[Funland] Lắng nghe Việt Nam

ntpt38

Xe tải
Biển số
OF-429421
Ngày cấp bằng
13/6/16
Số km
436
Động cơ
219,315 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Mùa hè năm 2013, tôi thuê một căn hộ tại trung tâm Hà Nội, xuôi theo một con ngõ và ngang qua Quảng trường Ba Đình. Nơi tôi ở rất đẹp, sáng sủa, rộng rãi, có cả tivi màn hình phẳng và một gian bếp mới được tu sửa hoàn toàn. Giá thuê chỗ đó là $400/tháng, có thể nói là khá cao so với mặt bằng chung ở Hà Nội, nhưng tôi cũng không dự định ở lại đây lâu dài, và một thời gian sau còn phát hiện ra mình có thể dạy Tiếng Anh để kiếm thêm một chút.

lang-nghe-viet-nam.jpg

Những người thuê nhà khác trong tòa nhà, phần thì là người ngoại quốc, phần thì là những người giàu có ở Việt Nam. Ngay bên trên tôi là một cặp đôi người Việt, bên dưới thì là một anh chàng giáo viên Tiếng Anh, và cuối hàng lang lại là một giáo viên người Anh nữa.

Mỗi sáng tôi đều ngồi bên bàn uống cà phê và cố gắng hoàn thiện cuốn tiểu thuyết mà bản thân dự định sẽ đến Hà Nội để hoàn thành, kể về một người lính Mỹ đã ở lại nước sở tại sau khi quân dịch kết thúc. Thực tế chuyện này cũng đã xảy ra ở Việt Nam, dù không nhiều nhưng cũng đủ để tôi chú ý. Có một vài nhóm nhân viên đã quyết định ở lại Nam Việt Nam bởi vào những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, Đại sứ quán Mỹ mới tá hỏa vì số lượng công dân Mỹ cần di tản quá sức khổng lồ. Thế nhưng việc này lại không hay được đề cập tới trong những câu chuyện về cuộc chiến, cũng là lý do vì sao tôi cất công đi tìm hiểu để đưa vào tác phẩm của mình. Cơ mà chuyện viết lách không được suôn sẻ lắm, nhiều lúc như đi chân trần trên cát lút vậy, cứ chật vật mãi để kể chuyện về một người lính Mỹ với những chi tiết giả tưởng về chiến tranh.
-----------------
Có rất nhiều cựu chiến binh ở Hà Nội từng tham gia vào cuộc chiến ở miền Nam. Tỷ lệ tham gia quân dịch ở miền Bắc Việt Nam khi ấy cao tới mức chọn bừa một người trung cao tuổi bây giờ cũng đều tìm thấy lịch sử tham gia kháng chiến. Một bác gái lái xe máy trên con đường tấp nập ở Đội Cấn, một ông bác uống cà phê đá ở góc hẻm, những nhóm người Hà Nội tập thể dục ở gần Quảng trường Ba Đình, ngay dưới bóng Lăng Chủ tịch - họ đều có thể là cựu chiến binh.

Bình là bảo vệ của tòa nhà nơi tôi sống và từng là lính bộ binh khi xưa. Đầu năm 1970, ông cùng với đồng đội đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh vào chi viện cho miền Nam, kháng chiến cho tới tận ngày vào đến Sài Gòn và thống nhất đất nước.

“Điếc cả tai, sợ lắm”, ông kể về chuyện Mỹ ném bom sau khi nghe tôi hỏi bập bõm bằng tiếng Việt. Tôi thấy ông có chút rùng mình như thể những kí ức đen tối đang bủa vây tâm trí lần nữa. “Nhiều bom lắm, nhiều lắm. Chả sung sướng gì đâu.”

Cuộc đối thoại diễn ra ngay ở tầng hầm để xe của tòa nhà, nơi Chú Bình (tôi sẽ kèm thêm chữ “Chú” - một từ Tiếng Việt tôi học được để chỉ những người tầm tuổi bố mình) ngủ lại mỗi ngày để trông xe, trên một cái giường xếp nhỏ, ngay cạnh cái nồi cơm và bếp điện để chú nấu ăn hằng ngày. Sau khi xuất ngũ, Chú Bình trở về quê nhà ở nông thôn, cưới vợ và có hai đứa con, tiếp tục mưu sinh bằng nghề trồng lúa. “Chú phải cho các con được học hành”, chú Bình giải thích rằng mình lên thành phố kiếm việc để cho các con được học tiếp đại học.

