TTO - Chiều 29-5, PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Vương Trinh Quốc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lào Cai liên quan vụ 6 lô đất biệt thự của “quan chức” tỉnh Lào Cai.
6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa tại TP Lào Cai hiện là nơi ở của gia đình bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và nhiều lãnh đạo ban ngành của tỉnh - Ảnh: XUÂN LONG
Ông có thể nói rõ hơn về nguồn gốc khu đất biệt thự trước khi quy hoạch làm đất ở liền kề, biệt thự?
Khu đất này ban đầu hoàn toàn là lòng sông, nằm ở khu vực “bụng cá” phình ra mà hiện giờ thực tế vẫn đang tồn tại bãi bồi Soi Tiền. Tỉnh đã quyết định kè bờ sông một đoạn dài nhằm mục đích tiếp nối với kè biên giới để chống sạt lở.
Sau đó tỉnh nhận thấy có thể tạo ra quỹ đất từ đây nên đã bỏ ngân sách để đổ đất vào lấp đầy tạo thành bãi đất.
Việc kè này đã lâu, tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn là đã được nghiệm thu quyết toán đúng quy định. Việc bỏ ngân sách ra để kè và đổ đất nên sau đó tỉnh mới quy hoạch làm đất ở để bán đấu giá, thu tiền về bù cho ngân sách.
Ông có thể chứng minh khu 6 biệt thự là quy hoạch làm đất ở, không phải đất công viên như thông tin được cho là nhầm lẫn trước đó?
Sau khi kè xong thì tháng 12-2004, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định quy hoạch khu đất trên thành 120 lô đất ở liền kề. Sau đó tháng 3-2011, tỉnh tiếp tục điều chỉnh một phần lô đất trên (khu vực cuối lô đất hình “đuôi cá”) thành 8 lô biệt thự.
Tiếp đó, tháng 11-2013, sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tỉnh tiếp tục ra quyết định điều chỉnh 8 lô biệt thự trên thành 6 lô biệt thự. Lý do là nếu để 8 lô thì đất manh mún và rất khó giao dịch. Khi điều chỉnh lại thành 6 lô thì diện tích đất đảm bảo phù hợp với đất biệt thự, như mật độ xây dựng 55%, diện tích các biệt thự trên 300m2…
Xin cung cấp thêm một thông tin mới là ở cạnh khu đất 6 lô biệt thự nói trên có một tiểu công viên đã được quy hoạch từ 2004 và hiện đã được xây dựng khuôn viên, cây xanh. Khu tiểu công viên rộng 944m2, nằm cách khu biệt thự khoảng 12m thông qua một con đường chạy ở giữa.
Dư luận băn khoăn về quy trình đấu giá, liệu có công khai minh bạch?
Sau khi quy hoạch xong, tỉnh giao cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Sau đó quỹ thuê đơn vị đấu giá, Công ty đấu giá Hòa Bình được lựa chọn để ký hợp đồng. 6 lô biệt thự nói trên được đấu giá năm 2014 nằm trong 44 thửa được đưa ra đấu giá thời điểm đó. Quá trình này tỉnh làm hoàn toàn công khai.
Ông Vương Trinh Quốc trao đổi với PV Tuổi Trẻ - Ảnh: Ngọc Quang
Có thông tin cho rằng giá đất 6 lô biệt thự nói trên khi đưa ra đấu giá là thấp, giá trúng đấu giá cũng thấp?
Giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá được căn cứ trên bảng giá đất do tỉnh ban hành và đã được HĐND tỉnh thông qua trước đó.
Sau đó hội đồng giá đất, Sở Tài chính và các ngành liên quan khảo sát thị trường giao dịch của vị trí đất sẽ đấu giá.
Trên cở sở bảng giá đất và căn cứ vào vị trí, hạ tầng, kinh tế của vị trí đất sẽ xác định giá đấu giá lô đất rồi trình lên hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh.
Giá khởi điểm của 5 lô biệt thự là 10,5 triệu đồng/m2, một lô là 9,5 triệu đồng/m2, còn liền kề là 11 triệu đồng/m2.
