Em sinh 1949, tốt nghiệp lớp 10 phổ thông cấp 3 Ngô Quyền thành phố Hải Phòng (bây giờ là lớp 12) năm 1966, non 17 tuổi. Do vướng mắc về lý lịch gia đình nên em phải tự nguyện đi lao động (kèm thêm tự vệ khu phố) mất 1 năm để đến 1967, em nhận được giấy báo đi học Đại học Tổng hợp, khoa Hóa học.
Tháng 9-1967 nhận được giấy gọi nhập trường với ký mã hiệu T-104 (không phải Tu-104 của Liên Xô sản xuất đâu). Giấy báo nói: mang theo 15 kg tem gạo, 1 con dao rựa để chặt cây, hẹn đón từ 15 đến 20-9-1967, ở cách ga Phổ Yên 1 km với lời dặn: "hỏi đội sản xuất 104"
Thời chiến tranh đi lại cực kỳ khó khăn. Em lên Hà Nội vào tảng sáng, ngồi dặt dẹo ở Bờ Hồ chờ chuyến tầu điện Bạch Mai- Bưởi. Đến Bưởi gặp họ hàng và hỏi đường lên Phổ Yên. Ngay chiều đó em đeo ba lô (15 kg gồm quần áo và đồ dùng, bánh mỳ, đi bộ từ Bưởi đến phà Chèm, may quá chập tối gặp xe bộ đội Molotova (bây giờ gọi là GAZ 63) cho đi nhờ. Ngủ đêm trên xe chờ qua phà mất gần 10 giờ. Sáng sớm thì qua được phà Chèm, xe chạy ven đường đê Đông Trù đến dốc Vân lúc 8 giờ sáng thì dừng lại cho xuống và dặn đón xe đi Phổ Yên.
Cứ ba lô trên vai em đi bộ được gần một giờ (gần đến Cổ Loa, cách Đông Anh chừng 10 km) thì vẫy được một xe tải chở đá dăm. Bác tài nói 2 đồng (lúc ấy to lắm, 2 đồng, tương đương với 15 kg thóc, hoặc là vé xe lửa Hà Nội-Hải Phòng đấy)
Gia đình em “có điều kiện”, và em cũng tích cóp được chút tiền đi làm một năm, nên không có vấn đề gì. Leo lên đống đá dăm, hít không khí trong lành, nhìn con đường QL3 vắng vẻ trong sạch (ban ngày rất ít xe chạy, ban đêm thì xe quân đội chạy nhiều, nhất là xe của bộ đội Trung Quốc chở vật liệu để sửa chữa cầu Đuống và vũ khí cho Việt Nam)
Xe tải này là xe Cỉtroen (Pháp) loại 4,5 tấn, kéo theo một moóc đá nên đi chậm vì thế đến ga Phổ Yên thì bác tài cho xuống với lời dặn: chỗ này là vùng trọng điểm, máy bay Mỹ thường bắn phá.
(Mệt quá, vả lại khuya rồi, mai em post tiếp hầu cụ)
Cụ xem tạm bức hình em chụp tháng 9-2003 ở chỗ QL3 rẽ trái vào tt Bắc Sơn, em sẽ chú giải vào sáng mai vị trí này