Các nhà hàng ngon tại Mũi Né – Phan Thiết

Lái xe

Xe buýt
Biển số
OF-2690
Ngày cấp bằng
6/12/06
Số km
875
Động cơ
550,150 Mã lực
hay Chuyện về con đường ẩm thực Mũi Né

Năm nay tôi không đi Mũi Né vào dịp Xuân về mà chọn một hướng đi khác, gần hơn, tiện hơn. Nhưng không thể phủ nhận, Mũi Né luôn là lựa chọn số một của tôi mỗi khi định cho gia đình đi nghỉ dưỡng bởi những đồi cát, nắng, gió, biển xanh ngăn ngắt và những gì mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này.
Tuy nhiên, trước Tết cô em gái tôi đi nghỉ cùng gia đình ở Mũi Né có viết một bài tùy bút ngăn ngắn và gửi cho xem. Tôi rất thích và xin phép đưa lên đây, với mong muốn giúp các bác nhà mình có thể có thêm một lựa chọn ẩm thục thú vị khi có dịp du lịch tại vùng biển xanh này.

Các nhà hàng ngon tại Mũi Né – Phan Thiết
hay Chuyện về con đường ẩm thực Mũi Né

Nhiều người đến Mũi Né để chơi golf, lướt sóng, tắm biển, phơi nắng… Là một người “rất bình thường” như đại đa số người Việt, tôi chơi golf rất tệ, gắng gượng lắm cũng chỉ bơi được 5 mét và khá sợ nắng. Tuy nhiên, tôi cũng hồ hởi sắp xếp đi Mũi Né không kém mọi người, vì bị thu hút bởi… các món ăn nơi đây. Bên cạnh những nhà hàng Việt thuần túy, để nắm bắt thị hiếu của khách du lịch đủ các quốc tịch, các chủ đầu tư ở Mũi Né đã mở nhiều nhà hàng quốc tế. Đi dọc con đường Nguyễn Đình Chiểu, bạn đếm được cả trăm nhà hàng với hàng chục phong cách ẩm thực từ nhiều nước. Vì đa số thực khách đến đây không phải “tay mơ”, thường chỉ những nhà hàng ngon mới trụ lại được trên con đường này.
Vì thế, thay vì lăn lộn trong sóng gió vùng biển hay phơi mình giữa sân golf thì hành trình đi Mũi Né của tôi trở thành hành trình ẩm thực bốn phương. Hi vọng những chia sẻ về hành trình này sẽ có ích cho các bạn sắp hoặc đang ở Mũi Né.
1. Gợi cảm và tùy hứng… kiểu Ý
Chặng đường dài 6 tiếng rưỡi từ Sài Gòn đến Mũi Né làm mọi người mệt nhừ tử. Tuy nhiên, anh bạn đồng hành còn làm chúng tôi nhừ tử hơn nữa vì cứ lải nhải không dưới 18 lần về cơn ghiền pizza Ý chính hiệu (chứ không phải pizza kiểu ta, làm bằng bánh tráng, trứng, chà bông và lạp xưởng tôm khô) của anh ấy. May (cho anh ấy và cả bọn) là trong thời buổi toàn cầu hóa này, pizza ngày càng phổ biến ở Việt Nam và riêng Mũi Né cũng có vài địa chỉ để thưởng thức pizza “thuần túy”. Capriccio – nhà hàng với cái tên dễ thương có thể được hiểu là “sự bất thường” hay “khúc tùy hứng” được chọn là nơi để thỏa mãn cơn “tùy hứng bất thường” của anh bạn.
Thuật ngữ pizza, theo một số người, bắt nguồn từ “bizzo” (tiếng Đức) hay “pitta” (tiếng Hy Lạp), có nghĩa là “miếng bánh mì”. Tiền thân là món bánh mì trắng (“Bianca” hay “fouace”) ra đời vào thế kỷ 16 tại Naples, pizza được coi là cibi dei poveri - món dành cho người nghèo rồi dần trở thành bữa trưa và tối mỗi ngày của đa số dân Naples (có lẽ vì vậy trong tiếng Ý “pizza” còn dùng để chỉ người/ vật gì khá nhàm, gần giống thuật ngữ “cơm nguội trong nhà” ở tiếng Việt). Với nhiều ưu điểm (dễ làm, ngon, rẻ), pizza ngày càng thông dụng tại những thành phố đông dân, thực phẩm khan hiếm. Một trong những bước ngoặt của “lịch sử pizza” là sự kiện năm 1889 đầu bếp Raffaele Esposito chế ra một loại pizza mới (có màu trắng của fromage mozzarella, xanh của húng quế và đỏ của cà chua, trùng với 3 màu của quốc kỳ Ý) và đặt