Sáng thứ Bảy. Mùa hạ. Mới 6 giờ 30 phút. Nắng chói, báo hiệu một ngày oi bức. Trên nhiều tuyến đường Hà Nội, người đã "chật như nêm". ở một góc phố, phía trên cao, chiếc loa phường phát ra tiếng khẹt khẹt... Bản nhạc "Hà Nội ơi một trái tim hồng" được cất lên, tiếp đó là một giọng nữ dở ngái ngủ, dở ngạt mũi: "Đây là đài phát thanh phường...". Rồi, nội dung của bản thông báo về việc "dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh..." được cái giọng đọc ngàn ngạt ấy chuyển tải... Nhiều cửa sổ và cửa ra vào của các ngôi nhà quanh đó được đóng lại; một số người ném cái nhìn cau có về phía chiếc loa... Rất ít người dỏng tai nghe xem "loa nó nói gì".
Đấy là thực tế ở một góc phố. Và Hà Nội có hàng ngàn góc phố như thế.
Ai ấu trĩ?
Nga - bạn tôi - có một ngôi nhà mặt đường, giữa ngã tư, phố trung tâm Hà Nội. "Nhà mặt phố (lại ngã tư), bố làm to". Thích thì mở cửa hàng. Không thích thì cho thuê... Kiểu gì cô cũng có đất sống. Gần đây gặp tôi, mặt Nga trông nhược sắc hẳn. Hỏi thì cô nói: "Đang rao bán nhà. Người hỏi mua thì nhiều mà người đậu thì chưa thấy. Chỉ tại cái loa phường". Tôi không nhịn được cười: "Cậu giẫm phải vết chân của tớ rồi. Ham nhà mặt phố, kiếm được tý tiền lại phải trả giá cho sức khỏe chứ gì?". Thấy bạn tôi xịu mặt, tôi vội an ủi: "Nhà mặt đường bán không khó đâu. Đừng găng giá quá là được".
Sau khi kiên nhẫn ngồi nghe tôi "phổ biến" kinh nghiệm bán nhà, Nga dốc bầu tâm sự: "Nhà mặt phố thì đúng là tiện thật. Để xe tiện, mua bán cũng tiện... Nhưng khổ nỗi, nhà tớ ở ngay ngã tư, mà ở Hà Nội, có thấy ngã tư nào là không có một hay hai cái loa phường đâu. Đầu giờ sáng 1 tiếng, cuối giờ chiều 1 tiếng, ngày lễ, ngày bầu cử thì phát cả ngày. Có hôm ông cán bộ văn hóa phường nổi hứng, thế là "chúng tôi xin phép được thử loa", dân ca hò vè Bắc - Trung - Nam suốt buổi. Cậu con trai tớ lúc mới sinh suýt phải đi viện cấp cứu vì sau một ngày liên tục chịu trận cùng người lớn, nó cứ bị giật liên hồi. Ông bác sĩ quen đến khám, biết tình hình, cho uống thuốc an thần, thế là hết giật. Sau lần đó, ông xã tớ cho lắp hai lần cửa kính ở phía quay ra mặt đường cho tất cả các phòng ngủ. ấy vậy mà, mỗi khi tiếng loa chói lên, nó vẫn cứ giật mình. Kêu với ông phường nhiều lần không ăn thua, tớ tính chuyện bán nhà. Khách đến xem nhiều lắm, nhưng toàn dính vào giờ loa phường phát, thế là họ chạy mất dép".
Cô bạn còn ấm ức kể lại chuyện mình "đối đầu" với Chủ tịch phường. Con ốm, khóc nhèo nhẽo, ông phường cho thử loa suốt buổi. Cứ ru được đứa bé thiu thiu ngủ thì tiếng loa lại chói lên... Thế là Nga tức tốc lên UBND phường, đòi gặp Chủ tịch. "Đúng vào lúc cuộc họp HĐND nghỉ giải lao, ông Chủ tịch nghe tớ trình bày với thái độ đầy bức xúc, cứ im lặng hút thuốc không nói gì nhưng mấy ông lớn tuổi trong HĐND thì cứ xỉa xói vào mặt tớ: "Tôi nói cho cô biết nhé. Lẽ ra phải phát từ lúc 5 giờ sáng để phổ biến tất cả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng người dân. Ngày phát có hai buổi, mỗi buổi có 1 tiếng là quá ít". Tớ bảo mấy ông ấy: "Bây giờ không còn là những năm 60 của thế kỷ trước, các ông đừng có ấu trĩ". Thế là cả mấy người quát ầm lên: "Chính cô mới là người ấu trĩ...". Một mình tớ không lại được, thế là tớ bỏ về, vừa đi vừa khóc vì tức".
