http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/567363/Cac-du-an-bai-do-xe-bi-bop-meo-the-nao-tpp.html
Các dự án bãi đỗ xe bị bóp méo thế nào?
> Hà Nội phải xây ngay bãi đỗ xe
Bài 1: Bãi đỗ xe hóa cao ốc
TP - Cách đây hơn 10 năm, hàng chục dự án bãi đỗ xe đã được TP Hà Nội quy hoạch. Nhưng đến nay hầu hết các dự án này đều giậm chân tại chỗ hoặc bị biến tướng. Tiền Phong đăng tải loạt bài về thực trạng này.
Nhà để xe biến thành trụ sở, hè đường trước Sở KH&ĐT biến thành bãi đỗ ô tô. Ảnh: Trọng ****
Nhà để xe biến thành trụ sở, hè đường trước Sở KH&ĐT biến thành bãi đỗ ô tô. Ảnh: Trọng ****.
Nhà để xe thành công sở
Nhìn trụ sở làm việc với toà nhà cao 7 tầng và có hàng trăm cán bộ viên chức nhà nước ít ai nghĩ trụ sở Sở KH&ĐT Hà Nội (17 Cát Linh) lại đang nằm trên nền của bãi đỗ xe công cộng. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khu vực trụ sở Sở KH&ĐT hiện nay trước đây được TP Hà Nội quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe phục vụ sân thể thao Hàng Đẫy dịp SEA Games 22. Tuy nhiên sau khi dự án hoàn thành, toàn bộ toà nhà 7 tầng với công năng chính là chứa xe, bỗng nhiên biến thành trụ sở của Sở KH&ĐT.
Tương tự, để giải quyết việc đỗ xe trên đường cũng như phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của người dân, từ năm 2003, riêng nội đô, TP Hà Nội đã phối hợp Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) lập quy hoạch 35 dự án điểm đỗ, bãi đỗ xe phục vụ người dân 7 quận nội thành.
Tuy nhiên thời gian qua, hầu hết cả 35 dự án bãi đỗ xe này đang giậm chân tại chỗ hoặc bị biến thành cao ốc, nhà hàng. Cụ thể, được quy hoạch để làm điểm đỗ xe nhiều tầng, thay thế cho điểm đỗ trên các tuyến phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Lý Thường Kiệt, Hàng Trống, Bà Triệu, song đến nay điểm đỗ xe Hai Bà Trưng - Hàng Bài được quy hoạch trên nền đất hơn 1.400 m2 của Cty Nhựa Hà Nội (đường Hai Bà Trưng) hiện trở thành công trường của dự án Trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng cao cấp, cao 9 tầng.
Điểm đỗ xe Tràng Thi được quy hoạch xây dựng trên nền đất 2.000 m2 của Xí nghiệp xe đạp Viha (phố Tràng Thi), thay thế cho điểm đỗ xe trên các tuyến phố Quang Trung, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tôn Đản... nhưng đến nay khu vực mà Xí nghiệp xe đạp Viha chuyển đi vẫn rào khoá im lìm, không biết quy hoạch trước đây có còn giá trị. Điều này cũng xảy ra với nhiều dự án khác.
Còn quy hoạch điểm đỗ xe Phan Chu Trinh, xây để thay thế điểm đỗ xe trên đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền; điểm đỗ xe tại Cung văn hóa Hữu nghị, quy hoạch thay thế cho điểm đỗ xe trên đường Nguyễn Du, Trần Quốc Toản, Ga Hà Nội đang bị biến thành quán cà phê, cửa hàng ăn uống...
Trung tâm thương mại Big C được xây dựng trên nền đất bãi đỗ xe Gia Thụy đã được quy hoạch. Ảnh: Trọng ****
Trung tâm thương mại Big C được xây dựng trên nền đất bãi đỗ xe Gia Thụy đã được quy hoạch. Ảnh: Trọng ****.
Bãi đỗ lắp ghép cũng dở dang
Để giải quyết điểm đỗ cấp bách cho khu vực trung tâm, năm 2010 Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu UBND TP xây dựng ngay một số điểm đỗ xe công cộng. Đã có 4 dự án bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng với tổng diện tích gần 40.000 m2, gồm Trần Nhật Duật, Phùng Hưng (Hoàn Kiếm), Nguyễn Công Hoan (Ba Đình), bờ sông Tô Lịch (Hoàng Mai), được TP Hà Nội nhất trí cho triển khai. Tuy nhiên sau 2 năm thực hiện, đến nay cả 4 dự án này chưa làm xong thủ tục.
Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, cơ chế xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ công ích chưa có là nguyên nhân chính khiến các DN không mặn mà. Theo Cty này, xây dựng bãi đỗ xe, đặc biệt là bãi đỗ xe lắp ghép phải đầu tư kinh phí lớn.
Chỉ tính riêng với dự án bãi đỗ xe Nguyễn Công Hoan, chứa khoảng 200 ô tô sẽ có tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. “Nhà đầu tư phải đi vay, nhưng việc thu hồi vốn lại chỉ thông qua thu phí trông giữ hàng tháng. Cơ chế như vậy, các DN không muốn bỏ vốn thực hiện”, đại diện Cty lý giải.
Còn nữa
Trọng ****