[Funland] Báo cáo phân tích cổ phiếu IDI (20/04/2015)

maychan1987

Xe đạp
Biển số
OF-365158
Ngày cấp bằng
2/5/15
Số km
14
Động cơ
256,230 Mã lực
Nơi ở
Mở tài khoản chứng khoán: phantichcophieu.info
Website
www.phantichcophieu.info
Q1/2015, doanh thu (DT) đạt 561,6 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ, đạt 18,6% kế hoạch năm. Mặc dù có sự suy giảm của doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm khi chỉ đạt 481 tỷ đồng, giảm hơn 20 tỷ so với cùng kỳ. Tuy nhiên IDI lại ghi nhận gần 80 tỷ đồng từ doanh thu bất động sản đầu tư và xây dựng trong khi cùng kỳ lại không có khoản doanh thu này.

Lợi nhuận sau thuế (LNST) Q1/2015 đạt gần 21 tỷ đồng, tăng 125,8% so với cùng kỳ, đạt 12,3% kế hoạch năm, do doanh thu và lợi nhuận gộp tăng. Bên cạnh đó, IDI phát sinh khoản lợi nhuận khác gần 15 tỷ đồng chủ yếu do nhượng bán một phần nhà máy tinh luyện dầu cá với lợi nhuận hơn 21,6 tỷ đồng đã giúp kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể.

Lợi nhuận gộp biên (LNGB) đạt mức 11,8%, tăng mạnh so với mức 7,8% cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào các đơn hàng xuất khẩu có giá tốt từ các thị trường Nam Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc khi mà thị trường Mỹ đang dần yếu thế. Bên cạnh đó công tác kiểm soát giá vốn hàng bán (GVHB) được cải thiện: công ty có vùng nguyên liệu lớn ước tính đáp ứng 75% nhu cầu cá nguyên liệu cả năm. Đối với một công ty kiểm soát chi phí hoạt động và chi phí lãi vay tương đối tốt như IDI thì lợi nhuận gộp biên có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỷ suất LNST.

Kế hoạch năm 2015 khả thi. IDI đặt kế hoạch doanh thu 2015 đạt 3.012 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2014, trong đó doanh thu từ mảng Cá tra Fillet đạt 2.531 tỷ đồng và mảng dầu ăn Ranne đạt mức 481 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 2015 đạt mức 171 tỷ đồng, trong đó Cá tra Fillet đóng góp 70,4% lợi nhuận và mảng dầu ăn Ranne đóng góp 29,6% lợi nhuận. EPS cả năm 2015 dự kiến đạt mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Với KQKD quý 1/2015 như đã nêu trên, chúng tôi cho rằng IDI hoàn toàn có thể đạt kế hoạch đề ra trong năm 2015.

Điều chỉnh PE mục tiêu. PE bình quân các công ty chế biến cá tra hiện nay ở mức 7,6 lần. Trong đó PE của 2 công ty đầu ngành là HVG và VHC lần lượt ở mức 8,2 và 8,6 lần. Vì vậy, chúng tôi xác định PE mục tiêu của IDI ở mức 5,74 lần, chiết khấu 30% so với công ty đầu ngành chế biến cá tra là HVG.

Định giá rẻ. Chúng tôi cho rằng PE kỳ vọng 2015 của IDI rẻ ở mức 5,74 lần. Giá mục tiêu của IDI điều chỉnh 11.480 đồng/cp của chúng tôi cao hơn 27,5% so với giá thị trường. Tiếp tục khuyến nghị mua IDI đối với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao.

Triển vọng kinh doanh 2015

* Triển vọng kinh tế vĩ mô thế giới:

Năm 2015 tăng trưởng ở các nước đang phát triển sẽ tăng nhẹ, một phần là do giá dầu giảm, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn, lãi suất toàn cầu tiếp tục ở mức thấp, và ít rào cản tăng trưởng hơn ở một số thị trường lớn thuộc khu vực mới nổi. Sau khi tăng trưởng ước đạt 2,6% năm 2014, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự đạt 3% năm nay. Năm 2014, các nước đang phát triển tăng trưởng trung bình 4,4%, dự báo sẽ tăng 4,8% năm 2015, tăng trưởng mạnh lên 5,3% và 5,4% cho các năm 2016 và 2017.