Lý do một lô giá thấp hơn là do vị trí đất và bảng giá đất tỉnh đã ban hành trước đó. Còn đất liền kề có giá cao hơn biệt thự là do biệt thự diện tích lớn, tổng giá trị lớn nên khó giao dịch hơn, liền kề thì dễ giao dịch hơn.
Ngày 14-4-2014, đơn vị chức năng liên quan phê duyệt giá đấu giá khởi điểm. Gần hai tháng sau, ngày 18-6-2014 phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Quá trình đấu giá lần 1 thì trong 6 lô chỉ có 5 lô trúng đấu giá, 1 lô còn lại không có giao dịch. Giá trúng giá cả 5 lô đều cao hơn giá khởi điểm.
Đến năm 2015, lô còn lại mới có người đấu giá thành công với giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm là 15 triệu đồng/m2.
Ông có thể công bố thành phần người tham gia đấu giá, tại sao chỉ có quan chức trúng?
Người trúng đấu giá thông tin minh bạch, không phải ai cũng là “quan chức” mà có cả người dân thường tham gia và trúng đấu giá.
Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá không nêu ai là “quan chức” mà chỉ nêu các thông tin như: họ tên, hộ khẩu, địa chỉ, số và ngày cấp CMND, vị trí thửa đất gắn với tài sản trúng giá, tổng số tiền, giá trúng giá…
Theo quy trình thì khi đấu giá xong, đơn vị đấu giá chuyển hồ sơ cho chủ đầu tư là Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai, tiếp đó quỹ chuyển cho thành phố Lào Cai, thành phố sẽ phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Kết quả này hoàn toàn được công khai.
Việc đấu giá có sự tham gia của nhiều người, cụ thể, lô BT01 có 3 người tham đấu giá, lô BT2 có 3 người, lô BT3 có hai người tham gia, lô BT4 có hai người tham gia, lô BT5 có 4 người tham gia, lô BT6 có 6 người tham gia…
Người trúng đấu giá có phải là người nộp tiền trúng đấu giá và đừng tên bìa đỏ lô đất hay không?
Như đã nói ở trên, người trúng đấu giá được công bố danh sách công khai, sau đó người này nộp tiền trúng đấu giá đất và trả số tiền xây nhà cho chủ đầu tư là Quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Cơ quan chức năng sẽ cấp sổ đỏ cho người tham gia trúng đấu giá lô đất đó.
Cụ thể, người trúng giá (và được cấp sổ đỏ) lần lượt các lô như sau: Lô BT01 là chị Trần Thị Diên An, lô BT02 là bà Nguyễn Thị Hồng Loan; lô BT03 là anh Nguyễn Quang Bình; lô BT04 là bà Trần Thị Tịnh; lô BT05 là ông Nguyễn Trường Thanh; lô BT06 là anh Nguyễn Trọng Quang.
Giá đất khởi điểm và trúng đấu giá chỉ chênh nhau từ 19.000 đồng- 100.000 đồng
Khi PV hỏi về giá khởi điểm và giá trúng giá 6 lô biệt thự nói trên, ông Quốc đã thông tin như sau: Trong quyết định phê duyệt, lô BT01 diện tích 418,6 m2 giá khởi điểm là 10,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm lô đất là 4.395.300.000 đồng, kết quả trúng đấu giá lô đất là 4.442.300.000 đồng (tương đương 10,6 triệu đồng/m2).
Lô BT02 420,8m2 giá khởi điểm 9,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm lô đất là 3.997.600.000 đồng. Giá trúng đấu giá 4.037.600.000 đồng (tương đương 9,59 triệu đồng/ m2).
Riêng lô BT4 đấu giá năm 2015, rộng 409,5m2, giá khởi điểm 15 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm lô đất là 6.142.500.000 đồng, kết quả trúng đấu giá lô đất là 6.150.500.000 đồng (tương đương 15.019.000 đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm đúng… 19.000 đồng).