tên là Margueritta để mừng hoàng hậu Marguerite đến Naples. Tin đồn hoàng hậu khoái Margueritta khiến món này trở nên cực “hot” ở Ý. Từ cuối thế kỷ 20, người ta đã tổ chức các cuộc thi quốc tế về tung hứng bột để làm pizza (trong đó ngoài Paolo Bucca người Sicile 3 lần vô địch thế giới, còn có anh Fabian Martin lai hai dòng máu Pháp – Tây Ban Nha 2 lần vô địch châu Âu, điều này chắc khiến dân Pháp và Tây Ban Nha thiện cảm hơn với pizza). Mặc kệ dân Pháp kiêu kỳ và khó tính coi pizza là món ẩm thực thứ cấp (nhưng vẫn ăn pizza rào rào), năm 2011, Ý nộp hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận nghệ thuật truyền thống làm pizza tại Naples là di sản văn hóa của nhân loại. Trên những tạp chí y học, một số chuyên gia sức khỏe cho rằng pizza có công dụng phòng tránh một số bệnh ung thư (nhờ chứa nhiều sốt cà chua, dầu olive và chất xơ), khiến pizza thêm ưu thế trong cuộc chinh phục thế giới và trở thành một trong những biểu tượng của toàn cầu hóa. Như đã trình bày với các bạn, biểu tượng ấy đã xuất hiện ở Mũi Né từ vài năm nay.
Bàn ghế gỗ trải khăn trắng muốt, một nửa ở sát vỉa hè (dành cho những vị thích nắng gió biển), một nửa trong nhà (dành cho những vị khoái yên tĩnh, kín đáo), sàn lát gạch sậm màu bóng loáng, cột gỗ, mái lợp lá kết, đèn vàng tỏa ánh sáng dịu nhẹ, nhạc thủ thỉ thầm thì, phục vụ nhẹ nhàng, kín đáo… nhà hàng Capriccio khá thanh lịch và thoải mái, ấm cúng.
Bạn tôi gọi Quatro formaggi (pizza với 4 loại fromage) còn tôi thì gọi linguine (mì ống dẹp) sốt hải sản. Để chuẩn bị những món khá đơn giản này đầu bếp cũng mất đâu chừng 20 phút, nhưng chúng tôi không có cảm giác sốt ruột đợi chờ. Bởi, trong 20 phút này chúng tôi bận rộn thưởng thức các món khai vị mà nhà hàng mến tặng cho thực khách, gồm bánh mì giòn rụm ăn kèm bơ trộn cỏ thơm, súp cà chua đỏ cam thanh tao và vài khoanh bánh mì nhỏ phết sốt xanh lá cây cùng các loại rau thơm mát lạnh, rất lạ miệng.
Chiếc pizza thơm, béo, nóng sực và khá lớn, anh bạn to con phải vất vả mới thanh toán hết. Phán quyết: “Pizza ngon nhưng chưa thật sự “đột phá”” (kể ra gây ấn tượng cho anh này cũng không dễ vì anh ấy quá rành và khó tính về khoản pizza). Phần mì của tôi không quá nhiều, được bày trong đĩa sâu lòng, tràn trề một màu xanh nhạt của sốt pesto nấu với mực ống, khi ăn bạn rắc thêm chút fromage parmesan, chế thêm chút dầu olive, trộn đều rồi nhâm nhi vị bùi, béo của sốt và fromage, cảm giác độ sần sật của mực, giòn giòn của mì, hít hà hương thơm nồng nàn của sốt, thấy cuộc đời thật đẹp!
Cần chú ý rằng cũng như một số nhà hàng Ý chính hiệu khác, ở Capriccio, nếu bạn không “ý kiến” thêm thì mì được luộc kiểu Ý, al dente, có nghĩa là chỉ vừa đủ chín giòn chứ chưa mềm. Vì thế, bạn nào thích mì mềm, hoặc gọi món cho các em bé, nên dặn phục vụ nhờ nhà bếp luộc mì kỹ hơn. (Nhân đây cũng “tám” thêm, luộc mì Ý sao cho đậm đà, chín đều, không dính bết với nhau là cả một nghệ thuật, công phu không kém nghệ thuật… luộc rau muống sao cho xanh của ta. Riêng về “bí kíp” để kiểm tra xem mì đã vừa chín hay chưa mà không muốn nếm – điều cũng dễ hiểu thôi nếu bạn là đầu bếp và phải nấu không biết bao nhiêu phần mì mỗi ngày -, anh bạn người Ý từ thời sinh viên cho biết, cứ vớt đại một sợi mì đang nấu rồi quăng lên tường, thấy nó “đủ độ dính” không bị rớt bịch bịch xuống sàn là ok. Các bạn nếu thích có thể thử xem. Riêng tôi chưa bao giờ kiểm chứng “bí kíp chân truyền” này – tôi thường chỉ tin vào trên bao bì và hơn nữa, không khoái trá lắm trước viễn cảnh tường hay sàn bếp nhà mình dính đầy mì trong khi chẳng còn đủ cái mà ăn vì với “độ khéo” của tôi thì kiểu này phải tốn đến 20 sợi mì để đo “độ chín” cho mỗi mẻ luộc).
Cộng tiền bia bọt, nước uống, chi phí bữa ăn cho hai người hết hơn 600.000 đ. Giá các món ăn tại Capriccio hơi cao nhưng chúng tôi cho rằng với khung cảnh ấy, phong cách phục vụ ấy, số lượng và chất lượng món ăn ấy thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”. 3 chủ nhân của Capriccio (trong đó 1 người chính là đầu bếp) đều là dân Ý chính hiệu; hầu như lúc nào cũng có ít nhất 2 người trong số họ thường trực ở nhà hàng ráo riết theo dõi chất lượng món ăn và phong cách phục vụ. Chẳng ngạc nhiên khi một số thực khách Ý khen Capriccio thuần túy và ngon không kém, mà phục vụ lại tận tình hơn cả nhiều nhà hàng ở ngay chính quê hương họ.
Capriccio
79 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Mũi Né
62 374 3889
2. “Ăn tốc hành”… kiểu Địa Trung Hải
“Trưa nay mình sẽ ăn nhanh ở nhà hàng kebab ngon nhất Mũi Né” – sau một hồi tắm và phơi nắng phủ phê, anh bạn nói. Và anh đã dẫn chúng tôi đến Sindbad số 233 Nguyễn Đình Chiểu (Mũi Né). Tôi không nghi ngờ gì lời quảng cáo của anh ấy, vì của đáng tội, theo kiến thức của tôi thì (nói theo kiểu Pháp) ở Mũi Né cũng không có đến 36 tiệm kebab cạnh tranh với Sindbad. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cũng cần chia sẻ đôi lời về địa chỉ này.
Một trong những nhân vật sáng lập ra Sindbad là người Đức. Bạn có ngạc nhiên không – vì sao người Đức lại mở tiệm Döner kebab? Thật ra, lịch sử của Döner kebab khá phức tạp. Döner có nghĩa là phương pháp nướng bằng xiên lớn xoay trong lò – một phương thức chế biến bắt nguồn từ vùng Anatolie (phần lãnh thổ thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ); kebab có nghĩa là thịt nướng. Người Pháp cho rằng kebab có nguồn gốc từ Hy Lạp, trong khi người Mỹ lại tin kebab có gốc Đức. Dân Hy Lạp gọi kebab là “gyros” trong khi cộng đồng Ả Rập gọi món này là Shawarma. Nói như vậy là đủ để bạn hiểu tính “quốc tế” của Döner kebab. Nhiều người cho rằng, dù mang tên Thổ Nhĩ Kỳ, nơi khai sinh ra Döner kebab lại là Đức. Tương truyền, mới 16 tuổi, cậu bé Mehmet Aygün đã rời đất Thổ để đến lập nghiệp tại Đức. Năm 1971, Mehmet phụ trách món thịt nướng cho một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại ga Berlin. Cậu đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời: kẹp thịt cừu nướng vào bánh pita, một loại bánh mì tròn dẹp kiểu Địa Trung Hải. Sau đó, cậu thêm vào nhân vài cọng salad, khoai tây chiên, cà chua, hành và sốt trắng làm từ mè - một đặc sản khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếng tăm của món này chẳng bao lâu đã lan đến tận… Thổ Nhĩ Kỳ. Kebab chinh phục lãnh thổ Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Bỉ và đến thế kỷ 20, kebab bành trướng sang châu Á, đặc biệt là Nhật, và đáng nể nhất là, trở thành đối thủ đáng gờm của hamburger, sandwich. Một trong những lý do của thành công này có lẽ là vì kebab rất hợp với đời sống về đêm của giới trẻ: tiệm kebab thường mở tới khuya và món này khá “ngon, bổ, rẻ”. Chẳng biết Mehmet có chạy vạy khắp nơi xin cấp bằng bảo hộ sáng chế hay không, nhưng chắc chắn là từ một cậu bé di cư, Mehmet đã sống khỏe và sống giàu nhờ “phát minh” của mình: đến 10/2013 ông có 6 nhà hàng ở Berlin và 5 khách sạn ở Thổ Nhĩ Kỳ! Nhiều gia đình trong cộng đồng Ả Rập di cư sang châu Âu cũng hưởng lợi nhờ “phát minh” ấy, bởi sinh kế của họ chính là các tiệm Döner kebab.
