Gỗ cây Thị (Diospyros decandra Lour) đã được lựa chọn dùng trong chế tác Mộc bản, di sản văn hóa quý đã tồn tại hàng trăm năm tại chùa Bồ Đà và Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu tính chất gỗ Thị đã xác định gỗ có thớ mịn, đồng đều, khối lượng riêng cao, khả năng chịu va chạm tốt. Gỗ sau khi phơi, sấy đến độ ẩm cân bằng trong không khí (khoảng 13 - 15%) có độ hút ẩm và hút nước thấp. Do vậy, gỗ Thị rất phù hợp làm Mộc bản để đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài và chất lượng bản in đều và rõ nét. Tuy nhiên, gỗ Thị có hệ số co rút thể tích trung bình, tỷ lệ giãn nở và co rút gỗ theo chiều tiếp tuyến so với chiều xuyên tâm cao nên Mộc bản cần được lưu giữ trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm ổn định để hạn chế các khuyết tật như nứt vỡ, cong, vênh xảy ra. Kết quả nghiên cứu tính chất vật lý, cơ học và thành phần hóa học của gỗ Thị góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp tổng hợp bảo quản Mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà.