sản xuất một chiếc xe đánh bại những mẫu ôtô đang được coi là tốt nhất?”. Câu trả lời được đưa ra và Eiji Toyoda quyết định thực thi dự án mang tên “F1”. Chữ F lấy từ “flagship” (thuật ngữ chỉ con tàu chở đô đốc trong một hạm đội và cũng là để chỉ sản phẩm đứng đầu của một hãng), còn số 1 thể hiện yêu cầu chất lượng cao nhất của một chiếc sedan hạng sang.

Các kỹ sư được lệnh tập trung phát triển toàn bộ thành phần của một chiếc xe hơi, từ tay lái, phanh, động cơ, hệ thống kiểm soát độ bám đường, hệ thống điện đến sự ăn mòn và vật liệu. Năm nhóm thiết kế được phái đến “nằm vùng” tại Mỹ, sát cánh với các nhà đại lý phân phối ở đây nghiên cứu về phong cách sống, quan điểm về thiết kế của những vị khách ưa thích dòng xe sang trọng.
Gần 4.000 người được huy động để sản xuất những nguyên mẫu đầu tiên năm 1985. Để đặt tên cho mẫu sản phẩm mang kỳ vọng lớn của mình, Toyota quyết định ghép hai từ “Luxury” và “Elegance” thành cái tên Lexus. Ngoài ra, Lexus còn được ghép từ các chữ cái đầu của cụm từ Luxury Export to US (dòng xe sang trọng xuất khẩu sang Mỹ). Đó là lý do vì sao Lexus có trụ sở đặt tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
Trong nguyên tắc về công nghệ quảng bá sản phẩm, người ta không thể không nhắc đến vai trò của logo. Toyota dự định một sản phẩm sang trọng bậc nhất thì đương nhiên logo của nó cũng không phải tầm thường. Chất lượng sản phẩm sẽ đi về con số không nếu trong mắt khách hàng biểu tượng của nó không để lại chút ấn tượng nào. Vì thế, công ty thiết kế logo nổi tiếng Hunter/Korobkin, Inc. được thuê và trong hàng trăm mẫu thiết kế, Toyota quyết định lấy biểu tượng hình chữ “L” làm biểu tượng chính thức của Lexus.
Tuy là bậc hậu thế, nhưng tất cả những gì thuộc về Lexus đều thể hiện cho sự hoàn hảo. Giữa lúc người ta tưởng rằng nguồn cảm hứng cho một biểu tượng thực sự ý nghĩa đã cạn kiệt thì logo của Lexus xuất hiện. Nó thoả mãn tất cả những tiêu chí thiết kế logo và được hình thành một cách thuần nhất mà không gắn với bất cứ một truyền thuyết hay một câu chuyện lịch sử nào. Vẫn là hình elipse chủ đạo có cảm hứng từ logo của Toyota, biểu tượng Lexus là sự cách điệu của chữ “L” mang phong cách hiện đại.

Đặc điểm đầu tiên mà logo Lexus sở hữu là sự khác biệt. Người ta không thể nói về mình khi bị nhầm lẫn với người khác và dĩ nhiên, logo đó không thể đại diện cho những gì không thuộc về Lexus. Kích thước của hình elipse bao ngoài logo có tỷ lệ trục dài/rộng bằng 1,4, chữ L được cách điệu nghiêng 50 độ với hai nét đậm nhạt gấp đôi nhau, gợi lên cảm giác vững vàng, chắc chắn. Các nhà thiết kế tạo độ nghiêng cho chữ L chủ yếu do nếu viết thẳng sẽ dễ nhầm với biểu tượng của LG và hơn nữa, chẳng có một sự sang trọng tao nhã nào lại không ẩn chứa trong nó những nét mềm mại, thướt tha.
Độ cao chữ L bằng khoảng 75% trục rộng, giữa nét nằm ngang và trục dài cũng có giá trị tương tự, điều đó tạo sự cân đối, hài hoà về tỷ lệ chiếm khoảng không của chữ L so với toàn bộ hình khối. Tỷ lệ 75% bù đắp tính không đối xứng của logo, làm cho người quan sát vẫn có cảm giác về sự cân bằng và bền vững, về yếu tố tĩnh nằm trong yếu tố động.
Đặc điểm thứ hai mà một chiếc logo cần có là nó phải gợi lên cảm xúc, và biểu tượng của Lexus đã có. Toàn bộ logo hiện lên với những đường cong thanh thoát, không có bất cứ một nét góc cạnh chủ yếu nào, nuột nà như những đường gió lướt nhẹ trên thân xe. Nhẹ nhàng, êm ái, thân thiện nhưng tiềm ẩn sức mạnh là cảm giác của không ít người lần đầu tiên nhìn thấy.
Điểm thứ ba là tính đơn giản. Sự cầu kỳ để tạo nên những nét giản đơn có giá trị hơn nhiều so với những nét phức tạp rối rắm. Không bị những đường ngang dọc, màu sắc làm loá mắt, tất cả logo là những đường cong đồng màu thống nhất. Lấy cảm hừng từ ký tự @ trong công nghệ thông tin, biểu tượng của Lexus bỗng trở nên gần gũi với người tiêu dùng hơn bao giờ hết. Và đó chính là tính thời đại. Không đi quá xa quan điểm của cộng đồng, nhưng cũng không tầm thường hoá, thực sự logo của Lexus là bước thành công đầu tiên của một thương hiệu.
Một logo phải thể hiện được lịch sử của công ty, về đức tin của con người, triết lý sống, giá trị, phong cách của những người thiết kế và sử dụng nó. Phải tạo được niềm tin với khách hàng, công nhân cũng như những nhà đầu tư. Nó là sản phẩm nhưng đứng ngoài những sản phẩm khác về mặt ý nghĩa và giá trị. Với tất cả những tiêu chí ấy, trải qua 20 năm ra đời, logo của Lexus thành công khi đã, đang và sẽ đại diện cho sản những sản phẩm cao cấp của chính nó.

Logo Mazda: Đôi cánh không mỏi


Tập tin đính kèm:

car-logo-mazda.gif [ 26.74 KiB | Đã xem 1527 lần. ]

Logo Mazda: Đôi cánh không mỏi Biểu tượng hiện nay của Mazda ra đời chưa đầy 10 năm. Trong suốt lịch sử phát triển không hề suôn sẻ gần 90 năm qua, Mazda đã nhiều lần thay đổi lại logo để phù hợp với từng giai đoạn khác nhau.

Mazda Motors có nguồn gốc từ Toyo Cork Kogyo Co., Ltd, một công ty nhỏ do Jujiro Matsuda thành lập vào năm 1920, tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Lúc đó Toyo Cork Kogyo chủ yếu chế tạo các thiết bị máy móc. Đến năm 1929, công ty sản xuất động cơ ôtô đầu tiên, và năm 1931, xuất khẩu 30 chiếc xe chở hàng 3 bánh vào thị trường Trung Quốc.
Năm 1934, Jujiro Matsuda đổi tên công ty thành Mazda Motor. Có người cho rằng từ Mazda được lấy từ tên của Matsuda, tượng trưng cho niềm tự hào của người sáng lập ra nó, tuy nhiên, một số người cho rằng chữ Mazda được lấy từ tên của vị thần lửa “Ahura-Mazda”, và lý do để Matsuda chọn tên một vị thần chứ không phải tên của dòng họ là từ tính cách của ông: khiêm nhường, duy tâm và luôn khao khát làm cho công ty trở nên nổi tiếng.

