Đây là chuyến đi người khác chứ không phải của em ạ. Em đọc thấy hay nên cứ lập một topic. Nếu thấy không phù hợp thì nhờ bác Mod nào xóa giúp em ạ.
PHĂNGXIPĂNG
Nơi Hội Tụ Khí Thiêng Sông Núi
Ngay ở bậc tiểu học tôi đã có ấn tượng về chiều cao 3.142 mét của ngọn Phăngxipăng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, không chỉ cao nhất Việt Nam mà cả Đông Dương. Bài học địa lý giải thích rằng cái tên này xuất xứ từ tiếng H’Mông Phán Si Pản có nghĩa là tấm đá phẳng, do trên đỉnh ngọn núi có phiến đá to bằng phẳng. Thế là cả thời trai trẻ tôi luôn mong có được cơ hội trèo lên đỉnh Phăngxipăng để thoả mãn ước mơ chinh phục nóc nhà của Đông dương.
Rồi cuộc đời đưa đẩy tôi sang tận trời Tây. Trong gần bốn thập niên sống đời tha phương, niềm mơ ước này vẫn âm ỉ trong sâu thẳm lòng tôi. Tuy nhiên với thời gian trong suy nghĩ đã có nhiều thay đổi.
Sau bao nhiêu năm lang bạt khắp nơi sống gần gũi thiên nhiên, tôi nghiệm ra rằng núi non cũng có tính cách riêng đa dạng như con người. Giữa vô số những người vô danh, ta thấy nổi bật lên vài người mà nhân cách lớn lao của họ thu phục sự kính trọng của chung quanh. Cũng vậy, trong hằng hà sa số núi non lại có vài ngọn núi mang tư chất rất riêng biệt. Đó chính là đặc tính của Phăngxipăng mà theo tôi đây là nơi hội tụ khí thiêng sông núi của đất nước. Do đó chẳng có gì lạ về việc ngọn Phăngxipăng có một hấp lực vô hình thu hút mọi người mà ai đến gần cũng bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của nó. Chính vì vậy nên giờ đây tôi không còn nuôi tham vọng “chinh phục” như ngày xưa mà thay vào đó là niềm mơ ước không nguôi được đến với ngọn núi như hành trình về nguồn để chiêm bái vùng địa linh của Tổ quốc.
Suy nghĩ này càng được khẳng định khi tôi có dịp viếng thăm Phú Sĩ Sơn, ngọn núi thiêng đối với người dân Nhật Bản. Hàng năm Phú Sĩ chỉ mở cửa trong hai tháng cho mọi người lên đỉnh núi chiêm bái với nghi thức long trọng tiến hành lễ mở cửa vào ngày 1 tháng 7 và lễ đốt lửa đóng cửa núi vào 31 tháng 8.
Hay như ngọn Kailas ở Tây Tạng từ ngàn năm nay vẫn được coi là nơi chốn thiêng liêng mà Thủ tướng Nerhu của Ấn Độ trong hồi ký của mình đã bày tỏ sự tiếc nuối vì không đạt được ước nguyện một lần trong đời hành hương đến nơi đây. Một lần khác trên đường leo núi Everest, khi đến điểm dừng chân của những du khách chơi môn thể thao leo núi (ở độ cao từ 5.000 đến 6.200 mét), tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều rác rưởi gồm bao ny lông, vỏ chai nhựa, lon đồ hộp quăng bừa bãi khắp nơi. Nhìn cảnh quan ô nhiễm đến mức báo động nơi đây tôi lại chạnh lòng mong sao tai họa về môi sinh này đừng xảy ra cho Phăngxipăng của chúng ta.
Thế rồi vào năm 2001, trong một dịp về thăm quê hương tôi đã thực hiện được ước mơ ấp ủ gần nửa thế kỷ qua. Chuyến đi này để lại trong lòng tôi một niềm xúc cảm vô cùng lớn lao.
