"3. Những rủi ro người đứng tên giùm gặp phải
Rủi ro là một sự việc không mong muốn xảy ra với con người. Nó gây ra hậu quả, để lại thiệt hại mà chúng ta không biết, không lường trước được. Khi đứng tên giùm trong DN, cá nhân sẽ phải gánh chịu những rủi ro, bao gồm:
Với tư cách pháp lý là người đại diện theo pháp luật, nên người đứng tên giùm về mặt giấy tờ sẽ là người đại diện theo pháp luật của DN đó. Vì vậy, họ sẽ phải chịu trách nhiệm của người quản lý DN, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của DN. Chẳng hạn, quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật như thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của DN; trung thành với lợi ích của DN; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của DN, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của DN để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho DN về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các DN khác. Nếu vi phạm những trách nhiệm này, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại của DN và được nhìn nhận theo 3 phương diện:
Một là, rủi ro phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ, nợ thuế của công ty do người đứng tên là chủ sở hữu công ty, thành viên, cổ đông góp vốn công ty.
Hai là, rủi ro phải chịu trách nhiệm liên đới với các sai phạm từ những giao dịch, hoạt động phi pháp của công ty.
Ba là, rủi ro về việc công ty không thể chấm dứt sự tồn tại khi việc đứng tên kết thúc, bởi: Công ty không thể hoàn thành việc quyết toán thuế TNCN của người nước ngoài do không kê khai thu nhập ở nước ngoài; Người nước ngoài không chi trả các khoản tiền để hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm, hoàn thiện sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tùy loại hình DN mà rủi ro tài chính có thể gặp phải sẽ khác nhau, như: Một số loại hình DN như công ty tư nhân yêu cầu người đứng tên giùm phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Nếutrong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ DN phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ của công ty,...
4. Trách nhiệm pháp lý khi đứng tên giùm
Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hoặc giám hộ). Khác với các loại hình trách nhiệm khác, trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với sự cưỡng chế nhà nước, với việc áp dụng chế tài do pháp luật quy định. Khi đứng tên giùm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật, cá nhân có thể phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý, bao gồm:
Thứ nhất, khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mối quan hệ giữa người đại diện pháp luật DN với DN là mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. DN thực hiện giao dịch thông qua đại diện là người đại diện hợp pháp của mình. Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự không xem việc một người nhờ người khác đứng tên giùm, làm người đại diện theo pháp luật giùm là tội phạm. Những sự việc bị xử lý vi phạm hình sự đến người đứng tên giùm, chỉ liên quan đến hành vi vi phạm khi xâm phạm các khách thể mà pháp luật hình sự, là những hành vi khi thực hiện công việc, chứ không phải là hành vi “đứng tên giùm”. Pháp nhân thương mại có thể chịu
trách nhiệm hình sự với các tội danh, như: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,… Mặc dù Bộ luật Hình sự chỉ quy định việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại, nhưng: “
Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”[2, K2 Đ75]. Do vậy, nếu có xảy ra hành vi vi phạm, thì người đứng tên giùm cũng phải gánh chịu những rủi ro về pháp lý mà không có loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Trong khi đó, với những người nhờ đứng tên giùm, nếu không có bằng chứng, chứng cứ nào khác về mặt pháp lý, họ không được ghi nhận là chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông của Công ty. Vậy nên, khi có rủi ro phát sinh, rất khó để xử lý các hành vi vi phạm của những cá nhân này, mặc dù trên thực tế họ chính là người đầu tư vào DN.
Thứ hai, khả năng bị khởi kiện dân sự: bao gồm buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm. Thường gặp nhất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế. Hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Cá nhân đứng tên giùm là người thay mặt DN để thực hiện các hành vi thương mại. Do vậy, khi có thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật của DN, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây ra thiệt hại có lỗi thì người đứng tên giùm phải chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Thứ ba, khả năng bị xử pháp vi phạm hành chính: trách nhiệm hành chính là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan nhà nước áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật hành chính. Trách nhiệm pháp lý hành chính gồm khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, cách chức, buộc thôi việc,...
Khoản 3 Điều 8 Luật DN năm 2020 quy định: DN có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ, thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. Theo Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Điều 43, vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký DN: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký DN.
So với Nghị đinh số 50/NĐ-CP ngày 01/6/2016, hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đã được tăng lên từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Do đó, hành vi nhờ người khác đứng tên giùm, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì chỉ có thể xử lý về mặt hành chính với việc kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ khi đăng ký kinh doanh. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là: buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin DN đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro và có khả năng phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý nêu trên, nhưng những hoạt động liên quan đến việc đứng tên giùm vẫn diễn ra thường xuyên trong thực tế. Bởi lẽ nhu cầu, mục đích vẫn luôn hiện hữu, và việc phát hiện rất khó khăn, cũng như chế tài xử lý không đủ mạnh.
So với lợi ích và mục đích mà các bên đã thỏa thuận, dường như mức phạt mà pháp luật đang quy định còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc phát hiện kê khai không trung thực rất khó bị phát hiện. Nếu các bên “đồng thuận”, không có tranh chấp, hoặc không bị cơ quan chức năng xử lý gián tiếp thì không phát hiện được."
....
“Đứng tên giùm” trong hoạt động đầu tư kinh doanh, “đứng tên giùm” để thành lập doanh nghiệp, làm người đại diện theo pháp luật - rủi ro và trách nhiệm pháp lý
tapchicongthuong.vn