Mazda sản xuất những chiếc sedan đầu tiên vào năm 1940, nhưng phải ngừng lại do chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống phá huỷ toàn bộ thành phố Hiroshima, trong đó có nhà máy của Mazda Motors. Cái tên Mazda bị xoá sổ trong suốt 15 năm sau.
Năm 1959, Mazda trở lại sau quá trình tái thiết, và việc đầu tiên là biểu tượng của hãng được thay đổi. Sau đó, Mazda bắt tay vào sản xuất hàng loạt những dòng xe như Carol mà đặc biệt là chiếc sedan R360 và dòng Mazda Cosmos với RX-8.
Trước những thành công đạt được về mặt thương mại, năm 1966, Mazda hoàn thành nhà máy sản xuất xe du lịch tại Hiroshima và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Năm 1975, để thống nhất các sản phẩm của hãng trên toàn thế giới, Mazda thiết kế biểu tượng mới với chữ Mazda được thể hiện theo phong cách mà chúng ta vẫn thấy ngày nay.

15 năm sau, 1992, người ta thấy xuất hiện biểu tượng mới của Mazda gắn trên lưới tản nhiệt các dòng xe Mazda 323 và 626 - những chiếc xe vẫn còn khá nhiều trên đường phố Việt Nam. Đầu tiên biểu tượng được thiết kế là một hình thoi nằm trong một hình elip, nhưng khi sang thị trường Pháp, Mazda nhận ra rằng nó quá giống với logo của Renault.

Vì vậy, ngay sau đó Mazda thay đổi dáng của hình thoi, biến nó trở thành ngọn lửa, và về tổng thể, logo vẫn là cách điệu của chữ M đang bay và đang cháy. Thể hiện cho ước vọng vươn lên tầm cao mới của người sáng lập Jujiro Matsuda. Hơn nữa, nó liên quan đến vị thần lửa “Ahura-Mazda”, nguồn cảm hứng để Matsuda lấy làm tên cho công ty của mình.

Năm 1997, tức là 5 năm sau, nhà thiết kế hình ảnh nổi tiếng trên thế giới, Rei Yoshimara được thuê để thiết kế logo cho các sản phẩm ôtô mang thương hiệu Mazda trên toàn cầu. Logo là hình ảnh cánh chim sải dài, tượng trưng cho tốc độ, sự linh hoạt, sức mạnh và ổn định. Việc kết hợp giữa đôi cánh đang bay lượn và quỹ đạo của nó (đường tròn bao quanh) là thông điệp mà Mazda muốn gửi tới khách hàng: Như cánh chim không mỏi, Mazda vẫn đang bay để vươn cao hơn, xa hơn trên con đường chinh phục những đỉnh cao mà Matsuda hằng ao ước.

Logo Porsche tôn vinh giá trị truyền thống


Tập tin đính kèm:

porsche_logo_1.jpg [ 161.61 KiB | Đã xem 1527 lần. ]

Logo Porsche tôn vinh giá trị truyền thống Dù ra đời khá muộn màng so với các đại gia của ngành công nghiệp xe hơi nước Đức, Porsche vẫn tạo lập được vị thế riêng nhờ biết chọn cho mình con đường phát triển dựa trên triết lý về cội nguồn.

Nếu cứ tính theo tỷ lệ “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm”, phải sau một triệu lần nghe, một vạn lần thấy, chúng ta mới có cơ may được an tọa trong không gian của chiếc xe mang thương hiệu Porsche. Không chỉ hiếm hoi như lá mùa thu ở Việt Nam, mà ngay những nước tiên tiến khác, sở hữu một chiếc Porsche cũng cần lắm công phu, bởi không phải lúc nào giá cả của hãng xe danh tiếng này cũng chiều lòng người.