Tôi cùng với một người bạn Việt Nam sinh sống ở Canada bồi hồi lên đường đến chiêm bái ngọn Phăngxipăng. Rời Hà Nội đến Lào Cai bằng xe lửa, chúng tôi lưu lại một đêm ở Sapa, thị trấn nên thơ ở độ cao 1.000 mét. Sáng sớm hôm sau chúng tôi khởi hành cùng với hai hướng dẫn viên người địa phương. Cuộc hành trình mất hai ngày nên chúng tôi phải mang theo lều bạt và thức ăn đầy đủ.
Cảnh quan dọc đường thật vô cùng đẹp đẽ và quyến rũ. Có những khu rừng khá um tùm nhưng chúng tôi vượt qua một cách thong dong nhờ “bảng chỉ đường” là các mảnh vải đủ màu được những người đi trước buộc dài theo các thân cây để làm dấu. Những đoạn này phần nhiều dễ đi nhờ đã có người phạt cây tạo thành lối mòn. Đoạn nào hoàn toàn mất dấu thì phải mở con đường mới rất vất vả.
Chúng tôi vui thích đi qua các suối nước trong veo chảy róc rách giữa hàng cây, say sưa cúi nhìn những phiến đá nằm yên trong lòng suối mà hẳn từ ngàn năm qua chưa có bước chân người chạm tới. Trên các vách núi dựng đứng, đám dây leo xanh mướt buông mình rung rinh trong nắng sớm, điểm xuyết những cành phong lan đủ màu tạo thành tấm thảm hoa rực rỡ khiến phong cảnh thêm hữu tình. Chúng tôi rón rén bước nhẹ trên những tảng đá rêu xanh phủ thật dầy mà tạo hoá đã phải mất hàng ngàn năm mới dệt được một tấm thảm mịn êm như thế.
Nhưng không phải tất cả mọi nơi đều giữ được vẻ đẹp hoang sơ ấy. Môi trường nơi đây bị tàn phá khá nhiều. Chúng tôi đau lòng khi băng qua một khoảnh rừng bị đốt cháy rụi, nơi khác vài khúc cây cổ thụ hàng trăm tuổi nằm lăn lóc vì những người đốn nó đã không di chuyển nổi xuống núi. Thật đáng buồn khi nhìn thấy quà tặng mà thiên nhiên nuôi dưỡng hàng thế kỷ lại bị con người tàn phá chỉ vỏn vẹn trong vài giờ. Kể cả chim chóc cũng rất hiếm trong các khu rừng xanh tươi, hậu quả tệ nạn săn bắt của người dân quanh vùng.
Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi dừng chân nơi lưng chừng núi ở độ cao 2.750 mét tại một vùng khá bằng phẳng và dựng lều ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Càng lên cao đường đi càng nguy hiểm với những đường mòn cheo leo men theo dốc núi thẳng đứng, những lũng sâu hun hút rình rập chờ đón người lỡ bước sảy chân. Lúc bấy giờ mỗi đám cỏ dày, mỗi rễ cây nhỏ đều trở thành vị cứu tinh của khách lữ hành.
Bốn giờ chiều ngày thứ hai chúng tôi đến nơi và dừng chân cách điểm cao nhất một khoảng ngắn. Ai đó đã đặt một hình kim tự tháp bằng nhôm ngay trên đỉnh ngọn núi. Tuân theo truyền thống phương Đông con cháu không bao giờ được ngồi vào ghế dành cho các bậc trưởng thượng hay môn sinh không tự tiện ngồi lên ghế của Thầy, chúng tôi cũng không đặt chân lên chóp đỉnh để tỏ lòng cung kính nơi ngự trị của anh linh Tổ quốc.
Sau khi ngồi tập trung tĩnh tâm hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi trở xuống với tất cả sự luyến tiếc. Những người hướng dẫn cho biết không chuẩn bị đầy đủ cho việc ngủ lại trên đỉnh núi vì ban đêm trời rất lạnh mà theo họ cũng hiếm ai qua đêm nơi này.
Chuyến đi đầu tiên chưa làm tôi thỏa lòng và lại ôm mộng sẽ có dịp trở lại đây vào một đêm trăng tròn. May mắn chỉ một năm sau tôi có được cơ duyên cùng với các bạn hữu đến với Phăngxipăng.
