Em đề xuất lên đoạn giữa Mai Châu và Mộc Châu. Có khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia. Hôm chủ nhật em đi từ Pà Cò vào (km152 QL6) đến bản Hang Kia thì không đi nữa vì đường bắt đầu toàn đá. Còn đường này có thể đi xuyên sang quốc lộ 15.
Ai biết đoạn này không nhỉ?
Em hỏi anh Gúc thì ra cái này ạ:
Cam go chống ma tuý ở Hang Kia
(VOV) - Nhiều người đã thao thức khi nghĩ đến sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ công an trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma tuý. Đó là sự mất mát quá lớn giữa thời bình.
Không thể kểt hết nỗi xót thương; lại càng không thể đong đếm được những đau thương, mất mát khi 3 cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an tỉnh hy sinh trong khi vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua (sinh năm 1956) trú tại bản Hang Kia I xã Hang Kia (Mai Châu) trong ngày 05/2 vừa qua. “Cuộc chiến đấu với tội phạm ma tuý vẫn luôn xác định là một cuộc chiến gian nan và chúng ta phải chịu nhiều mất mát hy sinh”, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Uỷ viên Trung ương ****, Thứ Trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Vùng đất “nóng” Hang Kia
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, thung lũng Hang Kia vẫn bình yên, như cuộc sống của người Mông vốn hiền hoà, hồn hậu và chất phác. “Nhưng trong sự bình yên đó luôn ẩn chứa những đợt sóng ngầm dồn nén, chỉ chực chờ bung phát để ầm ào, xối xả để cuốn phăng tất cả”, một trinh sát lực lượng cảnh sát phòng chống ma tuý Công an tỉnh đã có lần nói với tôi như vậy.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm thăm và trao số tiền hỗ trợ cho đồng chí Nguyễn Trung Dũng, cán bộ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hòa Bình (Ảnh:CAND)
Quả thực, nếu đứng từ trên cao nhìn xuống thì thung lũng Hang Kia chỉ gọn như trong lòng bàn tay. Đó là nơi sinh sống của hơn 400 hộ, chủ yếu là đồng bào người Mông với hơn 3.000 nhân khẩu. Tuy vậy, thung lũng Hang Kia từ xưa đến nay vẫn luôn được ví như là một “lô cốt” ma tuý ở vùng trời Tây Bắc. Chưa có một thống kê nào về số lượng ma tuý được buôn bán, vận chuyển quâ đây. Nhưng khi nhắc đến địa danh này, hầu như ai cũng đều hiểu con số này là rất lớn.
Hang Kia trở thành nơi trung chuyển ma tuý với số lượng lớn từ bên ngoài vào sâu trong nội địa là do đặc điểm địa hình, địa bàn gần với đường biên giới và cũng nằm không cách xa khu vực “tam giác vàng” về ma tuý. Do vậy, tội phạm ma tuý lợi dụng điều này để lôi kéo một bộ phận người dân ở các xã Hang Kia, Pà Cò tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Với địa thế hiểm trở, núi rừng trùng điệp đã tạo nên “thành, luỹ”, bức tường kiên cố để Hang Kia, Pà Cò trở thành một lô cốt, điểm nóng về ma tuý của tỉnh Hoà Bình và là điểm “nóng” về ma tuý trên tuyến Tây Bắc. Trong bối cảnh đó, số người nghiện cũng có sự gia tăng nhanh chóng, cuộc sống người dân ngày càng kiệt quệ. Đó là khởi đầu của tội lỗi. Người nghiện đã dần trở thành con buôn hoặc vận chuyển thuê cho bọn tội phạm ma tuý để có tiền hút, hít.
Từ vận chuyển nhỏ lẻ, ở Hang Kia, Pà Cò đã dần hình thành các đường dây vận chuyển với quy mô lớn. Anh em họ hàng trong gia đình, dòng họ dần trở thành các mắt xích trong đường dây phạm tội.
Từ những năm 1990 trở về trước, hai xã Hang Kia và Pà Cò đã là vùng đất nóng về ma tuý của tỉnh. Tệ nạn nghiện hút ma tuý trên địa bàn xã đã diễn ra hết sức phức tạp. Diện tích cây thuốc phiện ngày càng được mở rộng. Bình quân diện tích gieo trồng hàng năm của 2 xã vào khoảng 500 ha, sản lượng ước đạt 2 tấn. Sau khi cây thuốc phiện bị phá bỏ, các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế đã được thay thế. Nhưng điều đó không làm giảm đi cơn mộng mị về thứ “ma dược” chết người.
Sau khi cây thuốc phiện bị triệt phá, từ năm 1997 ở Hang Kia, Pà Cò bắt đầu xuất hiện hoạt động mua, bán trái phép chất ma tuý. Với địa thế gần đường biên, ma tuý được vận chuyển từ nước ngoài vào địa bàn, sau đó được các đối tượng móc nối và hình thành các đường dây mua, bán, vận chuyển ma tuý liên tỉnh, xuyên quốc gia. Từ những người dân chất phác, thật thà khi tham gia các đường dây ma tuý một số người đã trở thành “con ma, con cáo rừng” với các thủ đoạn, hoạt động liều lĩnh, tinh vi.
Theo đánh giá của lực lượng Công an, tội phạm ma tuý (TPMT) trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò thực sự đáng báo động. Trong số 13 bản của hai xã thì có đến 8 bản là điểm nóng về TPMT. Tính từ tháng 01/1998 cho đến tháng 03/2009, lực lượng Cảnh sát Điều tra TPVMT đã bắt giữ 74 vụ với 92 đối tượng là người Mông thuộc 2 xã. Trong đó Hang Kia có 60 đối tượng, Pà Cò có 32 đối tượng. Tính trung bình mỗi năm 2 xã có khoảng 7 - 8 đối tượng bị bắt vì ma tuý. Đã có 10 đối tượng bị kết án tử hình về tội ma tuý, trong đó Hang Kia là 8, Pà Cò có 2 đối tượng và 24 đối tượng bị kết án tù chung thân; 58 đối tượng bị kết án tù có thời hạn từ 20 năm trở xuống. Lượng ma tuý bị bắt quả tang thu giữ và qua điều tra, chứng minh làm rõ do các đường dây, đối tượng tại địa bàn 2 xã tham gia mua bán, vận chuyển lên tới hàng trăm bánh heroin. Có những vụ lực lượng chức năng bắt quả tang các đối tượng vận chuyển hàng chục bánh.
Theo Đại tá Bùi Đức Sòn, Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình: “Hiện nay trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn có 16 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về tội buôn bán ma tuý. Trong đó riêng xã Hang Kia có đến 12 đối tượng”.
Đáng lo ngại là TPMT đã làm cho tình hình an ninh trật tự tại 2 xã trở nên phức tạp. Trong các vụ án ma tuý mà lực lượng Cảnh sát ĐTTPVMT bắt giữ từ trước đến nay trên tuyến Tây Bắc có đến 60 - 70% các vụ án liên quan đến người Mông.
Nỗi buồn trên cao nguyên đá
Chúng tôi rời đám tang Đại tá, liệt sỹ Hà Thái Yêm, Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu trong tâm trạng hỗn độn, đau buồn và xót xa. “Giá như không có hi sinh, giá như không có đổ máu mà chúng ta vẫn tiêu diệt hoặc bắt sống được đối tượng truy nã đặc biệt như Vàng A Khua thì đây sẽ là một thắng lợi”- Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ.
“Thời điểm này không dễ gì để có thể vào được Hang Kia, trên mọi ngả đường đều có những nguy hiểm luôn rình rập mà không ai có thể lường trước được”, một cán bộ Công an tỉnh đã thẳng thắn khi biết chúng tôi có ý định vào vùng đất “nóng” này.
Trên đường lên 2 xã Hang Kia, Pà Cò lần này không giống như những lần trước. Bao trùm là cảm giác lo lắng. Lo lắng là vì không biết phía trước là những hiểm nguy gì; lo lắng không biết có lên được vùng đất nóng Hang Kia như dự định?!
Đặt chân lên đất Pà Cò, chúng tôi đã cảm nhận ngay cái cảm giác u buồn trên những khuôn mặt người. Suốt từ chập tối 5/2, nhà Trung uý, liệt sỹ Sùng A Chư cán bộ Công an huyện Mai Châu ở xóm Chà Đáy cứ liên tục người ra, người vào khi nghe tin anh đã anh dũng hy sinh khi đang cùng đồng đội vây bắt đối tượng truy nã Vàng A Khua. Trong đám tang Sùng A Chánh, chú ruột Sùng A Chư nghẹn ngào: “Chư nó còn trẻ lắm, mới lấy vợ được 2 năm nay chưa có con cái gì. Nó lành, ngoan ngoãn và hay chuyện lắm. Lúc trước gặp ai cũng vui chuyện cười nói suốt. Nhà mình thương nó một thì thương vợ nó mười. Mới trẻ vậy mà đã trở thành goá bụa”.
Trong đám tang Chư, chẳng ai cầm được nước mắt trước hình ảnh người vợ trẻ cứ khóc lịm bên linh cữu của người chồng. “Đau thương này không chỉ riêng của gia đình Trung uý, liệt sỹ Sùng A Chư mà nó đã trở thành nỗi đau chung của người Mông ở xã Pà Cò mình”, ông Sùng A Sa, Chủ tịch UBND xã Pà Cò xúc động.
Sự hy sinh cao cả của 3 cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Hoà Bình trong tấn công truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm không chỉ là mất mát, nỗi đau của lực lượng công an tỉnh. Đây đã trở thành nỗi đau, mất mát lớn của người dân Hoà Bình. Nước mắt đã chảy và vẫn chảy suốt một đêm dài./.
Nguồn:
http://vovnews.vn/Home/Cam-go-chong-ma-tuy-o-Hang-Kia/20102/135049.vov