Lịch sử của Porsche bắt đầu sau hơn 50 năm làm việc cần cù và say mê của người sáng lập, Ferdinand Porsche. Ông là tác giả của dòng xe thể thao SS, SSK siêu nạp khi giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật của Benz-Daimler. Trong giai đoạn cộng tác với NSU, Volkswagen, ông cho ra đời “con bọ” Beetle nổi tiếng năm 1932 và hàng loạt dòng xe đua. 1950, sau 20 năm làm việc tại văn phòng thiết kế riêng, Ferdinand Porsche và người con Ferry Porsche thành lập công ty độc lập mang tên Porsche, đóng đô tại thành phố ôtô Stuttgart, Đức.
Một năm sau, Porsche giành chiến thắng tại đường đua Le Mans với sản phẩm đầu tay mang tên công ty, Porsche 356. Đó quả thực là điềm báo cho một thương hiệu lớn trong tương lai. Cùng năm 1951, Ferdinand Porsche qua đời khi nguyên mẫu 356 chưa kịp hoàn thành, để lại công ty cho người con Ferry Porsche quản lý.
Năm 1952, khi đang ở châu Mỹ, Ferry uỷ quyền cho người trợ lý đắc lực Erwin Komenda thiết kế biểu tượng của Porsche. Mục đích của Ferry lúc đó là xuất khẩu các sản phẩm của Porsche sang thị trường Mỹ đầy tiềm năng. “Quân sư” Erwin Komeda đã song hành cùng F. Porsche từ năm 1931, và chính ông đã chấp bút thiết kế nên “con bọ” của Volkswagen theo lệnh của Adolf Hitler. Sau này, dưới triều đại của Ferry, “đại thần” Erwin góp công lớn với mẫu thiết kế 911, chiếc xe gắn liền với tên tuổi Porsche, và vẫn còn được sản xuất dù có mặt trên thị trường từ năm 1964.
Erwin Komenda chịu ảnh hưởng lớn từ ý tưởng của Ferry khi thiết kế logo Porsche. Dường như những người đứng đầu các hãng xe đua có nguyên tắc chung khi xây dựng biểu tượng cho công ty. Có thể do tham gia trực tiếp vào lĩnh vực thể thao nên yếu tố “màu cờ, sắc áo” được những hãng này đưa lên hàng đầu. Logo của Ferrari trung thành với màu cờ của thành phố Modena và quốc kỳ đất nước hình chiếc ủng, Italy. Còn logo của Porsche, tất nhiên, không thể bỏ qua những yêu cầu trên.
Ferry đã gợi ý Erwin lấy huy hiệu của vùng đất Wurttemberg, phía Tây Nam nước Đức, làm nền cho logo của Porsche. Wurttemberg giáp với xứ tự trị Bavaria về phía Đông, nơi có thành phố Stuttgart - thủ phủ của Porsche. Huy hiệu Wurttemberg hình chiếc khiên, được chia làm bốn phần. Góc cao bên trái và góc thấp bên phải vẽ 3 chiếc sừng hươu truyền thống có từ thời “khai thiên lập địa”. Phần còn lại là những sọc đỏ đen quen thuộc trên quốc kỳ cộng hoà liên bang Đức. Phía đỉnh huy hiệu, Erwin phác hoạ dòng chữ Porsche rất hoà hợp về hình khối và tông màu, với ý nghĩa Porsche đã, đang và sẽ là một phần trong lịch sử Wurttemberg.
Nằm tại trung tâm của logo Porsche là biểu tượng thành phố Stuttgart, có các kích thước bằng một phần ba so với biểu tượng lớn, tương đương với tỷ lệ chiếm diện tích bằng một phần chín. Về tổng thể, tỷ lệ đó tạo nên cảm giác khá hài hoà, không quá to mà cũng không quá nhỏ. Theo các chuyên gia ngôn ngữ, Stuttgart là cách nói rút gọn của từ gốc Stutengarten, dịch sang tiếng Anh là “stud farm - trại ngựa giống”. Biểu tượng và cái tên Stutengarten đã nói lên phần nào truyền thống của Stuttgart, nơi có những trang trại ngựa trù phú nằm dọc hai bên bờ sông Neckar. Có giả thuyết cho rằng, hình ảnh chú tuấn mã mà anh hùng không quân Italy Francesco Baracca vẽ lên sườn máy bay của mình phần nào lấy cảm hứng từ những trại ngựa này khi ông bay qua Stuttgart, và chú ngựa này tiếp tục tạo cảm hứng cho biểu tượng của Ferrari.