Sindbad có tông màu vàng chủ đạo, tường quét vôi vàng được điểm xuyết vài bức tranh, trần lót lá, mấy bộ bàn ghế gỗ cao đậm màu đủ để đón khoảng 20 khách – nói chung đây là nơi bé nhỏ xinh xinh đáng yêu, giống như một… tiệm kebab mà ta thường hình dung ra ở xứ nhiệt đới bên bờ biển. Các cô phục vụ đều trẻ, không thật sự vồn vã nhưng tương đối nhanh nhẹn và hiệu quả. Điều đáng nói nhất là kebab và Döner giữ được hương vị thuần túy, ; các món kinh điển Shawarma, Shish kebab, Shish taouk, Doner kebab (bò, gà, rau củ) đều có ở đây. Chúng tôi gọi Shish Taouk (mỗi phần gồm 3 xiên lườn gà kèm hành và ớt chuông xanh nướng; một ít salad bắp cải; sốt tzakizi làm bằng yaourt, dưa leo, hành tỏi để ăn với bánh mì; sốt mặn cay để chấm với thịt; một rổ 4 miếng bánh mì pita, 69.000 đ), cô bạn “giữ eo” gọi Döner kebab sandwich gà loại nhỏ (bánh mì pita nhồi thịt gà, salad bắp cải, sốt yaourt, 35.000 đ). Bánh pita vừa mềm vừa giòn, thơm phức bột mì và vừng; thịt vừa chín tới chấm đi kèm sốt đậm đà cay cay, salad khá vừa miệng ăn với sốt tzakizi bùi béo. Chúng tôi gọi thêm bia (Heineken, 28.000 đ/ chai; nước chanh, 18.000 đ/ ly, kvass, 19.000/ chai). Cả nhóm đều no nê đến nỗi không dùng thêm được món nào, dù nhà hàng có gần chục món khai vị, 6 món salad. Điều hơi tiếc là – có lẽ do mặt bằng tiệm nhỏ - chúng tôi không được ngắm xiên thịt hoành tráng vẫn thường chầm chậm xoay trong lò tại các tiệm kebab để thêm phần “cảm xúc”. Tuy nhiên tiếng xèo xèo và mùi thịt nướng tỏa ra từ phía sau bếp cũng làm phấn khích thực khách.
Cô bạn đi cùng hỏi kebab và Döner khác với bánh mì kẹp thịt Việt Nam mà ta thường dùng thế nào? Ngoài việc Döner kebab thường đắt hơn một tí, có thể thấy: bánh pita dẹp nhưng lại đặc, giòn và làm no lâu hơn; thịt và rau, sốt nhiều hơn; chỗ ngồi tử tế hơn (ít khi ta mua ổ bánh mì kẹp thịt mà lại ngồi ăn cả tiếng trong tiệm) vì thế bạn có thì giờ “tám” nhiều hơn; đối với người Việt, món này lạ miệng hơn (việc ai thích hương vị nào, Việt hay Thổ - Đức, còn là chủ đề tranh cãi của nhóm chúng tôi, nhưng vì ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né cũng không thấy “36 xe bánh mì” Việt để bán cho du khách, tôi kết luận chủ quan rằng đến ngày hôm nay, ở địa điểm này, kebab ngon hơn bánh mì).
Shish Taouk
Döner kebab
Döner kebab ngon, khung cảnh dễ thương chắc là những yếu tố đem lại thành công của Sindbad. Nếu bạn đang muốn ăn nhanh và ăn không đắt lắm, bạn thích thử phong cách ẩm thực mới, Sindbad là địa chỉ bạn nên ghé. Ở Sindbad, bạn nên nếm nước kvass, một món giải khát đặc trưng của Nga. Bạn cũng có thể đặt mua bánh mì đen “nhà làm” ở đây (đặt hàng trước 1 ngày, trả tiền ngay khi đặt hàng, cô chủ tiệm rành mạch nói vậy). Mua 10 kebab/ shawarma cỡ trung bình ở đây, bạn được tặng 1.
Sindbad
233 Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né, phường Hàm Tiến, Phan Thiết
Điện thoại: Ms. Na 091 81 966 89

