Trước đây, việc có hộ khẩu Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là “mơ ước” của nhiều người dân ngoại tỉnh. Bởi vì, ngoài việc có chỗ ở hợp pháp thì phải có thời gian tạm trú từ 1-2 năm, riêng Hà Nội phải lên đến 3 năm.
Trong suốt những năm chờ đợi đó, những công dân chưa có hộ khẩu tại các thành phố lớn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công về quyền lợi, dù về nghĩa vụ họ vẫn phải hoàn thành như bao công dân khác. Điều đó được minh chứng bằng thực tế nhiều ngành đã lấy sổ hộ khẩu là tiêu chí để giải quyết các thủ tục hành chính, chế độ chính sách, quyền lợi công dân.
Điển hình như cấp đất xây dựng nhà ở; ký hợp đồng cung cấp điện, nước sinh hoạt; tuyển chọn học sinh các bậc học…
Tại Hà Nội, mỗi dịp đầu năm học mới, chỉ riêng việc xin cho con nhỏ vào học lớp mẫu giáo tại một trường công cũng trở thành nỗi lo của cả đại gia đình. Bởi theo quy định, trẻ con 3 tuổi đã có thể được đi học mẫu giáo công lập nhưng gia đình lại chẳng thể có đủ thời gian tạm trú 3 năm để xin nhập hộ khẩu tại thành phố.
Lại có câu chuyện, vào ngày Quốc khánh, 30/4 và nhiều ngày lễ khác, những gia đình có hộ khẩu tại phường sẽ được thông báo tất cả hộ dân đều phải treo cờ để chào mừng. Các hộ dân có hộ khẩu sẽ được chính quyền phường lắp cho một cái ống tôn, bắt đinh vít gắn vào tường để cắm cán cờ, nhưng ở nhiều khu chung cư khi chưa có hộ khẩu họ sẽ không được lắp. “Tất nhiên, chúng tôi có thể tự trang bị một thứ đơn giản như vậy nhưng cảm giác “không thuộc về cộng đồng” trở thành thứ gì đó lớn hơn cái đinh vít nằm nghẹn ngang cổ họng”, câu chuyện nhỏ của một công dân hạng hai giữa lòng Thủ đô khiến nhiều người suy ngẫm.
Lại nói, ở Hà Nội, người nhập cư nếu không có hộ khẩu thì không đủ điều kiện để tham gia tuyển dụng công chức. Nếu vẫn muốn thi công chức ở Hà Nội mà không có hộ khẩu thì họ phải tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi. Đây rõ ràng là một sự phân biệt không thể chối cãi.