Đồng hương với Porsche tại Stuttgart là Mercedes-Benz và Maybach, nhưng chỉ Ferry có ý tưởng về lối kết hợp khá đơn giản những biểu tượng của quê hương. Mục đích của ông là giúp người tiêu dùng Mỹ chỉ cần nhìn vào logo có thể đọc ra lai lịch của Porsche. Điều đó cũng tương đương với lời bảo đảm cho những sản phẩm Porsche, vì theo triết lý của Ferry, “không có gì làm người khác tin bạn hơn chính cội nguồn của bạn”. Sau một năm được thông qua, logo Porsche chính thức trình làng trên vô-lăng của những mẫu xe năm 1953.
Hơn 50 năm, cùng trải qua những thăng trầm, sóng gió, biểu tượng đó vẫn hiện diện trên những sản phẩm tuyệt hảo Porsche. Dù sinh sau đẻ muộn so với các đại gia của ngành công nghiệp ôtô nước Đức, Porsche vẫn thành công theo cách riêng. Những người lãnh đạo cho rằng chính tính cách mạnh mẽ, tự tin, sang trọng và quyến rũ dựa trên nền tảng của những giá trị truyền thống đã giúp Porsche và biểu tượng của mình vượt qua cơn bĩ cực để đến hồi thái lai.

Logo Renault theo dòng lịch sử


Tập tin đính kèm:

car-logo-renault.gif [ 44.74 KiB | Đã xem 1527 lần. ]

Logo Renault theo dòng lịch sử Hơn 100 năm lịch sử, như hầu hết các hãng xe danh tiếng ngày nay, Renault đã trải qua những thời khắc khó khăn, cay đắng và vinh quang nhất. Trong suốt quãng thời gian đó, hãng đã 8 lần thay đổi logo để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của ngành công nghiệp ôtô và thế giới.

Năm 1898, nhân ngày sinh nhật lần thứ 21, chàng trai Louis Renault đã chọn dịp đặc biệt đó để bán chiếc xe mang cái tên rất cổ điển do chính anh chế tạo, Renault Type A. Năm 1899, Louis cùng hai người anh em Marcel và Ferand mở công ty “Renault Frères - Anh em nhà Renault”, tại số 10, đại lộ Cours, Billancourt. Như ý nghĩa của từ “Frères”, Renault đã thiết kế logo đầu tiên của hãng bằng hai chữ “R” lồng vào nhau, theo phong cách nghệ thuật cầu kỳ những năm đầu thế kỷ 20.

Mười năm sau, Renault Frères giành được những thành công liên tiếp: 1902 nhận bằng phát minh sáng chế về động cơ siêu nạp; năm 1906, sản xuất xe bus và bắt đầu sản xuất động cơ máy bay với năng suất 3.800 chiếc một năm. Cùng trong năm đó, Renault thay đổi logo nhưng bằng hình ảnh thực tế và đơn giản hơn nhiều: chiếc ôtô lồng trong vòng bi cơ khí.

Tuy nhiên, cũng từng ấy thời gian, Louis phải chứng kiến hai cái chết của Marcel năm 1903 tại giải đua Paris-Maldrid và Ferand năm 1909. Một mình Louis sở hữu Renault Frères, nhưng ngay sau đó, vì thương nhớ hai người anh, ông đổi tên thành Les Automobiles Renault - Công ty ôtô Renault.


Chiến tranh thế giới II nổ ra, theo yêu cầu của phe Đồng minh, Renault ngừng sản xuất ôtô mà tập trung vào xe tăng và máy bay. Theo đó, logo của hãng cũng được thay đổi cho phù hợp với tình thế chiến tranh. Chiếc ôtô được thay bằng hình ảnh xe tăng đang leo dốc.
Sau chiến tranh Louis Renault nhận huy chương anh hùng và tiếp tục sản xuất ôtô với các mẫu xe 10CV hay 6CV. Năm 1923, bỏ lại sự khốc liệt của chiến tranh để trở lại vai trò chính, logo Renault thay đổi lần thứ 3 với hình tròn làm khung chính, bao quanh những đường gạch ngang mô phỏng lưới tản nhiệt và dòng chữ “Renault”.


Sau đó hai năm, Renault thay thế hình tròn bằng hình thoi và lấy làm logo chính thức của công ty. Tuy nhiên, trước 1925, logo hình thoi đã tồn tại trên đa số các mẫu xe bởi một lý do hết sức ngẫu nhiên; xuất phát từ chính phong cách thiết kế nắp ca-pô của hãng. Lúc đó, nắp ca-pô trên các xe Renault kéo dài xuống tận thanh cản trước với gờ nổi chính giữa tạo nên nhờ giao tuyến của hai mặt phẳng.
Nhưng kiểu thiết kế đó gặp trở ngại do còi nằm ngay phía dưới. Bởi vậy, để tiếng còi thoát qua ngoài, các kỹ sư đã đục phần mũi xe thành các khe hở song song, tập hợp lại thành một hình thoi. Với dòng chữ Renault chạy ngang, vô tình hình thoi này được coi là logo chính thức.

Hứng chịu những tổn thất nặng nề từ khủng hoảng kinh tế những năm 1930 và đại chiến thế giới thứ hai, đến năm 1960 Renault mới hồi sinh và để đánh dấu cho thời kỳ phát triển mới, công ty quyết định thay đổi logo lần thứ năm. Mẫu logo mới có đôi chút thay đổi so với năm 1925. Chữ “Renault” được làm đậm và cao, nổi bật trên nền khung hình lục giác trắng. Các nét cắt ngang thưa và đậm hơn. Renault sử dụng logo này cho đến năm 1972, trước khi thay đổi nó lần thứ sáu.

Logo Renault thứ 7 từ bỏ kiếu thiết kế “chữ-hình ảnh” quen thuộc. Chỉ còn lại hình thoi, nhưng nó bao gồm nhiều đường thẳng được nối với nhau trên trục tọa độ 3 chiều, tạo độ nổi khá “mông lung” cho người quan sát. Tuy nhiên, trên các văn bản, Renault vẫn sử dụng logo có dòng chữ “Renault” bên cạnh.

Năm 1992, logo thứ 8 ra đời. Không còn các đường kẻ mà thay vào đó là mặt phẳng đồng nhất sơn hai màu đen trắng, đối xứng với nhau qua trục thẳng đứng.
Vẫn có độ nổi như 20 năm trước nhưng bớt đi phần phức tạp và “nhức mắt”, logo năm 1992 thân thiện, bóng bẩy và mang tính công nghệ cao hơn. Được Renault sử dụng trên lưới tản nhiệt các đời xe từ năm 1992, nhưng trên các văn bản, hãng vẫn dùng mẫu mang dòng chữ “Renault” phía dưới.

Năm 2004, Renault trình làng logo thứ 9 và giữ nguyên những nét cấu trúc cơ bản. Nổi bật nhờ bề mặt sơn bóng và những đường gấp trên thân được mạ crôm, logo thứ 9 thể hiện cho công nghệ, sức sáng tạo không ngừng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của hãng. Đơn giản và mang tính thống nhất cao, có lẽ Renault đã và sẽ hài lòng với biểu tượng của mình trong khoảng thời gian xa nữa.
Continue....
 