3. “Cực chất”… kiểu Đức
Hẳn các bạn để ý, thời tiết dạo này có hôm tự nhiên mát bất chợt. Với khí hậu ấy, tụ họp cùng bè bạn bên bữa tối kiểu Đức thì còn gì bằng! Thêm vào đó, một anh bạn lại đang thèm “xúc xích Đức thứ thiệt ngon ơi là ngon”. Lý do quan trọng cuối cùng là tối nay chúng tôi có hẹn với G., anh bạn người Đức dễ thương nhưng cũng rất mực thẳng thắn và đặc biệt, rất sành ăn. Anh ấy sẽ giúp chúng tôi “thẩm định” một nhà hàng Đức mà chúng tôi rất thích, Ratinger Löwe, tại số 32 Nguyễn Đình Chiểu.
Nhà hàng tên là Ratinger Lowe bởi một trong các chủ nhân của nhà hàng sinh ra tại Ratingen. Nhà hàng rộng rãi, rất ấm cúng với sàn, quầy bar và tường lát gạch đỏ, đèn vàng dịu. Các cô phục vụ đều mặc đầm đỏ, áo trắng, nhanh nhẹn nhẹ nhàng lướt bên bàn của khách trong tiếng nhạc Đức trầm hùng. Tất cả tạo nên cảm giác khác biệt, hoành tráng mà ấm cúng.
Hôm nay nhóm chúng tôi có 6 người, trong đó có 2 thực khách nhỏ tuổi, tất cả đều hơi lạnh và đói ngấu. Các bạn nhỏ chọn nước khoáng Vĩnh Hảo cùng hai món có tên rất kêu là Captain Nemo (cá lăn bột chiên, khoai tây nghiền và mứt táo nghiền) và Asterix & Obelix (khoai tây chiên, cà rốt nấu, thịt heo dàn mỏng lăn bột chiên). Asterix & Obelix có vẻ được nhiệt liệt hưởng ứng; cá lăn bột chiên cũng vậy nhưng các bạn nhỏ có vẻ hơi dè dặt trước món mứt táo nghiền.
Người lớn uống bia và chia nhau món khai vị (pâte, thịt nguội, xúc xích, dưa chuột muối và bánh mì), sau đó ai nấy tập trung “xử lý” món của mình: thịt heo dàn mỏng lăn bột chiên ăn kèm với nui; thịt heo dàn mỏng lăn bột chiên ăn kèm khoai tây nghiền chiên, cà rốt nấu; xúc xích loại lớn đi kèm với salad và khoai tây nấu; xúc xích loại nhỏ ăn cùng khoai tây nghiền và bắp cải muối chua; salad dưa leo với nước sốt.
Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là món nui (ăn thật ngon mà chế biến rất đơn giản và nhanh, theo anh bạn người Đức – chỉ cần dùng bột pha cho bánh crêpe của Pháp luộc trong nước thật sôi là được. Tôi tự nhủ, nếu các bà nội trợ Việt cũng biết bí quyết làm món này thì sẽ nhiều gia đình “nói không” với bún mì hàn the, tinopal), kế đến là xúc xích và bắp cải muối chua (có vị rất giống với choucroute, một đặc sản của Pháp). Bánh mì thơm và đặc ruột (không nhiều bột nở như bánh mì của ta, vì thế ăn no lâu, ngoài ra bởi nặng như vậy nên “bánh mì Đức đôi khi cũng có thể dùng làm vũ khí”, anh chàng Đức hãnh diện phát biểu). Bia cũng rất thơm và đậm đà, được đựng trong những chiếc ly hoành tráng.
