Nếu bản dự thảo này được thông qua, không chỉ Toyota Việt Nam mà các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) sẽ phải đóng cửa.
Tại cuộc hội thảo hội thảo tham vấn các hiệp hội và ngành hàng về các hiệp định thương mại trong thời gian tới do Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế tổ chức mới đây, bà Đặng Phan Thu Hương – Phó Tổng giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho biết bà vừa nhận được một bản dự thảo về nhóm các mặt hàng được cắt giảm và xóa bỏ thuế quan vào năm 2012 (giảm thuế suất xuống mức 0-5%), trong đó có ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. “Đây là thông tin đột ngột. Theo lộ trình, đến năm 2018, ô tô mới là mặt hàng nhập khẩu được xóa bỏ thuế quan – thuế suất 0%. Nếu bản dự thảo này được thông qua, không chỉ Toyota Việt Nam mà các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) sẽ phải đóng cửa” – bà Hương khẳng định.
Song, ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam lại thẳng thắn phản ứng:
“Tôi không đồng ý việc kéo dài đánh thuế cao đối với ô tô nhập khẩu. Đề nghị sớm đẩy nhanh việc giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, để người tiêu dùng được mua xe ô tô với giá phải chăng, chất lượng tốt.
Đời sống của anh em ngành vận tải khó khăn, trong khi lái xe của chúng tôi không thua kém các bạn Lào, Campuchia và Thái Lan - song giá cước vận tải quá cao – một phần do giá xe chúng ta quá đắt, vì thế chúng tôi phải tăng tốc, lèn khách để có tiền nuôi sống vợ con”.
Câu chuyện giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đương nhiên còn lâu mới tới hồi kết, song ví dụ trên cho thấy, việc lắng nghe và tham vấn thông tin trước khi ban hành một văn bản pháp luật là vô cùng quan trọng để đảm bảo được sự hài hòa giữa các nhóm lợi ích.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại với các đối tác. Bên cạnh những thuận lợi như cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động…, các hiệp định thương mại cũng đặt ra không ít thách thức.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, nếu như trước đây các hiệp định thương mại thường được ký kết theo phương pháp chọn – cho (doanh nghiệp nước ngoài chỉ được làm những gì pháp luật chủ nhà cho phép) thì nay các hiệp định thương mại đã sử dụng phương thức chơi mới ngược lại hoàn toàn: chọn – bỏ (có nghĩa doanh nghiệp nước ngoài được quyền làm tất cả những gì pháp luật chủ nhà không cấm). Với phương thức này, áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất, kinh doanh nội địa sẽ càng nặng nề hơn nhiều.
Vì vậy, việc mở rộng tham vấn các hiệp hội và ngành hàng về các hiệp định thương mại còn là tác nhân giúp nền kinh tế trong nước có điều kiện chuẩn bị kỹ càng, thông qua đó đặng có thể đón đầu giành thế chủ động trong sân chơi lớn.
Theo
Mai Hoa
Pháp Luật VN