Bài báo dưới chia sẻ nhiều quan điểm và em thì đồng tình với việc là HLV Park đang thể hiện rõ sự bảo thủ, đó cũng chính là "nỗi khổ" của ông. Ông có lối chơi, trường phái riêng và đã đạt được hiệu quả với các cầu thủ phù hợp nhưng khi bị bắt bài hoặc không có cầu thủ phù hợp thì thay vì thay đổi lối chơi phù hợp với cầu thủ mà cố gò ép cầu thủ khác phù hợp với lối chơi của mình. Không giống ở cấp độ CLB, có thể mua cầu thủ phù hợp với đội hình thì ở cấp độ tuyển QG có gì dùng nấy. Thực ra các cầu thủ được gọi lên tuyển chưa chắc đã là cầu thủ giỏi, tốt nhất của cả nền bóng đá mà là những cầu thủ phù hợp nhất với lối chơi của HLV giai đoạn đó.
Quang Hải và nỗi lòng của HLV Park
VFF không có quyền can thiệp để Nguyễn Quang Hải linh hoạt trở về đội tuyển - nếu anh ra nước ngoài, nhưng yêu cầu của HLV Park Hang-seo cho thấy các vấn đề khác của bóng đá Việt Nam.
Giữa 2019,
HLV Park Hang-seo từng nổi giận khi trở thành một trong những người cuối cùng biết tin
Văn Hậu sắp đầu quân cho một CLB ở Hà Lan, dù về lý thuyết hậu vệ trái của Hà Nội cũng như người đại diện của anh không phải thông báo điều này cho VFF hay cá nhân nhà cầm quân người Hàn Quốc. Căng thẳng sau đó giảm nhiệt nhờ Hà Nội cam kết sẽ tác động để Văn Hậu được trở về đá SEA Games 30 kể cả khi giải đấu không nằm trong quy định "nhả người" của FIFA.
Đấy có lẽ là tiền lệ khiến HLV Park công khai nói gần đây rằng việc Quang Hải ra nước ngoài
có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của đội tuyển, và yêu cầu VFF có ý kiến để anh có thể trở về khi cần thiết, một khi chia tay Hà Nội mùa này. Trong mắt HLV Park, Việt Nam không còn cầu thủ nào hay hơn Quang Hải ở vị trí thi đấu hiện tại.
Ông có lý do để nói như vậy, nhưng trong một vấn đề có yếu tố cá nhân của cầu thủ mà lại đặt ra những điều kiện có tính áp đặt thì không phải là điều đúng đắn.
Trở lại với Văn Hậu, người chỉ được thi đấu bốn phút cho đội một SC Heerenveen nhưng từ khi về nước tháng 6/2020 đến nay chưa thể trở lại sân cỏ do chấn thương. Khi tuyển mộ Văn Hậu, chắc chắn CLB Hà Lan đã kiểm tra y tế kỹ lưỡng vì họ là người trả lương. Vậy thì, quá trình chấn thương của Hậu xuất phát từ đâu? Liệu có thể cho rằng Heerenveen phải chịu trách nhiệm trong khi anh từng về đá SEA Games 30 theo một điều khoản "du di" mà lẽ ra không nên xuất hiện trong các hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp?
Sang được Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu thi đấu là quá trình có phần quá sức đối với cầu thủ Việt Nam. Để tìm suất ra sân, họ phải nỗ lực gấp đôi những người khác. Việc tìm cách để họ trở về khoác áo các đội tuyển chẳng khác gì choàng thêm áp lực cho Văn Hậu, Công Phượng trước đây hay Quang Hải trong tương lai. Ra nước ngoài thi đấu mà trở về đội tuyển đá không ra gì thì không được. Nhưng nếu cố gắng thể hiện và chẳng may chấn thương thì con đường tương lai ở CLB càng mù mịt. Nói cách khác, nếu nghĩ về tương lai của cầu thủ, nghĩ đến sự phát triển dài hạn của nền bóng đá, thì cần ủng hộ để cầu thủ dồn tâm huyết cho CLB nước ngoài mà họ đang phục vụ, kể cả khi họ đang ngồi dự bị. Tác động, hoặc "lách luật" để tạo ra ngoại lệ, chưa chắc là điều tốt cho các bên.
Nhưng sự lo lắng của HLV Park cũng cho thấy một thực trạng mà các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần giải quyết ngay lập tức, để tránh đối diện tình trạng "hậu Park Hang-seo" chắc chắn sẽ xảy ra.
Không phải bàn cãi về tầm quan trọng của Quang Hải, nhưng không thể nói rằng bằng mọi giá phải đưa anh từ nước ngoài về đá cho đội tuyển. Thất bại tại AFF Cup 2020 đã phô bày sự thật: Có Quang Hải chưa đủ, mà phải chăng còn cần thêm Hùng Dũng, Trọng Hoàng hay Văn Hậu? Việt Nam có ba năm kể từ lần vô địch năm 2018, nhưng không tìm ra những sự thay thế khả dĩ rồi đành phải chờ sự trở lại của những cầu thủ vốn phải phẫu thuật sau chấn thương nặng. Xây dựng đội tuyển theo cách đó luôn mạo hiểm.
Sự bối rối của HLV Park cũng không phải mới xảy ra. Sau trường hợp của Văn Hậu, chúng ta thấy ông cuống quýt ra sao khi chứng kiến Hùng Dũng chấn thương, chúng ta cũng thấy ông cứ triệu tập các cầu thủ đang trong quá trình hồi phục lên tuyển và kỳ vọng vào khả năng ra sân của họ. Đấy phải chăng cũng là lý do mà các cầu thủ HAGL vẫn mặc nhiên được gọi ngay cả khi không ở phong độ tốt nhất.
Về mặt chất lượng, sự cống hiến và kinh nghiệm thi đấu, họ đều là những cầu thủ xứng đáng được lên tuyển. Nhưng việc mặc định "phải lên", hoặc "làm sao để trở về", bộc lộ sự bị động trong quá trình xây dựng và phát triển của các đội tuyển. Chấn thương, tình trạng phong độ kém, hay các trở ngại khách quan đến từ CLB, là những điều xảy ra thường xuyên trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Vì vậy, việc vắng mặt các trụ cột luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu không thể tìm ra người thay thế xứng tầm, các HLV phải nghĩ đến chuyện thay đổi chiến thuật phù hợp để tránh trường hợp vẫn duy trì một lối chơi như cũ và khi thất bại lại tự an ủi rằng "nếu có cầu thủ này, cầu thủ kia thì đã khác"...
HLV Park có nỗi khổ của ông. Nhưng với những nhà điều hành bóng đá Việt Nam, giải pháp của họ phải nằm ở hệ thống thi đấu nội địa và các CLB do họ quản lý. Nhưng, chính họ vẫn sẵn sàng hoãn V-League đến bốn tháng nhằm dồn người phục vụ các đội tuyển U23, U22. Tất cả dường như vẫn gói gọn trong bảng thành tích của các đội tuyển, kể cả khi đã đạt được hầu hết vinh quang có thể. Quyền lợi của các cầu thủ và quá trình vận động tự nhiên của một nền bóng đá chuyên nghiệp dường như chưa được quan tâm một cách chính đáng.
VFF không có quyền can thiệp để Nguyễn Quang Hải linh hoạt trở về đội tuyển - nếu anh ra nước ngoài, nhưng yêu cầu của HLV Park Hang-seo cho thấy các vấn đề khác của bóng đá Việt Nam.
vnexpress.net