Ẩn đằng sau sự phục hồi kinh tế mong manh này là các xu hướng trái chiều ngày càng mạnh ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu. Các hoạt động ở Mỹ và Anh đang có đà đi lên khi thị trường lao động đang hồi phục và chính sách tiền tệ đang phù hợp. Nhưng ở Khu vực Châu Âu và Nhật Bản, việc phục hồi kinh tế vẫn chưa tạo được tiếng vang rõ rệt khi tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn dai dẳng. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ trải qua cuộc suy giảm tăng trưởng kinh tế có kiểm soát thận trọng, tăng trưởng tuy giảm xuống nhưng vẫn ở mức khá cao là 7,1% trong năm nay. Rủi ro của viễn cảnh kinh tế thế giới vẫn nghiêng về phần bất lợi do sự chi phối của bốn yếu tố sau.

Yếu tố đầu tiên là thương mại toàn cầu đang yếu đi. Yếu tố thứ hai là khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở các nền kinh tế chủ đạo tăng ở các mốc thời gian không dự đoán được. Yếu tố thứ ba là mức độ giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu. Yếu tố thứ tư là nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở Khu vực châu Âu hay Nhật Bản.

Nhờ vào thị trường lao động đang dần phục hồi, ngân sách ít bị thắt chặt hơn, giá cả hàng hóa hợp lý, và chi phí tài chính ở mức thấp, tăng trưởng ở nhóm các nước thu nhập cao theo dự tính tăng nhẹ đến khoảng 2,2% năm nay (từ mức 1,8% năm 2014). Năm 2015, tăng trưởng ở Mỹ theo dự tính tăng lên 3,2% (so với 2.4% năm ngoái), ở khu vực Châu Âu, tình trạng lạm phát thấp đáng lo ngại cho thấy nó tiếp tục kéo dài. Khu vực châu Âu được dự báo là tăng trưởng chậm chạp trong năm 2015 ở mức 1,1% (0,8% năm 2014), trong khi ở Nhật Bản, tăng trưởng sẽ lên đến 1,2% năm 2015 (năm 2014 chỉ đạt mức 0,2%).

Năm 2015, dòng chảy thương mại vẫn không hoạt động hiệu quả. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương mại toàn cầu trở nên trì trệ, tăng trưởng năm 2013 và 2014 chỉ đạt dưới 4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 7% hàng năm của thời kỳ tiền khủng hoảng. Thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu và sự dịch chuyển của nhu cầu nhập khẩu có lẽ đã góp phần làm giảm độ nhạy của thương mại trước sự tăng trưởng.

Giá cả hàng hóa theo dự đoán tăng không đáng kể trong năm 2015. Giá dầu giảm mạnh bất thường trong 6 tháng cuối năm 2014 có thể đã làm giảm đáng kể áp lực lạm phát và góp phần cải thiện cán cân tài khoản và tài chính hiện tại ở các nước đang phát triển xuất khẩu dầu. Trong số các nước lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình hưởng lợi từ giá dầu thấp là Ấn Độ. Năm 2015, tăng trưởng của nước này dự tính lên đến 6,4% các nước như Braxin, Inđônêxia, Nam Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, sự sụt giảm giá dầu giúp giảm lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai, một nguyên nhân chính của tình trạng dễ bị tổn thương ở nhiều nước trong nhóm thu nhập thấp.Tuy nhiên, duy trì giá dầu thấp sẽ làm suy yếu hoạt động tại các nước xuất khẩu. Ví dụ, tăng trưởng kinh tế Nga được dự báo âm 2,9% năm 2015, và năm 2016 hầu như không tăng trưởng với mức tăng 0,1%.

