Trong khi 3 người đàn ông tố cáo bị “còng tay và đánh đập” trong 5 ngày 4 đêm ở trụ sở công an, nhà chức trách phủ nhận, nói họ "viết đơn tự nguyện ở lại”.
Anh Trang cho rằng vết bầm tím là do công an đánh đập. Ảnh:
Hoàng Táo
Trong đơn tố cáo gửi VKSND huyện Cam Lộ (Quảng Trị), anh Bùi Minh Trang (27 tuổi) cho biết, tối 21/7 tại hiện trường vụ cháy trụ điện ở khu vực ngã tư Sòng (xã Cam An) xảy ra va chạm giữa hai công an làm nhiệm vụ bảo vệ và hai thanh niên địa phương.
Cho rằng các bạn mình bị công an dí roi điện, anh Trang cùng Bùi Minh Trường (28 tuổi), Trần Văn Cường (31 tuổi) và gần 10 thanh niên kéo đến Trạm công an Sòng yêu cầu đối chất.
Trong đêm hôm đó, anh Trang, Trường, Cường và một người khác bị triệu tập tới trụ sở Công an huyện Cam Lộ. Một người được về trước, 3 anh Trang, Trường, Cường đến 19h30 ngày 26/7 mới được về trước sự chứng kiến của người nhà và đại diện VKSND huyện Cam Lộ. Ngay sau đó, họ được đưa đến bệnh viện.
Anh Trang tố cáo trong 4 đêm 5 ngày bị tạm giữ đã 2 lần bị đánh vào đầu, mặt, vai. Tay bị còng liên tục vào ghế, chỉ được tháo ra khi “xin đi vệ sinh”. Vai hằn vết tím dài, mắt mí mắt phải có vết thâm.
Anh Trường nói bị đánh 2 lần, trên đầu có vết sưng. Anh Cường cho hay không bị đánh nhưng bị còng tay vào ghế gỗ cả ngày lẫn đêm, chỉ được cởi khi đi vệ sinh. Việc ăn ngủ ngay trên ghế, không được cung cấp chăn gối.
Những người này tố cáo bị đánh bằng dùi cui cao su, mũ bảo hiểm, bị dọa nạt và xúc phạm danh dự. Họ còn bị yêu cầu viết đơn tự nguyện ở lại trụ sở công an.
Cả ba người nói bị ép viết đơn tự nguyện ở lại trụ sở công an. Ảnh:
Hoàng Táo
Thượng tá Phạm Hữu Dưỡng, Phó công an huyện Cam Lộ, phủ nhận cấp dưới của mình có hành vi đánh đập, còng tay các anh Trang, Trường, Cường. “Chúng tôi khẳng định không bắt người, không đánh đập, không bức cung hay nhục hình”, ông Dưỡng nói.
Ông Dưỡng cho hay nhà chức trách yêu cầu các thanh niên trên đến trụ sở công an để làm rõ hành vi càn quấy, gây rối ở địa phương xảy ra đêm 21/7. “Sau 24 tiếng bị tạm giữ hành chính, những người này viết đơn tự nguyện ở lại trụ sở công an để giúp làm rõ vụ việc do nhận thức đã có hành vi gây mất trật tự công cộng, cản trở thi hành công vụ”, ông nói.
Dù vậy, sau nhiều ngày, nhà chức trách chưa làm rõ được sự việc; vẫn "tiếp tục điều tra có cấu thành tội phạm hình sự hay không".
Theo luật sư Trần Đức Anh, việc tạm giữ hành chính chỉ được thực hiện trong 24 tiếng và cơ quan tạm giữ phải cung cấp suất ăn, chăn gối và giường nằm. "Việc giữ người quá quy định, dù là có đơn tự nguyện thì vẫn sai quy định. Ở đây có dấu hiệu xâm phạm các hoạt động tư pháp", luật sư Anh nói.
Hoàng Táo