Lại có cái bài này:
Ràng buộc ngoài luật
Lâu nay, khi mua bán xe, người dân phải điền đầy đủ các thông tin về bên mua, bên bán vào giấy mua bán, tặng cho xe theo mẫu của ngành công an. Sau đó, các bên buộc phải ra UBND cấp phường chứng giấy bán xe nhưng chứng nội dung gì thì công an cũng không nêu rõ. Thế là tùy phường xử lý, có nơi chứng thực chữ ký, có nơi xác nhận thường trú... Căn cứ vào giấy mua bán đã được phường chứng, công an cấp quận (hoặc phòng cảnh sát giao thông đường bộ) mới cho người mua đăng ký, sang tên xe.
Sau khi xem xét các văn bản liên quan, Sở Tư pháp phát hiện trước giờ không có quy định nào (kể cả của ngành công an) yêu cầu giấy mua bán xe phải có cơ quan chức năng chứng thực, chứng nhận (!). Ngoài ra, Nghị định 75 ngày 8-12-2000 của Chính phủ và Luật Công chứng cũng không buộc hợp đồng, giao dịch chuyển quyền sở hữu xe phải được công chứng, chứng thực (trừ trường hợp người dân có yêu cầu). Cụ thể là các điều 21, 22 Nghị định 75 cho phép các phòng công chứng công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; UBND cấp quận được chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng. UBND cấp phường không hề có thẩm quyền chứng thực giao dịch này.
Không cần chứng nữa
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ những yêu cầu trái luật, Sở Tư pháp đã đệ trình UBND TP xem xét lại đòi hỏi nêu trên của các cơ quan công an. Ngày 12-5, UBND TP đã có văn bản yêu cầu Công an TP rà soát lại các quy định của ngành công an liên quan đến thủ tục, biểu mẫu giấy mua bán xe máy, đồng thời hướng dẫn cơ quan đăng ký xe không buộc người dân phải chứng thực giấy mua bán, tặng cho xe máy.
Về phần mình, gần đây, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã thuộc quận, huyện mình không thực hiện chứng thực chữ ký hoặc xác nhận thường trú trên giấy mua bán, tặng cho ôtô, xe máy. Trường hợp có yêu cầu, người dân có thể liên hệ với UBND cấp quận hoặc các phòng công chứng để chứng nhận, công chứng hợp đồng, giao dịch xe.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến ngày 24-5, UBND nhiều quận, huyện vẫn chưa nhận được văn bản trên của Sở Tư pháp. Song các nơi đều nhìn nhận “không có khúc mắc gì” và cho biết sẽ triển khai ngay sau khi nhận được văn bản. Riêng ngành công an và cơ quan thuế có chấp nhận giấy mua bán xe “trống trơn” (chỉ có chữ ký của hai bên mua bán, không có dấu mộc của UBND phường) để đăng ký, sang tên hay không thì chưa rõ. Tại thời điểm này. Công an TP vẫn chưa báo cáo với UBND TP kết quả rà soát các quy định liên quan cũng như việc chỉ đạo các cơ quan đăng ký xe không buộc người dân đi chứng giấy mua bán xe.
Nên loại bỏ sự ôm đồm
Theo Thông tư 01 ngày 2-1-2007 của Bộ Công an (về việc tổ chức đăng ký, cấp biển số xe), ngoài giấy khai theo mẫu, hồ sơ đăng ký xe phải có chứng từ mua bán, tặng cho xe. Đó là quyết định hoặc hợp đồng; giấy bán, cho, tặng và tất cả đều phải theo quy định của pháp luật. Nhưng thế nào là “theo quy định của pháp luật”?
Phải khẳng định việc mua bán, tặng cho xe là giao dịch dân sự. Nếu trước nay pháp luật đều không buộc loại giao dịch này phải được công chứng, chứng thực thì can chi công an lại bắt người dân đi chứng giấy mua bán? Chính ràng buộc không có cơ sở này đã khiến nhiều người muốn bán chiếc xe máy trị giá 2-3 triệu đồng cũng phải cực công ra phường. Trường hợp phường từ chối, họ phải “lội” đến các cơ quan công chứng với đủ thứ giấy tờ kèm theo vốn phải “trần thân” làm trước đó (như giấy độc thân, giấy ủy quyền của vợ/chồng đồng ý cho người kia bán xe hay giấy xác nhận tài sản riêng...). Kéo theo đó là các khoản phí theo quy định (cũng có thể ngoài quy định thông qua các hình thức vận động của phường).
Đáng nói là việc chứng giấy của phường không nhằm làm cho việc mua bán, tặng cho xe được chặt chẽ, đảm bảo được quyền lợi của đồng sở hữu chủ (nếu có). Tại TP.HCM, chính cơ quan công an cũng không xác định rõ mục đích chứng giấy để làm gì, nhiều người còn nói “Miễn sao có mộc đỏ là được”. Tại Long An, nhiều cán bộ công an cho chúng tôi biết chứng giấy là để phòng xe gian, xe mất cắp... Còn tại Đồng Nai, vài cán bộ cho biết chứng giấy để xác định người chủ xe thực sự muốn bán xe, phòng ngừa tranh chấp...
Bà Ung Thị Xuân Hương, Trưởng phòng Văn bản - Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng: “Thay vì lo đối phó với những phát sinh có thể không xảy ra, công an nên để người dân tự quyết định việc mua bán sao cho đảm bảo được quyền lợi của mình. Nếu thấy cần, người dân có thể đi công chứng, chứng thực giấy mua bán xe, còn nếu không thì thôi. Trường hợp có tranh chấp, các bên có thể khởi kiện ra tòa”. Cũng theo bà Hương, sau khi Công an TP gửi xong báo cáo, Sở Tư pháp sẽ họp bàn với cơ quan này và cơ quan thuế để “gút” vụ việc.
Theo CATPHCM - http://www.chooto.com.vn/website/article.aspx?article_ID=18549
Không biết giờ ở Hà Nội làm thế nào? Cụ nào biết chỉ em với.