Nhóm “về nguồn” chúng tôi gồm 15 người, nhỏ nhất là một cháu gái mới đôi mươi còn cao tuổi nhất là gần 70. Theo chân bốn người hướng dẫn gồm hai người H’Mông và hai người Kinh, chúng tôi bắt đầu leo núi từ sáng sớm cho đến trưa thì dừng lại nghỉ ngơi và dùng bữa với thức ăn khô mang theo. Trên đường đi thỉnh thoảng chúng tôi gặp một số du khách nước ngoài cũng đang hăm hở tiến bước và tỏ ra thú vị với trò chơi leo núi.
Đối với tôi, nơi đây quả là một trong những cảnh quan đẹp nhất thế giới. Thiên nhiên với bàn tay sáng tạo bậc thầy đã khéo xếp đặt mọi thứ một cách hài hòa mà tài năng con người chưa thể đạt đến. Cảnh đẹp càng làm say lòng người bao nhiêu thì càng nhân thêm nỗi buồn khi chứng kiến môi sinh bị xuống cấp.
Do đỉnh ngọn núi chỉ đủ chỗ cho khoảng tám người dựng trại nên đoàn “về nguồn” chia hai, phân nửa lưu lại cắm trại ở lưng chừng núi còn một nhóm tám người tiếp tục tiến lên. Khoảng một giờ sau chúng tôi đến đỉnh Phăngxipăng đúng vào lúc vầng dương buông xuống và trăng vừa lên, tạo nên một bản giao hưởng ánh sáng tuyệt diệu mà cả đời người mới được một lần chiêm ngưỡng.
Nhiệt độ ban đêm trên đỉnh Phăngxipăng xuống khoảng 2 độ, chúng tôi lạnh cóng người mặc dù đã mặc rất nhiều đồ ấm. Lúc bấy giờ ai nấy đều thèm nhấp một ngụm trà nóng nên tỏ ra thất vọng khi thấy tôi không đồng ý cho người hướng dẫn nhóm bếp ga nấu nước. Vài anh trong đoàn ghiền thuốc lá cũng tỏ vẻ bứt rứt vì tôi yêu cầu tuyệt đối không đốt lửa, dù chỉ là đóm lửa của điếu thuốc lá. Tuy nhiên mọi người hoàn toàn tuân thủ kỹ luật đề ra vì hiểu rằng chỉ cần một sơ suất nhỏ thì tai họa có thể ập đến cho vùng linh địa.
Đó là một đêm đầy ấn tượng khó quên. Mọi người cùng ngồi tĩnh tâm dưới ánh trăng vằng vặc tỏa sáng một màu lóng lánh, chiêm nghiệm hết cái miên viễn của vũ trụ vô thủy vô chung. Gió thổi suốt đêm làm thành bản trường ca của đất trời, lúc rít cao dồn dập khi vi vu êm đềm.
Chúng tôi chào đón bình minh trong bầu không khí thanh tịnh nhuốm các tia sắc màu cam đỏ tím vàng rực rỡ long lanh. Từ trên độ cao phóng tầm mắt bao quát chung quanh, có cảm giác như mình đang tách biệt hẳn với cuộc đời, cúi nhìn bên dưới vùng Sapa chỉ là một chấm nhỏ như đầu cây kim. Một lần nữa tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết bản thân mình chỉ là hạt cát mong manh giữa bao la đất trời.
Mọi người thong thả đi thiền hành vòng quanh đỉnh núi theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa thành tâm khấn nguyện khí thiêng sông núi tồn tại mãi nơi đây để che chở và mang lại phước lạc cho dân tộc.
Trở về Hà Nội, chúng tôi khá hoang mang khi nghe nói rằng hiện đang có nhiều chương trình khai thác tour “chinh phục ngọn Phăngxipăng” kể cả dự án đầu tư làm cáp treo để thu hút du khách. Nếu quả đúng như vậy thì sẽ là một điều rất đáng tiếc và thậm chí đáng trách, bởi nếu chưa có một kế hoạch bảo vệ môi trường chi tiết được đề ra thì những chương trình như thế sẽ là tác nhân phá hoại môi trường nhanh chóng nhất. Và không một nguồn lợi kinh tế hay du lịch nào có thể sánh được với gia sản tài nguyên quí giá dường ấy mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho dân tộc chúng ta.
- Huyền Diệu
Nguồn: vietnamphatquoctu.net
PHĂNGXIPĂNG
Nơi Hội Tụ Khí Thiêng Sông Núi
Ngay ở bậc tiểu học tôi đã có ấn tượng về chiều cao 3.142 mét của ngọn Phăngxipăng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, không chỉ cao nhất Việt Nam mà cả Đông Dương. Bài học địa lý giải thích rằng cái tên này xuất xứ từ tiếng H’Mông Phán Si Pản có nghĩa là tấm đá phẳng, do trên đỉnh ngọn núi có phiến đá to bằng phẳng. Thế là cả thời trai trẻ tôi luôn mong có được cơ hội trèo lên đỉnh Phăngxipăng để thoả mãn ước mơ chinh phục nóc nhà của Đông dương.
Rồi cuộc đời đưa đẩy tôi sang tận trời Tây. Trong gần bốn thập niên sống đời tha phương, niềm mơ ước này vẫn âm ỉ trong sâu thẳm lòng tôi. Tuy nhiên với thời gian trong suy nghĩ đã có nhiều thay đổi.
Sau bao nhiêu năm lang bạt khắp nơi sống gần gũi thiên nhiên, tôi nghiệm ra rằng núi non cũng có tính cách riêng đa dạng như con người. Giữa vô số những người vô danh, ta thấy nổi bật lên vài người mà nhân cách lớn lao của họ thu phục sự kính trọng của chung quanh. Cũng vậy, trong hằng hà sa số núi non lại có vài ngọn núi mang tư chất rất riêng biệt. Đó chính là đặc tính của Phăngxipăng mà theo tôi đây là nơi hội tụ khí thiêng sông núi của đất nước. Do đó chẳng có gì lạ về việc ngọn Phăngxipăng có một hấp lực vô hình thu hút mọi người mà ai đến gần cũng bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của nó. Chính vì vậy nên giờ đây tôi không còn nuôi tham vọng “chinh phục” như ngày xưa mà thay vào đó là niềm mơ ước không nguôi được đến với ngọn núi như hành trình về nguồn để chiêm bái vùng địa linh của Tổ quốc.
Suy nghĩ này càng được khẳng định khi tôi có dịp viếng thăm Phú Sĩ Sơn, ngọn núi thiêng đối với người dân Nhật Bản. Hàng năm Phú Sĩ chỉ mở cửa trong hai tháng cho mọi người lên đỉnh núi chiêm bái với nghi thức long trọng tiến hành lễ mở cửa vào ngày 1 tháng 7 và lễ đốt lửa đóng cửa núi vào 31 tháng 8.
Hay như ngọn Kailas ở Tây Tạng từ ngàn năm nay vẫn được coi là nơi chốn thiêng liêng mà Thủ tướng Nerhu của Ấn Độ trong hồi ký của mình đã bày tỏ sự tiếc nuối vì không đạt được ước nguyện một lần trong đời hành hương đến nơi đây. Một lần khác trên đường leo núi Everest, khi đến điểm dừng chân của những du khách chơi môn thể thao leo núi (ở độ cao từ 5.000 đến 6.200 mét), tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều rác rưởi gồm bao ny lông, vỏ chai nhựa, lon đồ hộp quăng bừa bãi khắp nơi. Nhìn cảnh quan ô nhiễm đến mức báo động nơi đây tôi lại chạnh lòng mong sao tai họa về môi sinh này đừng xảy ra cho Phăngxipăng của chúng ta.
Thế rồi vào năm 2001, trong một dịp về thăm quê hương tôi đã thực hiện được ước mơ ấp ủ gần nửa thế kỷ qua. Chuyến đi này để lại trong lòng tôi một niềm xúc cảm vô cùng lớn lao.
Tôi cùng với một người bạn Việt Nam sinh sống ở Canada bồi hồi lên đường đến chiêm bái ngọn Phăngxipăng. Rời Hà Nội đến Lào Cai bằng xe lửa, chúng tôi lưu lại một đêm ở Sapa, thị trấn nên thơ ở độ cao 1.000 mét. Sáng sớm hôm sau chúng tôi khởi hành cùng với hai hướng dẫn viên người địa phương. Cuộc hành trình mất hai ngày nên chúng tôi phải mang theo lều bạt và thức ăn đầy đủ.