Không chắc chú với chủ tòa nhà thỏa thuận thế nào, nhưng có lẽ là điều khoản hợp đồng có khá nhiều ràng buộc. Chú Bình trông xe cả ngày lẫn đêm, chỉ được về quê một dịp duy nhất là dịp Tết Nguyên đán. Mỗi ngày chú cũng chỉ có thể ra ngõ gần đó mua rau thịt rồi lại phải quay về trông xe tiếp.
---
Mùi và Thành cũng là hai cựu chiến binh, sống ở cuối ngõ. Có lúc đi xuống hầm lấy xe, tôi thấy họ với Chú Bình đặt bàn cờ tướng trên mấy cái ghế nhựa xanh, vừa chơi vừa hút thuốc, uống nước chè đặc. Cũng có đôi lần tôi ngồi xuống nhập hội với họ.

Chú Mùi (tôi cũng gọi là Chú) có dáng người nhỏ, có nét đẹp trai nhờ mái tóc dày và đen cùng một gương mặt gợi tôi nhớ về tài tử Alain Delon (chú ấy có kể nhiều lần là gia đình mình có một chút gốc Pháp). Ông Thành (tôi gọi là “Ông” để chỉ người tầm tuổi ông mình) thì già hơn, cao và khá gầy, đôi vai rộng cùng với mái tóc bạc. Chú Bình là người ít tuổi nhất trong nhóm ba người, và thường hay để hai người còn lại kể chuyện khi có mặt tôi ở đó.

Cả nhóm đều biết tôi là nhà văn và đoán rằng có thể tôi đang viết gì đó về cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng mỗi khi chủ đề đó xuất hiện - rất tự nhiên và bình thường - họ lại không hứng thú chia sẻ nhiều lắm. Thay vào đó, tôi là người được hỏi thăm nhiều nhất, từ chuyện gia đình có mấy người, ở Mỹ thì ăn gì cho đến thu nhập bao nhiêu để mua nhà mua xe. Đặc biệt, họ băn khoăn vì sao tôi lại hay đi xa gia đình như thế, thậm chí từ khi còn rất trẻ. Khá chắc là họ đang nghi ngờ tư cách một người con trong gia đình của tôi.

Cái này là dành cho Mẹ”, Chú Mùi vừa nói vừa chỉ vào một hình xăm trên cánh tay - một chữ “nhớ”. “Mẹ là đáng quý nhất, cứ phải nhớ lấy điều ấy mới được”.

Một ngày nọ, Ông Thành mời tôi sang nhà chơi. Chúng tôi gượng gạo nhìn nhau một lúc trong khi vợ ông ấy chuẩn bị trà nước và bánh ngọt. Chiếc TV bỗng chuyển sang phát một chương trình nào đó, dần dần tạo thành một thứ âm thanh nền cho cuộc trò chuyện. Bất chợt, Ông Thành kể chuyện đi lính ngày xưa. Trông ông không vui lắm, chuyện chiến tranh này cứ bám lấy chúng tôi như một con ruồi vo ve qua lại, cứ ngồi yên mãi mà không làm gì thì hẳn là rất khó chịu.

Ấy vậy, chuyện ông kể chỉ chưa đầy vài phút, còn tôi thì cũng cố gắng góp nhặt lại được một ít trong đầu. Ông kể về việc cuộc chiến khó khăn thế nào, mọi người đã hy sinh những gì và chuyện chiến đấu là một tình thế bị dồn ép - không ai muốn đánh nhưng gặp giặc ngoại xâm thì phải đánh. Và rồi cuộc trò chuyện kết thúc. Ông Thành vẫn cười vui vẻ như mọi ngày. Một cuộc thưởng thức trà và bánh tuyệt vời.

Sau những cuộc trò chuyện, tôi nhận ra Thành và Mùi có những trải nghiệm khác với Bình về cuộc chiến. Một phần có lẽ do họ có xuất thân khác nhau, Mùi và Thành đều sinh ra trong những gia đình Hà Nội tương đối khá giả, còn Bình thì đến từ vùng nông thôn nghèo khó. Chắc cũng vì ngại chuyện này nên họ chỉ kể nhiều khi nói chuyện một mình với tôi, còn khi trong nhóm thì ai cũng kiệm lời hẳn.
----
Mùa hè năm ấy, tôi cũng được nghe những người Hà Nội khác chia sẻ về cuộc chiến. Tôi nhớ về lần ngồi tiếp chuyện bố một người bạn của tôi bên một đĩa hoa quả tươi ngon. Ông kể về ngày mà phi công Mỹ thả bom xuống Phố Cổ - linh hồn và trái tim của cả thành phố Hà Nội. Cú dội bom phá nát ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của ba đứa trẻ đang ngồi học bài. Ông chỉ sống sót vì đã trốn ra ngoài đi chơi ở chỗ khác.

Cả nhà ông không còn gì cả và sống tạm bợ trong suốt nửa năm.

Một học sinh trong lớp Tiếng Anh thì kể lại chuyện cha mình đã rất vất vả để quay về làm nông ở Thanh Hóa, vì sau cuộc chiến ông đã mất đi một bên chân.
Một người bạn khác thì kể rằng bố mình mọi năm vẫn thường xuyên vào Quảng Ngãi với những cựu chiến binh khác, đi đến tận chiến trường cũ để tìm và an táng cho những đồng đội đã ngã xuống khi xưa, đôi lúc còn có cả một nhà ngoại cảm hỗ trợ.
----
Những câu chuyện như thế vẫn luôn được chia sẻ vô cùng thoải mái, tự nguyện. Dường như ai cũng mang trong mình một mẩu chuyện thời chiến. Với một sự kiện tầm cỡ quốc gia như vậy, cuộc chiến với người Mỹ đã ác liệt tới mức nó chạm đến tất cả con người nơi đây, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Theo số liệu được chấp nhận rộng rãi nhất, ba triệu người Việt Nam đã hy sinh, tương đương gần 7% dân số khi ấy, và gần hai triệu người trong số đó là dân thường.
Thương vong và mất mát trong cuộc chiến đã không được tái hiện đủ rõ trong bộ phim tài liệu “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick. Bộ phim kết thúc với gần 30 phút nói về việc xây dựng và phản hồi về Bia Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam ở Washington, tấm bia kéo dài 500 feet (~152 mét) ngay trong công viên gần Đài Tưởng niệm Lincoln. Nếu người Việt Nam cũng dựng một tấm bia tưởng niệm, tấm bia sẽ phải kéo dài hơn 4 dặm (~6,4 km).

Bộ phim của Burns-Novick, và nhiều tác phẩm tương tự, cũng còn rất thiếu sót trong góc nhìn. Cách người Mỹ đánh giá cuộc chiến, trong cả những tác phẩm giả tưởng và lịch sử, vẫn hay bỏ qua cái giá về thương vong của người Việt Nam. Nói cho công bằng, bộ phim của Burns-Novick đã cố gắng truyền tải cả góc nhìn của người Việt, nhưng vẫn rất hạn hẹp. Hay như tác giả người Mỹ gốc Việt Aimee Phan có nhận xét, lời kể của người Mỹ về cuộc chiến thường không thoát được lối mòn dẫn về "hình tượng trung tâm nổi bật nhất: lính Mỹ da trắng với những cảm xúc phức tạp, sợ hãi, thù ghét, tội lỗi và hối hận”.

Chiến tranh Việt Nam không phải một bi kịch của Mỹ như hàng loạt tiểu thuyết và phim ảnh hay kể. Nó là một bi kịch của Việt Nam, do Mỹ gây ra, do súng Mỹ khai hỏa, do chính sách ngoại giao Mỹ dẫn đường, do sự ngu ngốc, tham lam, ích kỷ, phân biệt chủng tộc và bất tín.

Nếu như tôi để tâm hơn đến vấn đề này vào mùa hè năm đó - chưa kể đến tầm nhìn hạn hẹp của bản thân về cuộc chiến - có lẽ tôi đã hỏi thêm nhiều điều, khám phá thêm nhiều chi tiết, thậm chí có thể ghi lại những mẩu chuyện và sắp xếp chúng có trật tự hơn. Thế nhưng tôi đã chọn hoàn thành cuốn tiểu thuyết về người lĩnh Mỹ giả tưởng kia.

Tôi rời Việt Nam vào những ngày cuối hè. Chú Mùi có đưa lại cho tôi một lời nhắn trước lúc tôi đi, viết bằng kiểu chữ uốn cong của Việt Nam:
“Sau hôm nay cậu sẽ đi xa Hà Nội, Ông và Chú Bình và Chú Mùi sẽ rất nhớ cậu. Chúc cho gia đình cậu mạnh khỏe. Chúc cậu thành công trong tương lai”
-----------------
Cảm ơn các bác đã đọc hết bài dịch tuần này.

Dịch từ bài viết “Listening to Vietnam” của tác giả Joseph Babcock, đăng trên The New York Times ngày 05/12/2017. Nội dung gốc thuộc về The New York Times. Link: https://www.nytimes.com/.../opi.../listening-to-vietnam.html
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top