[Funland] Aleksey Volynets - sách và bài viết

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Tôi tạo mục này giao lưu chia sẻ các bài viết tôi dịch về lịch sử của tác giả Aleksey Volynets phần lớn đăng trên website của TASS.

Bài 1
“Sao cho bài quốc ca vừa là người bạn thân thiết vừa là nguồn cảm hứng…”. Kỷ niệm 140 năm ngày sinh nhà soạn nhạc Aleksandrov

Aleksey Volynets, 13/4/2023
Bản quốc ca nước ta có một số phận gian nan. Được sinh ra giữa cuộc chiến tranh đầy chết chóc, trong các thế hệ tiếp theo, dưới cái ách của hệ thống chính trị, nó được sử dụng chính thức với những phần lời khác nhau. Đã có lúc - thậm chí không có cả phần lời. Chỉ phần nhạc của bài quốc ca là không thay đổi. Nó nổi tiếng không chỉ ở Nga, mà còn vượt xa biên giới đất nước - đây là công lao vĩnh viễn của Aleksandr Aleksandrov. Nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của ông, chúng ta sẽ kể về nhà soạn nhạc kiệt xuất của đất nước.


Từ ca đoàn nhà thờ đến nhạc viện
Người sáng tác tương lai giai điệu chủ đạo của đất nước sinh ngày 13 tháng 4 năm 1883 tại làng Plakhino, gần Ryazan. Cha của ông là hạ sĩ quan đã nghỉ hưu Vasily Aleksandrovich Koptelov, nhưng nông dân thời đó thường không có họ, tài liệu về việc này rất hiếm. Vì vậy, đứa bé sơ sinh được ghi là "Alexandrov" - theo phụ danh [1] của người cha. Tên được đặt để vinh danh ông nội. Vậy là, theo mọi mặt, Aleksandr Vasilyevich Aleksandrov đã ra đời.
Nguồn gốc nông dân vào thời điểm đó không ngụ ý một số phận dễ dàng và một sự nghiệp rực rỡ. Nhưng tác giả tương lai của bài quốc ca đã gặp may với âm nhạc từ khi mới đẻ. Mẹ của ông, Nastasya Nikitichna Aleksandrova (có họ khi mới sinh là Gorbatova [2]), là người đầu tiên trong làng biểu diễn dân ca. Vì vậy, những giai điệu nông dân Nga đã bao quanh con trai bà kể từ tuổi ấu thơ.
Khi lớn lên vào một trường tiểu học zemstvo [3], anh là học trò của Semyon Shagov, người không chỉ là phó tế của nhà thờ Thánh Gioan Tông đồ [4] trong làng, mà còn là nghệ sĩ biểu diễn sử thi dân gian. Cậu bé Sasha [5] được học chơi đàn gió và đàn balalaika từ ông.
Khả năng âm nhạc của cậu bé hát rất hay trong dàn hợp xướng nhà thờ đã được những người xung quanh chú ý. Gia đình cậu có một người thân sống ở Peterburg, và ông này đã giúp tài năng trẻ chuyển đến thủ đô của Đế quốc Nga. Nhờ vậy, con trai người nông dân từ vùng Ryazan trở thành thành viên trong ca đoàn của Thánh đường Kazan [6].
Tại thủ đô, cậu thiếu niên tài năng không bị lạc lõng. Là một trong những ca sĩ giỏi nhất của Thánh đường Kazan, sau khi vượt qua các kỳ thi khó khăn, anh được chọn vào Dàn hợp xướng Triều đình [7]. Ở đó, Aleksandrov không chỉ được đào tạo về âm nhạc cổ điển mà còn hơn một lần được biểu diễn trước hoàng gia.
Bước sang thế kỷ mới, năm 1900, ông vào học Nhạc viện Peterburg - học với Aleksandr Glazunov và Anatoly Lyadov, những nhà soạn nhạc và nhạc trưởng nổi tiếng thời đại đó. Nhưng gốc gác nông dân đã gây trở ngại - chàng trai trẻ không có phương tiện để tiếp tục học hành, cha mẹ anh nghèo và không thể giúp gì. Ở tuổi 20, Alexandrov rời nhạc viện chính của đất nước. Và anh bắt đầu cuộc đời một giáo viên dạy nhạc bình thường - đầu tiên ở Bologoye, sau đó ở Tver, anh làm việc với tư cách quản trị (đứng đầu) các dàn hợp xướng nhà thờ và làm giáo viên dạy hát ở các trường tiểu học và trung học địa phương.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, Aleksandr không quên sự sáng tạo - chính trong những năm đó, anh đã viết ra bản giao hưởng đầu tiên "Thần chết và Cuộc đời" của mình. Anh không từ bỏ ý định hoàn thành chương trình giáo dục âm nhạc nâng cao của mình - năm 1909, anh vào học Nhạc viện Moskva. Anh đã hoàn thành với nó hai lần được huy chương bạc lớn - vào năm 1913 trong lớp sáng tác và vào năm 1916 trong lớp hát.
Aleksandrov là một tài năng, hơn nữa, tài năng âm nhạc của anh có những nét đặc trưng và cội nguồn - sự kết hợp hữu cơ giữa truyền thống âm nhạc dân gian, các quy tắc ca hát trong nhà thờ và âm nhạc cổ điển. Điều này được phản ánh rõ trong hồi ký của một trong những người bạn cùng lớp cùng làng với anh: “Từ hồi tiểu học, Aleksandr đã khiến mọi người ngạc nhiên với tài năng nắm bắt các giai điệu nhà thờ và các bài hát dân gian một cách bay bổng... Tôi nhớ rằng khi ấy anh rất thích các nhạc cụ dân gian - đàn gió và đàn balalaika... Cuối hè, Aleksandr về nghỉ hè ở làng quê và mang theo cây vĩ cầm... "
Từ nhạc lễ cho đến quân khúc
Ngay trước năm 1917, Aleksandrov đã là nhà soạn nhạc có uy tín, một chỉ huy dàn hợp xướng và nhạc trưởng giàu kinh nghiệm, tác giả một bản giao hưởng và hai vở opera. Ông, một người con nông dân, đã chào mừng cách mạng một cách nhiệt thành. Nhưng ông không bao giờ thích chính trị - ông chỉ sống với âm nhạc.
Với sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Nga, chế độ thượng phụ được khôi phục, và vào năm 1918, Thượng phụ Tikhon đã mời Aleksandrov đến Moskva làm trưởng dàn hợp xướng Thánh đường Chúa Cứu thế. Tại thủ đô của nước Nga Xô viết, nhà soạn nhạc không chỉ dẫn dắt dàn hợp xướng trong nhà thờ mà còn giảng dạy tại các trường âm nhạc, hợp tác với các nhà hát thành phố.
Công việc của Aleksandr Aleksandrov trong thời kỳ đó thực sự độc đáo - ông đã đồng thời viết các thánh ca cho lễ nhà thờ và phần nhạc cho những bài hát cách mạng. Năm 1926, ông đã dàn dựng một buổi hòa nhạc tôn giáo "Xin Chúa thương xót con", rồi ngay sau đó - sáng tác "Tập đoàn quân Kỵ binh số 1" và "Bài ca Hạm đội Đỏ".
Năm 1928, Aleksandrov trở thành một trong những người tổ chức lớp nhạc trưởng quân đội, khoa quân sự tương lai của Nhạc viện Moskva. Sau đó, theo gợi ý của Dân ủy (Bộ trưởng) Quốc phòng Voroshilov, nhà soạn nhạc đã tổ chức một đoàn hát tại Nhà Hồng quân Trung ương. Aleksandrov không chỉ mời những quân nhân tài năng mà cả các hợp xướng viên nhà thờ đến với Đoàn hát Hồng quân.
Từ đó trở đi, toàn bộ cuộc đời và lao động của Aleksandr Vasilyevich Aleksandrov sẽ gắn kết với tập thể âm nhạc đến nay vẫn tồn tại và mang tên ông một cách xứng đáng. Tập hợp hàng trăm ca sĩ, vũ công và nhạc sĩ, đoàn ca múa quân đội vào thời điểm thành lập là chưa từng có tiền lệ, là đội ngũ sáng tạo đầu tiên của loại hình này trên thế giới.
Sản phẩm trí tuệ của Aleksandrov đã thành công không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài – đoàn hát đã giành giải Grand Prix tại Triển lãm Thế giới Paris năm 1937. Các tờ báo của Pháp viết: “Ta có thể so sánh một dàn hợp xướng như vậy với cái gì?.. Làm sao mà không bị thu hút bởi sự linh hoạt và tinh tế của các sắc thái, sự thuần khiết của âm thanh, đồng thời là tinh thần đồng đội biến các ca sĩ thành một nhạc cụ tuyệt vời duy nhất. Ban nhạc này đã chinh phục Paris... Một đất nước có những nghệ sĩ như vậy thật đáng tự hào."
Thành công sáng tạo của Đoàn hát Aleksandrov có ý nghĩa khá lớn về mặt chính trị, bởi tại cuộc triển lãm đó, nghệ thuật và thành tựu của Liên Xô đã cạnh tranh công khai với tính thẩm mỹ và công nghệ của Đế chế Đức Quốc xã mới thành lập.
Nhà soạn nhạc Aleksandrov đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại không chỉ với tư cách một nghệ sĩ được vinh danh mà còn với tư cách một quân nhân. Trong vai trò người đứng đầu đoàn quân nhạc chính của đất nước, ông được phong lữ đoàn trưởng[8] từ thập niên 1930.
Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến khủng khiếp, Aleksandr Vasilyevich đã phát huy hết tài năng của mình để chiến đấu với kẻ thù. Bài hát nổi tiếng "Vùng lên, hỡi đất nước rộng lớn"[9] ra đời vào ngày 25 tháng 6 năm 1941. Hôm trước, các tờ báo đã đăng bài thơ "Cuộc chiến tranh thần thánh" của Vasily Lebedev-Kumach. Theo những người chứng kiến, những bài thơ đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Aleksandrov đến nỗi nhà soạn nhạc ngay lập tức lao vào sáng tác nhạc cho nó - ông dùng phấn viết các nốt nhạc lên bảng đen, và các nhạc sĩ trong đoàn hát của ông ngay lập tức học được các hợp âm.
Buổi ra mắt bài hát diễn ra vào buổi tối hôm sau tại nhà ga đường sắt Belorusskaya, từ đó các đoàn tàu quân sự tiến ra mặt trận thành một dòng chảy liên tục. Đồng thời, hầu hết các nhạc sĩ của đoàn đã ra mặt trận.
"Đây là quốc ca của một đất nước hùng mạnh..."
Với bài hát này, Aleksandrov đã bất tử hóa tên tuổi của mình với tư cách là người sáng tạo và nhạc sĩ. Nhưng ông còn có một thành công khác thật khác thường và bất ngờ. Năm 1943, các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của đất nước đã công bố một cuộc thi sáng tạo - yêu cầu sáng tác bài quốc ca mới.
Hơn 170 nhà soạn nhạc đã tham gia cuộc thi, hàng trăm bản nhạc và hàng chục bài thơ đã được trình bày.
Điều gây tò mò là người đứng đầu chính thức của cuộc thi, Nguyên soái Voroshilov, thoạt tiên không nghiêng về bản nhạc của Aleksandrov, mà nghiêng về giai điệu của các nhà soạn nhạc tài năng nổi tiếng không kém là Shostakovich và Khachaturian. Cuộc thi không hề dễ dàng, hơn nữa, việc bản thân Aleksandrov nằm trong số những ứng cử viên cho bài quốc ca, cũng không hẳn hoàn toàn theo mong muốn cá nhân của ông. Như ta đã biết, tác giả của bài thơ mà cuối cùng được đưa thành lời bài hát chính của đất nước là các nhà thơ Sergei Mikhalkov và Gabriel El-Registan. Mikhalkov kể lại việc bắt tay vào viết lời của bài quốc ca như sau: "Chúng tôi nhớ đến "Bài tụng ca của Đảng Bolshevik"[10] thường được nghe trên đài phát thanh với lời của V.I. Lebedev-Kumach trên nền nhạc của A.V. Aleksandrov. Chúng tôi quyết định lấy câu đầu tiên của bài hát này làm cơ sở cho thể thơ..."
Tuy nhiên, lựa chọn của Mikhalkov và El-Registan hoàn toàn không xác định trước ai là người chiến thắng trong phần âm nhạc. Các nhà thơ là những người đầu tiên gửi phiên bản quốc ca của họ không phải cho Aleksandrov, mà cho Shostakovich. Trong trận chung kết của cuộc thi, hai nhà soạn nhạc này đã phải đấu lấy giải giai điệu chính của đất nước.
Tháng 12 năm 1943, sau khi nghe tất cả các biến thể của bản nhạc quốc ca, Stalin bắt đầu nghiêng về giai điệu của Alexandrov. Nguyên soái Voroshilov sau đó phản đối rằng giai điệu này chỉ có thể được biểu diễn tốt bởi chính đoàn hát của Aleksandrov. Voroshilov được hỗ trợ bởi Mikhail Khrapchenko, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật (tức là Bộ trưởng Bộ Văn hóa thời đó), lưu ý rằng "một người bình thường sẽ rất khó hát bài quốc ca này". Và khi ấy, như chính Khrapchenko sau này nhớ lại, Stalin không phản đối - trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đơn giản là hát lên giai điệu của Aleksandrov.[11]
Theo Mikhalkov, khi kết thúc cuộc thi, nhà lãnh đạo Liên Xô đã nói với Shostakovich: "Bài nhạc của anh nghe rất du dương, nhưng anh không thể hơn được, bởi bản quốc ca của Aleksandrov phù hợp hơn vì âm điệu trang nghiêm. Đây là quốc ca của một đất nước hùng mạnh, nó phản ánh sức mạnh của nhà nước và niềm tin vào chiến thắng".
Vậy là từ ngày 1-1-1944, Tổ quốc ta, đang trên đường tới chiến thắng, đã tìm ra được giai điệu chủ đạo[12]. Nhưng chúng tôi xin lưu ý rằng Aleksandrov, với tất cả tầm quan trọng của quốc ca, trong những ngày đó có những nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng. Trong những năm chiến tranh, đoàn hát của ông đã tổ chức hơn 1,5 nghìn buổi biểu diễn ngoài mặt trận, nâng cao tinh thần của những người lính Xô viết.
Bản thân nhà soạn nhạc chỉ sống thêm một thời gian ngắn sau lần vinh quang ấy và chiến thắng chung cuộc. Mùa hè của năm đầu tiên sau chiến tranh, trong chuyến công du của đoàn tới các đơn vị quân đội ở trung tâm Châu Âu, Aleksandr Aleksandrov đã dừng chân ở Berlin, nơi ông ở lại một ngày. Hôm đó là ngày cuối cùng của đời ông - đêm 8 tháng 7 năm 1946, Aleksandr Vasilyevich qua đời trong giấc ngủ. Tim ngừng đập.
Đối với chúng ta, giai điệu của ông vẫn sống. Cả giai điệu này lẫn bài quốc ca của chúng ta, mà chính nhà soạn nhạc đã nói đến như sau: "Trong bài quốc ca Liên Xô, tôi muốn kết hợp các thể loại của một cuộc hành quân chiến thắng, một bài hát dân gian, một bản trường ca sử thi Nga mênh mông... Tôi muốn sao cho bài quốc ca vừa là người bạn thân thiết vừa là nguồn cảm hứng cho mọi công dân".

[1] Cấu trúc tên họ người Nga gồm “tên” + “phụ danh” + “họ”. Ví dụ Aleksandr Vasilyevich Aleksandrov được hiểu là ông Aleksandr con trai Vasily họ nhà Aleksandrov. Trong giao tiếp, người ta thường gọi theo tên kèm phụ danh (Aleksandr Vasilyevich) để tỏ ý trân trọng. - ND
[2] Đối với phụ nữ Nga, khi khai sinh sẽ mang họ cha, sau khi lấy chồng thì sẽ mang họ chồng. - ND
[3] Zemstvo: sau cuộc giải phóng nông dân 1861, dưới sự cháp thuận của Sa hoàng Aleksandr II, tại các đơn vị hành chính ở mỗi địa phương tổ chức những hội đồng tự quản dân bầu (ở mỗi huyện và lên đến cấp tỉnh) gọi là zemstvo. Mỗi zemstvo gồm 1 đại diện chính quyền và ban đại diện dân bầu bao gồm đủ 5 tầng lớp xã hội (đại địa chủ, điền chủ nhỏ, phú thị dân, thị dân, nông dân). Các zemstvo có thẩm quyền và sự độc lập nhất định để giải quyết các vấn đề dân sự tại địa phương. - ND
[4] Thánh Gioan Tông đồ (Иоанн Богослов / John the Apostle): một trong 12 tông đồ của Chúa Giê-su. - ND
[5] Sasha: tên gọi thân mật của Aleksandr. - ND
[6] Thánh đường Kazan: Kazanskiy Kafedralniy Sobor, còn gọi là Thánh đường Đức Mẹ Kazan, là một nhà thờ của Nhà thờ Chính thống Nga trên đại lộ Nevsky Prospekt ở Saint-Petersburg. Nó được dành riêng cho Đức Mẹ Kazan, một trong những biểu tượng được tôn kính nhất ở Nga. - ND
[7] Dàn hợp xướng Triều đình (Придворная Певческая капелла): Được thành lập khoảng năm 1740 theo sắc lệnh Nữ hoàng Anna Ioannovna. Là dàn đồng ca nghệ thuật và có tổ chức duy nhất của quốc gia, Dàn hợp xướng Triều đình tham gia vào tất cả các sự kiện âm nhạc được tổ chức tại thủ đô. Dàn hợp xướng mang đến cho sân khấu opera nhiều nghệ sĩ độc tấu được biết đến rộng rãi trong giới âm nhạc thời bấy giờ. Mikhail Ivanovich Glinka từng giữ chức giám đốc Dàn hợp xướng từ 1837-1840. Năm 1883, Mily Alekseevich Balakirev được bổ nhiệm làm giám đốc Dàn hợp xướng, còn Nikolai Andreevich Rimsky-Korsakov làm phó cho ông. Sự cộng tác giữa Balakirev và Rimsky-Korsakov trong 10 năm là cả một kỷ nguyên phát triển việc biểu diễn, giáo dục và đào tạo trong Dàn hợp xướng. - ND
Nguồn tham khảo: https://capella-spb.ru/ru/tvorcheskij-sostav/pevcheskaya-kapella
[8] Kombrig (комбриг, viết tắt của командир бригады): cấp bậc lữ đoàn trưởng trong Hồng quân Công Nông thời kỳ trước 1940 (tương đương cấp thiếu tướng sau 1940) và được quen gọi tới tận năm 1943. - ND
[9] “Vùng lên, hỡi đất nước rộng lớn” (Вставай, страна огромная!) còn có tên là “Cuộc chiến tranh thần thánh” (Священная война): nhạc A. Alexandrov, lời V. Lebedev-Kumach. - ND
[10] Chúng ta có thể nghe bản năm 1938:
[11] Dmitri Dmitrievich Shostakovich sẽ không bao giờ quên thất bại đau đớn này. Trong hồi ký “Lời khai” (chỉ xuất bản sau khi ông mất) của mình, Shostakovich công khai sự xem thường đối với Đoàn hát Hồng quân Aleksandrov và tất cả những gì liên quan đến nó. - ND
[12] Cho tới trước lúc này, Liên Xô sử dụng bài “Quốc tế ca” làm bài quốc ca. - ND

P/S: năm 2016, người dịch có tới Nghĩa trang Vagankovo và hỏi tìm mộ cụ nhưng không một ai biết. Đọc cuốn hồi ký của Shostakovich thấy cụ Shos chê bai cụ Alex là tầm thường, nhưng chắc do bản quốc ca của cụ Shos không được Stalin chọn nên các thiên tài đâm không ưa nhau.
 
Chỉnh sửa cuối:

XSim

Xe container
Biển số
OF-698009
Ngày cấp bằng
8/9/19
Số km
9,810
Động cơ
902,854 Mã lực
Hai tác phẩm của cụ Alexandrov trong bài đã đi vào lịch sử Liên Xô và nước Nga sau này.

Quốc ca Liên Xô
Cuộc chiến tranh thần thánh, biểu diễn bởi đoàn nhạc Alexandrov
 

Mầu Diệu Thảo

Xe cút kít
Biển số
OF-159482
Ngày cấp bằng
5/10/12
Số km
15,061
Động cơ
540,649 Mã lực
Chịu, một khối chữ dài dằng dặc, còn màu mè nữa.
Chờ cụ dưới tóm tắt.
 

XSim

Xe container
Biển số
OF-698009
Ngày cấp bằng
8/9/19
Số km
9,810
Động cơ
902,854 Mã lực
Chịu, một khối chữ dài dằng dặc, còn màu mè nữa.
Chờ cụ dưới tóm tắt.
Cụ ấy chia sẻ bài viết về cuộc đời tác giả Quốc ca Liên Xô và cũng là Quốc ca Nga ngày nay (đã sửa lại lời). Nhạc sĩ Alexandrov cũng là tác giả Cuộc chiến tranh thần thánh, bài hát được cất lên đầu tiên trong mỗi lần duyệt binh chiến thắng phát xít ở Liên Xô và Nga sau này.
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Glinka suýt nữa thì là tác giả quốc ca Nga
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Alexey Volynets: Nếu quân nhân CHDCND Triều Tiên xuất hiện ở Donbass, chúng ta sẽ thấy rất nhiều sự cuồng loạn gây tò mò ở phương Tây

https://ukraina.ru/20240627/1055888302.html

Lực lượng vũ trang Ukraine có lực lượng dự bị về kỹ thuật và nhân lực để thực hiện một cuộc phản công mới. Nhưng mọi thứ sẽ kết thúc giống như vào năm 2023. Tuy nhiên, không cần thiết phải tự lừa dối mình. Lực lượng vũ trang Nga cũng chỉ có thể thực hiện một cuộc tấn công hạn chế mang tính chiến thuật, có lẽ mang lại rất ít kết quả hoạt động. Cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho những đột phá chiến lược và bao vây các thành phố.
Nhà báo và nhà báo Nga, nhà văn, tác giả của nghiên cứu lịch sử “Những khẩu pháo gỗ của Trung Quốc và Nga giữa Liên minh và Xung đột” Alexey Volynets đã nói về điều này trong một cuộc phỏng vấn với Ukraina.ru.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov không bình luận về thông tin CHDCND Triều Tiên sẽ cử lực lượng xây dựng và công binh quân sự tham gia công tác khôi phục ở CHDCND Triều Tiên.
- Alexey, trên kênh TG của mình, bạn đã viết rằng sau khi ký kết hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau giữa Nga và CHDCND Triều Tiên, một liên minh quân sự-chính trị của các cường quốc hạt nhân đã nổi lên như một giải pháp thay thế cho NATO phương Tây. Nếu Bình Nhưỡng thực sự cử lực lượng xây dựng quân sự tới Donbass, liệu phương Tây có coi đây là sự tham gia trực tiếp của Triều Tiên vào cuộc chiến ở Ukraine?
- Không khó để dự đoán điều này, bởi vì truyền thông phương Tây “yêu” Triều Tiên và lần nào cũng chỉ trích: hoặc một vị tướng Triều Tiên được cho là sẽ bị xử bắn bằng pháo phòng không, hoặc điều gì khác. Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi khá nhiều sự cuồng loạn thú vị trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Tôi nghĩ giới lãnh đạo quân sự phương Tây hiểu rằng chúng ta chưa nói về việc tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột quân sự.
Là một người đã đến thăm Mariupol vào năm 2022 và tháng 5 năm ngoái, tôi hiểu rằng ở đó cần có công nhân xây dựng và người Triều Tiên hoàn toàn có khả năng làm việc này, và trước khi áp dụng lệnh trừng phạt, đã có khá nhiều công nhân xây dựng người Triều Tiên làm việc ở Nga. Họ được mô tả là những người làm việc tốt và không gây ra vấn đề di cư.
- Nếu thông điệp này là đúng, thì chúng ta vẫn đang nói về những quân nhân sẽ ở trong khu vực chiến đấu, nơi không loại trừ tử vong và thương tích. Liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra một cuộc xung đột mới, bao gồm cả trên Bán đảo Triều Tiên?
- Các sự kiện hiện đang diễn ra với tốc độ chóng mặt đến mức không thể loại trừ được điều gì. Một cuộc chiến tranh lạnh mới chỉ cách một cuộc chiến tranh thế giới mới vài bước. Có thể có bất kỳ lựa chọn nào, bao gồm cả phản ứng không thỏa đáng từ phía Hàn Quốc.
- Phản ứng của Seoul trước các liên hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã diễn ra theo sau. Lần đầu tiên sau 7 năm, Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật gần biên giới Triều Tiên. Phản ứng của Nga sẽ ra sao nếu xung đột trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt?
- Các cuộc diễn tập quân sự nghiêm túc thường được tổ chức ở hai bên vĩ tuyến 38. Người Mỹ hàng năm tiến hành các cuộc tập trận của các nhóm tàu sân bay tấn công hạt nhân ngoài khơi Triều Tiên. Nhưng không ai chú ý đến điều này cho đến năm 2022.
Là một người đã đến thăm Triều Tiên nhiều lần, tôi biết rằng người Hàn Quốc luôn thúc đẩy việc xuất hiện bom hạt nhân bởi việc Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tập trận nghiêm túc hàng năm. Vì vậy, đây không phải là điều mới mẻ đối với người Triều Tiên. Cũng có khả năng Nga sẽ tham gia vào các sự kiện này theo cách nào đó theo thỏa thuận đã ký kết.
- Sau thảm kịch ở Sevastopol, khi dân thường thiệt mạng trong một cuộc tấn công tên lửa của Lực lượng vũ trang Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga đã trực tiếp cáo buộc quân đội Mỹ rằng tất cả các nhiệm vụ bay của tên lửa tác chiến-chiến thuật ATACMS đều do các chuyên gia Mỹ thực hiện. Phải chăng phía Nga cố tình tránh bắn hạ UAV Mỹ trên Biển Đen để không leo thang xung đột?
- Cho đến gần đây, chúng tôi vẫn tránh tương tác mạnh mẽ với các máy bay không người lái trinh sát trên Biển Đen. Gần đây, xuất hiện thông tin cho biết một máy bay không người lái đã bị bắn hạ hoặc bị đuổi đi. Nhưng hiện tại, tất cả đều là tin đồn trên Internet.
Được biết, lực lượng Houthi đã bắn hạ các UAV trinh sát và tấn công như vậy và đã có video xác nhận. Trong tương lai gần, chúng ta không thể làm gì nếu không leo thang xung đột hơn nữa. Ở mức tối thiểu, vùng cấm bay phải được thiết lập trên một số phần của biển.
Và quân đội Mỹ thực sự phải chịu trách nhiệm về mọi việc, bởi vì Lực lượng vũ trang Ukraine với tư cách là quân đội đã kết thúc vào năm 2023. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ về tình báo và tỷ lệ hỗ trợ vật chất cao, Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị đánh bại. Nếu không có quân đội phương Tây, cuộc chiến, trong những kịch bản tốt nhất đối với Lực lượng vũ trang Ukraine, sẽ kết thúc trong vòng một năm rưỡi. Nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật quân sự từ phương Tây, Lực lượng vũ trang Ukraine có thể đã sụp đổ vào năm ngoái.
- Việc cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte xác nhận chức vụ Tổng thư ký NATO trùng hợp với thực tế là đang có tin đồn về một cuộc tấn công mới của Lực lượng vũ trang Ukraine. Ngoài ra, phóng viên quân sự Sladkov mới đây đưa tin rằng hiện nay Lực lượng vũ trang Ukraine đã đáp trả 3 phát đạn từ phía chúng tôi bằng 20 phát đạn, mặc dù một tuần trước mọi thứ lại diễn ra ngược lại. Phải chăng Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ cố gắng phục hồi sau thất bại một năm trước?
- Theo những gì tôi thấy, Lực lượng Vũ trang Ukraine có lực lượng dự bị về kỹ thuật và nhân lực để thực hiện một cuộc phản công mới. Nhưng những nỗ lực này sẽ giống như vào năm 2023.
Nhưng không cần phải tự lừa dối mình. Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga cũng chỉ có thể thực hiện một cuộc tấn công hạn chế với kết quả hoạt động mang tính chiến thuật, có lẽ là nhỏ. Cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho những đột phá chiến lược và bao vây các thành phố.
- Rutte đã được đề cập và ứng cử viên cho vị trí người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu, Kaya Kallas, nổi tiếng là những người bài Nga. Có phải chúng ta đang mong đợi một sự leo thang thậm chí còn lớn hơn liên quan đến sự xuất hiện của những người này vào các vị trí chủ chốt trong cơ cấu chính trị quân sự của phương Tây?
- Chắc chắn rồi. Phương Tây quyết tâm tiếp tục cuộc chiến này. Miễn là nó có tâm trạng và khả năng cho việc này. Chúng tôi đã biết thái độ của Hà Lan đối với chúng tôi từ năm 2014, sau vụ tai nạn máy bay Boeing, họ ngay lập tức đổ lỗi cho Nga mà không bao giờ nghi ngờ về phiên bản kỳ lạ này. Vì vậy, với sự xuất hiện của những kẻ bài Nga chuyên nghiệp này, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng leo thang.
Về cuộc đàm phán giữa người đứng đầu bộ quốc phòng Nga và Hoa Kỳ trong bài viết Về máy bay không người lái trong chiến thắng của chúng ta. Phương Tây tiếp tục thuyết phục Nga tham gia vào cuộc đấu tranh của mình
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
“Người Đức coi mối nguy hiểm ở phương Tây là một trò lừa bịp”: họ đã trì hoãn việc mở mặt trận thứ hai như thế nào
Aleksey Volynets - nhân kỷ niệm 80 năm ngày lực lượng đồng minh của Hoa Kỳ và Anh đổ bộ vào Normandy
https://tass.ru/opinions/20979487

“Tình hình quân sự của Liên Xô sẽ được cải thiện đáng kể nếu một mặt trận chống Hitler được mở ở phía Tây…” – đó là những lời của Joseph Stalin trong thông điệp gửi Churchill tháng 7 năm 1941. Nhưng gần hai năm trôi qua trước khi một mặt trận như vậy xuất hiện ở trung tâm châu Âu. Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra trước cuộc đổ bộ nổi tiếng ở Normandy và tại sao nó chỉ diễn ra vào cuối Thế chiến.

"Sự kháng cự của Nga mang đến cho chúng ta những cơ hội mới ..."
Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giúp các bạn…” - cụm từ trong thông điệp đầu tiên mà Thủ tướng Đế quốc Anh gửi đến người đứng đầu Liên Xô, được gửi ngay sau cuộc tấn công của Adolf Hitler vào Liên Xô. Thông điệp chứa đựng sự ngưỡng mộ rất tâng bốc đối với Hồng quân, nhưng không có gì hơn - Thủ tướng Winston Churchill, trong khi đảm bảo sự giúp đỡ của ông, lại không hứa hẹn bất cứ điều gì cụ thể. Stalin nói rõ hơn nhiều trong câu trả lời của mình: “Một mặt trận ở phía bắc nước Pháp có thể đẩy lùi lực lượng của Hitler từ phía đông… Tôi có thể tưởng tượng ra khó khăn khi tạo ra một mặt trận như vậy, nhưng đối với tôi, có vẻ như, bất chấp những khó khăn đó, nó phải được tạo ra không chỉ vì lợi ích chung của chúng ta mà còn vì lợi ích của chính nước Anh."

Từ lời kêu gọi này, được gửi đến London ngày 18 tháng 7 năm 1941, thật đáng để điểm lại lịch sử của Mặt trận thứ hai - mặt trận của các nước Đồng minh phương Tây, Anh và Mỹ, chống lại Hitler. Từ đây cho đến khi đổ bộ vào Normandy, 1.054 ngày sẽ trôi qua. Và suốt những ngày tháng này, vấn đề về mặt trận thứ hai vẫn là vấn đề then chốt trong giao tiếp ngoại giao của Liên Xô với những nước khác tham gia liên minh chống Hitler.

Hơn nữa, vấn đề mặt trận thứ hai có lẽ là thời điểm duy nhất đôi khi trong giọng điệu thận trọng và cực kỳ lịch sự ở các thông điệp của Stalin gửi chính quyền phương Tây bộc lộ sự khó chịu rõ ràng.

Bọn Đức coi mối đe dọa ở phía Tây là một trò lừa bịp và chuyển toàn bộ lực lượng của chúng từ phía Tây sang phía Đông mà không bị trừng phạt, tin chắc rằng không có và sẽ không có bất kỳ mặt trận thứ hai nào ở phía Tây... Tôi nghĩ rằng có chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi tình huống này: thành lập mặt trận thứ hai trong năm nay ở đâu đó ở Balkan hoặc ở Pháp... Tôi hiểu rằng thông điệp này sẽ khiến Quý ngài vất vả
Trích thư của Josif Stalin gửi Winston Churchill vào tháng 9 năm 1941

Khi đó Liên Xô đang chịu những thất bại nặng nề, quân đội Hitler đã tiến sâu vào lãnh thổ đất nước, trong khi Đế quốc Anh với các thuộc địa và lãnh thổ thống trị ở Úc, Canada, Ấn Độ và Châu Phi có lực lượng dự bị ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Nhật Bản vẫn chưa tham gia trận chiến chống lại các đồng minh phương Tây của chúng ta, và Moskva, khi quan sát đội hình xe tăng của Hitler đang lao về phía mình, tin tưởng một cách hợp lý rằng sự trợ giúp hiệu quả nhất sẽ là việc đổ bộ quân Anh vào hậu phương Châu Âu của Đệ tam Đế chế.

Điều này cũng được hiểu rõ ở Anh quốc. “Sự kháng cự của người Nga mang lại cho chúng ta những cơ hội mới… Nó tạo ra một tình thế gần như mang tính cách mạng ở tất cả các quốc gia bị chiếm đóng và mở ra 2 nghìn dặm bờ biển cho cuộc đổ bộ của quân Anh. Tuy nhiên, quân Đức có thể chuyển các sư đoàn của họ về phía đông mà không bị trừng phạt, bởi vì các tướng lĩnh của chúng ta vẫn coi lục địa là vùng cấm đối với quân Anh..." - chính trị gia có ảnh hưởng người Canada William Aitken, còn được gọi là Lord Beaverbrook, người lúc đó lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc phòng của Đế quốc Anh, đã báo cáo với chính phủ London.

Đồng minh Anh đã không vội vàng mang hết sức lực giúp đỡ Liên Xô. London có cả lý do khách quan và chủ quan cho việc này. Chiến dịch đổ bộ chiến lược quả thực vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Ngoài ra, giới tinh hoa của Anh hoàn toàn không sẵn sàng hy sinh xương máu của mình vì đối tác Liên Xô, những người cho đến tháng 6 năm 1941 vẫn bị coi là đối thủ và thậm chí là kẻ thù.

"Tạo ra những khó khăn đặc biệt cho Liên Xô ..."
Sự nhiệt tình đối với mặt trận thứ hai càng tăng lên khi Hoa Kỳ mở cửa tham gia vào chiến tranh thế giới. Kể từ tháng 12 năm 1941, Washington rơi vào tình trạng chiến tranh không chỉ với Nhật Bản mà còn với Đức và tất cả các đồng minh châu Âu của Hitler. Tiềm năng kinh tế ấn tượng của Hoa Kỳ cho phép chúng ta hy vọng vào sự xuất hiện tương đối nhanh chóng của quân đội Mỹ ở châu Âu. Ngoài ra, vào mùa xuân năm 1942, Tổng thống Franklin Roosevelt, khi lựa chọn giữa mặt trận Thái Bình Dương và châu Âu, đã trực tiếp vạch ra ưu tiên nỗ lực chống lại Hitler – Đệ tam Đế chế với các vệ tinh của nó nguy hiểm hơn nhiều đối với Hoa Kỳ so với Nhật Bản.

Roosevelt, một chính trị gia rất giàu kinh nghiệm, cũng tính đến tình cảm của công chúng các nước phương Tây, nơi nhu cầu hỗ trợ hiệu quả hơn cho Liên Xô đang căng mình chiến đấu ngày càng lớn.

Nhân dân nước ngài và nhân dân chúng tôi đang yêu cầu một mặt trận có thể giảm bớt áp lực cho người Nga, và những người dân này đủ khôn ngoan để nhận ra rằng người Nga ngày nay đang giết nhiều quân Đức hơn và phá hủy nhiều thiết bị hơn cả nước ngài và tôi cộng lại
Trích thư của Franklin Delano Roosevelt gửi Winston Churchill vào tháng 4 năm 1942

Đầu mùa hè năm đó, Vyacheslav Molotov, Dân ủy (Bộ trưởng) Ngoại giao Liên Xô, đã đến thăm Washington và London. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Liên Xô và chính quyền hai cường quốc lớn nhất phương Tây đã ký thông cáo chung, tuyên bố về ý định quân sự - chính trị với cụm từ then chốt và rất cụ thể: “Trong quá trình đàm phán, đã đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh về nhiệm vụ cấp bách là thành lập mặt trận thứ hai ở châu Âu vào năm 1942.”

Ở Liên Xô, trước cuộc tấn công chiến lược mới của Hitler về hướng Volga, tin tức này đã được đón nhận với sự nhiệt tình dễ hiểu. “Việc thành lập mặt trận thứ hai ở châu Âu sẽ tạo ra những khó khăn không thể vượt qua cho quân đội của Hitler trên mặt trận của chúng ta. Hãy hy vọng rằng kẻ thù chung của chúng ta sẽ sớm cảm nhận được kết quả của sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của ba cường quốc…” - trích từ biên bản cuộc họp của Hội đồng tối cao (Quốc hội) Liên Xô.

Than ôi, tuyên bố về ý định đã ký với các đồng minh phương Tây vẫn chỉ là một tuyên bố. Cả năm 1942 và thậm chí cả năm 1943, mặt trận thứ hai đều không xuất hiện ở châu Âu theo nghĩa mà Liên Xô đang chảy máu đang mong chờ.

Sự khó chịu và thất vọng nặng nề nhất thể hiện qua những bước ngoặt ngoại giao trong thông điệp của Stalin, được gửi tới Washington cho Tổng thống Roosevelt vào đầu mùa hè năm 1943, trước Trận chiến Kursk hùng tráng:
Hiện tại, ngài cùng với ngài Churchill đang đưa ra quyết định hoãn cuộc xâm lược Tây Âu của Anh-Mỹ cho đến mùa xuân năm 1944. Nghĩa là, việc mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu, vốn đã bị hoãn lại từ năm 1942 đến năm 1943, lại bị hoãn lại, lần này là đến mùa xuân năm 1944. Quyết định này của ngài gây khó khăn đặc biệt cho Liên Xô, nước đã hai năm nay tiến hành chiến tranh chống lại các lực lượng chính của Đức và các nước vệ tinh của nó với nỗ lực tối đa của tất cả các lực lượng của mình... Không cần phải nói, sự trì hoãn mới này đối với mặt trận thứ hai sẽ tạo ra ấn tượng thật nặng nề và tiêu cực ở Liên Xô – cả trong nhân dân lẫn quân đội

"Đây có thể là thảm họa tồi tệ nhất từ trước đến nay..."
Việc đổ quân giả định vào châu Âu đã gây ra những bất đồng và tranh chấp không chỉ giữa Liên Xô và các đồng minh Anh-Mỹ, mà còn ở khu vực phía Tây của liên minh chống Hitler. Các tài liệu lưu trữ được tiết lộ sau chiến tranh cho thấy người Mỹ đam mê mặt trận thứ hai hơn nhiều so với người Anh. Chính phủ và bộ chỉ huy quân sự Anh, vốn bị gánh nặng bởi trải nghiệm đau buồn ở Dunkirk, đã công khai lo sợ trước viễn cảnh một cuộc đổ bộ quy mô lớn vào Pháp. Trong khi các chính trị gia và quân nhân Mỹ, nhận thức được tiềm năng kinh tế và kỹ thuật của mình, ban đầu ủng hộ một cuộc tấn công quyết định vào Tây Âu. Tướng Dwight David Eisenhower, tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, thậm chí còn xây dựng một kế hoạch chi tiết cho việc đổ bộ nhiều sư đoàn vào các bến cảng của Pháp vào đầu năm 1942. Nhưng dự án đầy tham vọng có mật danh Operation Roundup vẫn nằm trên giấy.

Các yếu tố khác cũng góp phần vào sự bất hòa trong phe Đồng minh phương Tây. Khi bắt đầu cuộc chiến, Tổng thống Roosevelt chưa hiểu rõ về Liên Xô và lo sợ rằng nếu không có mặt trận thứ hai, Moskva sẽ bị đánh bại bởi Hitler, kẻ sẽ trở thành kẻ thống trị không thể thách thức ở lục địa châu Âu. Ở London, họ đánh giá tình hình đầy đủ hơn, nhưng không vội hy sinh mạng sống của người Anh để hỗ trợ Liên Xô một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, Thủ tướng Churchill còn bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm cá nhân của ông về các chiến dịch đổ bộ không thành công và cực kỳ đẫm máu trong Thế chiến thứ nhất.

Kết quả là, như chúng ta đã biết, cách tiếp cận của Anh đã chiếm ưu thế trong quân Đồng minh - thay vì đổ bộ quyết định vào Pháp, các hoạt động đổ bộ bắt đầu ở vùng ngoại vi xa xôi của một chiến trường quân sự quy mô lớn. Đầu tiên ở Bắc Phi, sau đó ở Sicily. Chiến lược này không chỉ ít rủi ro hơn mà còn phù hợp hơn nhiều với lợi ích thuộc địa của Đế quốc Anh.

Khi các cuộc đụng độ với lực lượng mặt đất của Đức ngày càng gia tăng, nhiệt tình ban đầu của các tướng Mỹ giảm dần. Quân Đức tỏ ra là kẻ thù mạnh nhất, vượt trội rõ ràng về kỹ năng chiến thuật và hiệu quả chiến đấu, bất chấp ưu thế về quân số của quân Anh-Mỹ.

Ngay cả khi không thể trì hoãn cuộc đổ bộ vào Pháp vì lý do chính trị, cả người Anh lẫn người Mỹ đều tồn tại các nghi ngờ nghiêm trọng. Chỉ một ngày trước cuộc đổ bộ lên Normandy ngày 5/6/1944, Tổng tham mưu trưởng Đế quốc Anh, Alan Brooke, đã trực tiếp chia sẻ nỗi lo ngại của mình: “Tôi vẫn lo lắng về toàn bộ chiến dịch này. Trường hợp tốt nhất thì kết quả vẫn rất xa so với những gì đa số người dân mong đợi... Trường hợp tệ nhất, nó có thể trở thành thảm họa tồi tệ nhất trong toàn bộ cuộc chiến."

Một dấu hiệu rõ ràng về nỗi sợ hãi quá mức và sự lo lắng chính đáng là một sự thật từ tiểu sử của Tướng Eisenhower người Mỹ. Đến tháng 6 năm 1944, ông giữ chức Tư lệnh Đồng minh Tối cao ở Châu Âu, tức là ông chỉ huy toàn bộ lực lượng dự định đổ bộ Normandy. Sau khi đổ bộ thành công, phụ tá của Eisenhower tìm thấy trong túi áo khoác của mình một văn bản soạn sẵn về lời kêu gọi chính thức trong trường hợp thất bại: “Cuộc đổ bộ của chúng tôi không dẫn đến việc giữ lại đầu cầu, và tôi đã quyết định rút quân. Cuộc tấn công vào lúc này và ở nơi này dựa trên thông tin mà tôi có sẵn. Lục quân, không quân và hải quân đã làm tất cả những gì mà lòng dũng cảm và sự tận tâm với nghĩa vụ có thể làm được. Nếu có ai phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của nỗ lực này, thì đó chỉ là mình tôi thôi."

Với đường ống và kẹo cao su
Chính trị, thậm chí cả chính trị đồng minh, là một thứ khá yếm thế. Vì vậy, mọi tuyên bố mang tính đạo đức chống lại người Anh và người Mỹ rằng họ đã không vội vã chết vì chúng ta trong những năm 1942–1943 vẫn chỉ là lời nói khoa trương. Trong lĩnh vực đạo đức, kết luận của một số nhà sử học và nhà phân tích quân sự, bao gồm cả những người phương Tây, có sức thuyết phục hơn nhiều, cho rằng nước Đức của Hitler có thể đã bị đánh bại sớm hơn nếu Mỹ và Anh không bị phân tâm bởi các chiến trường quân sự biệt lập như Châu Phi và Ý.

Nhưng vào ngày kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ nổi tiếng vào Normandy, chúng ta sẽ không chỉ ghi nhận những tuyên bố lịch sử mà còn bày tỏ lòng kính trọng đối với các đồng minh cũ của chúng ta. Vào ngày hôm đó, ngày 6 tháng 6 năm 1944, họ đã hoàn thành một điều chưa từng có trước đây - sự kiện này cho đến ngày nay vẫn là cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử loài người.

Hàng chục cuốn sách chi tiết đã được viết về quá trình chuẩn bị và tiến độ của Chiến dịch Overlord. Tuy nhiên, chúng ta hãy lưu ý những sự thật quan trọng nhất. Đồng thời, 156 nghìn bộ binh đã đổ bộ, được hỗ trợ bởi 196 nghìn thủy thủ, với sự tham gia của gần 7 nghìn tàu các loại - từ sà lan đến tàu sân bay. Gần 12 nghìn máy bay Anh và Mỹ đã tham gia chiến dịch.

Sớm hơn một chút so với cuộc đổ bộ của hải quân, vào đêm ngày 6 tháng 6 năm 1944, cuộc tấn công đường không lớn nhất trong lịch sử đã được thực hiện. Hơn 3 nghìn máy bay và tàu lượn đã vận chuyển 24 nghìn binh sĩ, 567 xe cộ, 362 khẩu pháo, hàng trăm tấn đạn dược và thậm chí 18 xe tăng từ Anh sang Pháp.

Để chuẩn bị cho một chiến dịch chưa từng có, các đồng minh phương Tây của chúng ta đã phát triển nhiều giải pháp kỹ thuật độc đáo. Ví dụ, trong vài ngày, các bến cảng nhân tạo rộng lớn đã xuất hiện trên bờ biển nước Pháp, được xây dựng từ hàng loạt tàu cũ bị chìm ngoài khơi và nhiều “phao” bê tông được chuẩn bị trước và hoàn toàn bí mật, được kéo vào bờ.

Trong hai tháng rưỡi tiếp theo sau ngày 6 tháng 6, hơn 2 triệu binh sĩ Đồng minh đã đổ bộ vào Pháp thông qua các bến cảng nhân tạo như vậy. Cùng với họ là 137 nghìn phương tiện bánh lốp và bánh xích cùng hơn 4 nghìn xe tăng và xe bọc thép chở quân.

Ở bên kia eo La Manche, việc đổ bộ hàng loạt binh lính và thiết bị thực sự cần một biển nhiên liệu. Đến tháng 8 năm 1944, quân Đồng minh đã xây dựng một đường ống dài 130 km dọc đáy biển từ Anh đến Pháp. Vài tháng sau, gần hai chục đường ống quân sự như vậy đã hoạt động.

Sự chuẩn bị tỉ mỉ của chiến dịch được thể hiện ngay cả ở những chi tiết tưởng chừng như không đáng kể nhất. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch đổ bộ, gần 3 tấn sô cô la và 100 nghìn gói kẹo cao su Orbit, được đưa vào khẩu phần ăn của lính Mỹ, đã xuất hiện trên bờ biển Pháp.

“Nó khiến tất cả chúng tôi hài lòng và hy vọng…”
Nhưng bất chấp tất cả sự chuẩn bị hoành tráng và kỹ lưỡng, “Ngày D” nổi tiếng hóa ra lại là một bài kiểm tra khó khăn đối với các đồng minh phương Tây. Quân Đức, với sức mạnh và nguồn lực ít hơn nhiều, đã kháng cự quyết liệt. Có một số sai lầm gây nhầm lẫn giữa quân Anh-Mỹ. Bãi biển Omaha khét tiếng, một trong năm khu vực đổ bộ vào D-Day, sẽ mãi mãi là biểu tượng của những mất mát và thất bại ban đầu. Những tổn thất nặng nề về tàu bè và người thậm chí còn buộc bộ chỉ huy Mỹ vào tối ngày 6/6/1944 phải tính đến khả năng sơ tán binh lính của mình khỏi khu vực bờ biển này.

“Tất cả các loại rác, thiết bị, xác người - mọi thứ được trộn thành một đống lớn,” một trong những người tham gia cuộc đổ bộ nhớ lại vào buổi tối ngày hôm đó. “Chúng trông giống như tượng sáp của Madame Tussauds. Bạn thậm chí không thể tưởng tượng được rằng họ là người,” một cựu chiến binh khác nhớ lại về nhiều xác chết bồng bềnh trên bãi biển Omaha vào cuối ngày 6 tháng Sáu.

Một thực tế cho thấy là các tờ báo Liên Xô, ngay lập tức đăng tin được chờ đợi từ lâu về cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Normandy, đã không sử dụng cụm từ “mặt trận thứ hai” trong hơn một tháng. Cụm từ này chỉ xuất hiện trên trang chính vào cuối tháng 7 năm 1944, khi lực lượng đổ bộ của Đồng minh có thể tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào sâu trong nước Pháp.

Stalin cảm ơn Roosevelt và Churchill ngay ngày hôm sau sau khi đổ bộ. Nhưng thông điệp rời Moskva ngày 7 tháng 6 năm 1944 về mặt ngoại giao nhấn mạnh sự đóng góp quyết định của phía Liên Xô vào cuộc đấu tranh chung: “Tôi đã nhận được thông điệp của các ngài về sự thành công của việc bắt đầu Chiến dịch Overlord. Nó khiến tất cả chúng tôi hài lòng và hy vọng vào các thành công trong tương lai. Cuộc tấn công mùa hè của quân đội Liên Xô, được tổ chức theo thỏa thuận tại Hội nghị Tehran, sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6 trên tại một trong những khu vực quan trọng nhất của mặt trận... Vào cuối tháng 6 và trong suốt tháng 7, các hoạt động tấn công sẽ chuyển sang hướng khác thành một cuộc tổng tấn công của quân đội Liên Xô."

Thông điệp trên của Stalin là về Chiến dịch Bagration. Bắt đầu từ cuối tháng 6 năm 1944 từ cực tây của Smolensk, đến cuối mùa hè năm đó nó đã đánh bại và đẩy lùi quân đội Hitler đến tận Warsaw và biên giới Đông Phổ. Sau đó, vào cuối tháng 8 năm 1944, quân đồng minh Anh-Mỹ đã giải phóng Paris khỏi tay quân Đức. Chính những cuộc tấn công từ hai phía, từ phía đông và phía tây, cuối cùng đã quyết định kết quả của Thế chiến thứ hai ở châu Âu.
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Trường phái Xô viết của Quân đội Trung Hoa (p1)

“Có nhiều súng hơn đạn…”

Aleksey Volynets, 14/5/2017
https://warspot.ru/8278-vintovok-bolshe-chem-flatronov

Ngày 10 tháng 10 năm 1911, Cheng Zhenin, một binh nhì của Tiểu đoàn Công binh số 8, đã bắn chết trung đội trưởng Tao Qisheng của mình. Phát súng được bắn trong doanh trại ở thành phố Vũ Xương, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, ngay trung tâm Trung Hoa. Vì vậy, một người lính của đội quân cải cách Tân quân [1] của Đế chế Thanh đã vô tình bắt đầu một cuộc cách mạng không chỉ lật đổ triều đại Mãn Thanh đã tồn tại ba thế kỷ, mà còn biến Trung Hoa thành cái vạc sôi sục của các cuộc nội chiến trong suốt bốn mươi năm.

Quân đội Trung Hoa chống lại triều đại Mãn Thanh
Trong các bài viết khác, chúng tôi đã nói về lý do tại sao quân đội cải cách trở thành lực lượng chính trị tích cực ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ XX. Chính địa vị của các tướng lĩnh và sĩ quan của quân đội mới đã định trước thực tế việc các cuộc bạo loạn cấp tỉnh lật đổ chế độ quân chủ cổ đại chỉ trong vài tháng. Như một dấu hiệu của sự bất tuân đối với người Mãn, những binh lính các sư đoàn nổi loạn đã cắt bỏ bím tóc truyền thống của họ - ở Trung Hoa cách mạng, nó là biểu tượng của chế độ cũ.

1.jpg
Binh lính các đơn vị nổi loạn của quân đội mới Trung Hoa, tháng 10 năm 1911
Nguồn: www.baike.haosou.com

Từ tháng 11 tới tháng 12 năm 1911, các sư đoàn bắc và nam Trung Hoa đã đánh lẫn nhau trong vài tuần liền – rốt cuộc, sự kèn cựa giữa các nhóm chính trị-quân sự ở hai bờ sông Dương Tử, phát sinh từ thế kỷ XIX, đã không biến mất ngay cả trong Tân quân. Chẳng mấy chốc, quyền lực tối cao trong nước đã bị chiếm đoạt bởi "cha đẻ của Tân quân" Viên Thế Khải [2], người kiểm soát hầu hết các bộ phận cải cách. Vào tháng 1 năm 1912, đứng đầu bốn mươi hai tướng lĩnh, ông đã ép hoàng đế nhi đồng Phổ Nghi phải thoái vị và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc.

2.jpg
Tổng thống Viên Thế Khải cùng các tướng lĩnh của ông đứng xung quanh, 1912
Nguồn: toutiao.com

Ngay khi các đại cường, từng chính thức chia cắt Trung Hoa thành các khu vực ảnh hưởng, bị mắc kẹt trong Thế chiến thứ nhất, Viên Thế Khải già nua liền tìm cách xưng đế và thành lập triều đại mới ở Thiên Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch của Viên Thế Khải đã gây ra làn sóng náo loạn và bất mãn trong những đội quân không chỉ ở miền nam mà cả ở miền bắc vốn trước đây phục tùng ông ta - các tướng lĩnh Trung Hoa, những người đã nắm quyền lực địa phương đáng kể trong cuộc cách mạng, sợ đánh mất nó khi một triều đại mới lên ngôi.

Năm 1916, ở đỉnh điểm cuộc khủng hoảng chính trị, vị hoàng đế thất bại Viên Thế Khải qua đời và các lực lượng vũ trang của Trung Hoa, vốn chưa được thống nhất trước đó, đã chia thành nhiều nhóm sứ quân thù địch nhau công khai. Năm 1917, khi Sa hoàng bị lật đổ ở Nga và hai cuộc cách mạng diễn ra, ngược lại, ở Trung Hoa, một nỗ lực vũ trang đã được thực hiện để khôi phục chế độ quân chủ nhà Thanh. Sư đoàn của vị tướng bảo hoàng Thanh triều Trương Huân [3], người vẫn giữ bím tóc truyền thống, đã chiếm được Bắc Kinh trong một thời gian ngắn và cố gắng khôi phục ngai vàng cho hoàng đế trẻ tuổi Phổ Nghi. Nhưng không vị tướng Trung Hoa nào từng nếm trải thực quyền lại chấp nhận phục tùng cậu bé hoàng đế để làm "con rối" cho cậu ta - nỗ lực khôi phục chế độ quân chủ nhanh chóng thất bại.

3.jpg
Trong cuộc giao tranh trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, 1917
Nguồn: www.baike.haosou.com


"Có nhiều tướng hơn sĩ quan..."
Các tướng lĩnh chỉ huy những sư đoàn và lữ đoàn độc lập tập trung quyền lực quân sự và dân sự tại các tỉnh của đất nước vào riêng tay họ. Trên thực tế, Trung Hoa đã rơi vào thời kỳ Trung cổ mới và sự chia cắt "sứ quân". Sự phân mảnh này bị thổi bùng không chỉ bởi sự cạnh tranh chính trị và kinh tế giữa các nhóm sĩ quan địa phương, mà còn bởi sự khác biệt đáng kể giữa các tỉnh của đất nước - chỉ cần nhắc lại rằng có nhiều phương ngữ được sử dụng ở Trung Hoa và phương ngữ Bắc Kinh khác với tiếng Quảng Đông còn hơn cả tiếng Nga khác với tiếng Ba Lan.

4.jpg

Kỵ binh của sư đoàn Mãn Châu trong thời gian nỗ lực khôi phục nhà Thanh ở Bắc Kinh, 1917
Nguồn: www.baike.haosou.com


Vào đầu thập niên 1920, các chính phủ và tổng thống bù nhìn liên tục thay đổi ở Bắc Kinh, được kiểm soát bởi nhóm tướng lĩnh này hay nhóm tướng lĩnh khác, những người đã tiến hành các cuộc chiến tranh thực sự để giành quyền kiểm soát các tỉnh. Phương pháp quản lý và khai thác các lãnh thổ thần phục là cực kỳ trung cổ và chỉ dựa trên sức mạnh quân sự. Vào những năm 1920-1925, một số cuộc nội chiến lớn đã diễn ra, trong đó các nhóm quân phiệt cát cứ cuối cùng đã hình thành. Liên tục xảy ra xung đột nhỏ lẻ giữa cá nhân các tướng lĩnh, nổi loạn và âm mưu, bao gồm cả trong nội bộ các nhóm. Vào những năm đó, người Hoa gọi các vị tướng không có ảnh hưởng, luôn tranh giành và mưu mô là "cá chạch [4]", và người ta nói như sau về "quân đội" của họ: "Có nhiều tướng hơn sĩ quan, sĩ quan nhiều hơn lính, súng nhiều hơn đạn..."

Sau Cách mạng năm 1911 và trong những cuộc nội chiến giữa các tướng lĩnh diễn ra sau đó, nhiều nhóm "quân phiệt" và chính quyền cấp tỉnh đã vội vã bổ sung các đơn vị quân đội hiện có và lập mới. Nếu trước Cách mạng, quân đội mới của Đế chế Thanh bao gồm 800.000 binh sĩ (trong đó 300.000 quân thuộc 25 sư đoàn và 10 lữ đoàn của Tân quân), thì đến giữa những năm 1920 ở Trung Hoa có từ 1,5 đến 2 triệu "tay lê". Những người Anh tỉ mỉ, có lợi ích riêng ở Trung Hoa, đã đưa ra con số 1.933.000 quân trong 82 sư đoàn, 102 lữ đoàn hỗn hợp và 50 trung đoàn độc lập vào năm 1925. Tất cả lực lượng đáng kể này được chia thành hàng chục nhóm đánh nhau liên tục - các sư đoàn và lữ đoàn trên danh nghĩa được coi là lực lượng vũ trang của Trung Hoa Dân Quốc, nhưng trên thực tế, chúng là quân đội riêng của các tướng "quân phiệt".

Năm 1925, chi tiêu cho quân đội chiếm 43% ngân sách chính thức của Trung Hoa Dân Quốc mà chính phủ bất lực ở Bắc Kinh đã cố gắng tính toán. Trên thực tế, khối lượng hai triệu binh sĩ đã "ngốn" tới 80% thu nhập quốc dân, trong khi những người lính trơn có cuộc sống gần như ăn xin.

Sự gia tăng hỗn loạn về số lượng binh sĩ trong các cuộc chiến giữa các "quân phiệt" Trung Hoa đã làm giảm đáng kể các tiêu chuẩn tuyển tân binh. Giờ đây, binh lính và hạ sĩ quan chủ yếu gồm các nông dân nghèo khó, bọn lưu manh và trộm vặt, những kẻ đã mang tất cả tiêu cực xã hội kèm theo vào trong quân đội - mù chữ, trộm cắp, nghiện hút. Xã hội nhìn nhận khá đúng về quân lính như lũ trộm cướp. Thường thì các người lính như vậy là những tên cướp theo đúng nghĩa đen của từ này - mùa hè họ đi săn trong rừng và núi gần "thượng đạo", còn mùa đông, để sống sót qua giá rét nhờ hơi ấm tương đối trong doanh trại, toàn bộ băng đảng do một đầu lĩnh chỉ huy đi đầu quân cho một tướng lĩnh nào đó.

Tranh giành thực phẩm

Việc tuyển quân ở Trung Hoa chỉ là mộ lính đánh thuê - vấn đề nhập ngũ và huy động vào đêm trước cuộc Cách mạng năm 1911 chỉ được xem xét trên lý thuyết. Chính thức, Điều 20 của Tân Hiến pháp, được thông qua năm 1923, quy định rằng "công dân của Trung Hoa Dân Quốc phải phục vụ nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, vấn đề là không phải ai cũng công nhận hiến pháp này ở Trung Hoa, và không ai tuân thủ nó...

Các "quân phiệt" Trung Hoa không cần bất kỳ sự động viên và kêu gọi nhập ngũ nào để lập ra vô số đội quân. Tính đến năm 1923-1925, tổng quân số của tất cả các nhóm sứ quân là khoảng 1,5-2 triệu người trên dân số hơn 400 triệu người - nghĩa là chưa đến 0,5% dân số Trung Hoa đi lính. Với tình trạng nghèo đói và dân số nông nghiệp quá đông ở Trung Hoa, có quá nhiều người khao khát được tuyển vào quân đội để lấy đồng lương đạm bạc. Vào giữa thập niên 1920, một lính trơn Trung Hoa nhận được từ 8 đến 15 quan tiền bằng bạc mỗi tháng (với mức lương trung bình một lao động phổ thông là 10–12 quan) và đôi khi nhận khoản tiền đăng lính trả trước một lần (20–30 nhân dân tệ). Người lính phải bỏ tiền túi cho sinh hoạt phí và ăn uống, chiếm hơn một nửa tiền lương. Kết quả là, có tính đến tỷ giá hối đoái và mức tiêu dùng, một binh nhì đánh thuê Trung Hoa nhận được ít hơn nhiều lần so với công nhân nhà máy trung bình ở Liên Xô nghèo đói vào những năm đó.

Với một số tiền ít ỏi, bất kỳ vị tướng Trung Hoa nào cũng có thể chiêu mộ đủ số lượng binh lính và đủ để thực sự trả tiền quần áo, thức ăn, chỗ ở và tiêu vặt. Do số tiền này được trả cho họ rất thất thường, nhiều lính trơn đã thực sự nhập ngũ chỉ vì được nuôi ăn. Tuy nhiên, xét về mức độ tổn thất và chiến đấu căng thẳng, các cuộc chiến giữa các sứ quân không quá khủng khiếp - người Trung Hoa khi đó chiến đấu khá ù lì, không chỉ so với Thế chiến thứ nhất mà còn so với cuộc nội chiến ở Nga. Vì vậy, ở Trung Hoa, không thiếu người muốn trốn đi lính để thoát nguy cơ chết đói.

Các hạ sĩ quan và sĩ quan cấp dưới "tốn kém" hơn binh nhì, nhưng số lượng họ ít hơn nhiều. Ngoài ra, trong những năm bất ổn, trong nước tồn tại một số khá đông lính chuyên nghiệp dùng vũ khí riêng, được quân đội thuê. Do có vũ khí riêng, khi được thuê, họ nhận được khoản phụ phí một lần và giữ các vị trí chỉ huy cấp dưới. Nếu một binh nhì nhận được 8 tới 15 quan bạc, thì trung đội trưởng là 45, đại đội trưởng - 90, tiểu đoàn trưởng – 150 tới 180, trung đoàn trưởng - từ 300 đến 500. Lương của lữ đoàn trưởng chính thức là 600-800, còn sư đoàn trưởng - 1200 quan bạc, nhưng mức thu nhập thực tế của họ được xác định bởi khả năng kinh tế của lãnh thổ được kiểm soát, cũng như "tài năng" cá nhân trong lĩnh vực tham nhũng và gian lận tài chính. Những "nhà quân phiệt" lớn nhất trong thời gian đó là những nhà tài phiệt thực sự, đã "tư nhân hóa" không chỉ "nhà máy, báo chí, tàu thuyền", mà còn cả các sư đoàn quân đội và thậm chí cả các quân khu.

Gươm thay vì lưỡi lê

Việc sản xuất vũ khí trong binh công xưởng của các tỉnh tham chiến không theo kịp sự gia tăng nhanh chóng của quân đội và vũ khí của Trung Hoa (đặc biệt là đại liên Maxim) trong những năm đó có chất lượng rất thấp. Trải qua những khó khăn đáng kể về vũ khí, sau khi Chiến tranh thế giới thứ I kết thúc, Trung Hoa trở thành một trong những nhà nhập khẩu vũ khí chính.

Vào thập niên 1920, có tới một nửa số súng trường và phần lớn súng máy trong quân đội của các quân phiệt Trung Hoa được mua từ nước ngoài. Tính phát sốt và vô hệ thống của những loại vũ khí như vậy đã dẫn đến sự hiện diện của nhiều loại cỡ nòng khác nhau trong quân đội. Chỉ trong một đơn vị đã có thể tìm thấy súng trường Nhật Bản thuộc hệ Arisaka (6,5 mm) và Murata (8 mm), súng "Mauser" (7,9 mm) địa phương sản xuất và của Đức các mẫu 1888 và 1898, rồi cả súng trường Mỹ, Ý, Áo và Nga. Tại tỉnh Vân Nam, giáp xứ Đông Dương thuộc Pháp, quân của các quân phiệt địa phương được trang bị nhiều súng trường 8 mm của Pháp. Trong các đơn vị của những "quân đội" khác nhau, có khá nhiều súng trường bắn một phát rất cũ thuộc hệ Gras-Kropachek và các loại khác, đã bị quân đội Châu Âu ngừng sử dụng từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XIX. Đương nhiên, sự đa dạng của các hệ thống và cỡ nòng như vậy khiến việc cung cấp đạn dược cho quân đội trở nên rất khó khăn.

Sự không nhất quán thậm chí còn lớn hơn về quân khí đã được quan sát giữa các loại súng máy - hầu như tất cả các hệ thống chân giá từng được sản xuất trên thế giới trong Thế chiến thứ nhất đều chiến đấu ở Trung Hoa. Những khẩu súng máy hạng nhẹ đầu tiên được mua ở Châu Âu cũng xuất hiện, nhưng do các xạ thủ súng máy được huấn luyện kém và thiếu hộp đạn nhập khẩu nên chúng không được quân đội ưa chuộng. Đồng thời, đại liên hạng nặng được các chỉ huy Trung Hoa đánh giá cao, ngay cả khi việc tính toán chuẩn bị xạ kích rất kém.

5.jpg

Các xạ thủ đại liên Trung Hoa thập niên 1920
Nguồn: hiroko.cn


Nhìn chung, việc huấn luyện xạ kích của quân đội ở mức thấp - những người lính mù chữ bắn với thước ngắm cố định cho mọi khoảng cách. Một trong các cố vấn quân sự Liên Xô đã thuật lại quan điểm sơ đẳng của binh lính Trung Hoa về định luật đạn đạo: “Viên đạn bay theo một đường thẳng, rồi mỏi và rơi xuống đất…”

Tình trạng bảo dưỡng kỹ thuật của khí giới rất tệ - có tới 80% súng trường trong quân đội của các quân phiệt Trung Hoa sẽ bị coi là không phù hợp để sử dụng theo tiêu chuẩn Châu Âu. Những người lính được đào tạo kém và có động cơ bảo quản vũ khí kém, cơ sở sửa chữa là thứ nguyên thủy nhất hoặc không tồn tại. Ngoài ra, phần lớn vũ khí được mua từ Châu Âu đều là súng đã bắn mòn nòng trong Thế chiến thứ nhất.

Lưỡi lê không phổ biến trong quân đội của "quân phiệt" - đơn giản là chúng không có mặt trong nhiều đơn vị bộ binh. Nhiều binh sĩ được trang bị đại đao [5] Trung Hoa đeo trên lưng. Có một số cá nhân binh sĩ sử dụng thành thạo những thanh gươm như vậy, nhưng điều này không thay thế việc huấn luyện có hệ thống trên thực địa của các đơn vị quân đội.
6.jpg

Đại đao thay vì lưỡi lê
Nguồn: toutiao.com


Ô dù và áo khoác chần bông

Với tình trạng quân đội và vũ khí như vậy, cường độ chiến đấu là cực kỳ thấp. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Liên Xô, trong một giờ chiến đấu, một người lính Trung Hoa chỉ tiêu tốn 3-4 viên đạn, một khẩu đại liên có chân giá - không quá 70-80 viên (mức tiêu thụ đạn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Thế chiến thứ nhất). Trước khi bắt đầu một chiến dịch quân sự trong quân đội Trung Hoa, việc cấp 250 viên đạn cho mỗi khẩu súng trường được coi là đủ.

Pháo binh trong quân đội Trung Hoa cực kỳ khan hiếm. Do địa hình hiểm trở ở hầu khắp Trung Hoa và mạng lưới đường bộ cực kỳ kém phát triển, quân đội chỉ sử dụng súng trường hạng nhẹ và sơn pháo. Các binh công xưởng của Trung Hoa đã sản xuất được pháo 75 mm hệ Arisaka và Krupp, một số pháo loại này đã được mua từ Đức và Nhật Bản. Ngoài ra còn có các loại pháo hạng nhẹ của các hệ thống nước ngoài khác: Schneider, Vickers, pháo 3 duim của Nga và các loại khác. Ở các thành phố bên ngoài các bức tường thành, và đặc biệt là ở các pháo đài ven bờ tại vùng duyên hải của đất nước, có rất nhiều pháo hạng nặng được mua từ châu Âu vào thập niên 1860-1880. Đồng thời, dã pháo hạng nặng (pháo nòng dài và lựu pháo) trên thực tế là không có.

Pháo thủ không được huấn luyện trên trình độ xạ thủ và chỉ bắn trực xạ bằng từng khẩu pháo riêng lẻ. Hỏa lực tập trung và hỏa lực có điều khiển, bắn từ các vị trí khuất gần như không được sử dụng. Tuy nhiên, đối với một tổ chức hỏa lực như vậy, pháo binh Trung Hoa đơn giản là không có trang thiết bị cần thiết - liên lạc điện thoại dã chiến, ảnh toàn cảnh, la bàn, v.v.

7.jpg

Các xạ thủ đại liên Trung Hoa thập niên 1920
Nguồn: guoxue.ifeng.com


Các thành phần của quân phục lính buộc phải bỏ tiền túi ra mua - thường thì nó được may bởi các thợ may địa phương. Đây đã là những chiếc áo khoác khá Châu Âu, thường có màu xanh xám. Gây lạ mắt đối với một nhà quan sát Châu Âu chỉ có thể là những chiếc mũ rơm - một đội hình hành quân giống như những cây nấm đang đi. Ở phía bắc Trung Hoa, những chiếc mũ như vậy có vành nhỏ và được trang trí bằng dải băng, ở phía nam của đất nước, những chiếc mũ này rộng vành hơn và có hình nón.


8.jpg

"Những cây nấm hành quân" - binh lính của một trung đoàn phía nam đội chiếc nón rơm
Nguồn: toutiao.com


Khi đóng đồn và trong hành quân, binh lính thường dùng ô bện bằng rơm hoặc phết giấy. Cả mũ và ô đều cần thiết không chỉ trong mùa mưa mà còn để bảo vệ khỏi cái nắng gay gắt. Ở phía bắc của đất nước, nơi tuyết và sương giá thường gặp vào mùa đông, áo khoác chần bông và quần bông được sử dụng làm quân phục mùa đông cho lính.

9.jpg

Những người lính trong áo khoác bông điển hình của Trung Hoa thời kỳ đó
Nguồn: www.baike.haosou.com


Ban đầu, binh lính của Tân quân Trung Quốc phải đi giày bốt có ghệt hoặc ủng da. Nhưng với số lượng lính quá đông của các "quân phiệt", những đôi giày như vậy quá đắt, nên lính trơn và hạ sĩ quan thường đi giày vải. Những đôi giày như vậy cực kỳ nông, nhưng rất rẻ, vì vậy lính luôn có vài đôi dự trữ bên mình. Trong những đôi giày vải như vậy, quân đội Trung Hoa sẽ chiến đấu cho đến tận khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc.

10.jpg

Những người lính Trung Hoa với các chiếc ô, thập niên 1920
Nguồn: toutiao.com


Quân đội với gạo và không có đường xá

Trung Hoa có mạng lưới đường bộ kém phát triển, hầu hết đường xá là những lối mòn chỉ có thể đi hai người một lúc. Phần lớn Trung Hoa là xứ núi non với rất nhiều núi đá và khe núi, mặc dù thấp. Đồng thời, một con ngựa ở Trung Hoa là thú vui rất tốn kém và hiếm khi được nhìn thấy trong các gia trang nông dân. Chỉ dân du mục ở Nội Mông mới có đàn gia súc đáng kể; ngựa hầu như không bao giờ được nhìn thấy ở phía nam sông Dương Tử, vì vậy xe ngựa và phương tiện giao thông bằng ngựa kéo rất hiếm khi xuất hiện.

Với tình trạng đường xá và giá ngựa đắt đỏ, không có gì ngạc nhiên khi cu li khuân vác là phương tiện vận chuyển chính của quân đội Trung Hoa. Lao động cay đắng của họ ("cu li" trong tiếng Hán 苦力 có nghĩa là "khổ lao") thậm chí còn rẻ hơn lương lính trơn. Một cu li, đi bộ với tốc độ bộ binh trung bình (4,5 km / h đối với quân đội Trung Hoa khi đó) có thể thồ khoảng 25 kg hàng hóa. Do đó, 300–350 cu li tải được lượng gạo đủ trong một ngày cho một sư đoàn Trung Hoa. Cần tới 90 cu li để thồ một khẩu pháo 75 mm (ở trạng thái đã tháo rời) cùng cơ số đạn, và hàng chục nghìn người khuân vác là cần thiết để thực hiện một chiến dịch quân sự. Cùng với một đoàn xe hai chân như vậy, quân đội bị kéo dọc theo những nẻo đường hẹp thành những hàng quân dài được kiểm soát kém. Tuy nhiên, việc sử dụng người khuân vác cũng có những ưu điểm của nó. Theo các cố vấn quân sự Liên Xô từng tham chiến ở Trung Hoa trong những năm 1920 và 1930, một sư đoàn có đủ người khuân vác có thể tiến quân mà không cần đường xá theo hầu hết mọi hướng.

Cơ sở chế độ ăn uống của lính là gạo nói trên kèm theo muối mắm. Các binh sĩ ăn ngày hai bữa, hài lòng với khẩu phần tối thiểu hàng ngày - hai bát cơm ăn với các loại rau. Tuy nhiên, đối với hàng triệu nông dân nghèo Trung Hoa, ngay cả gạo cũng là thứ lương thực đáng mơ ước...



Cơm lính
Nguồn: www.baike.haosou.com


Nguồn:
Мамаев И., Колоколов В. Китай. Страна, народ, история. М.: Госвоениздат, 1924
Попов-Татива Н. Китай. Экономическое описание. М.: Издание Разведывательного управления штаба РККА, 1925
Иорданский А. Китай в прошлом и настоящем. М.: Госвоениздат, 1924
Никонов А. Китай. Популярный военно-политический очерк. М.: Военный вестник, 1925
Виленский-Сибиряков Вл. У-Пей-Фу (Китайский милитаризм). М.: Госиздат, 1925
Кюнер Н. Очерки новейшей политической истории Китая. Владивосток: АО «Книжное дело», 1927
Аллен А. Генри. Записки Волонтера. Гражданская война в Китае. Л.: Изд-во «Прибой», 1927
Высогорец В. Китайская армия. Очерки по основным вопросам вооруженных сил современного Китая. М.-Л.: Госиздат, 1930
Благодатов А. Записки о китайской революции 1925–1927 гг. М.: Наука, 1975
Черепанов А. Записки военного советника в Китае. М.: Наука, 1976


[1] Tân quân (新軍): lực lượng quân sự hiện đại được thành lập năm 1895, được huấn luyện và trang bị hoàn toàn theo tiêu chuẩn phương Tây, dần trở thành lực lượng quân sự chính quy và thường trực của nhà Thanh, đồng thời là lực lượng quan trọng lật đổ triều đại này cũng như gây ra họa quân phiệt hoành hành Trung Hoa suốt vài thập kỷ sau đó. - ND
[2] Viên Thế Khải (袁世凱) (1859-1916) - đại thần cuối thời Thanh và là Đại Tổng thống thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc. - ND
[3] Trương Huân (Чжан Сюн / 張勳 / Zhang Xun) (1854-1923): vị tướng bảo hoàng có biệt danh “tướng đuôi sam”, trung thành với nhà Thanh trong thời kỳ triều đại này sụp đổ sau Cách mạng Tân Hợi. Năm 1917 ông nỗ lực khôi phục ngôi vị cho Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh vốn đã thoái vị năm 1912, nhưng chỉ được 12 ngày trước khi bị quân phiệt Đoàn Kỳ Thụy đánh đuổi khỏi Bắc Kinh. - ND
[4] Nguyên văn “собачья рыба”, tên latin là umbra kameri, loài cá thuộc chi duy nhất Umbra, là một phần của họ Umbridae theo thứ tự Physostomi. Thân và đầu phủ vảy, không có râu, mép hàm trên do xương liên hàm và xương hàm tạo thành, dài khoảng 10 cm, sống ở vùng nước sạch sâu với đáy bùn, đào hang. - ND
[5] Nguyên văn tiếng Nga “дадао” (dadao). - ND
 
Chỉnh sửa cuối:

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Trường phái Xô viết của Quân đội Trung Hoa p2


Bá chủ Thiên Quốc: "Lão soái" đối đầu "Ngọc Tướng quân"


Aleksey Volynets, 11/8/2017

https://warspot.ru/9655-hozyaeva-podnebesnoy-staryy-marshal-protiv-nefritovogo-generala

Đúng một thế kỷ trước, Trung Hoa, choáng váng trước việc triều đại Mãn Thanh bị lật đổ và cái chết của "hoàng đế" thất bại Viên Thế Khải, cuối cùng đã sụp đổ. Một đất nước rộng lớn với dân số 430-450 triệu người rơi vào thời kỳ tân Trung cổ và sự chia cắt "sứ quân". Thời kỳ này trong lịch sử của Thiên Quốc thường được gọi là “thời đại quân phiệt”, vì Trung Hoa được cai trị bởi các nhóm tướng lĩnh, chủ yếu dựa vào bạo lực quân sự trực tiếp.


"Lão soái" sứt môi

Vào đầu thập niên 1920, cái được chính thức gọi là "Trung Hoa Dân Quốc", sau một loạt cuộc "nội chiến giữa các sứ quân", đã bị chia thành nhiều phần bởi năm hoặc sáu nhóm chính trị-quân sự lớn. Nhóm lớn nhất trong số này có trụ sở ở đông bắc Trung Hoa, do Trương Tác Lâm[1], ở độ tuổi năm mươi, lãnh đạo. Trên thực tế, đây là một quốc gia độc lập dân số 35 triệu người được thành lập bởi một nông dân mù chữ, khi còn trẻ khởi nghiệp là một tên cướp đường[2].

IMG_1070.jpeg

Ông chủ xứ Mãn Châu Trương Tác Lâm trong bộ quân phục

Tổ tiên của Trương Tác Lâm là "Hán quân" – những người Hán suốt nhiều thế kỷ phục vụ triều đại Mãn Thanh với tư cách là một phần của "Bát kỳ"[3]. Trong Chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895, nhà cai trị tương lai của Mãn Châu đã chiến đấu trong đội kỵ binh của Đế chế Thanh, và sau thất bại, ông ta trở thành thủ lĩnh của một băng cướp nhỏ. Khi Chiến tranh Nga-Nhật nổ ra, Trương thủ lĩnh đã không thành công trong việc phục vụ cho bộ chỉ huy Nga với tư cách chỉ huy một đội phá hoại. Người Nhật tỏ ra ít cẩn trọng hơn, và Trương Tác Lâm, không phải không thành công, đã hành động vì lợi ích của tình báo Nhật.

Sau chiến thắng của quân Nhật, dưới sự bảo trợ của họ, cựu thủ lĩnh băng cướp đã trở lại phục vụ trong quân đội của Đế quốc Thanh, chỉ huy một trong những trung đoàn kỵ binh của Tân quân đóng tại Mãn Châu. Đầu Cách mạng 1911, Trương Tác Lâm chỉ huy lực lượng quân đội và cảnh sát đông đảo ở thành phố Phụng Thiên thủ đô Mãn Châu, hăng hái đàn áp cuộc nổi dậy của những người cách mạng bài Mãn Thanh. Khi Cách mạng thắng lợi, Trương tướng quân lại trung thành phục vụ nhà độc tài Viên Thế Khải, đem lại cho ông ta cuộc "trưng cầu dân ý" thành công ở Mãn Châu, khi Viên sẽ "thuận theo ý dân" tự xưng là tân hoàng đế của Thiên Quốc. Kết quả là Trương Tác Lâm trở thành tổng đốc quân sự của tỉnh Phụng Thiên (nay là tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), trung tâm của Mãn Châu.

Đến năm 1920, nhờ các âm mưu và xung đột quân sự, Trương Tác Lâm đã kiểm soát cả ba tỉnh của Mãn Châu và một phần của tỉnh thủ đô Trực Lệ. Đội quân "cá nhân" của ông ta vào thời điểm đó có khoảng 150.000 binh sĩ, khoảng 380 khẩu pháo và 180 đại liên. Điều quan trọng là ở Trung Hoa vào thời điểm đó, chỉ có quân đội của Trương Tác Lâm mới có dã pháo hạng nặng - vài chục cỗ đại bác 150 mm của Nhật Bản và Đức sản xuất.

IMG_1071.jpeg

Quân của “Lão soái” Trương Tác Lâm

Ông chủ thất học của Mãn Châu cũng thích những thứ cách tân như hàng không - năm 1922, ở ngoại ô Phụng Thiên, ông ta đã mở trường dạy phi công lớn nhất Trung Hoa. Với sự cạnh tranh 1.000 người cho một vị trí, năm mươi học viên đã được chọn vào trường hàng không của Trương Tác Lâm, trong số đó có con trai cả ông ta là Trương Học Lương.

Tự phong cho mình chức nguyên soái và kiểm soát Bắc Kinh, nơi đặt "chính phủ Trung Hoa Dân Quốc" trên danh nghĩa, chủ nhân Mãn Châu bắt đầu tuyên bố là lãnh tụ chính trị trên toàn quốc. Dẫu vậy, nhân vật cựu mãi lộ và cựu cảnh binh, lập tức được người dân đặt biệt danh là "Lão soái", đã quá đáng ghê tởm trong con mắt hầu hết nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, dựa vào sức mạnh kinh tế đáng gờm của Mãn Châu, Trương Tác Lâm là lãnh đạo quân sự mạnh nhất và là nhà vua không ngai của vùng đông bắc Trung Hoa. Ông ta gần như công khai hướng tới Nhật Bản, quốc gia có lợi ích riêng tại Thiên Quốc và đặc biệt là ở Mãn Châu. Nhưng Trương Tác Lâm, tất nhiên, không phải một con rối nhu nhược của Nhật Bản - giống như bất kỳ kẻ mạnh và quỷ quyệt nào, ông ta chỉ phục vụ lợi ích của mình. Người Nga Bạch vệ lưu vong Pyotr Balakshin đã mô tả ông chủ xứ Mãn Châu như sau:

“Ngoài trí thông minh bẩm sinh, sự mưu trí, tháo vát về chính trị, ông ấy còn có rất nhiều sức hút cá nhân - nếu cách diễn đạt này có thể được áp dụng cho một nhà cai trị điển hình của Trung Hoa thời bấy giờ. Trương Tác Lâm luôn đặt cược chính trị với mong muốn thu lợi cho bản thân và củng cố quyền lực của mình”.

IMG_1072.jpeg

Trương Tác Lâm và những người thừa kế

Dưới đây là cách một trong những nhà ngoại giao Liên Xô đầu tiên mô tả cuộc gặp với ông chủ Mãn Châu, diễn ra vào năm 1922:

“Qua hai hàng lính đứng gác ở cổng, chúng tôi tiến vào sân trong phủ tướng quân. Những thiếu nữ trong hậu cung của Trương Tác Lâm, không vội trốn tránh, nhìn chúng tôi với vẻ tò mò... Cuối cùng, chúng tôi bước vào ngôi lầu mát kiểu cung điện nơi Trương Tác Lâm đang đợi chúng tôi. Dựa theo quá khứ của ông ta, chúng tôi đã sẵn sàng được gặp một tên cướp khổng lồ với bàn tay to xù. Trên thực tế, ông ta hóa ra là một người đàn ông nhỏ bé yếu ớt với cái đầu cạo trọc, đôi mắt đa nghi, giọng nói trầm và bị sứt môi. Phiên dịch là tùy tùng của ông ta, đại tá Yan Zhuo, thông thạo tiếng Nga. Người ta nói rằng đại tá Yan từng chiến đấu chống người Nga ở Cáp Nhĩ Tân... "

“Cẩu nhục Tướng quân”, binh lính và thê thiếp

Thuộc hạ của Trương Tác Lâm là Trương Tông Xương[4], 40 tuổi, cũng xuất thân nông dân nghèo và giống như bề trên của mình, kiếm sống bằng nghề mãi lộ khi còn trẻ. Không giống như đồng nghiệp tương lai của mình, trong những năm Chiến tranh Nga-Nhật, Trương Tông Xương thuộc một chi đội Trung Hoa chiến đấu theo phe Nga. Nghe đồn, ông ta thậm chí được trao lon đại úy quân đội Nga (có vẻ phi lý), và sau chiến tranh, ông ta đã hợp tác với các thương nhân Nga và có thể nói tiếng Nga (có vẻ đúng).

Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, Trương Tông Xương, đã là thủ lĩnh của một nhóm buôn lậu và tội phạm khá lớn, cầm đầu băng nhóm của mình đi theo nhiều phe quân phiệt và chính quyền cấp tỉnh khác nhau, cuối cùng đã tạo dựng sự nghiệp quân sự-chính trị cùng một cựu đồng đảng cướp là Trương Tác Lâm. Trong những năm Nội chiến Nga, Trương Tông Xương, nhận chức sư đoàn trưởng từ tay Trương Tác Lâm và vì lợi ích của quân lính mình, đã tham gia mua vũ khí và trang thiết bị ở Vladivostok với tiền chênh lệch đáng kể bỏ túi riêng, tại đây trong Thế Chiến thứ nhất có kho vũ khí rất lớn được chính phủ Sa hoàng mua từ Hoa Kỳ.

Trương Tông Xương có biệt danh là "Cẩu nhục Tướng quân" vì ông ta thích chơi một trong những loại cờ của Trung Hoa, trò chơi được gọi đơn giản là "ăn thịt chó" theo phương ngữ tỉnh Sơn Đông, quê hương vị chỉ huy này. Trong số các "quân phiệt" Trung Hoa, những người có hậu cung là chuyện bình thường, "Cẩu nhục Tướng quân" vẫn nổi bật với số lượng thê thiếp phi thường, trong đó ngoài phụ nữ Trung Hoa còn có hàng chục phụ nữ Nhật Bản, Triều Tiên và Châu Âu (cả Bạch vệ Nga lưu vong). Không nhớ tên, Trương Tông Xương gọi các phi tần theo số và đôi khi tặng họ cho sĩ quan cấp dưới làm phần thưởng.

IMG_1073.jpeg

"Cẩu nhục Tướng quân" Trương Tông Xương

Ngoài biệt danh "Cẩu nhục", Trương Tông Xương còn được dân gian gọi là "Ba không biết" - vị tướng theo câu nói ưa thích của ông ta là không biết mình có bao nhiêu tiền, bao nhiêu thê thiếp và bao nhiêu lính... Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Time năm 1924 gọi nhân vật này là "gã quân phiệt hèn hạ nhất Trung Hoa". Tuy nhiên, một loạt phẩm chất đạo đức đáng ngờ đã không ngăn cản Trương Tông Xương trở thành nhà lãnh đạo quân sự rất có năng lực và mạnh mẽ, kẻ đã liên minh với Trương Tác Lâm để kiểm soát Bán đảo Sơn Đông rộng lớn với dân số hơn 30 triệu người. Mặc dù bản thân “Cẩu nhục Tướng quân” khoe mình không biết quân số dưới trướng nhưng theo ước tính của giới quan sát Anh, dưới quyền ông ta có khoảng 70.000 binh sĩ cùng 150 đại bác và 4 chục đại liên.

Giống các lãnh đạo thời cổ đại và trung đại thích được bao quanh bởi các vệ sĩ trung thành người nước ngoài, hàng trăm người Nga Bạch vệ lưu vong dưới sự chỉ huy của Taneyev đại úy quân khu cô-dắc Amur lập thành đội cận vệ cá nhân của "Cẩu nhục Tướng quân". Họ bị Trương Tông Xương thu hút không chỉ bởi tiền bạc mà còn bởi ông ta tỏ ra chống cộng thằng thừng.

"Ngọc Tướng quân"

Nhân vật quân sự hàng thứ hai, nếu không muốn nói là thứ nhất, nổi tiếng nhất ở Trung Hoa vào đầu "Thời đại quân phiệt" là đối thủ chính trị và quân sự trường kỳ của phe Đại soái Trương Tác Lâm, tướng quân Ngô Bội Phu[5]. Nhà lãnh đạo quân sự này, trẻ hơn ông chủ Mãn Châu vài tuổi, cũng có một tiểu sử nổi bật, mặc dù hoàn toàn khác biệt.

Không như tay tướng cướp mù chữ kể trên, Ngô tướng quân tiếp nhận nền giáo dục Nho giáo kinh điển từ khi còn nhỏ và trở thành, theo cách nói hiện đại, tiến sĩ về văn học và triết học cổ điển Trung Hoa ở tuổi hai mươi. Nhưng cuối cùng, chàng trai họ Ngô đã chọn một sự nghiệp quân sự không hoàn toàn là đặc trưng của Nho giáo. Anh là một trong những phụ tá của tướng Nhiếp Sĩ Thành[6], nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng Trung Hoa, người bị giết bởi cuộc đổ bộ của người châu Âu trong trận đánh chiếm thành phố Thiên Tân năm 1900 (trong cuộc đàn áp "khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn").

Khi bắt đầu cuộc cách mạng lật đổ triều đại nhà Thanh năm 1911, triết gia Ngô Bội Phu chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh số 3 của Tân quân đóng tại Mãn Châu. Tham gia thành công vào tất cả các cuộc nội chiến và đảo chính sau đó, trong mười năm, ông đã thăng tiến từ tiểu đoàn trưởng thành tư lệnh cả một lộ quân.

Vào đầu thập niên 1920, vị tướng quyết đoán, có học thức và đầy oai phong Ngô Bội Phu, người được nhân dân kính trọng đặt biệt danh "Ngọc tướng quân", được coi là một trong những người có khả năng thống nhất Trung Hoa và có uy quyền đáng kể trong dư luận nhân dân Trung Hoa và giữa những nước ngoài hoạt động ở Trung Hoa. Người ta tin rằng trong chính sách của mình, Ngô Bội Phu chủ yếu được định hướng bởi lợi ích của Anh và Hoa Kỳ, tuy nhiên, giống như Trương Tác Lâm, ông đặt lợi ích của bản thân lên trên hết và là người luôn hoàn toàn chân thành tuân theo chủ thuyết Quốc Dân Đảng.

IMG_1074.jpeg

“Ngọc Tướng quân” Ngô Bội Phu trong bộ lễ phục

Năm 1920, tướng Ngô Bội Phu lãnh đạo quân đội của cái gọi là "Trực hệ" (được đặt tên theo tỉnh kinh kỳ Trực Lệ) - phe phái gồm tập đoàn tướng lĩnh các tỉnh miền trung, liên minh với "Nguyên soái" Mãn Châu, đã chiến đấu chống lại quân đội của cựu Thủ tướng "Trung Hoa Dân Quốc" tướng Đoàn Kỳ Thụy[7], người kiểm soát Bắc Kinh và khu vực phụ cận. Nhân tiện, ba năm trước, chính Thủ tướng Đoàn đã thay mặt Trung Hoa chính thức tuyên chiến với Đức hoàng và thậm chí bắt tay chuẩn bị một lực lượng viễn chinh để gửi đến Pháp. Tuy nhiên, Thế Chiến thứ nhất sớm kết thúc và Đoàn không thể nhận được bất kỳ phần thưởng chính trị nào.

Vào tháng 7 năm 1920, Ngô Bội Phu và Trương Tác Lâm hợp lực đánh bại Đoàn Kỳ Thụy và ngay lập tức trở thành đối thủ của nhau trong nỗ lực giành lấy thủ đô Trung Hoa. Ngọn cờ chính trị phe "Trực hệ" của Ngô Bội Phu là lão tướng Tào Côn[8] - một chính trị gia giàu kinh nghiệm và đầy uy quyền, người sớm được phong làm "Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc". Đặc biệt, nhân dân lập tức đặt biệt danh cho vị nguyên thủ quốc gia này là "tổng thống hối lộ". Tuy nhiên, ngài “tổng thống hối lộ”, với sự hỗ trợ của Ngô Bội Phu, đã đề xuất cho đất nước một Hiến pháp mới rất dân chủ, và quyền lực của ông, dù chỉ trên danh nghĩa, đã được hầu hết các tỉnh của Trung Hoa công nhận. Quyền lực thực sự đối với các khu vực trung tâm của đất nước nằm trong tay tướng quân Ngô Bội Phu, còn Bắc Kinh được kiểm soát bởi ông chủ Mãn Châu Trương Tác Lâm.

IMG_1075.jpeg

Các vị đồng minh trong trận đánh chiếm Bắc Kinh năm 1920 (từ trái sang): "Lão soái" Trương Tác Lâm, "Cẩu nhục Tướng quân" Trương Tông Xương và "Ngọc Tướng quân" Ngô Bội Phu

IMG_1076.jpeg

Tướng Đoàn Kỳ Thụy - cựu Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc, bị liên minh của Ngô Bội Phu và Trương Tác Lâm đánh bại năm 1920

IMG_1077.jpeg

"Tổng thống hối lộ" Tào Côn, ngọn cờ chính trị của phe "Trực hệ"

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1922, trong cái gọi là "Chiến tranh Trực-Phụng lần thứ nhất", quân của Ngô Bội Phu đã đánh bại đồng minh cũ của họ là Trương Tác Lâm, giành quyền kiểm soát Bắc Kinh từ tay ông ta và xua tay cựu tướng cướp trở lại Mãn Châu. Quân đội của Ngô Bội Phu và các đồng minh của ông đã đoạt được từ "Lão soái" và các đồng đảng của ông ta số chiến lợi phẩm khổng lồ theo tiêu chuẩn của Trung Hoa khi đó - gần 30.000 tù binh, 3.000 con ngựa, hơn 10.000 súng trường, 230 đại liên và gần hai trăm khẩu đại bác.

Đó là giờ phút cực thịnh của "Ngọc Tướng quân" - vào thời điểm đó, ông được coi là nhà lãnh đạo quân sự tài năng và đầy triển vọng nhất của Đế chế Thiên Quốc, có thể cuối cùng thống nhất được đất nước đã tan rã. Thú vị là tùy viên quân sự đầu tiên của Liên Xô tại Trung Hoa, quân đoàn trưởng Anatoly Gekker, đã thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Ngô Bội Phu và gợi ý rằng chính phủ Liên Xô nên chọn “nhà quân phiệt” trọng lý luận này làm đồng minh chứ không phải “lão mưu mô” quá chính trị hóa Tôn Dật Tiên...

IMG_1078.jpeg

Binh lính của Ngô Bội Phu, năm 1923

Trong năm 1923-1924, khi ở đỉnh điểm, quân đội của Ngô Bội Phu và các đồng minh của ông kiểm soát một khu vực có khoảng 200 triệu người sinh sống (gần một nửa dân số Trung Hoa khi đó), và có khoảng 500.000 binh sĩ, hơn 1.000 cỗ pháo và khoảng 1.500 đại liên.

Cần nhớ rằng quân đội của nhà "quân phiệt" lớn nhất Trung Hoa không có sự đoàn kết nội bộ, đại diện cho một tập đoàn các tướng lĩnh khá bất ổn (cầm đầu các sư đoàn và lữ đoàn riêng biệt), có khuynh hướng liên miên lập mưu đồ và phản bội định kỳ. Mỗi "quân đoàn", "sư đoàn" hay "lữ đoàn" thực sự trở thành "lãnh thổ" riêng của một vị tướng cụ thể và các sĩ quan thân cận với ông ta.

Những cỗ súng cối và xe tăng đầu tiên ở Trung Hoa

Thất bại trong "Chiến tranh Trực-Phụng lần thứ nhất" vào năm 1922 đã thúc đẩy "Lão soái" Trương Tác Lâm hống hách và đầy tham vọng tham gia vào một cuộc cải tổ mạnh mẽ quân đội và chế tạo vũ khí. Trong hai năm tiếp theo, quân đội riêng của ông ta đã tăng lên 200.000 binh sĩ, giảm xuống còn 14 sư đoàn bộ binh và 4 sư đoàn kỵ binh. Quân đội của ông chủ Mãn Châu có ít nhất 260 khẩu pháo, hơn bốn trăm đại liên và năm đoàn tàu bọc thép.

IMG_1079.jpeg

Một trong những đoàn tàu bọc thép điển hình của các "quân phiệt" Trung Hoa

Chính trong quân đội của Trương Tác Lâm mà lần đầu tiên ở Trung Hoa đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí mới nhất. Đặc biệt, ông là người đầu tiên ở Trung Hoa mua về súng cối Stokes-Brandt[1], xuất hiện vào cuối Thế Chiến thứ nhất và được thiết kế theo sơ đồ cổ điển của một giá đỡ hai chân.

Đạn súng cối Stokes (Trương Tác Lâm có hai cỡ nòng - 75 và 81 mm) không thua kém gì đạn của sơn pháo 75 mm, loại phổ biến nhất trong quân đội của các "quân phiệt" Trung Hoa. Đồng thời, súng cối nhẹ hơn và đơn giản hơn nhiều so với pháo, điều này hóa ra rất thuận tiện ở Trung Hoa với điều kiện chiến trường đặc thù, đường sá, lối mòn và việc vận tải quân sự đều dựa trên sức thồ của phu khuân vác. Nhưng quân đội của Trương Tác Lâm không chỉ hài lòng với súng cối nhập khẩu - trong Binh công xưởng Thẩm Dương, người ta nhanh chóng thiết lập sản xuất cho riêng mình, bao gồm cả việc sản xuất một "súng phóng bom" hạng nặng 150 mm (đó là thuật ngữ mà các chuyên gia quân sự cả Bạch vệ lẫn Hồng quân lúc bấy giờ dùng để gọi loại vũ khí này ở Trung Hoa).

IMG_1080.jpeg

Khẩu đội cối của “Lão soái” Trương Tác Lâm

Trương Tác Lâm cũng trở thành người đầu tiên trong số các "quân phiệt" của Thiên Quốc mua xe tăng cho quân đội của mình - ông ta đã mua trái phép 36 xe tăng hạng nhẹ Renault của Pháp từ các đại lý Châu Âu. Mười cỗ xe đầu tiên đến Trung Hoa vào năm 1925 trên một tàu hơi nước của Anh dưới vỏ bọc máy kéo nông nghiệp sau lệnh cấm vận vũ khí của Hội Quốc Liên đối với Trung Hoa. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị vi phạm bởi tất cả những kẻ nào không quá thụ động...

Quân đội Trương Tác Lâm cũng có một không đoàn lớn nhất ở Trung Hoa: tính đến năm 1924, có khoảng 60 máy bay có thể bay được thuộc nhiều hệ thống khác nhau, cộng thêm hàng trăm chiếc bị hư hỏng. Các máy bay đang hoạt động được hợp nhất thành ba phi đội dưới sự chỉ huy trên danh nghĩa của Trương Học Lương, con trai cưng của "Lão soái". Các phi đội kiểu Trung Hoa này được gọi là "Phi Hổ", "Phi Ưng" và "Phi Long" (về sau được trang bị thủy phi cơ). Trong số các phi công, lính đánh thuê nước ngoài chiếm ưu thế: chủ yếu là người Pháp (cựu chiến binh Thế Chiến thứ nhất) và Bạch vệ Nga lưu vong. Trong binh công xưởng Thẩm Dương, người ta đã tiến hành sản xuất bom hạng nhẹ và thậm chí còn cố gắng sản xuất vũ khí hóa học.

Theo tiêu chuẩn của Trung Hoa khi đó, việc huấn luyện quân sự trong quân đội của "Lão soái" được tổ chức tốt - các sĩ quan của tất cả các binh chủng của quân đội được đào tạo tại Trường quân sự Thẩm Dương, và một phần của ban chỉ huy được huấn luyện quân sự bổ sung tại Nhật Bản. Chỉ cần nói thêm rằng, theo ước tính của các nhà quan sát cả Liên Xô lẫn Anh, trên khắp Trung Hoa, chỉ có các sĩ quan "Thẩm Dương" mới có thể tiến hành tác xạ pháo cầu vồng.

IMG_1081.jpeg

Xạ thủ cối quân đội Trương Tác Lâm

Vào giữa thập niên 1920, khi phân tích tiềm năng của các "quân phiệt" Trung Quốc, tình báo quân sự Liên Xô đã đánh giá quân của Trương Tác Lâm được chuẩn bị kỹ thuật và chiến thuật tốt nhất, kiên cường trong phòng thủ, có khả năng xây dựng các hệ thống công sự dã chiến gần như hiện đại, tấn công có phương pháp bằng sự hỗ trợ của pháo binh, nhưng không có khả năng cơ động nhanh và truy kích quyết liệt. Tuy nhiên, ông chủ Mãn Châu đã bù đắp cho những thiếu sót của quân đội mình bằng một vận động chính trị khéo léo, khi vào mùa thu năm 1924, một cuộc chiến mới nổ ra giữa "Lão soái" và "Ngọc Tướng quân" để giành lấy Bắc Kinh.

1. Виленский-Сибиряков Вл. Китай (политико-экономический очерк). Издание Всероссийской научной ассоциации востоковедения при Народном комиссариате по делам национальностей. М., 1923

2. Мамаев И., Колоколов В. Китай. Страна, народ, история. М.: Госвоениздат, 1924

3. Попов-Татива Н. Китай. Экономическое описание. М.: Издание Разведывательного управления штаба РККА, 1925

4. Иорданский А. Китай в прошлом и настоящем. М.: Госвоениздат, 1924

5. Никонов А. Китай. Популярный военно-политический очерк. М.: Военный вестник, 1925

6. Виленский-Сибиряков Вл. У-Пей-Фу (Китайский милитаризм). М.: Госиздат, 1925

7. Кюнер Н. Очерки новейшей политической истории Китая. Владивосток: АО «Книжное дело», 1927

8. Аллен А. Генри. Записки Волонтера. Гражданская война в Китае. Л.: Изд-во «Прибой», 1927

9. Грегори Е. В. «Словарь китайских военных терминов». Мукден, 1927

10. Высогорец В. Китайская армия. Очерки по основным вопросам вооруженных сил современного Китая. М.-Л.: Госиздат, 1930

11. Сапожников Б. Г. Первая гражданская революционная война в Китае 1924–1927 гг. М., 1954

12. Liu F. F. A Military History of Modern China, 1924–1949. Princeton, NJ, 1956

13. Благодатов А. Записки о китайской революции 1925–1927 гг. М.: Наука, 1975

14. Черепанов А. Записки военного советника в Китае. М.: Наука, 1976

15. Edward A. Mccord. The Power of the Gun: The Emergence of Modern Chinese Warlordism. Berkeley, CA, 1993



[1] Súng cối Stokes-Brandt: cối Stokes là một loại súng cối dùng trong chiến hào của Anh do Sir Wilfred Stokes KBE thiết kế, được cung cấp cho quân đội Anh và Hoa Kỳ, cũng như Quân đoàn viễn chinh Bồ Đào Nha, trong nửa sau của Thế Chiến thứ nhất. Súng cối có cỡ nòng 81mm, là loại vũ khí có nòng trơn, nạp đạn từ đầu nòng cho góc bắn cao (để bắn cầu vồng qua các địa hình mấp mô, đặt trong hào rãnh v.v.). Súng cối hạng nhẹ cầm tay một người dùng đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước, nhưng không còn phổ biến kể từ thời Napoléon. Với nhiều thay đổi đối với học thuyết chiến trường trong Thế chiến thứ nhất, khái niệm này lại được quan tâm. Ban đầu, người Anh và Pháp phải tái sản xuất những khẩu cối cổ này; sau khi các thiết kế hiện đại ra đời, cối Stokes liền trở nên phổ biến. Cối Stokes có thiết kế đơn giản, bao gồm một ống kim loại nòng trơn được cố định vào một tấm đế (để hấp thụ độ giật) với giá đỡ hai chân nhẹ. Khi quả đạn cối được thả vào ống, một kíp chạm nổ ở đế quả đạn sẽ tiếp xúc với chốt bắn ở đế ống và đốt cháy thuốc phóng, phóng quả đạn về phía mục tiêu. Bản thân đầu đạn được kích nổ bằng ngòi chạm nổ khi tiếp cận mục tiêu. - ND


[1] Trương Tác Lâm (Чжан Цзолинь / 張作霖 / Zhang Zuolin) (1875-1928): một quân phiệt Mãn Châu từ 1916 đến 1928, giữ chức Đại Nguyên soái Lục Hải quân Trung Hoa Dân Quốc từ 1927 đến 1928, lãnh đạo trên thực tế của Chính phủ Bắc Dương. Được tôn xưng là Trương đại soái hay con hổ Mãn Châu. Con trai là Trương Học Lương 15 tuổi đã được phong tướng, được tôn xưng là Thiếu soái. - ND

[2] Nguyên văn tiếng Nga “хунхузы” (khunkhuzy): tiếng Trung Hoa là “hồng hồ tử” (紅鬍子 / Honghuzi tức “cướp râu đỏ”), tên gọi chung các băng cướp Trung Hoa (phần đông là lính bỏ ngũ và dân thất nghiệp) hoạt động tại khu vực phía đông biên giới Nga-Trung từ nửa cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX. - ND

[3] Quân đội Bát Kỳ Mãn Thanh gồm tám "sư đoàn" người Mãn, tám "sư đoàn" quân Mông Cổ và tám "sư đoàn" người Hán, hợp nhất thành tám quân đoàn "cờ hiệu", mỗi quân đoàn có cờ với màu riêng là “Chính Hồng kỳ”, “Chính Hoàng kỳ”, “Chính Bạch kỳ”, “Chính Lam kỳ”, “Tương Hoàng kỳ”, “Tương Lam kỳ”, “Tương Bạch kỳ”, “Tương Hồng kỳ”. - ND

[4] Trương Tông Xương (Чжан Цзунчан / 張宗昌 / Zhang Zhongchang) (1881-1932): biệt danh "Cẩu nhục Tướng quân" và "Trương 72 khẩu pháo". Nghe kể rằng, trong tiệc sinh nhật của Trương Tác Lâm, thay vì dâng tặng vị thủ lĩnh những món quà đắt giá, Trương Tông Xương gửi tặng ông ta 2 phu thồ 2 cái giỏ rỗng không mà không xuất hiện tại buổi tiệc mừng. Trương Tác Lâm mãi sau mới hiểu ý: hai giỏ không hàm ý Tông Xương sẵn sàng gánh vác mọi trọng trách mà thủ lĩnh giao phó. Sau đó, Tác Lâm phong cho Tông Xương chức sư đoàn trưởng. - ND

[5] Ngô Bội Phu (У Пейфу / 吳佩孚 / Wu Peifu) (1874-1939): sinh tại Sơn Đông trong gia đình Nho học truyền thống. Theo học tại "Học viện Quân sự Bảo Định" ở Bắc Kinh, sau đó tham gia Bắc Dương quân của Viên Thế Khải, thăng tiến rất nhanh. Từ năm 1919 là thủ lĩnh phe Trực hệ (đóng ở tỉnh Trực Lệ), tranh giành quyền lực với Phụng hệ của Trương Tác Lâm và Hoãn hệ của Đoàn Kỳ Thụy. Thất bại trong nội chiến quân phiệt, rút về Trịnh Châu, Hà Nam cát cứ. Khi Chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, Ngô từ chối hợp tác với người Nhật. Được xem là anh hùng dân tộc ngay từ khi chưa mất. - ND

[6] Nhiếp Sĩ Thành (聂士成 / Nie Shicheng) (1836-1900): sinh tại tỉnh An Huy, danh tướng của Hoài quân vào cuối triều đại nhà Thanh. - ND

[7] Đoàn Kỳ Thụy (Дуань Цижуй / 段祺瑞 / Duan Qirui) (1865-1936): quân phiệt và chính khách quan trọng của Trung Hoa thời Thanh mạt và đầu Trung Hoa Dân Quốc. Ông từng đảm nhiệm vị trí chỉ huy trưởng quân đội Bắc Dương, 3 lần giữ chức vụ Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc (Gọi là Quốc vụ Tổng lý thời điểm đó), và là Đại Tổng thống chấp chính lâm thời của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Bắc Kinh trong giai đoạn từ năm 1924 – 1926. - ND

[8] Tào Côn (Цао Кунь / 曹錕 / Cao Kun) (1862-1938): chính khách quân phiệt, một lãnh đạo của phe Trực hệ và là ủy viên quản trị của Đại học Cơ Đốc giáo Bắc Kinh, dùng hối lộ để được lên làm Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (10/1923-11/1924). - ND
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Trường phái Xô viết của Quân đội Trung Hoa p3


Bá chủ Thiên Quốc: đổi Bắc Kinh lấy Thượng Hải


Aleksey Volynets, 15/8/2017

https://warspot.ru/9677-hozyaeva-podnebesnoy-pomenyat-pekin-na-shanhay

Mùa thu 1924, giao tranh lại nổ ra trên lãnh thổ "Trung Hoa Dân Quốc" - quân của "Lão soái" Trương Tác Lâm đã phát động một cuộc tổng tấn công vào Bắc Kinh đang do quân của "Ngọc Tướng quân" Ngô Bội Phu kiểm soát. Trong lịch sử nội chiến Trung Hoa thế kỷ XX, sự kiện này được gọi là "Chiến tranh Trực-Phụng lần thứ hai" - theo tên gọi các phe phái đánh nhau để giành quyền kiểm soát Trung Hoa. Trong đội quân của "Lão soái" tiến vào thủ đô thì nhóm lính đánh thuê Nga, bao gồm toàn dân Bạch vệ lưu vong, đã đóng một vai trò nổi bật.

"Lữ đoàn xung kích" Nga

Sự phát triển về hiệu quả chiến đấu và trang bị kỹ thuật của lực lượng vũ trang Trương Tác Lâm không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi bởi tiềm năng kinh tế của Mãn Châu nằm trong tay ông ta, nơi có nền công nghiệp khá phát triển theo tiêu chuẩn Trung Hoa, mà còn bởi sự gần gũi với Nhật Bản và Nga. Các giảng viên người Nhật đã hỗ trợ đáng kể cho gã điệp viên cũ của họ trong huấn luyện quân sự và kỹ thuật. Ngoài ra còn một nhóm người hữu ích và tiện dụng hơn, đó là vô số người Nga Bạch vệ lưu vong thuộc quân đội cũ của Kolchak, đã tràn sang Mãn Châu sau năm 1922.

Nhiều sĩ quan Bạch vệ trốn sang Trung Hoa sau chiến thắng của phe Bolshevik, không có phương kế sinh nhai và chỉ biết độc nghề binh, sẵn sàng phục vụ trong quân đội của các "quân phiệt" Trung Hoa chỉ vì tiền. Về mặt địa lý, người gần nhất trong số họ là nhà cai trị Mãn Châu Trương Tác Lâm, kẻ đang rất cần các quân nhân có kinh nghiệm sau thất bại năm 1922 trong Chiến tranh Trực-Phụng lần thứ nhất. Ngoài ra, một số đồng đội của "Lão soái" từ lâu đã có quan hệ cá nhân với nước Nga trước đây - chẳng hạn như Trương Tông Xương, người đã cộng tác với tình báo Sa hoàng trong những năm Chiến tranh Nga-Nhật.

Do đó, hàng nghìn binh sĩ và sĩ quan Bạch vệ chạy trốn khỏi Nga bắt đầu phục vụ trong quân đội của Trương Tác Lâm ở các vị trí chiến đấu, kỹ thuật và giảng dạy. Những người Nga lưu vong mang theo kinh nghiệm về các trận đánh trong Thế chiến thứ nhất, trước đây chưa từng được biết đến ở Trung Hoa, và kinh nghiệm cụ thể về cuộc nội chiến ở Nga, khác với nội chiến ở Trung Hoa bởi các trận đánh có độ gay cấn và quyết liệt hơn nhiều.

IMG_1086.jpeg

Những binh lính người Hoa và người Nga thuộc quân đội Trương Tác Lâm ngồi trong chiến hào

Nổi tiếng nhất trong số những người lưu vong phục vụ cho "Lão soái" là cựu đại tá quân đội Đế quốc Nga, Konstantin Nechaev[1]. Trong Nội chiến Nga, ông nhận được lon tướng trong quân đội Kolchak, và sau khi lưu vong sang Cáp Nhĩ Tân thuộc Mãn Châu, ông cũng leo lên lon tướng trong quân đội của Trương Tác Lâm. Năm 1924-1925, chi đội của Nechaev, sau khi được tái tổ chức thành một "lữ đoàn xung kích" độc lập, sẽ chiến đấu thành công chống lại quân đội của "Ngọc Tướng quân" Ngô Bội Phu - dân lưu vong giàu kinh nghiệm và đầy căm hận sẵn sàng chiến đấu hơn những người lính Trung Hoa.

Người Nga lưu vong phục vụ cả trong các đơn vị và trường quân sự khác của Trương Tác Lâm – không ít người đã leo lên những chức vụ cao đáng kể trong quân đội Trung Hoa. Đồng thời, người Nga cũng giảo quyệt không kém các "đồng đội" Trung Hoa: họ tham gia vào các âm mưu liên tục của các nhóm tướng lĩnh cạnh tranh nhau trong phe Trương Tác Lâm hoặc tranh giành các vị trí béo bở trong bộ chỉ huy với những đồng hương lưu vong.

IMG_1087.jpeg

Những người Bạch vệ lưu vong trong bộ quân phục mang phù hiệu quân đội Trung Hoa Dân Quốc

Số phận của cựu đại tá quân đội Đế quốc Nga, Yevgeny Gregory[2], là rất điển hình. Từng phục vụ Kolchak[3] và Nam tước Ungern[4], đến giữa thập niên 1920 ông phục vụ Trương Tác Lâm - đầu tiên làm giáo viên tại Học viện Quân sự Thẩm Dương, sau đó là huấn luyện viên pháo binh tại bộ chỉ huy của ông chủ Mãn Châu. Gregory nhận được vị trí này bằng cách "móc nối" với một người Nga lưu vong khác, tướng Georgy Klerzhe trong quân Kolchak.

Đại tá Gregory có lợi thế đáng kể so với hầu hết đám Bạch vệ lưu vong khác - kiến thức tuyệt vời về Hán tự. Năm 1926, ông thậm chí còn biên soạn cuốn từ điển Trung-Nga đồ sộ “Từ điển các thuật ngữ quân sự Trung Hoa” cho các trường quân sự của Trương Tác Lâm. Tuy nhiên, ngay sau khi xuất bản tác phẩm rất thú vị này, Yevgeny Gregory sẽ tự sát, bị chính các đồng nghiệp lưu vong của mình buộc tội làm việc cho tình báo Liên Xô.

Dưới đây là các trang trong “Từ điển thuật ngữ quân sự Trung Hoa” của đại tá Gregory.
IMG_1089.jpeg

IMG_1088.jpeg


Nhưng chúng ta hãy quay lại mùa thu 1924, khi quân đội của ông chủ Mãn Châu tiến về Bắc Kinh. "Chi đội Nga" của Konstantin Nechaev, với số lượng vài trăm chiến sĩ, vào ngày 18 tháng 9 (ngay ngày đầu tiên giao tranh) đã tấn công các vị trí Sư đoàn 9 của "Ngọc Tướng quân" tại Bái Phục[5] gần Sơn Hải Quan[6], nơi có Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng của Trung Hoa nằm bên bờ biển Hoàng Hải. Người Nga đã xung phong chung với một đại đội tình nguyện gồm các sĩ quan quân đội Nhật Bản, những người muốn tích lũy kinh nghiệm chiến đấu.

Một trong những người Bạch vệ lưu vong nhớ lại: "Tin đồn về việc chi đội Nga cơ động giữa các đội quân Thẩm Dương nhanh chóng đến tai kẻ thù dưới hình thức phóng đại, và quân địch đã rùng mình kinh sợ". Nếu có phóng đại thì cũng không quá đáng - những người Bạch vệ lưu vong giàu kinh nghiệm đã lập tức chứng minh năng lực chiến đấu của mình. Từ những chiến lợi phẩm thu được, chi đội Nechaev đã lập ra một "đoàn tàu bọc thép", phủ bao cát lên các toa tàu và toa sàn rồi trang bị cho nó đại bác, súng cối và một số đại liên. Chính đoàn tàu bọc thép tự chế này cuối tháng 10 năm 1924 là toán đầu tiên đột nhập vào thành phố Sơn Hải Quan, đảm bảo cho quân của Trương Tác Lâm chiếm được nó.

"Ưu binh của Chúa Kitô" đánh chiếm Bắc Kinh

Tuy nhiên, không chỉ đám lính đánh thuê giàu kinh nghiệm người Nga góp phần vào thành công của ông chủ Mãn Châu - giữa trận giao tranh, "Ngọc Tướng quân" Ngô Bội Phu đã phải rút quân khỏi mặt trận và ném họ đến Bắc Kinh, nơi vào ngày 23 tháng 10 năm 1924 , một trong những vị tướng trước đây trung thành với ông đã nổi dậy.

Phùng Ngọc Tường[7], vị tướng đã chiếm được thủ đô Đế chế Thiên Quốc, nổi bật bởi một tiểu sử phiêu lưu ngay cả so với những "quân phiệt" nổi tiếng nhất Trung Hoa có lý lịch rối rắm. Chỉ cần nói rằng theo một trong các tin đồn, Phùng Ngọc Tường, mang biệt danh "Tướng quân Cơ đốc", đến từ hoặc vùng Galicia hoặc vùng Transcarpathia và có tên thật là Irenaeus Fend. Tin đồn này hoàn toàn là chuyện cổ tích - vị tướng nổi loạn đúng là người Hán, nhưng tiểu sử thực sự của "ưu binh của Chúa Kitô", như Phùng Ngọc Tường đôi khi tự gọi mình, thật giống như một tiểu thuyết phiêu lưu. Khi còn là một cậu bé mười một tuổi, ông đã phục vụ trong quân đội của Đế chế Thanh trong Chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895, sau đó làm thợ đốn gỗ ở Canada, còn trong Cách mạng Trung Hoa, ông đã tham gia vào các cuộc đụng độ ở nhiều tỉnh của Trung Hoa.

Mùa thu 1924, Phùng Ngọc Tường, với cấp bậc tướng quân, chỉ huy một đội quân riêng trong quân đội của Ngô Bội Phu, đóng ở vùng lân cận Bắc Kinh và theo dữ liệu của Anh, có quân số 93.000 binh sĩ với 256 khẩu pháo và 106 đại liên. So với các "nhà quân phiệt" khác, Phùng Tướng quân nổi bật vì lòng nhiệt thành với Cơ đốc giáo một cách phô trương. Được rửa tội bởi các mục sư thuộc giáo phái Methodist, ông đã tích cực quảng bá tôn giáo này trong quân lính của mình[8]. Nửa thế kỷ sau Thái Bình Thiên Quốc, Cơ đốc giáo phương Tây một lần nữa trở nên phổ biến ở Trung Hoa - trong bối cảnh khủng hoảng của chế độ nhà nước cổ đại và các truyền thống Nho giáo cũ, nhiều người Trung Hoa nghĩ rằng tôn giáo phương Tây có thể trở thành động lực để hiện đại hóa tổ quốc bị chia cắt và lạc hậu của họ.

IMG_1090.jpeg

“Tướng quân Cơ đốc” Phùng Ngọc Tường trong bộ lễ phục

Khó có thể nói rằng bản thân Phùng Ngọc Tường đã chân thành thế nào trong việc thờ phượng Đấng Ki-tô, nhưng ông ta không phải không thành công khi sử dụng đạo đức và tôn giáo Cơ đốc để củng cố kỷ luật của các đơn vị và tuyên truyền trong các lãnh thổ dưới sự kiểm soát của mình. Các nhà truyền giáo Cơ đốc đặc biệt nhiệt tình từ Hoa Kỳ thậm chí còn so sánh những người lính đầy kỷ luật của Phùng với những người theo đạo Tin lành nhiệt thành của quân đội Cromwell trong Cách mạng Anh thế kỷ XVII. Thật vậy, có những bằng chứng khác - ví dụ, những người lính của "Tướng quân Cơ đốc" đã được rửa tội chính thức, dùng nước từ vòi cứu hỏa...

Bằng cách này hay cách khác, vào ngày 23 tháng 10 năm 1924, các đơn vị có kỷ luật và được tổ chức tốt của “Tướng quân Cơ đốc” Phùng Ngọc Tường đã kiểm soát trung tâm Bắc Kinh và bắt giam “Tổng thống hối lộ” Tào Côn, người từng là ngọn cờ chính trị của liên minh “Ngọc Tướng quân” Ngô Bội Phu. Cuộc đảo chính được phối hợp rõ ràng với sự tiến công của quân đội Mãn Châu "Lão soái" Trương Tác Lâm - tình báo Liên Xô sẽ sớm báo cáo cho Moskva rằng Phùng Ngọc Tường đã nhận được một triệu rưỡi yên từ chính phủ Nhật Bản thông qua Trương Tác Lâm, người mong muốn đánh bại liên minh Ngô Bội Phu, liên minh được định hướng quá rõ ràng ngả theo Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Lư và Tề đánh nhau giành Thượng Hải

Có thể, Phùng tướng quân không thực sự tin vào Chúa Kitô, nhưng ông là một đối thủ công khai và nhất quán của triều đại cũ Mãn Thanh. Chính các đơn vị của Phùng vào tháng 10 năm 1924 cuối cùng đã trục xuất khỏi Bắc Kinh đám thủ hạ của Phổ Nghi vị thành niên, hoàng đế cuối cùng của Đế chế Thanh. Việc kiểm soát thủ đô, bắt giữ "Tổng thống hối lộ" và trục xuất vị hoàng đế cuối cùng ngay lập tức khiến Tướng quân Phùng Ngọc Tường trở thành một nhân vật rất nổi tiếng ở Trung Hoa bị chia cắt và là thủ lĩnh nhóm tướng lĩnh của chính ông ta.

IMG_1091.jpeg

Quân của Phùng Ngọc Tường trên đường phố Bắc Kinh, tháng 10 năm 1924. Ảnh màu của nhiếp ảnh gia người Mỹ Sydney Gamble. Bức ảnh cho thấy một trong những đơn vị tinh nhuệ, vì hầu hết các binh sĩ đều có kính lái xe trên mũ - loại kính này thường được sử dụng bởi những lái xe ô tô, nhưng quân của Phùng Ngọc Tường sử dụng chúng để bảo vệ mắt khỏi những cơn bão bụi phổ biến ở vùng phía đông Bắc Kinh

Đồng thời, việc mất Bắc Kinh và thất bại đầu tiên trước quân của Trương Tác Lâm từ Mãn Châu tới đã dẫn đến sự suy yếu nhanh chóng của liên minh “Ngọc Tướng quân” Ngô Bội Phu. Mất gần 40.000 binh sĩ vào tháng 10 năm 1924 (hầu hết là lính đào ngũ và bị bắt làm tù binh), Ngô tướng quân bị Phùng Ngọc Tường và Trương Tác Lâm đẩy về thành phố Thiên Tân bên bờ Hoàng Hải. Sau khi chất đầy hai ngàn tàn quân của đội quân cá nhân của mình lên tàu, vào ngày 3 tháng 11 năm 1924, Ngọc tướng quân, mới đây còn được coi là người đầy triển vọng thống nhất Trung Hoa, đã bỏ chạy về Thượng Hải.

Thượng Hải, thành phố giàu có nhất, trở thành chiến tích duy nhất của "Ngọc tướng quân" trong cuộc nội chiến mùa thu 1924. Trước đó, Thượng Hải (chính xác hơn là phần thuộc Trung Hoa của nó bên ngoài lãnh thổ các “khu tô giới” do Châu Âu kiểm soát là phần đẹp nhất của thành phố) thuộc sở hữu của một trong những vị tướng “lãnh chúa phong kiến” là Lư Vĩnh Tường[9] trong gần bảy năm. Quay lại thời kỳ Cách mạng Tân Hợi 1911, ông khởi đầu với tư cách là "chính ủy quân sự" của nhóm chống quân chủ ở Thượng Hải, và vào năm 1919, ông đã mua từ chính quyền bất lực ở Bắc Kinh chức tổng đốc tỉnh Chiết Giang ven biển, nằm ở phía nam Thượng Hải.

IMG_1092.jpeg

Ông chủ Thượng Hải kiêm tổng đốc Chiết Giang Lư Vĩnh Tường

Tuy nhiên, bản thân thành phố Thượng Hải chính thức thuộc về tỉnh Giang Tô, năm 1920 có tổng đốc là tướng Tề Tiếp Nguyên[10] thuộc phe Ngô Bội Phu, người đã nhận (chính xác hơn là mua) chức tổng đốc từ “Tổng thống hối lộ” Tào Côn. Đương nhiên, Tề tướng quân lập tức muốn giành thành phố giàu có nhất trong tỉnh "của mình" khỏi tay Lư tướng quân.

Mùa thu 1920, quân của Lư và Tề đã đối mặt nhau, chuẩn bị tấn công và cắt đứt mọi giao thông đường bộ nối Thượng Hải với phần còn lại của Trung Hoa. Tuy nhiên, sự sụt giảm kim ngạch thương mại của thành phố khổng lồ đã dẫn đến việc các át chủ bài tài chính của Trung Hoa và những nhà ngoại giao nước ngoài nhanh chóng hòa giải các tướng lĩnh tham chiến, thuyết phục họ không mở màn cuộc chiến quy mô lớn sẽ cản trở hoạt động thương mại của một trong những cảng biển lớn nhất Thái Bình Dương. Sự đối đầu lề mề giữa các "lãnh chúa phong kiến" cấp tỉnh kéo dài thêm bốn năm nữa, và mãi đến tháng 9 năm 1924, khi các nhóm lớn nhất bị phân tâm bởi cuộc chiến giành Bắc Kinh, các tướng Lư và Tề mới phát động các trận đánh thực sự để giành Thượng Hải.

IMG_1093.jpeg

Tổng đốc Giang Tô, tướng Tề Tiếp Nguyên, đối thủ của Lư tướng quân trong cuộc chiến giành Thượng Hải

Phải nói rằng phe của tướng Ngô Bội Phu, mặc dù được coi là mạnh nhất trong nước (cho đến mùa thu năm 1924), trên thực tế đã bị cắt đứt khỏi các cảng lớn nhất của Trung Hoa. Điều này làm suy yếu cơ sở tài chính và quân sự của Ngô Bội Phu, và ông ta cuối cùng đã phải đẩy chư hầu của mình là Tề Tiếp Nguyên chiếm Thượng Hải. Cuộc tấn công vào cảng thương mại chính của Trung Hoa được thực hiện bằng tiền vay từ các chủ ngân hàng Mỹ. Để củng cố chính trị, vào ngày 9 tháng 9 năm 1924, theo sắc lệnh của “Tổng thống hối lộ” Tào Côn, tướng Lư Vĩnh Tường bị buộc tội ly khai, tước bỏ mọi chức vụ, cấp bậc và huân huy chương, và binh lính sĩ quan cấp dưới ông ta (xét cho cùng , quân đội của mọi tướng lĩnh đều được chính thức liệt kê thuộc một đội quân duy nhất của "Cộng hòa Trung Hoa") được kêu gọi không ủng hộ "kẻ ly khai" Lư Vĩnh Tường.

Chiến tuyến trải dài theo một vòng cung lớn ở phía tây Thượng Hải giữa sông Dương Tử và Thái Hồ rộng lớn ở khoảng cách gần 60 km tính từ trung tâm thành phố (ngày nay là vùng ngoại ô của đô thị Đại Thượng Hải). Tháng 9 năm 1924, quân của Tề Tiếp Nguyên đã ba lần tấn công thị trấn Tháp Hà[11] ở bờ nam sông Dương Tử, nơi kiểm soát luồng lạch và việc giao thông dọc con sông chính của Trung Hoa. Lư Vĩnh Tường đã củng cố vững chắc Tháp Hà - nếu để mất nó, quân của Tề Tiếp Nguyên sẽ lập tức tiến vào trung tâm Thượng Hải dọc theo vùng nước sông Dương Tử. Tình hình vùng này chưa từng bất ổn kể từ thời Thái Bình, và theo tiêu chuẩn Trung Hoa nó được coi là rất có tổ chức và giàu có.

Lư Vĩnh Tường giữ vững vị trí được một thời gian, nhưng tới tháng 10 năm 1924 "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu, bất chấp giao tranh ác liệt gần Bắc Kinh, đã chuyển quân dự bị của mình đến Thượng Hải. Lực lượng dự bị này là sư đoàn sở hữu riêng của "Tổng đốc Nam Kinh" - cách mọi người gọi tướng Tôn Truyền Phương[12], người mạnh nhất trong số các đồng minh của Ngô Bội Phu.

IMG_1094.jpeg

"Tổng đốc Nam Kinh" tướng Tôn Truyền Phương lúc bấy giờ kiểm soát thành phố lớn Nam Kinh, thủ phủ cũ của Thái Bình Thiên Quốc

Thượng Hải đổi chủ

Theo dữ liệu của Anh, quân phòng thủ Thượng Hải của Lư Vĩnh Tường gồm 61.000 binh sĩ, 162 pháo và 32 đại liên. Đồng thời, lực lượng liên hợp của "Tổng đốc Nam Kinh" và Tề tướng quân, người chuyển đến thành phố này vào tháng 10, đã đạt đến sức mạnh 144.000 quân với 484 pháo và 248 đại liên. Ưu thế này dẫn tới việc quân của Lư tướng quân bị đánh bại ở ngoại ô thành phố vào ngày 10–12 tháng 10, còn bản thân Lư Vĩnh Tường cùng nhóm tùy tùng gồm những người gần cận đã lên một con tàu của Nhật và chạy khỏi Mãn Châu, đến chỗ "Lão soái" Trương Tác Lâm.

Đây là thành công lớn nhất của liên minh Ngô Bội Phu - hóa ra vào tháng 10 năm 1924, liên minh này vẫn giữ được Bắc Kinh và còn kiểm soát thêm Thượng Hải. "Ngọc tướng quân" không ngờ rằng chỉ ba tuần sau, chính ông ta, người đã mất Bắc Kinh do sự phản bội của "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường, sẽ phải chạy trốn đến Thượng Hải, nơi vừa tái chiếm từ tay kẻ thù.

IMG_1095.jpeg

Pháo binh của "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương ở ngoại ô Thượng Hải

Tại Thượng Hải mùa thu 1924, không có trận đánh nào xảy ra. Ngay khi cuộc chiến giữa các tướng Lư và Tề bắt đầu, các lãnh sự Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản đang ở trong thành phố đã nói với đại diện chính thức của Trung Hoa rằng họ sẽ yêu cầu bồi thường đầy đủ bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho công dân nước ngoài ở khu vực Thượng Hải, và quan trọng nhất là họ yêu cầu Thượng Hải cùng khu vực 30 dặm xung quanh phải được tuyên bố là vùng đất cấm. Đại diện của "Trung Hoa Dân Quốc" bị xâu xé bởi các tướng lĩnh đã đồng ý với tất cả đề xuất của các nhà ngoại giao nước ngoài, chỉ thương lượng rằng các pháo đội ven bờ và pháo đài Vô Tổn[13] (cửa biển Thượng Hải) sẽ được chuyển giao dưới sự kiểm soát của "bên thứ ba trung lập không liên đới lợi ích trong vấn đề này".

Đám ngoại quốc lập tức tăng cường quân đội và hạm đội của họ ở khu vực Thượng Hải. Người Anh phái một tiểu đoàn người Ấn, người Pháp - một trung đoàn quân thuộc địa từ Việt Nam, người Mỹ - một tiểu đoàn thủy quân lục chiến. Ngoài ra, một đội tình nguyện gồm những người nước ngoài sống trong thành phố đã được tổ chức tại Thượng Hải để phòng ngừa. Chức tổng chỉ huy các lực lượng Châu Âu tại Thượng Hải được giao cho một đô đốc người Anh.

IMG_1096.jpeg

Khu tô giới quốc tế Thượng Hải, ảnh chụp năm 1923. Ngay cả khi đó, trung tâm của thành phố này được coi là giàu có kể cả theo tiêu chuẩn của Tây Âu lẫn Bắc Mỹ. Ở phía bên trái của bức ảnh, ta có thể thấy rõ đài tưởng niệm do người Châu Âu định cư dựng lên để vinh danh những người đã ngã xuống trên chiến trường trong Thế chiến thứ nhất

Nhân tiện, Nhật Bản trong những sự kiện đó đã ủng hộ một cách không chính thức ông chủ cũ của Thượng Hải, tướng Lư Vĩnh Tường (kẻ được dẫn dắt bởi "Lão soái" Trương Tác Lâm), còn người Anh và Mỹ thì bảo trợ Tề Tiếp Nguyên (chư hầu của "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu). Nhưng để có "sự trung lập" của Thượng Hải, người Nhật, người Âu và người Mỹ đã cùng nhau hành động - kim ngạch thương mại và tiềm năng công nghiệp của thành phố này quá quan trọng đối với nền kinh tế của họ.

Liên quân của tướng Ngô Bội Phu, đại diện bởi "Tổng đốc Nam Kinh", chỉ kiểm soát được Thượng Hải trong vỏn vẹn ba tháng. Tháng 1 năm 1925, quân của Trương Tác Lâm mở cuộc tấn công vào thành phố ven biển - "Lữ đoàn Nga" của Konstantin Nechaev một lần nữa dẫn đầu đoàn quân dưới sự chỉ huy của "Cẩu nhục Tướng quân " Trương Tông Xương.

Tài liệu tham khảo

1. Попов-Татива Н. Китай. Экономическое описание. М.: Издание Разведывательного управления штаба РККА, 1925

2. Позднеев Д. Современный Китай (Борьба за китайский рынок). Л.: 1925

3. Никонов А. Китай. Популярный военно-политический очерк. М.: Военный вестник, 1925

4. Виленский-Сибиряков Вл. У-Пей-Фу (Китайский милитаризм). М.: Госиздат, 1925

5. Кюнер Н. Очерки новейшей политической истории Китая. Владивосток: АО «Книжное дело», 1927

6. Аллен А. Генри. Записки Волонтера. Гражданская война в Китае. Л.: Изд-во «Прибой», 1927

7. Грегори Е. В. «Словарь китайских военных терминов». Мукден, 1927

8. «Словарь-справочник по китайскому вопросу». Сост. П. Езерский. М.-Л. Изд-во «Молодая гвардия», 1927

9. Высогорец В. Китайская армия. Очерки по основным вопросам вооруженных сил современного Китая. М.-Л.: Госиздат, 1930

10. Сапожников Б. Г. Первая гражданская революционная война в Китае 1924–1927 гг. М., 1954

11. Liu F. F. A Military History of Modern China, 1924–1949. Princeton, NJ, 1956

12. Благодатов А. Записки о китайской революции 1925–1927 гг. М.: Наука, 1975

13. Черепанов А. Записки военного советника в Китае. М.: Наука, 1976

14. Каретина Г. С. Чжан Цзолинь и политическая борьба в Китае в 20-е годы XX в. М.: Наука, 1984

15. Жуков В. В. Китайский милитаризм. 10–20-е гг. ХХ в. М.: Наука, 1988

16. Edward A. Mccord. The Power of the Gun: The Emergence of Modern Chinese Warlordism. Berkeley, CA, 1993

17. Каретина Г. С. Военно-политические группировки Северного Китая: эволюция китайского милитаризма в 20–30-е гг. ХХ в. Владивосток, 2001

18. Балмасов С. С. Белоэмигранты на военной службе в Китае. М.: Центрполиграф, 2007







[1] Konstantin Petrovich Nechaev (1883-1946): sĩ quan Quân đội Đế quốc Nga và lãnh đạo phong trào Bạch vệ, sau đó thành lập và chỉ huy một đội quân đánh thuê lớn người Nga ở Trung Hoa từ năm 1924 đến năm 1929. Chiến đấu cho các quân phiệt phe Phụng hệ Trương Tác Lâm và Trương Tông Xương, Nechaev đã tham gia một số trận đánh trong Thời đại quân phiệt Trung Hoa cho đến khi lực lượng đánh thuê của ông ta bị tiêu diệt trong cuộc Bắc chinh. Sau đó, ông ta gần như rút khỏi binh nghiệp và trở thành lãnh đạo cộng đồng Bạch vệ lưu vong ở Mãn Châu. Bị cơ quan phản gián SMERSH bắt giữ trong chiến dịch Mãn Châu đánh tan Đạo quân Quan Đông Nhật Bản năm 1945, Nechaev bị chính quyền Xô viết hành quyết vào năm 1946. - ND

[2] Yevgeny Viliaminovich Gregori (Евгений Вилиаминович Грегори) (? - 1922): tốt nghiệp Học viện Học viên sĩ quan Pskov (1900), thi đậu Trường Pháo binh Konstantinovsky (1902), tốt nghiệp Học viện Phương Đông 1910. Đại tá Quân đội Đế quốc Nga. Tham gia phong trào Bạch vệ ở Mặt trận phía Đông. Lưu vong sang Trung Hoa, từ năm 1922 sống tại Bắc Kinh, sau đó là giáo sư tại học viện quân sự Thẩm Dương và là cố vấn quân đội của Trương Tác Lâm, thành viên của Bộ Chỉ huy. Tự sát. - ND

[3] Aleksandr Vasiliyevich Kolchak (1874-1920): chỉ huy hải quân Nga, nhà thám hiểm Bắc cực, được nhận Thanh gươm vàng Thánh Georgy vì lòng dũng cảm trong hải chiến cảng Lữ Thuận, Huy chương vàng Konstantin vĩ đại của Hiệp hội Địa lý Nga. Chuyên gia nổi tiếng về ngư lôi. Chiến đấu dũng cảm trong Thế Chiến I, được phong phó đô đốc năm 1916 (là người trẻ nhất được phong đô đốc tính tới lúc đó). Trong Nội chiến Nga, là tổng chỉ huy tất cả các lực lượng Bạch vệ chống lại chính quyền Bolshevik, trở thành nhà cầm quyền ở nước Nga trước khi bị bắt và xử tử. - ND

[4] Roman Nikolai Maksimilian von Ungern-Sternberg (1885-1921): tướng Bạch vệ đánh lại Hồng quân trong Nội chiến Nga, sau đó là một quân phiệt độc lập từng đoạt quyền kiểm soát Ngoại Mông từ tay quân đội Trung Hoa vào năm 1921. Bị Phật giáo huyền bí thu hút, có tính cách lập dị, và đối xử bạo lực với các địch thủ cùng các binh sĩ dưới quyền, do vậy ông được gán biệt hiệu "Nam tước Điên" trong Nội chiến. Mong muốn khôi phục chế độ quân chủ Nga và khôi phục Đại Mông Cổ. Tháng 6 năm 1921, ông xâm chiếm miền nam Sibiri nhưng bị Hồng quân đánh bại, bị bắt và xử tử. - ND

[5] Bái Phục (Пейфу / 沛服 / Peifu). - ND

[6] Sơn Hải Quan (Шанхайгуан / 山海关 / Shanhaiguan): điểm cực đông của Vạn Lý Trường Thành, thuộc Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. - ND

[7] Phùng Ngọc Tường (Фэн Юйсян / 馮玉祥 / Feng Yuxiang) (1882-1948): tướng lĩnh thời Dân Quốc và là một trong số những lãnh đạo Quốc Dân Đảng. Ông được biết dưới biệt danh "Tướng quân Cơ đốc" vì ông đã cải đạo cho toàn bộ quân đoàn của mình và một biệt danh khác là "Phản Tướng" vì chống lại sự cát cứ (của Ngô Bội Phu). Ông tham gia Quốc Dân Đảng, tham dự Bắc chinh và trở thành anh em kết máu ăn thề với Tưởng Giới Thạch. Những năm cuối đời, ông ngả theo phe cánh tả trong Quốc Dân Đảng cùng hợp tác với ************* Trung Hoa. - ND

[8] Phùng Ngọc Tường cải đạo sang Cơ Đốc giáo năm 1914, ông được rửa tội bởi Giáo hội Giám nhiệm Giám lý thuộc Tin Lành. Ông được cho là đã dùng nước từ vòi cứu hỏa để rửa tội tập thể cho binh sĩ dưới quyền. Phùng Ngọc Tường dạy binh sĩ biết phải là tôi tớ của nhân dân, và rất khe khắt với quân phong quân kỷ. - ND

[9] Lư Vĩnh Tường (Лу Юнсян / 盧永祥 / Lu Yongxiang) (1867-1933): sinh tại Sơn Đông, gia nhập Hoài quân năm 1890 để thoát cảnh nghèo khổ. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 10 quân Bắc Dương, đóng tại Chiết Giang. Nhập phe với Đoàn Kỳ Thụy để trở thành quân phiệt Hoãn hệ, từng giữ chức tổng đốc Chiết Giang, Trực Lệ và Giang Tô. - ND

[10] Tề Tiếp Nguyên (Ци Сеюань / 齊燮元 / Qi Xieyuan) (1885-1946): sinh tại Thiên Tân, quân phiệt Trực hệ, chạy sang Nhật Bản sau khi Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc thành lập, sau đó tham gia Hội đồng Chính trị Hoa Bắc, chính thể hậu sinh của nó. - ND

[11] Tháp Hà (Лохэ / 漯河 / Luohe): thị trấn ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam, CHND Trung Hoa. - ND

[12] Tôn Truyền Phương (Сунь Чуаньфан / 孫傳芳 / Sun Chuanfang) (1885-1935): có biệt hiệu "Lãnh chúa Nam Kinh" hay "Tổng Tư lệnh Liên quân 5 tỉnh" là một tướng quân phiệt Trực hệ và bộ hạ của Ngô Bội Phu. Sinh tại Sơn Đông, học trường lục quân Bắc Dương rồi học tiếp ở Nhật. Gia nhập quân Bắc Dương rồi tham gia Trực hệ, nhanh chóng thăng tiến. Năm 1924, khi Chiến tranh Giang-Chiết nổ ra, Tôn chỉ huy Quân đoàn 4 tại Phúc Kiến ủng hộ đồng minh Tề Tiếp Nguyên đánh bại tướng quân phiệt Lư Vĩnh Tường và chiếm được Thượng Hải, được thăng Đốc quân Chiết Giang. Tuy nhiên các đồng minh Trực hệ của ông thất bại trong Chiến tranh Trực-Phụng lần hai, khiến Trực hệ mất hết các tỉnh phương Bắc về tay Trương Tác Lâm và Quốc dân quân của Phùng Ngọc Tường, trong đó có Thượng Hải. Trốn chạy về Đại Liên đang do Nhật chiếm đóng. Bị ám sát chết. - ND

[13] Vô Tổn (Усун/ 无损 / Wusun). - ND
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Trường phái Xô viết của Quân đội Trung Hoa p4


Bá chủ Thiên Quốc: ván cờ vây quân phiệt


Aleksey Volynets, 03/9/2017

https://warspot.ru/9883-hozyaeva-podnebesnoy-igra-generala-go

Đến cuối năm 1924, quân của ông chủ Mãn Châu, "Lão soái" Trương Tác Lâm, đã đánh bại nhóm của "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu. Cùng lúc đó, Bắc Kinh, thủ đô chính thức của "Trung Hoa Dân Quốc", đang nằm trong tay của "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường, kẻ đã ly khai khỏi phe Ngô Bội Phu. Tuy nhiên, các đồng minh của Ngô tướng quân đã chiếm được Thượng Hải, và năm 1925 ở Trung Hoa khởi đầu với cuộc tấn công của quân đội "Lão soái" vào đô thị ven biển lớn nhất nước.

Ván cờ vây chính trị

"Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường, kẻ đã ly khai Ngô Bội Phu và chiếm được Bắc Kinh, vào thời điểm đó không đủ sức mạnh quân sự và chính trị để một mình kiểm soát thành phố. Địa vị chính thức của thủ đô và chức vụ tổng thống là lá cờ chính trị quá ngon lành không thể lọt vào tay một vị tướng nổi loạn duy nhất. Phùng Ngọc Tường phải bắt tay liên minh tạm thời và không ổn định với ông chủ Mãn Châu Trương Tác Lâm.

“Lão soái” vào thời điểm đó có tham vọng đối với toàn bộ Trung Hoa, nhưng ông ta đã khôn ngoan khi không ra mặt tranh cử chức vụ cao nhất của Thiên Quốc - Trương Tác Lâm hiểu rõ hình ảnh tướng cướp mù chữ của ông ta đáng ghét và không được quần chúng ưa chuộng đến thế nào. Kết quả là, "Tướng quân Cơ đốc" và "Lão soái" đã chọn tân tổng thống của "Trung Hoa Dân Quốc" là... cựu Thủ tướng Đoàn Kỳ Thụy, kẻ vài năm trước đã bị chính họ dùng vũ lực trục xuất khỏi Bắc Kinh.

IMG_1125.jpeg

Trương Tác Lâm ở Bắc Kinh trên lãnh thổ của "Khu đại sứ quán" ngoại giao. Khu vực này của thủ đô Trung Hoa hoàn toàn do quân đội nước ngoài kiểm soát, vì vậy Trương Tác Lâm được đội danh dự của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đón tiếp

Dưới sự chỉ huy của quân đội, Quốc hội bất lực ở thủ đô đã bầu ra một tân tổng thống. Để phản ánh màu sắc của thời đại đó, ở đây chúng ta phải xem xét một chút về tính cách của Đoàn Kỳ Thụy. Thậm chí, kể cả với chức vụ tổng thống hoàn toàn hình thức, không có thực quyền ở Trung Hoa lúc bấy giờ, chỉ những người mang lon tướng mới được “bầu”. Trong bối cảnh đó, tướng Đoàn Kỳ Thụy (ngay sau khi được phê chuẩn làm tổng thống, ông ta đã tự phong chức “Nguyên soái” cho mình) nổi bật nhờ học vấn quân sự tốt: cuối thế kỷ XIX, theo lệnh riêng của Lý Hồng Chương người đánh bại Thái Bình Thiên Quốc, ông ta được gửi đến Đức và học về pháo binh trong vài năm. Trong lịch sử hiện đại Trung Hoa, Đoàn tướng quân nổi tiếng không chỉ vì vào cuối năm 1918 ông ta đã gửi một quân đoàn Trung Hoa đến mặt trận Đức ở châu Âu, mà còn là một kỳ thủ xuất sắc trong môn cờ vây, một trò chơi cờ chiến lược cực kỳ phổ biến, có thể xem như cờ vua của Thiên Quốc.

IMG_1126.jpeg

"Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc" kiêm "Nguyên soái" Đoàn Kỳ Thụy

Nhận được chức tổng thống, tay chơi khéo léo Đoàn Kỳ Thụy hy vọng sẽ biến quyền lực của mình từ danh nghĩa thành thực tế, thao túng phe phái các tướng lĩnh. Tuy nhiên, ban đầu, ông ta ngoan ngoãn chấp thuận mọi mệnh lệnh do chủ nhân Mãn Châu ban ra. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là vào tháng 1 năm 1925, phong chức Nguyên soái cho thuộc hạ mạnh mẽ và tận tụy nhất của Trương Tác Lâm - "Cẩu nhục Tướng quân" Trương Tông Xương. Đồng thời, Trương Tông Xương chính thức được bổ nhiệm làm "quan toàn quyền bình định" của các tỉnh ven biển – ông chủ Mãn Châu công khai nhắm tới chư hầu mạnh nhất của mình tại Thượng Hải.

Lính đánh thuê Nga xông vào Thượng Hải

Vừa lên chức Nguyên soái, "Cẩu nhục Tướng quân" phát động một cuộc tấn công mãnh liệt vào đô thị giàu có nhất Trung Hoa. Ở tuyến đầu quân đội, "Lữ đoàn Nga" của Konstantin Nechaev cựu tướng của Kolchak lại dịch chuyển – lúc này, đơn vị Nga được gọi tên chính thức là Lữ đoàn 1 của Đệ nhị Lộ quân, trên danh nghĩa được chỉ huy bởi Trương Học Lương, con trai cưng của ông chủ Mãn Châu.

Vào đêm 15-16 tháng 1 năm 1925, tại thành phố Phổ Khẩu, nằm ở bờ bắc sông Dương Tử gần Nam Kinh, các đơn vị Nga, hoàn toàn bí mật - cấm đốt lửa và thậm chí không được để khói - lao xuống các sà lan và thuyền bè trên sông, di chuyển xuôi dòng, vượt qua các vị trí kẻ thù gần thành phố Trấn Giang. Trước đây Trấn Giang, nơi kênh Đại Vận Hà dẫn đến Bắc Kinh hòa vào làn nước sông Dương Tử, từng bị quân đội Anh và quân khởi nghĩa Thái Bình chiếm lấy bằng một trận đánh, giờ đây lại bị lính đánh thuê Nga đột kích.

Các cựu Bạch vệ di chuyển trong màn đêm tăm tối không chút ánh sáng, dọc theo bờ sông bị quân địch đóng giữ, không có ý tưởng chính xác về địa điểm đổ bộ cũng như lực lượng đối phương. Đến sáng, đoàn thuyền trên sông cuối cùng bị lạc giữa mạng lưới kênh rạch. Chỉ đến lúc bình minh, đối mặt với một chuỗi bè gỗ, các chiến sĩ của Nechaev mới phát hiện ra rằng cách ngoại ô Trấn Giang không xa. Những lính đánh thuê giàu kinh nghiệm lập tức tấn công, nhảy khỏi thuyền leo lên đám bè và từ đó vào bờ.

Trận chiến ở ngoại ô Trấn Giang kéo dài cả ngày, cần tấn công qua những cánh đồng lúa ngập nước, thường là phải lội băng qua nhiều con kênh. Cuộc đổ bộ của lính Nga, đánh vào kẻ thù từ phía sau, được hỗ trợ bởi đội quân của "Cẩu nhục tướng quân" đánh ở mặt trước, bao gồm cả đoàn tàu bọc thép "Vạn Lý Trường Thành" mới thành lập với tổ lái Nga, lúc này được chỉ huy bởi cựu trung úy Trung đoàn Kỵ binh Cận vệ Fyodor Bulychev.

IMG_1127.jpeg

Lính cô-dắc thuộc "Lữ đoàn Nga" của Nechaev ở thành phố Thiên Tân

Chiều tối 17 tháng 1 năm 1925, các đơn vị Nga đã đánh vào giữa các đường phố Trấn Giang. Binh lính của liên minh "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu kháng cự yếu ớt - thường là nấp sau những ngôi nhà và lũy đất, họ bắn vô tội vạ lên trời, không nhắm mục tiêu, cố gắng "dọa" đám Bạch vệ đang tiến công. Tuy nhiên, qua một ngày chiến đấu, ngay cả với một kẻ thù như vậy, các đơn vị Nga cũng phải chịu tổn thất đáng kể. Đến cuối ngày 17 tháng 1, họ phải rút lui khỏi Trấn Giang để tránh phải đánh đêm trên đường phố một thành phố xa lạ. Trong cuộc rút lui, quân của Ngọc tướng quân đã bắt được hàng chục người bị thương, trong đó có chỉ huy của một trong các tiểu đoàn Nga, cựu tướng Kolchak Melnikov.

Vào đêm 17 rạng ngày 18 tháng 1, các đơn vị của Ngô Bội Phu do sợ bị bao vây đã rời thành phố Trấn Giang, chặt đầu tất cả tù nhân Nga trước khi rút đi. Đây không phải là điển hình cho các cuộc nội chiến "quân phiệt" ở Trung Hoa - chỉ đám mãi lộ và nông dân nổi loạn mới bị chặt đầu, tức là những người không được coi là binh lính của "quân đội chính quy".

Bất chấp tổn thất, hai ngày sau, "Lữ đoàn Nga", vẫn đi trên sà lan và thuyền xuôi dòng Dương Tử khoảng 100 km, tham gia trận đánh chiếm thị trấn kiên cố Giang Âm[1], nằm chính giữa Trấn Giang và Thượng Hải. Cuộc đánh chiếm thị trấn này kéo dài gần một tuần giữa trời mưa xối xả không ngớt. Vào một trong những cuộc xung phong ngày 25 tháng 1 năm 1925, cựu tướng Bạch vệ Viktor Zolotariov[2], phục vụ trong sở chỉ huy "Lữ đoàn Nga", đã thiệt mạng - trước đây ông mang tên Kim In Soo, là người dân tộc Triều Tiên duy nhất từng giữ lon đại tá trong quân đội Đế quốc Nga.

IMG_1128.jpeg

Victor Zolotariov tức Kim In Soo – du kích người Triều Tiên, đại tá Nga, tướng Bạch vệ và lính đánh thuê Trung Hoa...

Sau ngày 25 tháng 1, kẻ thù, sau khi đã mất các công sự dã chiến ở ngoại ô Giang Âm, tự nhốt mình trong các bức tường thành cũ. Nhận thấy rằng xung phong trực diện vào những công sự dù là kiểu trung cổ cũng sẽ dẫn đến tổn thất đáng kể, các binh sĩ giàu kinh nghiệm của "Lữ đoàn Nga" đã tập hợp vài chục xạ thủ chính xác nhất và một số "pháo khóa nòng kiểu then[3] cỡ nhỏ" chiếm được từ cao điểm gần thành cổ nhất. Trong ba ngày, họ bắn phá thành công quân địch trên tường thành và các tháp pháo của thành cổ, đồng thời trụ được hỏa lực của vài khẩu pháo địch. Cuối cùng, vào ngày 29 tháng 1 năm 1925, quân đồn trú Giang Âm đầu hàng.

IMG_1129.jpeg

Binh lính của Trương Tác Lâm bên khẩu pháo 37 ly (đôi khi chúng được sử dụng trong quân đội của "quân phiệt" với chức năng pháo cấp trung đoàn)

Ngay sau khi thành phố đầu hàng, cách đó 30 km về phía nam, quân của "Cẩu nhục Tướng quân", được hỗ trợ bởi đoàn tàu bọc thép "Vạn Lý Trường Thành" của “Nga”, đã chiếm thị trấn Vô Tích, nhà ga lớn cuối cùng trước cửa ngõ Thượng Hải. Chỉ ba ngày sau, ngày 3 tháng 2 năm 1925, hai đoàn tàu bọc thép tự chế dưới sự chỉ huy chung của cựu đại tá Bạch vệ Innokenty Kostrov đã tiến vào nhà ga Thượng Hải.

“Tất nhiên chúng ta là kẻ thù…”

Không có trận chiến nào xảy ra ở đô thị lớn nhất của Thiên Quốc – thứ nhất, người Anh, người Mỹ, người Pháp và người Nhật, những chủ sở hữu thực sự của trung tâm thịnh vượng Thượng Hải, sẽ không thích điều đó; thứ hai, vào thời điểm đó, “Cẩu nhục Tướng quân” Trương Tông Xương và lãnh chúa của ông ta là “Lão soái” Trương Tác Lâm đã bắt đầu đàm phán đình chiến với “Tổng đốc Nam Kinh” Tôn Truyền Phương, chư hầu mạnh nhất của “Ngọc tướng quân” Ngô Bội Phu, người đang kiểm soát Thượng Hải. Vào thời điểm này, "Tổng đốc Nam Kinh", người nắm giữ các sư đoàn của riêng mình, đã mạnh hơn Ngô tướng quân kẻ đã rệu rã qua các trận chiến, do đó Tôn có thể tự đưa ra chính sách không cần phụ thuộc ai.

IMG_1130.jpeg

Binh lính của Trương Tông Xương ở ngoại ô Thượng Hải

Thành công của lính đánh thuê Nga trong các trận chiến gần Bắc Kinh và Thượng Hải, vang dội khắp Trung Hoa, có tiếng vang chính trị sâu rộng. Họ khiến chính phủ Liên Xô lo lắng nghiêm trọng, đặc biệt là do tình báo Liên Xô ban đầu đã phóng đại quy mô của "Lữ đoàn Nga", báo cáo cho Điện Kremlin dữ liệu về 5-10 nghìn người lưu vong có vũ trang (thực tế không quá 2 nghìn). Điện Kremlin lo sợ rằng lữ đoàn Nechaev có thể trở thành "điểm tập kết" cho hàng chục nghìn Bạch vệ lưu vong đã chạy sang Trung Hoa. Trong số những "quân Nechaev" không từ bỏ giấc mơ báo thù "Bạch vệ" ở Nga, thực sự có những tia sáng le lói cho rằng lữ đoàn của họ "chỉ là nhóm Đông Á của một đội quân duy nhất chống lại bọn Bolshevik" (trích lời thú nhận của một trong những tay lính trơn thuộc lữ đoàn Nechaev, thốt ra ở Thượng Hải trên đỉnh cao hưng phấn sau chiến thắng trước "Ngọc tướng quân").

Chính phủ Liên Xô đã gửi một công hàm phản đối tới Bắc Kinh "về sự hiện diện trên lãnh thổ Trung Hoa của chi đội Bạch vệ, được gọi là Lữ đoàn hỗn hợp số 1 của Nga, hoạt động giữa Thượng Hải và Nam Kinh...". Vào thời điểm đó, giữa Liên Xô và "Trung Hoa Dân Quốc" đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức được một năm, đồng thời họ khá thân thiện. Liên Xô sau đó đã thực hiện một số cử chỉ rộng rãi với Trung Hoa - họ cho phép chuyển tuyến đường sắt Đông Hoa nổi tiếng sang quyền sở hữu chung và từ bỏ yêu sách về phần “tiền bồi thường Quyền Phỉ” của nước Nga Sa hoàng (số tiền khổng lồ mà Bắc Kinh phải trả do hậu quả của cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn bài Âu), chuyển nó qua mục đích phát triển trường công lập ở Trung Hoa. Trong con mắt của người Hoa, những cử chỉ "chống thực dân" rõ ràng này khiến nước Nga Xô viết khác hẳn so với chính sách của Phương Tây và Nhật Bản, những nước chỉ coi Thiên Quốc là đối tượng bị chia rẽ và bóc lột.

Kết quả là, tại Trung Hoa khi đó, Liên Xô có được thiện cảm không chỉ của giới trí thức cánh tả mà còn của nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc trong giới quân nhân. Ngay cả "Lão soái" Trương Tác Lâm, kẻ công khai thù địch hệ tư tưởng "đỏ", đã buộc phải duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Liên Xô do tâm trạng của công chúng. Trước sự phản đối ngoại giao từ đại sứ quán Liên Xô, ông ta đã ra lệnh cho tất cả "cựu công dân Nga" từng phục vụ trong lực lượng của ông ta lập tức phải nhập quốc tịch Trung Hoa.

IMG_1131.jpeg

Các sĩ quan Bạch vệ lưu vong thuộc "Lữ đoàn Nga"

Đám Bạch vệ đến Thượng Hải sau đó thậm chí còn bị đưa lên mặt báo Liên Xô. Nhà báo Nikolai Kostarev đã để lại ghi chép về cuộc gặp gỡ tình cờ với một chiến binh thuộc “Lữ đoàn Nga”, người ngay sau nhiều tháng chiến đấu cam go đã có mặt tại con phố chính trong “khu tô giới” giàu có của người Âu ở Thượng Hải:

“Một sáng nọ, khi dạo dọc đường Nam Kinh, tôi đụng phải một bóng người rất lạ, trái ngược với con phố thời trang và bóng bẩy. Giữa sáng chủ nhật đầy nắng, ai cũng đóng bộ vest trắng và đội mũ rộng vành nhiệt đới, tiếng còi xe inh ỏi - đột nhiên, một cái áo quân phục cổ chui vải đen đứng dậy đung đưa trước mặt tôi, trên vai là cái lon đại tá nhăn nhúm đính tạm bợ, trên túi áo trái - phù hiệu hình đại bàng của học viện quân sự, còn cao hơn - một khuôn mặt sưng húp đã lâu không cạo, và cao hơn nữa - cái mũ sĩ quan nhàu nát. Thân người đàn ông bị thắt vào một chiếc thắt lưng kiểu Kavkaz, dọc chiếc quần bằng cùng thứ vải đen và bẩn ấy được viền vệt sẹo màu nâu, hiển nhiên là tượng trưng cho dải nẹp... Người đàn ông ấy bước không nhanh, khập khễnh bên chân trái.”

Nikolai Kostarev không chỉ là nhà báo – mới đây, ông đã trải qua toàn bộ cuộc Nội chiến, chiến đấu trong chi đội Blukher đánh quân Kolchak, đánh du kích chống quân Nhật ở vùng Primorye (Aleksandr Fadeev, về sau trở thành nhà văn lớn của Liên Xô, đã chiến đấu trong chính chi đội này). Thực ra tất cả hoạt động "báo chí" của Kostarev ở Trung Hoa vào đầu thập niên 1920 chứng tỏ sự gần gũi của ông với tình báo Liên Xô. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cuộc gặp gỡ tình cờ của những đối thủ cũ ở giữa Thượng Hải đã kết thúc trong một tửu điếm Trung Hoa bên một chai rượu, mặc dù không có những cái bắt tay. Kostarev viết:

“Chúng tôi hơi nghiêng đầu chào nhau, nhưng không bắt tay. Tất nhiên, chúng ta là kẻ thù…”

“Ngài nói tiếng Trung Hoa sao! Họ có biết chiến đấu không? Chà, họ đang ở đâu…”, - Kostarev ghi lại lời đối thoại và tiếp tục mô tả về người đàn ông đã trở thành lính đánh thuê chuyên nghiệp ở một vùng đất xa lạ:

“Anh ta đưa tay lên xoa mặt, vuốt ve gò má đang co giật. Tôi nhìn kỹ hơn bàn tay: nó vặn vẹo, xòe ra và uốn cong thật vụng về - tất cả được khâu dính lại với nhau, ở cuối là hai mẩu ngón tay gầy queo. Bàn tay đáng sợ! - bằng chính bàn tay này, anh ta đã chặt đứt đầu lính Trung Hoa. Anh ta làm điều đó ra sao? - Nhưng anh ta vẫn xoay sở được! - anh ta nhận thấy tôi đang nhìn bàn tay phải què cụt của mình: - Không sao, chuôi gươm càng dư dả và thoải mái ... - anh ta mỉm cười rồi giấu tay dưới gầm bàn.”

"Cựu công dân Nga" phục vụ Trương Tác Lâm đã thực sự phải đổi thanh gươm Nga cũ để lấy cái đại đao Trung Hoa.

IMG_1132.jpeg

Người lính Trung Hoa của một trong những đội quân của quân phiệt với "đại đao" và cây kích.

Thỏa thuận đình chiến kết thúc trong âm mưu

Đến mùa xuân 1925, ông chủ Mãn Châu "Lão soái" Trương Tác Lâm lại trở thành "nhà quân phiệt" mạnh nhất Thiên Quốc. Các sư đoàn riêng và quân đội các chư hầu của ông ta đã kiểm soát phần quan trọng của "Trung Hoa Dân Quốc", bao gồm các khu vực đô thị lớn nhất - Bắc Kinh và Thượng Hải. Tại thủ đô Bắc Kinh, “Đại soái”, sử dụng các nguồn lực hào phóng của xứ Mãn Châu giàu có, tích cực gạt đồng minh tạm của mình, “Tướng quân Cơ đốc” Phùng Ngọc Tường, ra khỏi các đòn bẩy quyền lực.

Kết quả là, vào mùa hè 1925, tình hình chính trị nội bộ Trung Hoa lại thay đổi đáng kể - tất cả các "quân phiệt" khác quay sang tích cực ngăn chặn Trương Tác Lâm. Vào tháng 8, tại thành phố Hán Khẩu, trung tâm buôn trà chủ yếu của Trung Hoa, một "hội nghị" gồm các chỉ huy chiến trường của 9 tỉnh miền trung đất nước đã diễn ra, kết quả là hầu hết các "quân phiệt" đồng ý chung sức hành động chống lại ông chủ Mãn Châu. Ở Hán Khẩu, nằm bên bờ sông Dương Tử, ngay trung tâm Trung Hoa, giống như Thượng Hải, cũng có các “nhượng địa” ngoại bang (Anh, Pháp, Nhật, đến 1917 có thêm Nga và Đức) - hội nghị các chỉ huy chiến trường được tổ chức ngay trên lãnh thổ "nước ngoài", nơi an ninh được đảm bảo bởi các cường quốc.

IMG_1133.jpeg

Tàu pháo đường sông của Mỹ và Anh trên sông Dương Tử ngoài khơi Hán Khẩu, ảnh thập niên 1920. Theo các hiệp ước quốc tế để lại từ thời Thanh, tàu quân sự nước ngoài có quyền tự do đi lại trên con sông lớn nhất Trung Hoa...

Kết quả là, một liên minh quân sự mới được thành lập để chống lại "Lão soái", trong đó lực lượng tấn công chính là của "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương, người đã để mất Thượng Hải, và "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường, kẻ đang mất ảnh hưởng ở Bắc Kinh. Họ được hợp sức bởi ông chủ cũ của mình là "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu, kẻ tuy bị đánh bại nhưng vẫn còn giữ tàn quân các sư đoàn của mình - trong cuộc nội chiến mới, ông ta muốn leo lại lên đỉnh chính trường Trung Hoa một lần nữa.

Một số tướng lĩnh của chính Trương Tác Lâm, gồm cả... đứa con trai măng sữa của ông ta, cũng tham gia liên minh bí mật chống lại ông chủ xứ Mãn Châu. Trương Học Lương 24 tuổi, được mọi người đặt biệt danh là "Thiếu soái", quan tâm đến không chỉ hàng không và thuốc phiện mà cả các xu hướng chính trị thời thượng - anh ta có lẽ là người toàn tâm toàn ý theo chủ nghĩa dân tộc chống lại căn nguyên sự hạ nhục liên tục với tổ quốc mình, mơ mộng về một Trung Hoa thống nhất và hùng mạnh. Vào thời điểm đó, tính cách của cha anh ta – lão mãi lộ già, kẻ mạnh nhất và có lẽ là "quân phiệt" đáng ghét nhất trong Đế chế Thiên Quốc - đối với vị thiếu tướng trẻ tuổi dường như là trở ngại chính trong quá trình thống nhất của đất nước bất hạnh.

IMG_1134.jpeg

"Lão soái" Trương Tác Lâm và con trai Trương Học Lương bên cạnh tùy viên quân sự Hoa Kỳ

Trong quân đội của ông chủ Mãn Châu, xung quanh Trương Học Lương con trai ông ta lập ra cái gọi là nhóm "Tân Mukden" (tên gọi thủ đô của Mãn Châu, thành phố Mukden - nay là Thẩm Dương). Nhóm tướng lĩnh sĩ quan này không chỉ cạnh tranh cấp bậc và chức vụ với nhóm “Cựu Mukden”, các thủ hạ lâu năm của “Lão soái” vốn xuất thân mãi lộ, mà còn có những sở thích chính trị khác. “Tân Mukden” được giáo dục nhiều hơn “Cựu Mukden” và khá chân thành mơ ước thống nhất và phục hưng Trung Hoa, trong khi các đối thủ “Cựu” của họ, đám cướp đường mù chữ vừa thoát kiếp nghèo, lại khá hài lòng với vị trí của mình trong "chế độ phong kiến" quân phiệt đã được thiết lập.

Cuộc binh biến của Quách tướng quân

Trên thực tế, nhóm "Tân Mukden" và âm mưu chống lại Trương Tác Lâm là do tướng Quách Tùng Linh[4] lãnh đạo - trước đây ông từng dạy tại Học viện Quân sự Mukden, Trương Học Lương là một trong những học trò của ông, giờ ông trở thành ngọn cờ chính trị của gia tộc mình. Nhân tiện, Quách tướng quân cũng tham gia vào lịch sử quân sự Nga - tháng 2 năm 1921, chính Quách Tùng Linh là người chỉ huy kỵ đội đồn trú ở Urga, thủ đô Mông Cổ, nơi bị Nam tước Ungern nổi tiếng tấn công.

Cựu trung tá quân đội đế quốc Nga khi đó đã đánh bại các tướng lĩnh Trung Hoa đang cố gắng lấy lại "Ngoại Mông" về dưới sự cai trị của Cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc (thực tế là dưới sự cai trị của "Nguyên soái" Trương Tác Lâm). Tuy nhiên, người ta tin rằng trong số tất cả các tướng lĩnh Trung Hoa khi đó đang ở Mông Cổ, chính Quách Tùng Linh đã thể hiện khả năng chỉ huy quân sự tối đa, cứu được một phần quân đội dưới đòn tấn công của "Nam tước Điên".

Đến mùa thu 1925, Quách Tùng Linh đã thực sự nắm quyền chỉ huy Đệ nhị Lộ quân thuộc quân đội riêng của "Lão soái" Trương Tác Lâm. Về hình thức, Đệ nhị Lộ quân (chính thức bao gồm "Lữ đoàn Nga") do "Thiếu soái" Trương Học Lương đứng đầu, Quách tướng quân được xếp là phó. Theo tình báo Liên Xô, bảy sư đoàn bộ binh và hai lữ đoàn pháo binh của đạo quân này khi đó có quân số 40.000–50.000 binh sĩ với một trăm khẩu pháo và một trăm đại liên.

IMG_1135.jpeg

Tướng Quách Tùng Linh và các sĩ quan thuộc nhóm Tân Mukden

Đầu tháng 11 năm 1925, các sư đoàn của "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương và "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường hiệp sức tấn công "Lão soái" Trương Tác Lâm và các thuộc hạ của ông ta. Tiếp đó diễn ra một cuộc nổi loạn công khai của "Thiếu soái" chống lại cha mình. Tuy nhiên, Trương Tác Lâm khám phá ra âm mưu chỉ sau vài ngày - "Thiếu soái" và một số sĩ quan "Tân Mukden" bị bắt.

Ông chủ Mãn Châu chân thành yêu thương đứa con kém may mắn của mình và chỉ cho quản thúc tại gia anh ta, trong khi những người bị bắt còn lại lập tức bị hành quyết sau khi tra tấn. Tuy nhiên, các sĩ quan trung thành với Trương Tác Lâm thất bại trong việc bắt giữ Quách tướng quân, người đã chạy trốn đến bờ biển Hoàng Hải ở Thiên Tân nơi đóng các sư đoàn thuộc Đệ nhị Lộ quân của mình để bắt đầu cuộc nổi dậy công khai. Kẻ chủ mưu sống sót đã phải sớm lộ diện và mất liên lạc ổn định với các đồng minh - "Tổng đốc Nam Kinh" và "Tướng quân Cơ đốc".

Vào lúc này, cách đó 400 km về phía nam bên bờ sông Dương Tử, "Lữ đoàn Nga" của Konstantin Nechaev phải chịu đòn tấn công của quân chủ lực của "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương. Trong lữ đoàn lính đánh thuê Nga vào đêm trước trận chiến, một âm mưu cũng bị phanh phui, kết quả là Nechaev đã xử bắn 5 chiến binh. Đến tháng 11 năm 1925, do hành động bất ngờ của các địch thủ của Trương Tác Lâm và cuộc nổi dậy của Quách tướng quân, "Lữ đoàn Nga" đã rơi vào một hoàn cảnh mang tính chiến lược.

Tài liệu tham khảo

1. Попов-Татива Н. Китай. Экономическое описание. М.: Издание Разведывательного управления штаба РККА, 1925

2. Позднеев Д. Современный Китай (Борьба за китайский рынок). Л.: 1925

3. Никонов А. Китай. Популярный военно-политический очерк. М.: Военный вестник, 1925

4. Виленский-Сибиряков Вл. У-Пей-Фу (Китайский милитаризм). М.: Госиздат, 1925

5. Кюнер Н. Очерки новейшей политической истории Китая. Владивосток: АО «Книжное дело», 1927

6. Аллен А. Генри. Записки Волонтера. Гражданская война в Китае. Л.: Изд-во «Прибой», 1927

7. Грегори Е. В. «Словарь китайских военных терминов». Мукден, 1927

8. Словарь-справочник по китайскому вопросу. Сост. П. Езерский. М.-Л. Изд-во «Молодая гвардия», 1927

9. Барановский М., Шварсалон С. Что нужно знать о Китае (Справочник). М., Типо-цинкография «Мысль печатника», 1927

10. Костарев Н. «Мои китайские дневники». Ленинград, изд-во «Прибой», 1928

11. Высогорец В. Китайская армия. Очерки по основным вопросам вооруженных сил современного Китая. М.-Л.: Госиздат, 1930

12. Сапожников Б. Г. Первая гражданская революционная война в Китае 1924–1927 гг. М., 1954

13. Liu F. F. A Military History of Modern China, 1924–1949. Princeton, NJ, 1956

14. Благодатов А. Записки о китайской революции 1925–1927 гг. М.: Наука, 1975

15. Черепанов А. Записки военного советника в Китае. М.: Наука, 1976

16. Каретина Г. С. Чжан Цзолинь и политическая борьба в Китае в 20-е годы XX в. М.: Наука, 1984

17. Жуков В. В. Китайский милитаризм. 10–20-е гг. ХХ в. М.: Наука, 1988

18. Edward A. Mccord. The Power of the Gun: The Emergence of Modern Chinese Warlordism. Berkeley, CA, 1993

19. Каретина Г. С. Военно-политические группировки Северного Китая: эволюция китайского милитаризма в 20–30-е гг. ХХ в. Владивосток, 2001

20. Балмасов С. С. Белоэмигранты на военной службе в Китае. М.: Центрполиграф, 2007





[1] Giang Âm (Цзянъинь / 江陰 / Jiangyin): ngày nay thuộc thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. - ND

[2] Viktor Nikolaevich Zolotariov (? - 1925): người Nga gốc Triều Tiên, tên thật là Kim In Soo (Ким Ин Су) (In-soo trong tiếng Triều là Người chiến thắng, trong tiếng Nga là Viktor). Trong quan hệ Nga-Triều cuối thế kỷ XIX, có một thời kỳ thịnh vượng đỉnh cao khá ngắn ngủi. Kết quả của thời kỳ này là quyết định cử đại tá Bộ Tổng tham mưu D. V. Putyata cùng nhóm huấn luyện viên quân sự (trong đó có Kim In Soo làm thông dịch viên) đến Triều Tiên năm 1896 để xây dựng kế hoạch cho quân đội Triều Tiên trong tương lai và thành lập đội cận vệ cho vua Cao Tông (Gojong, 1852-1919). Do hợp tác quân sự Nga-Triều gián đoạn, đoàn huấn luyện đã phải rời Triều Tiên sau nửa năm và việc tái thiết quân đội Triều chuyển sang tay người Nhật. Tuy nhiên, Kim In Soo (vẫn mang quốc tịch Nga) ở lại trong đội cận vệ của Cao Tông và năm 1900 được bổ chức thanh tra một trường quân sự. Năm 1904, khi Seoul bị quân Nhật chiếm, Kim In Soo rời Triều Tiên với nhiệm vụ bí mật từ Cao Tông. Khi Chiến tranh Nga-Nhật nổ ra, Kim đến Triều trong thành phần Trung đoàn Nerchinsk số 1, được nhận Huân chương Thánh Anna hạng 2. Chiến tranh kết thúc, Kim rời Trung đoàn 1 Nerchinsk đến bộ chỉ huy Quân khu Amur để tổ chức trinh sát khu vực bắc Triều. Đầu Thế chiến thứ I, Kim In-soo với lon đại tá chỉ huy một đơn vị trong sư đoàn cô-dắc hợp nhất của tướng Krasnov ở Phương diện quân Tây Nam. Do lập chiến công, ông được nhận nhiều huân chương chiến đấu. 12/1917 ông gia nhập Quân đội sông Đông. Thăng tướng năm 1918. Năm 1920 ông di tản qua Thổ tới Viễn Đông tiếp tục chống Hồng quân. 1922 rời Nga cùng các đơn vị Bạch vệ sang Mãn Châu. Tham gia Nội chiến Trung Hoa. Thiệt mạng trong trận Giang Âm. - ND

Nguồn tham khảo: https://koryo-saram.site/kim-in-su-zolotarev-viktor-nikolaevich-1925-sudba-geroya/

[3] Nguyên văn “клиновых орудий”: nguyên mẫu của súng khóa nòng kim hỏa hiện đại, có thể nạp đạn và nổ pháo mà không cần ra đứng trước pháo quay lưng về phía kẻ thù. Được A. Krupp phát triển và áp dụng vào pháo binh năm 1864. - ND

[4] Quách Tùng Linh (Го Сунлин / 郭松齡 / Guo Songling) (1883-1925): tướng Trung Hoa từng phục vụ trong quân đội Phụng hệ dưới quyền Trương Tác Lâm trong Thời đại quân phiệt Trung Hoa. Có cảm tình với phe cộng hòa và từng phục vụ một thời gian ngắn dưới quyền của Tôn Trung Sơn, ông là thầy và có ảnh hưởng quan trọng lên Trương Học Lương con trai của Trương Tác Lâm. Trương Học Lương được ông gọi là "đệ tử đầu tiên". Do bị Phùng Ngọc Tường xúi giục, với lý do muốn tránh nội chiến, ông đã lãnh đạo cuộc nổi dậy kéo dài ba tháng chống lại Phụng hệ, bị quân Phụng hệ đánh bại và bị bắt. Trương Tác Lâm đã ra lệnh xử bắn hai vợ chồng Quách Tùng Linh. - ND
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Trường phái Xô viết của quân đội Trung Hoa p5

Bá chủ Thiên Quốc: "quân Cơ đốc" liên minh với những người Bolshevik


Aleksey Volynets, 12/12/2017

https://warspot.ru/10640-hozyaeva-podnebesnoy-soldat-hrista-v-soyuze-s-bolshevikami

Những tuần cuối cùng của năm 1925 được đánh dấu bằng đợt nội chiến mới ở Trung Hoa. Những nhân vật chủ chốt ở miền trung Trung Hoa - "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương, "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu và "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường - đang chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công vào các vị trí của quân phiệt mạnh nhất Thiên Quốc, ông chủ xứ Mãn Châu , "Lão soái" Trương Tác Lâm. Trong khi đó, một cuộc nổi loạn công khai nổ ra trong quân đội Mãn Châu.

Thành công duy nhất của kỵ binh Trung Hoa

Ngày 23 tháng 11 năm 1925, ông chủ Mãn Châu đã ra tay trước đám chủ mưu của nhóm "Tân Mukden" và bắt giữ một số thủ lĩnh của nhóm, do chính con trai ông ta là Trương Học Lương cầm đầu. Tuy nhiên, người cầm đầu thực sự của "Tân Mukden" tướng Quách Tùng Linh đã trốn khỏi thủ đô Mãn Châu thoát đến thành phố Thiên Tân gặp đội quân của mình. Bốn ngày sau, ngày 27 tháng 11, Quách tướng quân công khai tuyên chiến với "Lão soái".

Kẻ chủ mưu có bảy sư đoàn và hai lữ đoàn pháo binh thuộc Đệ nhị Lộ quân Mukden - khoảng 50.000 binh sĩ với một trăm pháo và một trăm đại liên. Quách tướng quân tuyên bố ông phản đối "sự cai trị chuyên quyền của Trương Tác Lâm" và "để phần nào giúp đỡ nhân dân Mãn Châu", ông long trọng đổi tên quân đội của mình thành "Quốc quân Đông Bắc". Ngay sau tin tức về bài phát biểu của Quách tướng quân chống lại "Lão soái", một cuộc biểu tình của hàng ngàn người ủng hộ quân nổi dậy đã diễn ra trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Không phải tất cả tướng lĩnh Đệ nhị Lộ quân đều ủng hộ cuộc nổi dậy. Một trong số họ, Khương tướng quân[1], đã nhổ nước bọt vào mặt Quách, khiến ông ta bị bắn ngay lập tức. Sự thật này liền được "Lão soái" sử dụng để tuyên truyền như một ví dụ về "sự tàn ác cực độ". Tuy nhiên, bản thân ông chủ xứ Mãn Châu cũng không hề chùn tay - ông ta đã ra lệnh chặt đầu người cha già của Quách tướng quân, còn với chính người đứng đầu quân nổi loạn ông ta treo một giải thưởng hai tấn bạc.

IMG_1141.jpeg

Binh lính sĩ quan quân đội nổi loạn của Quách tướng quân trong quân phục mùa đông

Ban đầu, cuộc nổi dậy được hỗ trợ bởi một vị tướng có ảnh hưởng khác thuộc nhóm "Tân Mukden" – Lý Cảnh Lâm[2], "duban" (tổng đốc quân sự) của tỉnh thủ đô Trực Lệ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nước Nhật hùng mạnh đối với tình hình chính trị ở đông bắc Trung Hoa gần như lập tức có tác động. Người Nhật coi ông chủ của Mãn Châu, Trương Tác Lâm, là đối tác thích hợp hơn, và các nhà ngoại giao của họ, cùng với "Lão soái", đã thuyết phục "duban" của thủ đô từ bỏ cuộc nổi loạn.

Tuy nhiên, ngay cả độc một Quách tướng quân với bài phát biểu được chuẩn bị vội vàng cũng gây ra nguy hiểm chết người cho "Lão soái", hầu hết quân đội của họ đã bị kìm chân trước cuộc tấn công của các nhóm tướng lĩnh thù địch ở các vị trí phía nam và phía tây Bắc Kinh. Không lãng phí thời gian, Quách tướng quân cố gắng lập tức đột phá từ Thiên Tân ven biển đến thủ đô Mukden (nay là Thẩm Dương) của Mãn Châu. Tới tháng 12 năm 1925, giao tranh nổ ra ở Thung lũng sông Liêu Hà, nơi diễn ra các sự kiện của Chiến tranh Nga-Nhật hai thập kỷ trước.

Không giống như phần còn lại của Trung Hoa, Mãn Châu trải qua sương giá nghiêm trọng vào mùa đông. Đến ngày 20 tháng 12, quân nổi loạn của Quách tướng quân, sau khi đánh bại một số chi đội của "Lão soái", đã băng qua sông Liêu Hà đóng băng và chiếm được cây cầu đường sắt chiến lược cách Mukden chỉ 40 km. Số phận của thủ đô Mãn Châu trở nên chông chênh, và Trương Tác Lâm, để đề phòng, đã chuyển đến Đại Liên - nhượng địa thuộc lãnh thổ hải ngoại của Nhật Bản.

IMG_1142.jpeg

Lính pháo binh Trung Hoa trong quân phục mùa đông, ảnh chụp năm 1925

Cố gắng ngăn chặn bước tiến quân nổi dậy, ông chủ Mãn Châu đã tung vào trận lực lượng dự bị cuối cùng - Phi đội Hổ bay. Máy bay luân phiên thả bom và truyền đơn kêu gọi quân của Quách giữ trung thành, nhưng cuối cùng, diễn biến các sự kiện một lần nữa được quyết định không phải bởi sức mạnh của vũ khí và tuyên truyền, mà bởi các âm mưu và chính trị cấp cao. Trong khi cuộc chiến đang diễn ra, một cuộc nổi dậy mới đã chín muồi bên trong cuộc nổi loạn - không phải vô cớ mà Trương Tác Lâm đã chi gần 11 tấn bạc từ kho bạc của mình vào tháng 12 năm 1925 và 7,5 triệu yên vay vội vàng từ các ngân hàng Nhật Bản với lời hứa nhượng bộ trong khu vực tuyến đường sắt Đông Hoa.

Tư lệnh pháo binh của tướng phản loạn họ Quách là tướng Trâu Tá Hoa[3]. Sau ba tuần chiến đấu, gã "Tân Mukden" này quyết định thương lượng với "Cựu Mukden". Theo tình báo Liên Xô, các điệp viên và tiền của Nhật Bản một lần nữa đóng vai trò quyết định. Giữa lúc giao tranh ở ngoại ô thủ đô Mãn Châu, trọng pháo của Quách tướng quân đã nã xuống các vị trí của chính ông ta.

"Lão soái" Trương Tác Lâm một lần nữa chứng tỏ là nhà lãnh đạo lão luyện. Cuộc phản công trong nội bộ quân nổi loạn đã được phối hợp thành công với cuộc phản công của kỵ binh Mãn Châu - vượt qua mặt băng Liêu Hà, kỵ binh đã đánh tan đại bản doanh của Quách tướng quân. Các chuyên gia quân sự Liên Xô coi cuộc đột kích này là ví dụ duy nhất về các hành động thành công của kỵ binh Trung Hoa - khá yếu và không thành công trên chiến trường trong các trận nội chiến.

IMG_1143.jpeg

Cuối năm 1925, "Lão soái" Trương Tác Lâm vẫn "giữ chặt dây cương"

Vị tướng bại trận Quách Tùng Linh tìm cách trốn trong tòa nhà lãnh sự Nhật ở thị trấn Tân Dân[4] gần đó, nhưng bị quân Nhật dẫn độ và hành quyết lập tức. Những xác chết bị xử trảm của Quách tướng quân, vợ ông và nhiều người ủng hộ ông liền bị bêu ở trung tâm Mukden trên quảng trường gần ngôi đền Nho giáo, nơi tổ chức truy điệu Khương tướng quân, người phải trả giá bằng mạng sống của mình vì trung thành với ông chủ Mãn Châu.

IMG_1144.jpeg

Thi thể Quách Tùng Linh và vợ bị bêu ở trung tâm thành phố Mukden

"Ma râu xồm" và "Tổng đốc mẫu mực"

Việc đàn áp thành công cuộc nổi loạn của Quách tướng quân đã cứu được mạng sống và quyền lực của Trương Tác Lâm. Nhưng trong lúc đó, quân chủ lực và các đồng minh của ông ta phải hứng chịu một đòn phối hợp từ ba đối thủ chính tranh giành quyền lực ở Thiên Quốc - "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương, "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu và "Tướng quân Cơ đốc " Phùng Ngọc Tường.

Đến đầu năm 1926, quân đội của ông chủ Mãn Châu chỉ bằng phân nửa so với tổng lực lượng của đối phương. Quân của Trương Tác Lâm và đồng minh chính của ông ta là "Cẩu nhục Tướng quân" Trương Tông Xương kiểm soát một lãnh thổ có dân số khoảng 60 triệu người và gồm 250.000 tay lê và tay gươm: 19 sư đoàn bộ binh và 3 sư kỵ binh, 37 lữ đoàn bộ binh và kỵ binh độc lập, được trang bị khoảng 700 đại liên và 500 pháo (bao gồm cả dã pháo hạng nặng, thứ duy nhất ở Trung Hoa vào thời điểm đó - bốn chục khẩu pháo 150 mm của Nhật và Đức). Ngoài ra, "Lão soái" còn nắm trong tay 9 đoàn tàu bọc thép, 5 trong số đó do dân Bạch vệ Nga lưu vong chế tạo và bảo trì.

"Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu, người từng nắm quyền toàn bộ Thiên Quốc, sau những thất bại trong mấy năm trước, đã tìm cách khôi phục một phần sức mạnh của mình. Nhóm của ông dựa vào các tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc ở miền trung Trung Hoa, kiểm soát lãnh thổ với dân số khoảng 50 triệu người và có một đội quân gồm 135.000 tay lê với 120 đại liên và 180 pháo.

"Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương, đồng minh mạnh nhất trước đây của "Ngọc tướng quân", đến đầu năm 1926 trở thành một tay chơi độc lập và kiểm soát bấp bênh các tỉnh ven biển giàu có nhất Trung Hoa với dân số khoảng 100 triệu người. Nhóm của ông ta bao gồm 220.000 tay lê với bốn trăm đại liên và một số đại bác.

IMG_1145.jpeg

Quân của "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương

Ba "lộ quân quốc gia" dưới sự chỉ huy của "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường dựa vào các tỉnh phía tây Bắc Kinh, bao gồm 9 sư đoàn bộ binh và một chục lữ đoàn độc lập với tổng sức mạnh là 120.000 tay lê.