Cảnh quan dọc đường thật vô cùng đẹp đẽ và quyến rũ. Có những khu rừng khá um tùm nhưng chúng tôi vượt qua một cách thong dong nhờ “bảng chỉ đường” là các mảnh vải đủ màu được những người đi trước buộc dài theo các thân cây để làm dấu. Những đoạn này phần nhiều dễ đi nhờ đã có người phạt cây tạo thành lối mòn. Đoạn nào hoàn toàn mất dấu thì phải mở con đường mới rất vất vả.
Chúng tôi vui thích đi qua các suối nước trong veo chảy róc rách giữa hàng cây, say sưa cúi nhìn những phiến đá nằm yên trong lòng suối mà hẳn từ ngàn năm qua chưa có bước chân người chạm tới. Trên các vách núi dựng đứng, đám dây leo xanh mướt buông mình rung rinh trong nắng sớm, điểm xuyết những cành phong lan đủ màu tạo thành tấm thảm hoa rực rỡ khiến phong cảnh thêm hữu tình. Chúng tôi rón rén bước nhẹ trên những tảng đá rêu xanh phủ thật dầy mà tạo hoá đã phải mất hàng ngàn năm mới dệt được một tấm thảm mịn êm như thế.
Nhưng không phải tất cả mọi nơi đều giữ được vẻ đẹp hoang sơ ấy. Môi trường nơi đây bị tàn phá khá nhiều. Chúng tôi đau lòng khi băng qua một khoảnh rừng bị đốt cháy rụi, nơi khác vài khúc cây cổ thụ hàng trăm tuổi nằm lăn lóc vì những người đốn nó đã không di chuyển nổi xuống núi. Thật đáng buồn khi nhìn thấy quà tặng mà thiên nhiên nuôi dưỡng hàng thế kỷ lại bị con người tàn phá chỉ vỏn vẹn trong vài giờ. Kể cả chim chóc cũng rất hiếm trong các khu rừng xanh tươi, hậu quả tệ nạn săn bắt của người dân quanh vùng.
Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi dừng chân nơi lưng chừng núi ở độ cao 2.750 mét tại một vùng khá bằng phẳng và dựng lều ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Càng lên cao đường đi càng nguy hiểm với những đường mòn cheo leo men theo dốc núi thẳng đứng, những lũng sâu hun hút rình rập chờ đón người lỡ bước sảy chân. Lúc bấy giờ mỗi đám cỏ dày, mỗi rễ cây nhỏ đều trở thành vị cứu tinh của khách lữ hành.
Bốn giờ chiều ngày thứ hai chúng tôi đến nơi và dừng chân cách điểm cao nhất một khoảng ngắn. Ai đó đã đặt một hình kim tự tháp bằng nhôm ngay trên đỉnh ngọn núi. Tuân theo truyền thống phương Đông con cháu không bao giờ được ngồi vào ghế dành cho các bậc trưởng thượng hay môn sinh không tự tiện ngồi lên ghế của Thầy, chúng tôi cũng không đặt chân lên chóp đỉnh để tỏ lòng cung kính nơi ngự trị của anh linh Tổ quốc.
Sau khi ngồi tập trung tĩnh tâm hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi trở xuống với tất cả sự luyến tiếc. Những người hướng dẫn cho biết không chuẩn bị đầy đủ cho việc ngủ lại trên đỉnh núi vì ban đêm trời rất lạnh mà theo họ cũng hiếm ai qua đêm nơi này.
Chuyến đi đầu tiên chưa làm tôi thỏa lòng và lại ôm mộng sẽ có dịp trở lại đây vào một đêm trăng tròn. May mắn chỉ một năm sau tôi có được cơ duyên cùng với các bạn hữu đến với Phăngxipăng.