Dream-Uocmo

Xe tải
Biển số
OF-103371
Ngày cấp bằng
19/6/11
Số km
436
Động cơ
401,670 Mã lực
vok cụ , đang ngồi ngâm cứu
 

x2bx2

Xe tăng
Biển số
OF-96329
Ngày cấp bằng
21/5/11
Số km
1,001
Động cơ
407,533 Mã lực
Logo Renault theo dòng lịch sử



Chiến tranh thế giới II nổ ra, theo yêu cầu của phe Đồng minh, Renault ngừng sản xuất ôtô mà tập trung vào xe tăng và máy bay. Theo đó, logo của hãng cũng được thay đổi cho phù hợp với tình thế chiến tranh. Chiếc ôtô được thay bằng hình ảnh xe tăng đang leo dốc.
Sau chiến tranh Louis Renault nhận huy chương anh hùng và tiếp tục sản xuất ôtô với các mẫu xe 10CV hay 6CV. Năm 1923, bỏ lại sự khốc liệt của chiến tranh để trở lại vai trò chính, logo Renault thay đổi lần thứ 3 với hình tròn làm khung chính, bao quanh những đường gạch ngang mô phỏng lưới tản nhiệt và dòng chữ “Renault”.
Đoạn này sai cơ bản bác ạ
Trong WW2, sau khi Đức chiếm Pháp thì tất cả các nhà máy công nghiệp của Pháp đều bị Đức trưng dụng để sản xuất các phương tiện chiến tranh, Renault và các hãng xe khác của Pháp đều chịu chung số phận.
Tuy nhiên, các chủ hãng với tinh thần ái quốc của mình đã khôn khéo né tránh để hạn chế tối đa sự phục vụ cho Đức Quốc Xã, trong đó có việc Reanult đã khước từ yêu cầu sản xuất máy bay mà chỉ chấp nhận sản xuất xe vận tải quân sự và một số thiết bị chiến tranh khác.
Như vậy có thể nói là những sản phẩm của Renault trong thời gian WW2 không phục vụ cho quân Đồng Minh mà phục vụ cho Đức Quốc Xã.
Tuy sự hợp tác với Đức là bắt buộc nhưng nó cũng mang lại cho Renault những kinh nghiệm (và công nghệ sản xuất) đáng kể từ Đức, vì thực tế là để các nhà máy này có thể sản xuất ra các sản phẩm cho mình thì lẽ đương nhiên là Đức phải chia sẻ khá nhiều về công nghệ kỹ thuật, và đó là một lợi thế rất lớn để nhiều hãng công nghiệp của Pháp sau thời kỳ WW2 có những bước tiến rất mạnh, trong đó có các nhà sản xuất ô tô như Renault, Peugeot, Citroen...
Một mặt khác từ sự kiện trên cũng cho thấy là trước WW2 thì các hãng công nghiệp của Pháp đã đạt tới trình độ rất cao nên mới được Đức chuyển công nghệ và đưa ra các yêu cầu sản xuất như nói ở trên.
Trở lại với câu chuyện của Renault, sau khi chiến tranh kết thức thì chủ tịch của Renault bị chính quyền mới kết tội phản quốc (do đã làm việc cho Đức), cũng phải chịu cảnh tù đày khi đã ở cuối đời (chứ không phải huân huy chương) tuy nhiên sau này đã được phục hồi danh dự.
Thực tế thì Renault cũng có một thời gian sản xuất cả máy bay và xe tăng, nhưng đó là trong thời kỳ WW1 và đó là yêu cầu rất tự nhiên của chính nước Pháp trong chiến tranh chứ không phải là theo yêu cầu của phe Đồng Minh (phe Đồng Minh hình thành trong WW2) - và họ chưa bao giờ ngưng sản xuât ô tô!
 

Mr.HTCor

Xe máy
Biển số
OF-188497
Ngày cấp bằng
6/4/13
Số km
63
Động cơ
332,310 Mã lực
Nơi ở
Trên từng cây số
logo renault hiện nay không ấn tượng lắm!
 

convitngoc

Xe đạp
Biển số
OF-181857
Ngày cấp bằng
23/2/13
Số km
16
Động cơ
335,960 Mã lực
Em hóng chờ truyền thuyết về em Bentley ạ ...
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top