Những chuyện dở khóc dở cười
Cứ một thời gian, cái loa treo trên cột điện ở ngã tư Chương Dương - Bạch Đằng lại dở quẻ. Lúc im thít, lúc thầm thì trong khi "đồng đội" của nó ở các vị trí khác "bao nhiêu năm vẫn...kêu tốt"; lúc lại khọt khà khọt khẹt như tiếng của người bị viêm xoang nặng; lúc thì bật kêu như người bị "tăng xông"... Nguyên nhân: chiếc loa trở thành nạn nhân của những nạn nhân! Người thì nhằm lúc vắng người, buộc lại cho chiếc loa chổng ngược lên trời. Người thì xoay loa hướng ra sông Hồng. Một số thanh niên ngồi quán nước, vừa hút thuốc vừa bắn súng cao su cho loa thủng lỗ chỗ... Trong một ngõ nhỏ gần đó, có người lén cắt dây loa vì vợ mới đẻ mà loa thì... ngay trên nóc nhà. Tất nhiên là ông phường sau khi kiểm tra lại phải cho xử lý ngay để "đường dây liên lạc được thông suốt". Ông cán bộ phụ trách thông tin của phường than: thật khó mà bắt quả tang được kẻ phá hoại để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Từng nhiều năm sống ở ngã tư này, tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh tượng bi hài dưới chiếc loa phường. Ngày thứ Bảy, cứ 6 giờ 30 phút sáng là loa phường phát thông báo của UBND TP về việc tổng vệ sinh. Kèm theo đó là bản nhạc quen thuộc (gọi nôm na là bài Môi trường ca). Những xe ôtô đưa đám ma cứ đến ngã tư là dừng lại để gia chủ cảm ơn, tạm biệt người đưa tiễn. Thế là, khi nhiều giọng khóc cất lên "Bố ơi (hoặc anh ơi...) sao nỡ bỏ con (hoặc em) đi" thì chiếc loa vẫn hồn nhiên khẳng định "điều đó tùy thuộc vào bạn...". Nghe mà cười ra nước mắt!
Ông Phạm Quốc Bản - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về hoạt động của mạng lưới loa phường có nói: "Hệ thống thông tin nội bộ cộng đồng cấp phường, xã, thôn, tổ là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Thậm chí ngay cả các quốc gia phát triển hơn Việt Nam về công nghệ thông tin, truyền thông như Đức, Trung Quốc... thì hệ thống loa phường của họ cũng không thể bỏ". Không biết thông tin của ông chính xác đến cỡ nào, chỉ biết là những thành phố mà tôi đã qua ở Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc... thì chưa nơi nào tôi được nghe và thấy hệ thống loa công cộng trên đường phố của họ hoạt động. Một cô bạn người Đức của tôi tên Elena từng tá túc ở nhà tôi suốt hai tháng. Mỗi lần loa phường hoạt động, cô ấy lại hỏi: "Gì thế? Cái ấy nó nói gì?". Một lần, vào thứ bảy, tôi trả lời: "à! Họ gọi người dân dậy quét nhà cửa, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải ý mà". Elena nhìn tôi như nhìn người ở hành tinh lạ: "Tôi không nghĩ là dân trí thủ đô của một nước lại thấp đến thế".
Công, tội và hướng giải pháp
Nói một cách nghiêm túc, trong nhịp sống hiện đại, công nghệ nghe nhìn phát triển như vũ bão... hệ thống loa truyền thanh phường ngày càng... bị ghét. Báo chí kêu ca đã quá nhiều. Thậm chí vấn đề hoạt động của hệ thống loa phường từng được một đại biểu Quốc hội nêu ra trên diễn đàn Quốc hội (sau đó thì rơi vào im lặng) nhưng cho đến nay, hoạt động của mạng lưới thông tin này (có từ thời sau giải phóng miền Bắc 1954) vẫn thế. Cũng nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh "tội" gây ô nhiễm môi trường khiến không ít người phát sinh bệnh tật do tiếng ồn từ loa phường gây ra, anh "mõ phường" cũng còn có tác dụng nhất định. Mời các cụ đi lĩnh lương hưu này. Tiêm chủng cho trẻ em này. Thông báo lịch cắt điện, cắt nước này. Thông báo công khai về giải quyết khiếu kiện này... Tuy nhiên, với một xã hội hiện đại thì, việc trả lương hưu có thể được thực hiện qua tài khoản ngân hàng; tiêm chủng cho trẻ em là việc của ngành y tế; việc cắt điện, nước thì, gần như không có vì trừ sự cố đặc biệt (bị khủng bố, thiên tai), nếu điện, nước bị cắt thì ngành điện, nước có mà... bồi thường ốm! Còn việc kiện tụng thì đã có tòa án lo.
Nghe nói Đài TH Hà Nội mới triển khai một dự án thí điểm về hệ thống loa phát thanh tại 14 xã, phường. Nhà nước đầu tư hệ thống tổng đài, trợ giá một phần kinh phí thiết bị nghe cho người dân (100.000 đồng/chiếc). Ai có nhu cầu thì lắp, không thì thôi. Loa được đưa vào nhà người có nhu cầu lắp đặt. Đến giờ đài phường hoạt động, ai không muốn nghe có thể tắt đi...
Thông tin trên khiến nhiều người hoan hỉ. Nếu làm được như vậy (mà phải làm bằng được) thì đại đa số người dân sẽ thấy, cuộc sống, sinh hoạt riêng tư của mình sẽ rất được... tôn trọng.
Riêng tôi, vì thương cô bạn Nga, mong dự án được triển khai nhanh chóng và rộng khắp. Biết đâu đấy, nhờ sự cải tiến vượt bậc này, bạn tôi không phải bán đi căn nhà thân thiết (và sinh lợi) của mình.
[st]