Bài báo này có từ ngày 20/5/2016 rồi, chứ không phải ăn theo anh HXV, chuyện tập chay những tưởng chỉ có trong truyện cười nhưng đúng là cười ra nước mắt.
Nghịch lý bắn súng
Thứ sáu, 20/05/2016, 04:47 (GMT+7)
Câu chuyện đội tuyển bắn súng tập “chay” mà không có đạn đã được nói rất nhiều trong thời gian qua. Thực tế theo dõi Giải tay súng xuất sắc quốc gia (đang diễn ra tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội), ai cũng dễ nhận ra điều đó, tức là khi xạ thủ được dịp hòa mình vào tiếng súng nổ, làn khói thuốc và cái bóp cò thật nhất…
Bắn súng Việt Nam luôn phải vượt khó vì cơ sở vật chất xuống cấp nhưng vẫn giành thành tích cao tại các giải đấu quốc tế. Ảnh: T.L.
Một xạ thủ của đội TPHCM chia sẻ: “Chuyện đạn ít, thiếu đạn thì không phải bây giờ mới có. VĐV như chúng tôi trong quỹ đạn được cấp qua từng giải và cả khi lên ĐTQG tập trung thì nếu không bắn hết sẽ dành dụm. Vào những giải trong nước, mình có thêm đạn để bắn. Cảnh VĐV các đơn vị vay, mượn đạn của nhau là rất bình thường. Biết là nói ra rất buồn nhưng điều ấy thực tế”. Theo tìm hiểu, 1 nội dung trong 1 ngày, VĐV bắn khoảng 100 viên đã là mỏi tay. Tuy nhiên, chuyện đạn dành cho súng thể thao tưởng dễ nhưng lại khó vì đó là sản phẩm phải theo cấp quản lý cho phép nhà thầu đấu giá thành công mới được cung cấp. Bằng không, đạn thiếu thì tất cả phải chịu.
Tất nhiên, vì thành tích của đơn vị, từng xạ thủ phải nỗ lực và tiết kiệm tối đa với số đạn mình được cấp khi tranh tài. Trường bắn Trung tâm HLTTQG trong Giải tay súng xuất sắc quốc gia 2016 lúc này vẫn rộn ràng tiếng súng nổ. Theo một số xạ thủ tổ súng trường thì sau những ngày chỉ giơ súng và bóp cò “chay” thì vào giải, họ mới được bắn đạn thật và có cảm giác mình được sử dụng súng đúng nghĩa. Những nhà quản lý của từng đơn vị cũng như tại Bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) đều biết sự bất cập này. Thế nhưng, cơ chế chưa thể thay đổi do quy định từ cấp cao nhất là Bộ VH-TT-DL tới Tổng cục TDTT về chuyện cung cấp đạn nên mọi người phải “khéo co thì ấm”. Sau kỳ SEA Games 2009 tổ chức tại Lào được xem như lúc giới truyền thông nói nhiều việc trường bắn của Trung tâm HLTTQG Hà Nội cần phải nâng cấp để theo kịp sự phát triển của bắn súng. Tới lúc này, cơ sở vật chất vẫn như ngày đầu nó được đưa vào thi đấu. Bia giấy, nhà bắn xuống cấp, cơ sở vật chất tương đối kém chất lượng. Tổng cục TDTT từng có đề án cải tạo nâng cấp trường bắn thuộc Trung tâm HLTTQG Hà Nội (đây là trường bắn duy nhất trong nước đủ dụng cụ để VĐV thi đấu các nội dung). Tuy nhiên, do vướng mắc một số ở khâu chọn nhà thầu thi công, trường bắn tới giờ chưa thể nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất tốt hơn. Năm 2016, khi nhiều quốc gia trên thế giới dần bỏ việc tập, thi đấu với bia giấy thì chúng ta vẫn còn thực hiện. Vậy nhưng, bắn súng Việt Nam vẫn có huy chương SEA Games, Asian Games và suất Olympic thì quả đúng kỳ tài.
Cơ sở vật chất cho môn bắn súng không thuộc thẩm quyền của Bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) hay Liên đoàn bắn súng Việt Nam mà nó thuộc sự quản lý của Trung tâm HLTT Quốc gia, Tổng cục TDTT. Đã có ý kiến cần phải nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất qua từng năm nhưng vì khó khăn thiếu kinh phí, tất cả vẫn chỉ biết với nhau mà chưa thể giải quyết.
Giải tay súng xuất sắc quốc gia 2016 cũng chỉ là một giải như nhiều giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia nhiều năm. Năm nay có một điểm khá khác biệt là ngoài việc giải diễn ra đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2016) thì vào ngày 22-5, các xạ thủ được nghỉ 1 ngày để đi bỏ phiếu bầu cử các cấp.
NGUYỄN ĐÌNH