Bài này không biết thế nào các cụ nhỉ ???
XỬ LÝ TIẾNG KÊU BẤT THƯỜNG TRÊN XE ÔTÔ
Động cơ và khung gầm xe của bạn còn tốt, xe đi êm ái nhưng lại có tiếng “cạch cạch” trong xe khi tăng tốc hoặc trên đường xấu? Do đâu?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thân vỏ và nội thất của xe như nắng, mưa, ẩm ướt và cả thói quen sử dụng xe
Tiếng ồn trong nội thất ôtô tuy không ảnh hưởng nhiều đến tính năng vận hành của xe hay sự nguy hiểm, nhưng nó gây khá nhiều phiền toái và ức chế cho người sử dụng xe đặc biệt là khi sử dụng xe trong những khu vực yên tĩnh. Thủ phạm gây ra tiếng ồn nội thất và thân vỏ là khe hở giữa các chi tiết và sự cọ xát của các chi tiết nhựa có khả năng biến dạng.
Khi tháo lắp thêm các phụ kiện, các gara có thể làm gãy các lẫy hoặc vít nhựa
Khi xe di chuyển trên các điều kiện đường sá khác nhau tạo ra những rung động và biến dạng khác nhau dẫn đến tiếng ồn nội thất. Người ngồi trong xe có thể dễ dàng nhận thấy tiếng kêu, nhưng việc tìm ra và xử lý tiếng ồn là vấn đề cực kỳ phức tạp. Bạn muốn xử lý được tiếng ồn trong nội thất thì trước hết phải hiểu được các dạng tiếng ồn, nguyên nhân và cách khắc phục. Nhìn chung, tiếng ồn nội thất có hai dạng chính
• Tiếng ồn khi xe bị rung
• Tiếng ồn khi xe bị vặn xoắn
Bài viết dưới đây tổng hợp về các tiếng ồn nội thất thường gặp khi sử dụng xe, cũng giống như một “menu” trong cẩm nang sử dụng xe của bạn.
Tiếng ồn khi xe bị vặn xoắn
1. Tiếng “cọt kẹt” trên cửa nóc
Cửa nóc (Sunroof) là cánh cửa được trang bị trên trần xe, có thể đóng mở tùy thuộc theo ý của người sử dụng để đón không khí hoặc ánh sáng thiên nhiên. Sau một thời gian sử dụng, khi xe phải vào khu vực có nhiều ổ trâu như khu vực công trường, lái xe di chuyển chỉ khoảng 10 km/h và khung xe vị vặn. Khi bánh trước của xe đi xuống ổ trâu trong khi bánh xe sau trên mặt đất, lái xe lại phát hiện có tiếng kêu “cọt kẹt” rất to ở khu vực giữa xe. Cứ mối lần xe bị vặn như vậy lại là một lần phát hiện tiếng kêu khó chịu, nhưng khi xe đi đường bằng thì tuyệt nhiên không phát hiện tiếng kêu này.
Gãy lẫy hoặc vít nhựa khiến các chi tiết không còn khít khi lắp lại
Thủ phạm gây ra tiếng kêu này là khung đỡ cửa nóc. Sau một thời gian sử dụng, khung đỡ bị biến dạng và không ăn khớp hoàn toàn vào trần xe, thêm vào đó các gioăng cao su hoặc keo làm kín đã bị lão hóa tạo khe hở. Lúc này khung đỡ của cửa nóc đã bị “lỏng lẻo” và cọ vào trần xe khi xe bị vặn phát sinh tiếng kêu “cọt kẹt”. Để xử lý hiện tượng này các kỹ thuật viên phải tháo cửa nóc xe, làm sạch keo cũ, bôi keo làm kín mới và bắt lại khung đỡ của cửa nóc và trần xe. Hãy mang xe đến các đại lý hoặc gara có uy tín nơi có các kỹ thuật viên có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này.