Nhóm “về nguồn” chúng tôi gồm 15 người, nhỏ nhất là một cháu gái mới đôi mươi còn cao tuổi nhất là gần 70. Theo chân bốn người hướng dẫn gồm hai người H’Mông và hai người Kinh, chúng tôi bắt đầu leo núi từ sáng sớm cho đến trưa thì dừng lại nghỉ ngơi và dùng bữa với thức ăn khô mang theo. Trên đường đi thỉnh thoảng chúng tôi gặp một số du khách nước ngoài cũng đang hăm hở tiến bước và tỏ ra thú vị với trò chơi leo núi.
Đối với tôi, nơi đây quả là một trong những cảnh quan đẹp nhất thế giới. Thiên nhiên với bàn tay sáng tạo bậc thầy đã khéo xếp đặt mọi thứ một cách hài hòa mà tài năng con người chưa thể đạt đến. Cảnh đẹp càng làm say lòng người bao nhiêu thì càng nhân thêm nỗi buồn khi chứng kiến môi sinh bị xuống cấp.
Do đỉnh ngọn núi chỉ đủ chỗ cho khoảng tám người dựng trại nên đoàn “về nguồn” chia hai, phân nửa lưu lại cắm trại ở lưng chừng núi còn một nhóm tám người tiếp tục tiến lên. Khoảng một giờ sau chúng tôi đến đỉnh Phăngxipăng đúng vào lúc vầng dương buông xuống và trăng vừa lên, tạo nên một bản giao hưởng ánh sáng tuyệt diệu mà cả đời người mới được một lần chiêm ngưỡng.
Nhiệt độ ban đêm trên đỉnh Phăngxipăng xuống khoảng 2 độ, chúng tôi lạnh cóng người mặc dù đã mặc rất nhiều đồ ấm. Lúc bấy giờ ai nấy đều thèm nhấp một ngụm trà nóng nên tỏ ra thất vọng khi thấy tôi không đồng ý cho người hướng dẫn nhóm bếp ga nấu nước. Vài anh trong đoàn ghiền thuốc lá cũng tỏ vẻ bứt rứt vì tôi yêu cầu tuyệt đối không đốt lửa, dù chỉ là đóm lửa của điếu thuốc lá. Tuy nhiên mọi người hoàn toàn tuân thủ kỹ luật đề ra vì hiểu rằng chỉ cần một sơ suất nhỏ thì tai họa có thể ập đến cho vùng linh địa.
Đó là một đêm đầy ấn tượng khó quên. Mọi người cùng ngồi tĩnh tâm dưới ánh trăng vằng vặc tỏa sáng một màu lóng lánh, chiêm nghiệm hết cái miên viễn của vũ trụ vô thủy vô chung. Gió thổi suốt đêm làm thành bản trường ca của đất trời, lúc rít cao dồn dập khi vi vu êm đềm.
Chúng tôi chào đón bình minh trong bầu không khí thanh tịnh nhuốm các tia sắc màu cam đỏ tím vàng rực rỡ long lanh. Từ trên độ cao phóng tầm mắt bao quát chung quanh, có cảm giác như mình đang tách biệt hẳn với cuộc đời, cúi nhìn bên dưới vùng Sapa chỉ là một chấm nhỏ như đầu cây kim. Một lần nữa tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết bản thân mình chỉ là hạt cát mong manh giữa bao la đất trời.
Mọi người thong thả đi thiền hành vòng quanh đỉnh núi theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa thành tâm khấn nguyện khí thiêng sông núi tồn tại mãi nơi đây để che chở và mang lại phước lạc cho dân tộc.
Trở về Hà Nội, chúng tôi khá hoang mang khi nghe nói rằng hiện đang có nhiều chương trình khai thác tour “chinh phục ngọn Phăngxipăng” kể cả dự án đầu tư làm cáp treo để thu hút du khách. Nếu quả đúng như vậy thì sẽ là một điều rất đáng tiếc và thậm chí đáng trách, bởi nếu chưa có một kế hoạch bảo vệ môi trường chi tiết được đề ra thì những chương trình như thế sẽ là tác nhân phá hoại môi trường nhanh chóng nhất. Và không một nguồn lợi kinh tế hay du lịch nào có thể sánh được với gia sản tài nguyên quí giá dường ấy mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho dân tộc chúng ta.
- Huyền Diệu
Nguồn: vietnamphatquoctu.net