Ngược lại với nhóm các nước thu nhập trung bình, nhăm 2014, hoạt động kinh tế ở nhóm các nước thu nhập thấp được đẩy mạnh do tăng đầu tư công, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhiều thành tựu khả quan, và có dòng vốn đáng kể. Vào giai đoạn 2015-2017, tăng trưởng ở các nước có thu nhập thấp theo dự tính vẫn ở mức cao là 6% trong khi đó việc điều tiết giá dầu và các hàng hóa khác sẽ kìm hãm sự tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp xuất khẩu hàng hóa. Khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới năm 2014 với tỉ lệ tăng trưởng 6,9%, chỉ kém 0,3 điểm phần trăm so với 2013. Tại Trung Quốc các biện pháp chính sách đã làm giảm dần tốc độ tăng trưởng xuống còn 7,4% trong năm 2014 so với 7,7% năm 2013. Đó là các biện pháp kiểm soát những yếu kém tích tụ trong khu vực tài chính bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng, các biện pháp hạn chế trong một số ngành hoạt động quá công suất hoặc các ngành gây ô nhiễm môi trường và các biện pháp kích thích tăng trưởng được đưa ra với mục đích hạn chế tác động giảm tăng trưởng. Tại các nước khác trong khu vực chính sách thắt chặt và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và đầu tư. Ngân hàng trung ương tại Indonesia và Malaysia đã tăng lãi suất chính sách nhằm hạn chế kỳ vọng lạm phát dự tính xảy ra sau khi cắt giảm trợ giá nhiên liệu trong năm 2014. Mông Cổ và Philippines cũng tăng lãi suất chính sách nhằm kiểm soát áp lực giá cả thể hiện hạn chế về năng lực sản xuất. Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là các trường hợp ngoại lệ, đã giảm lãi suất nhằm hỗ trợ sản xuất trong bối cảnh lạm phát giảm đe dọa gây ra giảm phát. Dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và duy trì tại mức đó trong kỳ trung hạn do tổng sản lượng trong vùng, trừ Trung Quốc, sẽ ổn định và bù trừ vào phần giảm sút của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, cải cách cơ cấu, giảm kích thích tăng trưởng, và thắt chặt tín dụng sẽ làm giảm mức đầu tư và kéo tỉ lệ tăng trưởng xuống. Dự đoán hoạt động sản xuất tại các nước khác trong khu vực sẽ tăng nhẹ do xuất khẩu tăng, do bất ổn chính trị tại Thái Lan giảm, và do đầu tư tăng trở lại, nhất là tại Indonesia và Philippines. Tăng cầu từ các nước thu nhập cao cũng tác động tích cực lên khu vực do mức độ hội nhập cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mức độ mỏng manh của thị trường tài chính, hoặc điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt đột ngột có thể làm giảm mạnh hoặc đảo ngược dòng vốn và gây sức ép đáng kể lên một số nước. Điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt sẽ dẫn đến tăng lãi suất trong nước. Như vậy lượng thanh toán nợ sẽ tăng và tác động lên bảng cân đối của Ngân hàng, doanh nghiệp, và các hộ gia đình. Nếu nợ xấu tăng lên sẽ làm yếu hệ thống Ngân hàng và buộc người ta đặt câu hỏi về sự ổn định tài chính. Những nước có truyền thống có tỉ lệ trả nợ khu vực tư nhân cao do nợ tích tụ nhanh kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, sẽ chịu nhiều rủi ro hơn.

* Triển vọng kinh tế vĩ mô trong nước:

Bên cạnh việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm nâng mức đánh giá kinh tế Việt Nam gần đây, một số chuyên gia quốc tế cũng đã nêu những nhận xét tích cực về công tác điều hành và những động thái mạnh trong cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam những năm tới sẽ dao động từ 6-7% nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, giúp thúc đẩy xuất khẩu. Chính phủ Việt Nam đã có bước tiến tích cực và quan trọng trong điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó, điểm quan trọng là Nhà nước Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện nay.

Việc nới lỏng các quy định cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào doanh nghiệp trong nước cùng với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng là một động thái tích cực giúp cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Chi phí còn khá thấp hiện nay của Việt Nam đang là động lực đầu tư quan trọng của các công ty phương Tây cũng như các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bên cạnh đó mặc dù cuộc khủng hoảng kéo dài đến năm 2014 vẫn chưa kết thúc, song giới chuyên gia kinh tế đã đánh giá cao nền kinh tế của Việt Nam đã tham gia mạnh vào quá trình hội nhập kinh tế toán cầu và giữ được tăng trưởng ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam với số dân 90 triệu người đang nằm trong danh sách 10 quốc gia phát triển năng động nhất thế giới. Hiện nay, các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Liên minh Châu Âu. Nhiều nhà khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ cao đã và đang tích cực đưa sản xuất đến Việt Nam vì giá nhân công cạnh tranh và môi trường chính trị ổn định. Mới đây, Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ. Cơ quan này cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt sau từng năm, sau khi Việt Nam tiến hành cải cách các lĩnh vực thuế, pháp luật hải quan, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hiểm. Các chuyên gia đánh giá chính những yếu tố này đã khiến các nhà đầu tư quốc tế chú ý. Việt Nam không có khủng hoảng tiền tệ khi tỷ giá USD tương đối ổn định và được dự báo tăng khoảng 2% trong năm 2015. Nguy cơ khủng hoảng Ngân hàng không xảy ra khi thanh khoản hệ thống được củng cố khủng hoảng nợ công khó xảy ra khi nợ Chính phủ chưa đáng lo ngại. Chính vì thế mà chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong năm 2015 sẽ được nới lỏng để tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế đi kèm với đó là việc lãi suất cho vay sẽ tiếp tục theo khuynh hướng giảm.

* Triển vọng ngành cá tra fillet xuất khẩu:

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2013. Năm 2015, xét về nhiều yếu tố khách quan cơ quan quản lý đánh giá cao thời cơ mới của mặt hàng cá tra xuất khẩu.
Thứ nhất, nhà nước bỏ thuế VAT đầu ra thức ăn nguyên liệu. Thứ hai, do giá dầu giảm nên giá nguyên liệu chế biến thức ăn dự báo cũng giảm 20 - 30%. Hơn nữa, dù ít dù nhiều thì năm 2015 hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết nên "cánh cửa” hội nhập của cá tra có phần rộng mở hơn. Trước cơ hội phát triển mới doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không chỉ tính đến việc mở rộng thì trường xuất khẩu Châu Âu, còn tính đến việc thâm nhập vào thị trường Châu Á khi hiệp định thương mại hàng hóa có hiệu lực.

Bước vào đầu năm 2015, giá cá tra tăng lên 24.200 – 24.500 đồng/kg, đây chính là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của lĩnh vực xuất khẩu. Thời cơ mở ra, DN lớn nhỏ không ngừng lên kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn thì DN xuất khẩu mặt hàng này bị một phen choáng váng vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra fillet. Theo đó, giá thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet nhập khẩu đã lên đến mức 0,97USD/kg trong khi giá thành xuất khẩu của mặt hàng này chỉ ở mức 3 USD/kg. Con số này tăng lên gấp hai lần so với kết quả sơ bộ mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 7 – 2014 là 0,58USD/kg.

Với mức thuế chống bán phá giá cao như hiện nay lợi nhuận DN xuất khẩu cá tra giảm hẳn. Trường hợp, doanh nghiệp Việt Nam có tăng giá xuất khẩu cá tra cũng không được bởi vì thị trường xuất khẩu cá vào các nước đâu chỉ có riêng doanh nghiệp Việt. Hiện nay, cá tra Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh… Như vậy việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet đồng nghĩa với việc mặt hàng này bị thu hẹp thị trường xuất khẩu tại Hoa Kỳ.

* Trên những cơ sở đó, Hội đồng quản trị đã đề ra kế hoạch năm 2015 như sau:

+ Nhanh chóng khai thác lượng vốn đầu tư đã bỏ ra, như hoạt động triệt để công suất nhà máy. Đồng thời triển khai nhanh dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, nhà máy bao bì thủy sản nhằm đảm bảo quy trình sản xuất khép kín nhằm giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu từ đó tăng sức đề kháng cho sản phẩm của công ty trước các đối thủ cạnh tranh.

+ Tiếp tục liên kết với các hộ nuôi cá tra, đảm bảo chủ động 70-80% nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, ổn định cho nhu cầu nguyên liệu nhà máy.

+ Mở rộng đầu tư vùng nguyên liệu đi kèm với xây dựng và phát triển trung tâm giống chất lượng cao.

+ Đưa nhà máy tinh luyện dầu vào vận hành và sẽ hoạt động được 70% công suất thiết kế trong năm 2015. Đồng thời xây dựng thương hiệu dầu ăn của Công ty và sẽ giữ vững vị trí số 1 là nhà sản xuất dầu cá cho hiện tại và tương lai.

+ Mở rộng thị trường xuất khẩu Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước SNG, Ucraina, thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá trên các phương tiện truyền thông nước ngoài.

+ Thiết lập chi nhánh ở một số thị trường mới để tăng cường khả năng bán hàng như Trung Quốc, Nam Mỹ.

+ Tiếp tục giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, cũng như định mức sản xuất.

+ Cải tiến và nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo xây dựng một thương hiệu đẹp với khách hàng.

+ Triệt để khai thác mọi nguồn vốn để đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo chiều sâu.

+ Tăng vốn điều lệ để nâng tỷ lệ vốn tham gia vào các dự án chuẩn bị triển khai nhằm nâng tỷ lệ an toàn cũng như đảm bảo tình hình an ninh tài chính cho Công ty.

Khuyến cáo:

Các báo cáo mà chúng tôi đưa ra chỉ nhằm mục tiêu cung cấp thông tin mà không hàm ý chào bán, lôi kéo, khuyên nguời đọc mua, bán hay nắm giữ chứng khoán. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn thông tin tham khảo.

Xem thêm báo cáo tại:
http://www.phantichcophieu.info
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top