Ở Đức nếu bia chưa được đổ chạm vạch 0,5 l (được đánh dấu trên ly) – và ở đây ta nói đến bia chứ không phải bọt bia – thì khách có quyền trả lại bia và đương nhiên, không thanh toán, bạn tôi nói. Người Đức quả là rành mạch, - tôi nghĩ. Nói chung ở Ratinger Lowe tất cả các ly bia đều được đổ hơi quá vạch 0,5 l, và các đĩa thức ăn – kể cả phần của trẻ em - cũng cực kỳ đầy đặn (khẩu phần này chắc được tính cho những người Đức to cao).
Nói đến món ăn Đức là nói đến fromage, xúc xích, khoai tây – những thực phẩm để chống chọi với tiết trời lạnh giá. Bạn có thể nói, trên thế giới, ẩm thực Đức có vẻ kém đình đám. Tuy nhiên, Guide Michelin nhận định, Đức hiện có tới 9 nhà hàng 3 sao (số sao nhiều nhất theo bảng xếp hạng Michelin), đứng ngay sau Pháp. Các món mà chúng tôi được thưởng thức tối nay ở Ratinger Lowe rất ngon – đấy là kết luận của cả nhóm bạn “mê ăn ngon” với các quốc tịch khác nhau – Pháp, Mỹ, Đức, Việt. Điều đáng tiếc duy nhất là hôm nay xúc xích có phần hơi khô. Bù lại, đầu bếp nhà hàng – một chàng trai người Đức nhiều năm kinh nghiệm - có phong cách nêm nếm rất cá tính, đậm đà. Chúng tôi cũng nhận thấy ở đây trong mỗi món, protein – tinh bột – chất xơ – chất béo đều có đủ và được tính toán theo tỷ lệ hết sức hài hòa. Giữa thời buổi toàn cầu hóa đâu đâu cũng ngập tràn fast food này, những cố gắng của nhà hàng – một “đại sứ” của phong cách ẩm thực vùng Ratinger – trong việc duy trì, cổ xúy dùng “slow food” và các món truyền thống trong một khung cảnh trang trọng, xinh đẹp, khiến bữa ăn không chỉ là bữa ăn mà còn là một trải nghiệm, rất đáng được trân trọng.
“Một trong những nhà hàng Đức ngon nhất Việt Nam” – anh bạn Đức kết luận. Tổng chi phí cả “ẩm” lẫn “thực” là 1.650.000 đ/ 6 người, kể ra cũng không quá cao cho buổi tiệc ngon trong bầu không khí cực kỳ dễ chịu. Đấy là chưa kể vẫn còn không ít đồ ăn còn dư để bỏ hộp đem về - và theo “báo cáo” của cô bạn, tận sáng hôm sau, chẳng cần hâm nóng hay thêm nước sốt, món ăn vẫn hấp dẫn, khoai tây, cà rốt, xúc xích vẫn ngon và rất đậm đà…
Ratinger Lowe
32 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Phan Thiết (phía trước resort Cham villa)
62 374 1234
http://www.ratinger-loewe.com/

