Em nghĩ bài viết sau đây của bác Friday Cafe rất có ích cho dân Amateur ABC mình =>
Nhiếp ảnh đời thường là gì?
Thuật ngữ "street photography" trong tiếng Anh vốn đã dễ gây nhầm lẫn (khi thường bị hiểu nhầm thành photos taken on streets - ảnh đường phố), thì thuật ngữ "nhiếp ảnh đời thường" trong tiếng Việt còn tai hại hơn nhiều. Chữ "đời" thì quá chung chung, còn chữ "thường" thì dễ khiến cho mọi người "tầm thường hóa" những bức ảnh thuộc thể loại này. Vì vậy, tôi muốn làm một topic để cùng với mọi người xác định lại, rõ ràng hơn, về định nghĩa của nhiếp ảnh đời thường, các yếu tố cần thiết của nó để phân biệt với các thể loại nhiếp ảnh khác.
1. Định nghĩa:
Đơn giản nhất (tuy chưa đầy đủ), nhiếp ảnh đời thường là về những bức ảnh chụp con người, ở nơi công cộng. Con người ở đây thường được hiểu là những người xa lạ, trong cuộc sống của riêng họ (đang làm, đang đi, đang ... chẳng làm gì cả). Ở nơi công cộng được hiểu là trên đường, trong quán bar/cafe, quảng trường, v.v. chứ ko phải là ở những chỗ "đặc biệt" như studio, vườn hoa. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì chưa đủ.
Có một đặc điểm rất quan trọng là sự tương tác giữa con người và background của bức ảnh (tôi tạm phân 1 bức ảnh đời thường ra thành 2 yếu tố khá "cơ giới" là chủ thể con người, trên cái background là khung cảnh xunh quanh ở nơi công cộng đó). Do vậy, một bức ảnh mà bị xóa nền hòa toàn (bokeh long lanh) để làm nổi một mình chủ thể, mặc dù có thể tạm gọi là "chân dung đời thường" (street portrait), nhưng thường không được xét vào thể loại nhiếp ảnh đời thường.
Ngoài ra, một bức ảnh tuy background ko bị mờ, nhưng ko có đóng góp gì vào ý tưởng của bức ảnh thì cũng ko phải là ảnh đời thường.
Tuy nhiên, nếu bức ảnh có background bị mờ đôi chút do điều kiện khách quan là ánh sáng yếu phải mở khẩu hoặc chỉ để giảm distracting đi đôi chút trong khi vẫn thể hiện được background thì vẫn có thể coi là ảnh đời thường. Ví dụ ở bức ảnh rất hay này của bác namo (background và chủ thể đổi vị trí cho nhau):
Sự tương tác giữa chủ thể và background bao hàm 2 yếu tố: bố cục và khoảnh khắc. Thực ra thì 2 yếu tố này là cần thiết đối với mọi thể loại nhiếp ảnh, nhưng trong nhiếp ảnh đời thường chúng trở nên đặc biệt quan trọng, nếu ko nói là duy nhất, khi mà người chụp ảnh đi ra ngoài chỉ với 1 máy ảnh và ống kính, ko có hắt sáng hay đèn studio để chiếu sáng, không có đồ nghề để sắp đặt, ko có mẫu để "1,2,3 cười nào" (hehe).
- Bố cục, tất nhiên là tình cờ, ko sắp đặt, thường thể hiện một cái gì độc đáo, khác thường (có thể là hài hước, ấn tượng, vui vẻ hay u ám, v.v) thể hiện óc quan sát của người chụp. Nó cũng phải thể hiện được sự liên hệ giữa con người và background, tức là nếu bỏ đi con người thì còn lại là một background rất tầm thường, hoặc nếu bỏ đi background thì trở thành một bức ảnh chân dung dở ẹc.
- Khoảnh khắc. Là một khái niệm khó diễn đạt, nhưng có thể test được nó. Khi chụp một bức ảnh, bạn hãy kiểm tra xem, nếu bạn bấm máy sau đó 1 giây, 1 giờ, 1 ngày thì có khác gì với khi bạn bấm máy ngay lúc đó không. Nếu không khác gì thì tốt nhất là tống nó vào thùng rác!
Khoảng khắc đấy, theo ngôn ngữ sến + trừu tượng, là sự thăng hoa giữa người chụp và đối tượng chụp, khi mà đôi mắt, cảm xúc và tâm hồn của người chụp bắt nhịp được với đối tượng chụp (gồm chủ thể con người và background kia), như tiếng sét (ái tình) vậy, hehe, chúng make love và đẻ ra một tác phẩm độc đáo, ấn tượng ngay giữa chốn công cộng (bậy thật!), ngay giữa cuộc sống dường như là tẻ nhạt đơn điệu hàng ngày.
Theo kinh nghiệm của tôi thì một khi bắt được khoảnh khắc đó, trong trạng thái thăng hoa, lúc đó thì dường như là xoay máy về đâu cũng chụp được ảnh đẹp, kiệt tác cũng rất có thể từ đó mà sinh ra
Ngoài sự tương tác giữa con người với background thì còn một trường hợp nữa là tương tác giữa người và người, có thể có một người làm chủ thể, những người khác hòa thành background, có thể tất cả họ thành chủ thể, hoặc không ai làm chủ thể cả. Bạn hãy thử tưởng tượng như mỗi người là một thực thể tách rời, xa lạ, có hành động và di chuyển ngẫu nhiên trong khung hình, tại một khoảnh khắc nào đó, tình cờ, tất cả họ lại như là được sắp đặt theo một bố cục kì lạ, siêu thực nào đó. Sau đó 1s thì tất cả lại trở nên ngẫu nhiên, rời rạc như cũ. Bắt được khoảnh khắc đó ư? Xin chúc mừng bạn!
Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp khi cả đám đông dường như là một đoàn quân -- giống nhau cả về hướng chuyển động, hành động và vẻ bề ngoài. Nếu bạn thể hiện được điều đó, hoặc tìm ra được sự bất thường trong đám đông đó? Bingo!
2. Những trường hợp không thuộc thể loại "nhiếp ảnh đời thường"
Ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến những bức ảnh tuy đáp ứng được tiêu chí "chụp con người ở nơi công cộng" nhưng chưa đủ "chất" đời thường. Còn những ảnh khác như phong cảnh, macro hay studio thì hiển nhiên ko được xét đến rồi
- Thứ nhất là những ảnh chụp con người ở nơi công cộng nhưng lại được sắp đặt - có thể là chụp ảnh chân dung / thời trang ... trên đường, có thể là người bị chụp lại pose (miệng cười, tay chữ V chẳng hạn) hoặc trở nên "đông cứng" trước ống kính.
Ngoại lệ (gần như là duy nhất trong pool này cho tới nay):
- Thứ hai là những bức ảnh chân dung đời thường, tức là chụp chân dung của một người lạ (ko pose) ở nơi công cộng. Thực ra thì bỏ hay ko những ảnh kiểu này ra khỏi "street photography" cũng đang còn gây tranh cãi. Một số groups về street photography ở Flickr mà nhìn thấy ảnh kiểu này sẽ loại bỏ luôn ko cần suy nghĩ. Một số vẫn cho phép với yêu cầu là ảnh phải có cái gì lạ, ấn tượng. Nhưng nói chung thì hầu hết đều không chấp nhận những bức ảnh tele đứng từ xa chụp trộm, nếu chân dung thì cũng phải có background, với mối liên hệ và có đóng góp nhất định cho tinh thần của bức ảnh.
Ví dụ minh họa: 1,2,3.
- Thứ ba là về những ảnh mang tính phóng sự (ảnh báo chí), đây có lẽ là nhầm lẫn phổ thông nhất, tôi cũng hay mắc lỗi này. Ảnh báo chí và ảnh đời thường như hai anh em ruột vậy, có nhiều điểm giống nhau và nhiều ảnh có thể nằm trong cả 2 thể loại này, nhưng khác biệt cũng ko ít. Xuất phát từ cái tên gây nhầm lẫn (nhiếp ảnh đời thường), từ sự khát khao được chụp con người và cuộc sống, từ thực tế là những người chụp ảnh đời thường cũng hay là các photojournalist, và từ những vinh quanh và tầm ảnh hưởng (do tính thời sự, khả năng tác động tới số đông) của ảnh báo chí đem lại.
Nói một cách đơn giản thì ảnh báo chí mang tính khách quan hơn, phản ánh sự thật (có thể ở mức độ kịch tính nhất) khiến cho người xem bị xúc động, nhưng ko hiểu sai. Còn ảnh đời thường mang tính chủ quan, con người trong ảnh có thể chỉ tình cờ lướt qua, hay làm một việc nào đó, nhưng ý nghĩa của bức ảnh lại khác hẳn, do cảm xúc của người chụp tạo ra (nhưng ko có nghĩa là bóp méo hoặc hạ thấp con người trong ảnh nhé).
Ví dụ, những bức ảnh chụp người lao động đang làm công việc của họ -- làm gốm, trồng lúa, xây nhà, v.v. -- mới nhìn thì có vẻ rất "đời thường" (lao động, cuộc sống tràn đầy mà), những nếu chúng chỉ dừng ở mức mô tả, ghi chép mà ko có điều gì khác lạ, đặc biệt thì vẫn ko thể gọi là ảnh đời thường.
Bức này của tôi chẳng hạn
Nếu dễ dãi thì có thể gọi nó là "đời thường", nhưng thực ra thì ngoài việc mô tả một người đang lao động ra, nó chẳng có cái gì đặc biệt cả!
Ví dụ khác, đó là ảnh chụp những người bán hàng rong, những người đi ăn xin trên đường phố. Từ gây tiếng vang ở đây sẽ là "lao động", "cuộc sống", "nghèo khổ", "đồng cảm", "nhân đạo", v.v. OK, cứ cho là như vậy đi, có thể đăng báo, có thể gây tiếng vang, có thể tạo dư luận nhưng cái bố cục, cái khoảnh khắc trong bức ảnh có diễn tả được điều gì khác không? Mỗi ngày trên đường có hàng nghìn người bán hàng rong, hàng trăm người ăn xin, nếu mà cứ lấy đại một ai đó, chụp một phát chân dung là trở thành ảnh "đời thường" thì liệu có tầm thường quá? Nếu ngày mai, người khác hay chính bạn, cũng chụp những người đó, ở những góc phố đó thì bức ảnh cũ của bạn có vứt đi được ko? Hãy nghĩ về điều đó!
Tôi tình cờ đọc được comment của 1 người giải thích vì sao họ loại bỏ ảnh kiểu đó ra khỏi pool, rằng họ nghĩ như thế gần giống như một dạng "bóc lột" trên sự nghèo khổ của kẻ khác. Tuy nói như này là hơi quá, nhưng nó cũng khiến tôi phải suy nghĩ mỗi khi chụp những ảnh có liên quan (về những con người nghèo khổ).