2. Tiếng “cọt kẹt” nhỏ khu vực góc phía sau xe
Khi bạn đang sử dụng một chiếc xe SUV và đi trên nhiều loại địa hình khác nhau. Một ngày nào đó khi bạn phát hiện tiếng kêu “cọt kẹt” phía góc sau của xe cứ mỗi lần một bánh xuống ổ trâu và leo lên mặt đường bằng. Khác với tiếng kêu cửa nóc, tiếng kêu này khá nhỏ, phải là một lái xe tinh ý mới có thể phát hiện được. Chu kỳ của tiếng “cọt kẹt” rất đều, và chỉ xảy ra khi xe bị vặn lớn nhất. Khi xe càng bị vặn mạnh, tiếng ồn càng lớn và dễ nhận thấy hơn.
Khi tháo toàn bộ cánh cửa có thể làm các vít nhựa hoặc keo dán cách âm bị hỏng làm xe ồn hơn
Nguyên nhân của tiếng “cọt kẹt” này là do các lớp kim loại của khung xe cọ vào nhau khi xe bị vặn gây ra tiếng ồn. Khung xe được chế tạo từ các tấm thép và hàn điểm với nhau. Vị trí, khoảng cách, hình dạng và độ ngấu của các điểm hàn quyết định rất nhiều đến độ bền và khe hở giữa các tấm. Khi có một mối hàn không đúng kỹ thuật về vị trí hoặc bị tác động bên ngoài làm bung, khe hở giữa các lớp kim loại vỏ xe được tạo ra, và khi xe bị vặn mạnh, chúng cọ xát vào nhau và gây tiếng “cọt kẹt”. Để xử lý hiện tượng này, kỹ thuật viên phải tìm được điểm có mối hàn không đúng và hàn lại các tấm vỏ xe, công việc này không phải dễ dàng và phải là một kỹ thuật viên kiên trì và có kinh nghiệm.
Tiếng ồn khi xe bị rung
1. Tiếng “è è” khu vực tab-lô và góc A
Đây là tiếng đặc trưng của nội thất xe, nhất là khi xe đã cũ. Do các vật liệu nhựa trong xe có thể đàn hồi, khi có khe hở giữa nhựa và khung xe, rung động của tấm nhựa sẽ đập vào thân xe và phát ra tiếng kêu “è è”. Loại đường dễ phát hiện tiếng kêu này nhất là đường bê tông khô có lởm chởm sỏi làm cho xe rung không mạnh nhưng rất nhanh hoặc là khi bạn chuyển số và bắt đầu tiếp côn, lúc đó xe rung mạnh và là nguồn gốc gây ra các tiếng kêu khu vực tab-lô.
Bất kỳ bu-lông nào bên trong cánh cửa cũng có thể bị lỏng sau nhiều năm sử dụng
Vị trí dễ bị kêu nhất là tấm ốp nhựa góc A, vị trí ốp cần số nơi tấm nhựa có thể bị lỏng, khu vực cốp giữa để đồ hoặc trong khu vực đài CD. Nhà sản xuất kiểm soát các tiếng kêu này bằng khe hở của các tấm nhựa, bộ phận hấp thụ va đập như cao su hoặc bọt biển. Khi các chi tiết này đã cũ hoặc đế giữ tấm nhựa bị hỏng cũng là lúc xe phát ra tiếng kêu cần phải xử lý. Các kỹ thuật viên sẽ tháo các tấm nhựa này, kiểm tra và xử lý các chân lắp ghép, hoặc có thể dán thêm các tấm chống va đập bằng bọt biển hoặc cao su. Sau một ngày tháo lắp và xử lý tiếng kêu này có thể giảm đáng kể.
2. Tiếng “lập bập” trần xe hoặc cánh cửa
Khi xe bị rung mạnh, bạn có thể nghe tiếng lập bập trên trần xe hoặc cánh cửa. Khác với tiếng kêu “è è” ở trên, tiếng kêu này trầm hơn do phát ra từ tấm lớn. Nguyên nhân của tiếng kêu này là độ võng của tấm ốp trần hoặc cửa, khi xe rung động sẽ dao động và phát tiếng kêu. Để xử lý trường hợp này, bạn phải tháo các tấm ốp trần hoặc cửa, xử lý làm chặt các vị trí lắp chốt, dán thêm bọt biển vào các vị trí có độ võng lớn để giảm dao động. Ví dụ, đối với xe INNOVA, kỹ thuật viên sẽ dán bọt biển vào khoảng cách giữa các vị trí lắp chốt, sau khi lắp lại trần xe chắc chắn hơn và tiếng ồn giảm đáng kể.
Các tấm cách âm có thể bị bung ra sau quá trình sử dụng lâu ngày khiến tạp âm lọt vào ca-bin nhiều hơn
3. Tiếng “lạch cạch” cả bốn cánh cửa xe
Tiếng kêu này xuất hiện khi xe bị rung động mạnh và chậm hơn tiếng “lập bập”, lái xe có thể nhận thấy rõ ràng khi xe đi vào khu vực gờ giảm tốc. Nguyên nhân của hiện tượng này là do các gioăng cánh cửa bị bẹp – các gioăng cánh cửa này ngoài nhiệm vụ làm kín nó còn giống như một bộ phận giảm chấn. Khi xe bị rung động, các cánh cửa rất nặng và dao động và có sự va đập đối với gioăng cửa và khung xe gây ra tiếng ồn. Để xử lý trường hợp này, kỹ thuật viên phải tháo gioăng cửa bảo dưỡng và làm mềm – khôi phục khả năng giảm chấn và hấp thụ những va đập từ cánh cửa.
Các bu-lông và cơ cấu ray ghế có thể phát ra tiếng kêu nhỏ khi bị rơ và cựa
4. Tiếng “chit chít” từ phía sau hoặc phía trước xe
Tiếng kêu này phát ra từ cửa hậu đối với các loại xe SUV cửa sau có bản lề mở ngang, tiếng kêu càng lớn đối với các xe có thêm lốp dự phòng lắp trên cánh cửa hoặc là dội về từ phía trước xe. Tiếng này khi nhẹ giống như tiếng kim loại cọ xát vào nhau hoặc khi va đập mạnh phát tiếng “cạch cạch”. Thủ phạm gây ra tiếng ồn này là ngàm cửa và khóa cửa hoặc ngàm ca pô và khóa ca pô. Sau một thời gian sử dụng các ngàm này sẽ bị mòn, trong quá trình rung động, ngàm khóa và khóa sẽ miết vào nhau và phát tiếng kêu “chit chít”. Việc xử lý tiếng ồn này trước hết kỹ thuật viên sẽ căn chỉnh lại các cao su đỡ cửa hoặc nắp ca-pô. Nếu phương pháp này không có hiệu quả, sẽ cần phải căn chỉnh lại vị trí của ngàm khóa hoặc xử lý lại bản lề và khung đỡ cánh cửa.
Các chốt giữ táp-li cửa cũng cần được lót cao su để tạo sự chắc chắn và triệt tiêu tiếng kêu
5.Tiếng sột soạt hay lạch cạch từ ghế
Tiếng kêu này thực sự là một “dàn đồng ca” đặc biệt là đối với các ghế da đã cũ. Tiếng kêu này cũng có nhiều dạng, hoặc là “sột soạt” do các chất liệu làm ghế cọ sát với nhau, hoặc “lạch cạch” từ các ray ghế và bu lông bắt ghế khi phanh gấp. Việc xử lý tiếng kêu “sột soạt” rất khó, bạn chỉ có thể hạn chế bằng các sản phẩm chăm sóc nội thất. Đối với tiếng “lạch cạch” từ ray ghế hoặc bu lông bắt ghế, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra bu lông ghế, hoặc tháo ghế xử lý hoặc thay thế các ray ghế khi cần thiết.