4. Nồng nàn… kiểu Thái
Sau bữa đại tiệc “cực chất” kiểu Đức tối hôm trước, hơi lo lắng cho vòng eo vốn không lấy gì làm thon thả của mình nên chúng tôi quyết định quay về với thức ăn châu Á. Chúng tôi chọn Sukhothai, nhà hàng nằm trong resort Sunsea.
Một trong những điểm mạnh của nhà hàng chính là khung cảnh. Nhà hàng có mái lá, ghế bàn rộng và thoải mái, nhìn ra bờ biển và nằm cạnh bể bơi không bờ trong vắt, trong resort Sunsea vừa được trùng tu rất sạch đẹp. Thông thường ở Mũi Né bờ biển khá ngắn nhưng bờ biển trước mặt Sukhothai lại vươn dài, đây là một trong những lý do khiến địa điểm này trở thành nơi “tập kết” của các tay lướt ván buồm. Hôm nay nhiều gió và biển xanh ngắt, chỉ ngồi trong nhà hàng phóng tầm mắt ra ngoài, nhìn các chàng trai, cô gái rám nắng, săn chắc đẹp như tượng hòa mình vào nắng, gió, sóng biển bên những cánh diều đủ màu sắc chao liệng đã thấy đủ khoái. Ngắm cảnh quan ấy, tôi cho rằng thời điểm tuyệt nhất để ăn ở Sukhothai là bữa trưa, tuy nhiên anh bạn người Pháp nói buổi tối ở đây cũng không tệ tí nào, “bởi quang cảnh hết sức lãng mạn”. Anh chàng đã từng cùng nàng tay trong tay bước trên bãi cát đi cả cây số để tới Sukhothai dùng bữa trong ánh nến, và nghe nói bữa tối hôm ấy đã thành công mỹ mãn.
2 bạn nhỏ trong nhóm chúng tôi chia nhau một phần món cơm thịt gà tay cầm, gồm cơm chiên với lườn gà thái miếng lớn và các loại nấm. Gạo nấu khá mềm, gà bùi, nấm béo nên các bạn hoan nghênh nhiệt liệt; nhà bếp cũng biết là có tới 2 thực khách nhí dùng món nên dọn khẩu phần nhanh và hào phóng. Đĩa pad Thai hoành tráng và nêm nếm đúng vị. Cách trình bày món cá chiên khá bắt mắt với nước sốt được rót hình trái tim dễ thương, vị chua chua ngọt ngọt dễ dùng, nhà bếp lại dọn kèm một chén cơm gạo lức; tuy nhiên dường như món này không đủ lấp đầy dạ dày của anh bạn to con (anh ấy có phần ghen tị với anh nhỏ con chọn pad Thai). Thố Tom yam với cơm trắng là món hai vị phụ nữ chọn dùng, vị cay chua hương nồng nàn khá chuẩn nhưng cô bạn dường như thích nước súp phải “cá tính” hơn nữa. 2 thực khách nhí dùng La vie (30.000 đ/chai) trong khi 4 thực khách lớn chia nhau chai vang rosé (600.000 đ/ chai). Cần chú ý rằng đã đến ăn ở Sukhothai thì nên uống rượu ở đây, bởi chủ nhân nhà hàng áp dụng phí dùng rượu mang từ bên ngoài vào khá “chát”: 300.000 đ/ chai.
Tổng cộng bữa ăn và rượu cho 6 người là 1.455.000 đ. Các món mà chúng tôi gọi khá điển hình, hương vị ngon nhưng không đột phá – kể ra điều này cũng khó bởi nhóm chúng tôi dùng món Thái khá thường xuyên; khẩu phần không thật sự “chặt bụng” như ở nhà hàng Đức, nhưng chúng tôi được phục vụ chu đáo, có chỗ ngồi thoải mái trong nhà hàng bài trí thanh lịch, được ngắm phong cảnh tuyệt đẹp, nghe tiếng sóng rì rào, kể cũng xứng đáng. Ăn xong, cả nhóm còn “rề rà” ngồi xuống bộ ghế kê ngay trên bờ cát xả hơi và thưởng thức quang cảnh biển Mũi Né cho tới cuối buổi chiều, thật thanh thản.
Sukhothai
Sunsea resort, 50 Nguyễn Đình Chiểu, km 12, Hàm Tiến, Phan Thiết
62 384 7700
http://www.sunsearesort-muine.com
Tttduong

