Bằng chứng ở đây là những nghiên cứu khoa học có thể định lượng, định tính được một cách rõ ràng bằng các thiết bị máy móc chuyên dụng.
Các bác sĩ, các chuyên gia hết sức ngỡ ngàng sau khi biết thông tin người dân đua nhau dùng hạt mùi, cây mùi, dầu mùi hay các bài thuốc dân gian truyền miệng để chữa và dự phòng sởi, Trong khi, sởi đã được thế giới biết đến và tìm ra phương pháp chế tạo vaccine dự phòng từ năm 1988.
Chúng ta được học nhưng có lẽ chúng ta chỉ được dạy để “thuộc vẹt” chứ không được dạy để tư duy, nên một ông lang vườn với mấy bài thuốc, một tin đồn hay một bài báo thiếu thông tin đã khiến chúng ta lập tức tư duy “Có bệnh thì vái tứ phương” mà bỏ quên những thông tin y khoa bổ ích được kết luận bởi các nhà khoa học được hỗ trợ bằng hàng ngàn thiết bị công nghệ của thế giới. Một niềm tin đầy mù quáng! Cũng chỉ vì thiếu hiểu biết mà chúng ta không cho con đi tiêm vì sợ tai biến. Nhưng trên thực tế, bất kỳ thủ thuật y khoa nào cũng có 1 tỉ lệ tai biến nhất định song cái giá của nó không đắt bằng khi xảy ra dịch bệnh.
Thực tế có nhiều thuốc viên người bệnh đang uống được chiết xuất từ thực vật, nhưng đó là sản phẩm của sự chiết xuất chứ không phải uống cả cái cây với tất cả hoa, lá và gốc rễ. Thành phần chiết xuất đó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về liều lượng có tác dụng với con người chứ không giống như một ấm thuốc bắc với cả nghìn chất được sắc đi sắc lại vài lần.
Thông tin chữa sởi bằng hạt mùi lan tràn trên mạng xã hội mà chưa có cơ sở khoa học.
Cây mùi có nhiều thành phần nhưng chỉ có tinh dầu của mùi có thể kháng vi khuẩn mà trong 1 đề tài nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Journal of Medical Microbiology (2011), 60,1479–1486” nhưng đó là kháng lại vi khuẩn chứ không phải virus sởi. Vi khuẩn và virus là hai loại khác nhau hoàn toàn về cấu trúc cũng như đặc tính sinh học, do đó thuốc để điều trị cũng khác nhau hoàn toàn. Vậy người dân được gì khi uống thứ nước này?
Người dân đã quá thiếu hiểu biết và nóng vội, từ đó tự đẩy họ vào vòng luẩn quẩn của bệnh tật, bệnh tật thể xác và bệnh tật trong tư duy. Họ tự hại lẫn nhau một cách theo hiệu ứng và phong trào mà quên đi sự tồn tại của khoa học. Thật đáng tiếc ngay cả những người có tiếng trong làng viết lách cũng góp phần tạo ra cái vòng luẩn quẩn bệnh tật đó.
Đã có quá nhiều bài viết bàn sâu về tính cách của người Việt chúng ta nên tôi không muốn nhắc tới nữa, nhưng qua vụ bệnh sởi này, sự thiếu hiểu biết của người dân càng lộ rõ. Sự thiếu kiến thức, thiếu bản lĩnh đã dẫn đến một loạt các hiệu ứng xã hội đáng tiếc, đã đẩy thêm nhiều nữa những đứa trẻ vào bệnh tật. Sự thiếu hiểu biết không chỉ ở người dân, không chỉ ở các phương tiện truyền thông. Nếu truy tìm nguồn gốc sâu xa dẫn đến sự thiếu hiểu biết này có lẽ sẽ động chạm vào rất nhiều vấn đề xã hội như giáo dục, quản lý, thậm chí cả lịch sử của văn hóa làng xã…. Tuy vậy nhưng chúng ta nên trách bản thân nhiều hơn vì chính chúng ta đã không chịu nuôi dưỡng trí tuệ, không chịu gạt bỏ những tư duy cũ kỹ để thay đổi bản thân từ đó thay đổi tư duy xã hội.
Nền y học mà chúng ta hiện đang áp dụng hàng ngày chính là kiến thức y học hiện đại được kết tinh qua hàng ngàn năm của nhân loại, và ngày càng biện chứng hơn về lý luận. Giờ đây gọi là “Y học dựa trênbằng chứng” hay nói cách khác, cái ngôn từ đó có thể tạm hiểu là “Nói có sách, mách có chứng”. Bằng chứng ở đây là những nghiên cứu khoa học có thể định lượng, định tính được một cách rõ ràng bằng các thiết bị máy móc chuyên dụng.
Tài liệu tham khảo:
1. Coriander (Coriandrum sativumL.) essential oil: its antibacterial activity and mode of action evaluated by flow cytometry.
2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21862758
BS. Phúc Nguyễn
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống