Câu chuyện về bong bóng hoa tulip
Cơn cuồng củ hoa tulip là một trong những cơn sốt đầu cơ giúp người ta phất lên nhanh chóng nhất trong lịch sử. Sự thái quá của cơn cuồng này càng hiện lên rõ ràng hơn khi người ta nhận ra rằng nó từng xảy ra tại đất nước Hà Lan yên bình vào đầu thế kỷ XVII.
Những sự kiện dẫn đến cơn sốt đầu cơ này khởi phát từ năm 1593, khi một vị giáo sư thực vật học đến từ Vienna mang tới vùng Leyden một bộ sưu tập các giống cây lạ có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân Hà Lan rất mê giống cây mới này, tuy nhiên họ không bằng lòng với giá mà vị giáo sư đưa ra (ông hy vọng sẽ bán củ hoa tulip và kiếm được một khoản béo bở). Đêm nọ, một tên trộm đột nhập vào nhà vị giáo sư và lấy cắp củ hoa tulip rồi bán chúng với giá thấp hơn, song vẫn thu được một khoản lời khá khẩm.
Giá hoa Tuylip từ 1636-1637: Nguồn Fintechtimes
Trong khoảng một thập kỷ tiếp theo, hoa tulip trở nên phổ biến trong các vườn hoa ở Hà Lan, song giá của nó vẫn rất đắt. Nhiều bông hoa bị nhiễm loại virus vô hại có tên là mosaic. Chính loại virus này là nguyên nhân làm bùng nổ cơn đầu cơ củ hoa tulip khủng khiếp. Virus khiến cánh hoa tulip có những sọc màu tương phản sặc sỡ. Người dân Hà Lan rất chuộng loại hoa bị nhiễm virus và gọi đó là “điểm lạ”. Trong một thời gian ngắn, kiểu thị hiếu mới dấy lên là giống hoa càng khác lạ, nó càng đắt giá. Dần dần, chứng nghiện hoa tulip bùng phát.
Ban đầu, những người bán củ hoa chỉ cố gắng phỏng đoán kiểu pha màu nào sẽ thịnh hành trong năm tới. Sau đó, họ mua tích trữ khối lượng lớn với hy vọng giá sẽ tăng. Giá củ hoa tulip bắt đầu tăng như vũ bão. Loại củ càng đắt tiền, người ta càng tin đó là khoản đầu tư khôn ngoan. Charles Mackay đã ghi lại những sự kiện này trong cuốn Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds (Những ảo tưởng hết sức phổ biến và sự điên rồ của đám đông), chỉ ra rằng mọi ngành nghề thông thường đều biến sạch trong cơn sốt đầu cơ củ hoa tulip: “Từ những người thuộc tầng lớp quý tộc cho đến dân thường, nông dân, thợ sửa máy, thủy thủ, lính bộ binh, người hầu, thậm chí cả người quét ống khói đều đắm chìm với hoa tulip.”
Mọi người đều ngỡ cơn cuồng hoa tulip sẽ kéo dài mãi, rằng người dân từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Hà Lan để mua hoa tulip với bất kỳ mức giá nào. Những người cho rằng giá không thể tăng cao hơn nữa ngao ngán ngồi nhìn bạn bè và người thân thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Thật khó để cưỡng lại sức cám dỗ gia nhập cuộc chơi, thế nhưng một vài người dân Hà Lan vẫn đủ sức kháng cự. Trong những năm cuối của mốt thịnh hành hoa tulip, tức là khoảng từ năm 1634 đến đầu năm 1637, người ta bắt đầu trao đổi tài sản cá nhân, như đất đai, đồ trang sức, đồ đạc để lấy củ hoa tulip – thứ hàng sẽ giúp họ trở nên giàu có hơn. Giá củ hoa tulip đội lên đến mức trên trời.
Các nhà sử học thường dựng lại bức tranh lịch sử, một vài nhà sử học tài chính đã nghiên cứu bằng chứng về nhiều loại bong bóng tài chính và cho rằng tính hợp lý đáng kể trong việc định giá chắc hẳn đã tồn tại từ đó. Peter Garber, một trong những nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại, cho rằng việc định giá của hoa tulip trong thế kỷ XVII ở Hà Lan hợp lý hơn nhiều so với suy nghĩ thông thường. Garber đã đưa ra một số điểm khá thuyết phục, và tôi không có ý ám chỉ rằng không hề có sự hợp lý nào trong cơ cấu giá củ hoa tulip vào thời điểm đó. Chẳng hạn, Semper Augustus là một giống hoa cực hiếm và đẹp, như những gì Garber đã chỉ ra, loại củ này được định giá rất cao ngay từ nhiều năm trước khi chứng nghiện hoa tulip vùng phát. Hơn nữa, nghiên cứu của Garber đã chứng tỏ rằng thậm chí ngay cả khi giá củ hoa tulip nhìn chung bị sụt giảm mạnh, loại củ hiếm vẫn được bán với giá cao, mặc dù mức giá đó có thể thấp hơn nhiều mức giá đỉnh điểm.
Thế nhưng Garber không thể tìm thấy lời giải thích hợp lý nào về hiện tượng giá củ hoa tulip tăng gấp 20 lần trong tháng 1/1637, rồi ngay sau đó lại trượt giá khủng khiếp hơn nhiều vào tháng 2. Rõ ràng, tương tự như những gì xảy ra trong tất cả các cơn sốt đầu cơ khác, giá rốt cục cũng sẽ tăng cao đến một ngưỡng mà người ta quyết định bán củ hoa tulip của mình. Chẳng bao lâu sau, những người khác cũng đi theo quyết định đó. Giống như quả cầu tuyết lăn xuống dốc, giá củ hoa tulip sụt giảm với tốc độ ngày càng nhanh và cơn điên cuồng chẳng còn thống trị được bao lâu nữa.
Các quan chức chính phủ đã đưa ra thông báo chính thức rằng chẳng có lý do gì để giá củ hoa tulip sụt giảm – nhưng không một ai nghe. Nhiều hãng buôn bị phá sản và hủy bỏ các cam kết mua củ hoa tulip. Kế hoạch của chính phủ nhằm thanh toán tất cả hợp đồng với 10% giá trị danh nghĩa không thể thực hiện được khi củ hoa tulip sụt giá thấp hơn cả mức này. Và giá cứ thế tiếp tục lao xuống cho đến khi hầu hết mọi giống hoa gần như trở thành vô giá trị và chỉ bán bằng giá một củ hành thông thường
Nguồn: A Random Walk Down Wall. Street – Burton G.Malkiel