Chúc các bác ngon miệng!
 
Chỉnh sửa cuối:

Ha_TM68

Xe buýt
Biển số
OF-85514
Ngày cấp bằng
17/2/11
Số km
891
Động cơ
416,152 Mã lực
Nơi ở
Không post link diễn đàn
Bài của cụ nhiều chữ quá mà lại ít ảnh, cụ cho thêm ảnh vào đi.
 

TaxiDrive

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-115878
Ngày cấp bằng
7/10/11
Số km
7,376
Động cơ
452,771 Mã lực
Nơi ở
Innova Club
Đã đến đây thì em chỉ quan tâm đến đồ biển + món ăn từ giông thôi.
 

Megane

Xe tải
Biển số
OF-185574
Ngày cấp bằng
15/3/13
Số km
294
Động cơ
336,710 Mã lực
Phông chữ của cụ Em xem mỏi hết cả mắt .
 

dau_ngang_v16

Xe tải
Biển số
OF-126876
Ngày cấp bằng
7/1/12
Số km
297
Động cơ
380,420 Mã lực
Tuổi
40
Nơi ở
từ sơn bắc ninh
Cụ chọn những cái chính thôi,nhiều quá không kham hết đc
 

Hanoi84

Xe tăng
Biển số
OF-176702
Ngày cấp bằng
14/1/13
Số km
1,999
Động cơ
357,119 Mã lực
Nơi ở
quán nước chè đầu ngõ...
Em chưa đọc mà nhìn chữ đã thấy chóng mặt rồi :))
 

minhmo

Xe cút kít
Biển số
OF-81131
Ngày cấp bằng
25/12/10
Số km
19,990
Động cơ
4,524,767 Mã lực
Nơi ở
chuồng sư tử
Em vào Mũi Né, Phan Thiết cứ gọi mấy ông bạn là thổ công dẫn đi là nhiều chỗ ẩm thực hay lắm. Ngon, rẻ, bổ, tươi sống đủ cả.:D:D

Ăn xong về, lần sau có ghé qua lại gọi, nên chẳng nhớ địa chỉ quán nào cả và cũng chẳng viết được dài như em gái cụ.:P
 
Chỉnh sửa cuối:

Lái xe

Xe buýt
Biển số
OF-2690
Ngày cấp bằng
6/12/06
Số km
875
Động cơ
550,150 Mã lực
@Minhmo: Tôi cũng vậy, để tránh những rắc rối do sự thiếu hiểu biết của mình. Nhưng nếu được thông tin bổ ích và chính xác từ người thân của mình trước chuyến đi thì cũng sẽ tăng thêm một số phần trăm tự tin trong việc chọn lựa phương án ẩm thực, bác ạ.
@dau_ngang_v16: Đó chính là những cái chính đấy ạ.
@Hanoi84: Bác còn trẻ mà đã bị dị ứng chữ rồi à
@babe_in_ car, Ha_TM68: Các đường link đều có ảnh phục vụ các bác đấy
 

Haiha0674

Xe điện
Biển số
OF-151210
Ngày cấp bằng
1/8/12
Số km
3,830
Động cơ
382,710 Mã lực
Đánh dấu, thưởng thức sau
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top