Điều đáng ghi nhớ là các lực lượng này hoàn toàn không trấn áp tất cả các “nhóm quân phiệt” đang chia rẽ và cướp bóc Trung Hoa vào thời điểm đó. Các "quân phiệt" ở cực nam Trung Hoa tồn tại hoàn toàn tách biệt, bận rộn với nội chiến, các tướng lĩnh ở những tỉnh xa xôi Tân Cương, Tứ Xuyên và Vân Nam đều cảm thấy độc lập. Gần như bỏ qua các sự kiện ở trung tâm đất nước, họ liên minh với nhau hoặc gây thù chuốc oán với nhau để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ. Một đại diện điển hình của các "sứ quân phong kiến" tương đối nhỏ như vậy là "đội quân của họ Ma" hay "đội quân của Ma râu xồm" - nhóm các tướng lĩnh có quan hệ họ hàng với người Hồi giáo Trung Hoa kiểm soát một phần của tỉnh Cam Túc ở biên giới với Tân Cương.

Một đại diện độc đáo khác theo cách riêng của những "tiểu sứ quân" này là "Tổng đốc kiểu mẫu" Diêm Tích Sơn [5], người kiểm soát tỉnh Sơn Tây, cách Bắc Kinh 200 km về phía đông nam. Mọi người gọi ông là "kiểu mẫu" không phải vì cuộc sống tốt đẹp của 13 triệu người Trung Hoa sinh sống tại Sơn Tây vào thời điểm đó, mà vì Diêm là vị tướng "quân phiệt" duy nhất giữ kiểm soát được tỉnh của ông trong gần ba mươi năm.

IMG_1146.jpeg

"Tổng đốc kiểu mẫu" Diêm Tích Sơn, ảnh chụp năm 1925

"Tổng đốc kiểu mẫu" dựa vào hàng chục sư đoàn được trang bị tương đối tốt với tổng số 50.000-60.000 binh sĩ. Năm 1925-1926, ông đu dây giữa Trương Tác Lâm và Phùng Ngọc Tường, định kỳ khi liên minh với người này khi liên minh người kia. Diêm Tích Sơn trang bị cho đội cận vệ của mình tiểu liên Bergmann-Schmeiser của Thụy Sĩ và súng ngắn Mauser cổ điển. Cả tiểu liên và Mauser đều chế tạo đặc biệt để dùng chung được hộp đạn Mauser thông thường.

IMG_1147.jpeg

Một người lính của "Tổng đốc kiểu mẫu" Diêm Tích Sơn với khẩu tiểu liên Bergmann SIG Model 1920. Có thể thấy rõ ngôi sao trắng-xanh-đỏ-vàng-đen trên mũ anh ta - biểu tượng của lực lượng vũ trang Trung Hoa Dân Quốc

IMG_1148.jpeg

Một tiểu đội của quân đội Trương Tác Lâm được trang bị súng tiểu liên

IMG_1149.jpeg

Một tiểu đội tiêu biểu "lính Mauser" Trung Hoa thời kỳ đó. Căn cứ mũ đội đầu và áo khoác chần bông mùa đông nhẹ hơn kiểu Mukden, bức ảnh cho thấy đây là các chiến binh của Tổng đốc Nam Kinh Tôn Truyền Phương

Tổn thất và tiền thưởng của "Lữ đoàn Nga"

"Lữ đoàn Nga" của Konstantin Nechaev rơi vào một cuộc đấu đá nội bộ mới giữa các tướng lĩnh Trung Hoa ở tỉnh Sơn Đông, cách Bắc Kinh 400 km về phía nam - vào mùa thu 1925, đội lính đánh thuê này được tổ chức lại thành một sư đoàn chính thức. Vì tất cả đội quân của "quân đội" tham chiến chính thức đều được coi là quân đội chính quy của Trung Hoa Dân Quốc, nên đơn vị "Nga" mới trở thành Sư đoàn 65.

Sư đoàn bao gồm ba lữ đoàn có thành phần hai trung đoàn - hai lữ bộ binh và một lữ kỵ binh. Một lữ đoàn bộ binh hoàn toàn người Nga, lữ thứ hai biên chế người Trung Hoa nhưng có sĩ quan Nga. Lữ đoàn kỵ binh có thành phần hỗn hợp, nhưng dưới sự chỉ huy của người Nga. Điều thú vị là trong lữ đoàn bộ binh Nga, một trung đoàn bao gồm gần như toàn bộ là người Bashkiria, cựu binh Sư đoàn súng trường Ufa của quân đội Kolchak. Đồng thời, những người Bashkiria trong lữ Trung Hoa được chỉ huy bởi công tước Gruzia là Georgy Sidamonidze, một cựu thượng úy quân đội Sa hoàng và là đại tá của quân đội Kolchak.

IMG_1150.jpeg

Georgy Sidamonidze trong quân phục có cầu vai cấp tướng quân đội Trung Hoa

Ngày 22 tháng 10 năm 1925, chỉ huy lính đánh thuê Nga Nechaev được phong quân hàm trung tướng quân đội Trung Hoa, còn cựu đại tá Bạch vệ Innokenty Kostrov, người có đoàn tàu bọc thép tiến vào Thượng Hải đầu năm đó, trở thành thiếu tướng. Tuy nhiên, Kostrov không phải đeo lâu trên vai lon tướng Trung Hoa - cuộc tổng tấn công bất ngờ của các đối thủ của "Lão soái" và cuộc nổi loạn ở hậu phương của ông ta đã dẫn đến tổn thất đáng kể cho đánh lính đánh thuê Nga. Vào tháng 11, ở phía bắc Nam Kinh, quân của "Ngọc tướng quân" Ngô Bội Phu và "Tổng đốc Nam Kinh" Tôn Truyền Phương đã tiêu diệt được ba đoàn tàu bọc thép "Nga". Theo chính những người lính đánh thuê Nga, điều này là do sự phản bội và hoảng loạn của đám lính Trung Hoa thuộc đội quân của "Cẩu nhục Tướng quân" Trương Tông Xương. Trong một trận giáp lá cà ngoan cường, hàng trăm binh sĩ Nga phục vụ Trung Hoa, bao gồm cả tướng Kostrov, đã thiệt mạng. Nếu những kẻ chiến thắng thường lập tức đưa những tù binh Trung Hoa đi lính cho họ, thì họ lại không chấp nhận đám lính đánh thuê Nga bị bắt. Một trong những người sống sót nhớ lại:

“Tức giận trước sự kháng cự ngoan cố, bọn Trung Hoa lần lượt đâm, bắn, tàn sát tất cả những ai còn sống mà không đoán được hoặc không kịp tự cho một viên đạn vào trán…”

Đồng thời, "Lão soái" Trương Tác Lâm, chứng kiến sự phản bội quy mô lớn của đội quân Trung Hoa của mình, đã đánh giá cao sức chịu đựng và lòng trung thành bắt buộc của người Nga - vào tháng 12, tất cả các cựu Bạch vệ thuộc Sư đoàn Nechaev được thưởng 250 đô la (tiền bạc Mexico và Trung Quốc); phần thưởng trung thành được trao cho binh lính Trung Hoa ít hơn mười lần.

Liên minh "Ưu binh của Chúa Kitô" với những người Bolshevik

Do cuộc nổi dậy của Quách tướng quân "Tân Mukden" và cuộc tấn công phối hợp của ba đối thủ mạnh nhất của ông ta, vào cuối năm 1925, ông chủ Mãn Châu đã mất quyền kiểm soát các siêu đô thị quan trọng nhất của Trung Hoa: Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Bắc Kinh và Thiên Tân (thành phố lớn nhất trên bờ biển Hoàng Hải) đã bị chiếm đóng bởi các sư đoàn của "Tướng quân Cơ đốc" Phùng Ngọc Tường.

Tuy nhiên, sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Quách tướng quân, "Lão soái" quay lại phản công. Vào tháng 3 năm 1926, Thiên Tân bị tái chiếm bằng các đòn đánh từ hai phía (từ phía bắc - quân của Trương Tác Lâm, từ phía nam - quân của "Cẩu nhục Tướng quân" Trương Tông Xương). Trong cuộc tấn công này, lính đánh thuê Nga của tướng Nechaev một lần nữa đặc biệt nổi bật và lần đầu tiên ở Trung Hoa, những người đến từ Nga đã tham gia vào chiến đấu ở cả hai phía mặt trận. Thực tế là, kể từ tháng 5 năm 1925, một nhóm cố vấn quân sự Liên Xô đã làm việc tại sở chỉ huy của Phùng Ngọc Tường. Ba chục chuyên gia quân sự Đỏ giàu kinh nghiệm được chỉ huy bởi vị chỉ huy 27 tuổi Vitaly Primakov, người kết thúc Nội chiến Nga với chức quân đoàn trưởng[6] một quân đoàn kỵ binh và được trao hai Huân chương Cờ Đỏ.

IMG_1151.jpeg

Quân đoàn trưởng Vitaly Primakov, ảnh chụp 1925

Sự kết hợp giữa "Ưu binh của Chúa Kitô", như cách tự xưng của Phùng Ngọc Tường, kẻ theo tôn giáo của phái Tin Lành Giám lý, với những người Bolshevik vô thần, chỉ có vẻ kỳ lạ khi nhìn thoáng qua. Thứ nhất, “Tướng quân Cơ đốc” hoàn toàn không xa lạ với những luận điệu xã giao và tích cực đưa ra những khẩu hiệu về “dân chủ nhân dân” và chống “giặc ngoại xâm”, đôi khi bày tỏ thiện cảm với chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, Moskva từ lâu đã tìm kiếm ở miền bắc Trung Hoa một đối trọng với các lực lượng của Trương Tác Lâm, coi ông chủ Mãn Châu thân Nhật là một láng giềng quá nguy hiểm. Các lãnh đạo Liên Xô coi sự hỗ trợ quân sự cho Phùng Ngọc Tường là cơ hội tốt để làm suy yếu lực lượng nhà độc tài Mãn Châu, đồng thời hợp pháp hóa những người cộng sản Trung Hoa trên lãnh thổ do "Tướng quân Cơ đốc" kiểm soát.

Yếu tố quan trọng thứ ba là khả năng đánh bại hoặc làm suy yếu “Lữ đoàn Nga” của Nechaev, lực lượng được coi là nguy hiểm tiềm tàng ở Liên Xô vì có thể là điểm tập trung của những kẻ kế tục “sự nghiệp Bạch vệ”, dưới bàn tay của “Tướng quân Cơ đốc”. Do đó, kể từ tháng 3 năm 1925, "quân đội quốc gia" của Phùng Ngọc Tường đã bí mật nhận viện trợ quân sự từ Liên Xô - trong 18 tháng tiếp theo, ông ta đã nhận được 40.000 súng trường, 48 pháo, 230 đại liên, 3 máy bay, 42 triệu viên đạn và 10.000 lựu đạn ném tay.

Cuộc không kích đầu tiên vào Bắc Kinh và Huân chương Diệu Nhĩ

Sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh Phùng Ngọc Tường và đám Bạch vệ lưu vong giàu kinh nghiệm bên Trương Tác Lâm đã dẫn đến thực tế trận chiến giành Thiên Tân diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1926 trở thành trận đánh ác liệt hơn tất cả các năm nội chiến Trung Hoa trước đó. “Chúng bước thẳng người, thỉnh thoảng nổ súng. Cuộc tấn công dũng cảm này cho thấy sự hết sức thiếu tôn trọng với kẻ thù và thói quen chiến thắng”, quân đoàn trưởng Primakov mô tả cuộc tấn công của quân Nechaev gần Thiên Tân theo kiểu này. Khu vực ngoại ô thành phố lớn này đã hơn một lần đổi chủ, các đối thủ sử dụng các giải pháp rủi ro và phi tiêu chuẩn tại Trung Hoa vào thời điểm đó. Trương Tác Lâm, lợi dụng sự hiện diện của một số tàu pháo, thậm chí còn đổ bộ lực lượng ba nghìn quân từ mặt biển, chiếm được pháo đài Đại Cô lâu đời bảo vệ Thiên Tân từ phía biển (đây là lần bị chiếm thứ tư của nó kể từ thời "chiến tranh nha phiến"). Theo lời khuyên của Primakov, "Tướng quân Cơ đốc" huy động tất cả các phương tiện tìm thấy ở Bắc Kinh và nhanh chóng chuyển một trong những sư đoàn tốt nhất của mình đến Thiên Tân: cuộc đổ bộ của địch bị đánh bại.

IMG_1152.jpeg

"Súng phóng bom hạng nặng" (cối 150 ly) trong quân của Trương Tác Lâm

Trong trận đánh ở Thiên Tân, cả hai bên đều sử dụng tàu hỏa bọc thép tự chế và máy bay. Sư đoàn 65 "Nga" tiến lên tiên phong đã bị tổn thất nặng nề, bản thân trung tướng Nechaev cũng bị thương nặng. Tuy nhiên, đến ngày 23 tháng 3 năm 1926, thành phố thất thủ và các đơn vị xung kích của lính đánh thuê Nga được chuyển hướng đến Bắc Kinh.

Vào ngày 3-6 tháng 4, thủ đô Trung Hoa lần đầu tiên trong lịch sử bị oanh tạc từ trên không. Một số máy bay của Trương Tác Lâm đã thả bom xuống các khu dân cư một cách bừa bãi, gây ra hỏa hoạn và hoảng loạn. Ngày 15 tháng 4, ba đoàn tàu bọc thép "Nga" dưới sự chỉ huy của cựu đại úy quân đội Kolchak Ivan Mrachkovsky tiến vào Bắc Kinh. Vì những thành công này, vị tướng bị thương Nechaev được trao giải thưởng chính thức của nước Cộng hòa Trung Hoa hữu danh vô thực - Huân chương Đôi tai thần kỳ trong vầng hào quang quý giá, hạng 2.

IMG_1153.jpeg

Tướng Nechaev đeo tấm huân chương Trung Hoa, xung quanh là các sĩ quan Nga và Trung Hoa trong sư đoàn của ông

IMG_1154.jpeg

Huân chương Diệu Nhĩ. Đáng chú ý là ở Trung Hoa Dân Quốc, huân chương này được trao cho quan chức dân sự. Đối với quân đội Trung Hoa thời kỳ đó, có một huân chương riêng để thưởng cho thành tích chiến đấu (Huân chương “Hổ Khai sáng”), nhưng lính đánh thuê Nga không được nhận.

Không hề hạ thấp hiệu quả chiến đấu đám lính đánh thuê của Nechaev, cần lưu ý rằng thất bại của quân Phùng Ngọc Tường được định trước không phải bởi khả năng chiến đấu của hai - ba nghìn Bạch vệ Nga lưu vong, mà bởi liên minh những kẻ thù cũ nổi lên vào đầu năm 1926 - "Ngọc tướng" Ngô Bội Phu và Trương Tác Lâm. Ngửi thấy mùi may mắn, Ngô Bội Phu thay đổi các thỏa thuận gần đây ở Hán Khẩu và tấn công vào hậu phương của đồng minh Phùng Ngọc Tường, kẻ đang bị cuốn vào các trận đánh với ông chủ Mãn Châu. Kết quả là đội quân bị nện tả tơi của "Tướng quân Cơ đốc" phải vội rút khỏi Bắc Kinh về phía tây, đến Nội Mông. Bản thân Phùng Ngọc Tường vội vã đến Liên Xô để xin hỗ trợ về chính trị và quân sự.

“Ưu binh của Chúa Kitô” luôn có xu hướng không chỉ phô trương sự khiêm tốn và “gần gũi với mọi người”, mà còn hay tâng bốc tán dương. Đến Moskva, ông ta vui mừng nói với các nhà báo Liên Xô và nước ngoài rằng ông ta sẽ đến một nhà máy như một công nhân bình thường, "để học qua một trường chính trị kỹ lưỡng giữa những người lao động vô sản ". Đồng thời với các kế hoạch “lao động” của mình, Phùng Ngọc Tường yêu cầu các nhà lãnh đạo Liên Xô hỗ trợ kỹ thuật quân sự rất lớn, đơn giản là khiến Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương ************* Liên Xô (b) choáng váng vì sự tham lam.

IMG_1155.jpeg

Khi cần thiết, "Ưu binh của Chúa Kitô" Phùng Ngọc Tường dễ dàng thay đổi dung mạo một vị tướng...

IMG_1156.jpeg

…thành một bề ngoài “bình dân” hơn

Một ủy ban đặc biệt về Trung Hoa, thành lập từ các nhà phân tích tình báo quân sự và Quốc tế Cộng sản, đã báo cáo với Stalin:

“Phùng là nhân vật quân sự và chính trị lớn nhất trong phong trào quốc gia ở miền Bắc và miền Trung Trung Hoa. Ông ta không giống như các quân phiệt Trung Hoa thông thường, những kẻ coi quân đội chỉ là các doanh nghiệp thương mại có lợi nhuận. Nhưng nguyện vọng của ông ta không rõ ràng…”

Tại Điện Kremlin, Phùng Ngọc Tường nhìn chung bị nghi ngờ, nhưng được tiếp đón ở cấp cao nhất và đồng ý tiếp tục giúp đỡ về vũ khí và cố vấn. Tuy nhiên, sự chú ý chính của các lãnh đạo Liên Xô vào thời điểm đó đã hướng về phía nam xa xôi của Thiên Quốc, nơi cách Bắc Kinh gần hai nghìn km, tại Quảng Châu, không phải không có sự giúp đỡ của Liên Xô, một lực lượng quân sự - chính trị mới ra đời, trong hai năm tới sẽ thay đổi đáng kể số phận và bản đồ chính trị của toàn Trung Hoa.

Tài liệu tham khảo

1. Кюнер Н. Очерки новейшей политической истории Китая. Владивосток: АО «Книжное дело», 1927

2. Аллен А. Генри (комкор Примаков). Записки волонтера. Гражданская война в Китае. Л.: Изд-во «Прибой», 1927

3. Словарь-справочник по китайскому вопросу. Сост. П. Езерский. М.-Л. Изд-во «Молодая гвардия», 1927

4. Барановский М., Шварсалон С. Что нужно знать о Китае (Справочник). М., Типо-цинкография «Мысль печатника», 1927

5. Высогорец В. Китайская армия. Очерки по основным вопросам вооруженных сил современного Китая. М.-Л.: Госиздат, 1930

6. Сапожников Б. Г. Первая гражданская революционная война в Китае 1924-1927 гг. М., 1954

7. Liu F. F. A Military History of Modern China, 1924-1949. Princeton, NJ, 1956

8. Благодатов А. Записки о китайской революции 1925-1927 гг. М.: Наука, 1975

9. Черепанов А. Записки военного советника в Китае. М.: Наука, 1976

10. Каретина Г. С. Чжан Цзолинь и политическая борьба в Китае в 20-е годы XX в. М.: Наука, 1984

11. Жуков В. В. Китайский милитаризм. 10-20-е гг. ХХ в. М.: Наука, 1988

12. Edward A. Mccord. The Power of the Gun: The Emergence of Modern Chinese Warlordism. Berkeley, CA, 1993

13. ВКП(б), Коминтерн и Китай. Документы. Том 1 (1920-1925). М.: 1994

14. ВКП(б), Коминтерн и Китай. Документы. Том 2 часть 1 (1926-1927). М.: 1996

15. Каретина Г. С. Военно-политические группировки Северного Китая: эволюция китайского милитаризма в 20-30-е гг. ХХ в. Владивосток, 2001

16. Балмасов С. С. Белоэмигранты на военной службе в Китае. М.: Центрполиграф, 2007

17. Розанов О. Н. Наградные системы в политике и идеологии стран Северо-Восточной Азии. М.: Памятники исторической мысли, 2008

18. Демин А. А. Авиация Великого соседа. Книга 1. У истоков китайской авиации. М.: Фонд содействия авиации «Русские Витязи», 2008





[1] Khương Đăng Tuyển (姜登选) (1880 – 26/11/1925): người tỉnh Trực Lệ, sinh ra trong phú gia vừa làm nông vừa kinh doanh. Thuở nhỏ ông có chí hiếu học, sau khi nhận thấy sự cần thiết của con đường làm giàu cho đất nước và củng cố quân đội, ông đã đi theo binh nghiệp. Sang Nhật để học và tốt nghiệp khoa Pháo binh của Học viện Hạ sĩ quan Lục quân. Về nước tham gia quân đội, phò tá Chú Khánh Lan (朱慶瀾). 12/1913 thăng thiếu tướng. Sau theo Phụng hệ, hỗ trợ nhiều cho Trương Tác Lâm trong xây dựng các phòng tuyến. 8/1925 được bổ nhiệm làm Chỉ huy trấn áp thổ phỉ ở Giang Tô và An Huy, kiêm giám sát quân sự ở An Huy. Bị Tôn Truyền Phương đánh bại. Ngày 22/11/1925, Khương lái xe qua ga Luân Châu, định gặp Quách Tùng Linh, nhưng bị giữ lại sau khi vào thành phố. Quách thuyết phục Khương hợp tác và chống lại Phụng hệ, nhưng bị ông mắng trả nên bị Quách xử bắn. Được đánh giá cương nghị và dũng cảm, đối xử trung thực với mọi người, là vị quan thanh liêm, không màng danh lợi, quản lý quân sự chặt chẽ, dễ gần, được binh lính và dân chúng nơi đóng quân và người dân quê hương nhớ thương. - ND

[2] Lý Cảnh Lâm (Ли Цзинлинь / 李景林 / Li Jinglin) (1885-1931): phó tổng thanh tra và sau này là tướng quân đội thuộc phe Phụng hệ, tổng đốc Trực Lệ. Sau khi kết thúc binh nghiệp đến định cư ở Nam Kinh, năm 1927 chuyển đến Thượng Hải. Là một kiếm sĩ lừng danh, ông được mệnh danh là "Đệ nhất kiếm sĩ Trung Hoa". - ND

[3] Trâu Tá Hoa (Чжэ Цзохуа / 鄒作華) (1894-1973): sinh tại Cát Lâm. Vào học Trường Tiểu học Quân đội Cát Lâm năm 1908, thăng lên Trường Dự bị Lục quân năm 1914. Năm 1916, Trâu vào Học viện Quân sự Bảo Định. Năm 1917 sang Nhật du học tại Trung đoàn Pháo binh Dã chiến 24, gia nhập Sư đoàn Pháo binh 12 của Học viện Hạ sĩ quan Lục quân. Sau khi tốt nghiệp, ông trở lại Trung Quốc vào năm 1919 và làm huấn luyện viên pháo binh. Theo Phụng hệ cùng năm 1919. Năm 1922 làm chỉ huy trưởng Trung đoàn pháo binh số 4 của ba tỉnh miền đông. Năm 1925, ông được thăng Tư lệnh Lữ đoàn 1 Pháo binh. Tháng 11 cùng năm, Quách Tùng Linh chống lại Trương Tác Lâm và thành lập Quốc quân Đông Bắc, Trâu Tá Hoa được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Quốc quân Đông Bắc, tình hình bất lợi buộc phải đầu hàng. Hai vợ chồng Quách Tùng Linh thoát khỏi vòng vây, bị quân Phụng bắt, cả hai vợ chồng bị xử bắn. Trâu Tá Hoa được ân xá và trở về với Trương Tác Lâm. Năm 1926, giữ chức Tổng tư lệnh pháo binh của Phụng hệ, 1927 là Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Sau khi Trương Học Lương trở cờ theo Quốc Dân Đảng, Trâu đi theo. 1935 được phong thiếu tướng. Chiến tranh chống Nhật nổ ra, ông được bổ nhiệm tổng tư lệnh lực lượng pháo binh quốc gia. 1945, Trâu được bổ nhiệm làm thành viên của Ủy ban Chính trị Quốc Dân Đảng của Trại Đông Bắc. 1949 chuyển đến Đài Loan cùng với Quân đội Quốc gia. Nghỉ hưu 1953. - ND

[4] Tân Dân (新民), nay thuộc địa khu Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. - ND

[5] Diêm Tích Sơn (Ян Сишань / 閻錫山 / Yan Xishan) (1883-1960): quân phiệt Trung Hoa phục vụ Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, kiểm soát tỉnh Sơn Tây từ Cách mạng Tân Hợi 1911 tới khi Mao Trạch Đông chiến thắng năm 1949. Là thủ lĩnh một tỉnh tương đối nhỏ, nghèo, hẻo lánh, Diêm Tích Sơn trải qua thời kỳ phục đế của Viên Thế Khải, thời đại quân phiệt, giai đoạn Quốc Dân Đảng nắm quyền, Chiến tranh Trung-Nhật và cuộc nội chiến sau đó. Ông buộc phải từ bỏ quyền lực khi các đội quân Quốc dân hoàn toàn mất quyền kiểm soát đại lục, khiến Sơn Tây hoàn toàn bị cô lập. Diêm Tích Sơn được các sử gia phương Tây đánh giá là nhân vật cải cách, ủng hộ việc dùng công nghệ Tây phương để bảo vệ truyền thống Trung Hoa, cùng với những cải cách kinh tế, chính trị, xã hội mà trên một phương diện nào đó đã dọn đường cho những cải cách triệt để được thực hiện sau này. - ND

[6] Komkor (комкор, viết tắt của командир корпуса): cấp bậc quân đoàn trưởng trong Hồng quân Công Nông thời kỳ trước 1940 (tương đương cấp trung tướng sau 1940) và được quen dùng tới tận năm 1943. - ND
 

danngoc

Xe tăng
Biển số
OF-33488
Ngày cấp bằng
12/4/09
Số km
1,158
Động cơ
488,614 Mã lực
Stalin đã nói đùa gì về sự thống trị thế giới, ai đã cứu Roosevelt và những gì còn sót lại của "Yalta-1945"

https://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/23012707
Aleksey Volynets, 4/2/2025

Tròn tám thập kỷ trước, một cuộc họp của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu trong liên minh chống Hitler – Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh – đã bắt đầu ở Crimea. Vì vậy, vào cuối Thế chiến II, Hội nghị Yalta ở Crimea đã trở thành nơi tạo ra một thế giới mới. Thế giới này tồn tại trên hành tinh của chúng ta ít nhất từ năm 1945 đến năm 1991. Nhưng kết quả của Hội nghị Crimea có ý nghĩa to lớn đến nỗi dư âm lâu dài của “Nền hòa bình Yalta” vẫn còn ảnh hưởng đến thực tế ngày nay của chúng ta.

"Argonauts" và tuyết Crimea

Điều đầu tiên khiến các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh là Franklin Roosevelt và Winston Churchill ấn tượng ở Crimea là tuyết rơi nhiều.

Người Nga đã quen với việc coi Crimea là khu nghỉ mát ở phương nam, nhưng, ví dụ, Yalta nằm cách Washington 600 km về phía bắc, và mùa đông năm 1944/45 trên bán đảo Crimea trở thành mùa đông lạnh nhất trong tất cả những năm của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Hơn nữa, nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Anh đã bay tới Taurida từ Malta cận nhiệt đới. Vào sáng ngày 3 tháng 2 năm 1945, tuyết trắng ở khắp mọi nơi là điều đầu tiên gây ấn tượng với hầu hết người Mỹ và người Anh ở Crimea khi các máy bay cá nhân "Ascalon" và "Sacred Cow" của họ hạ cánh xuống sân bay quân sự gần Yevpatoria.

Ngày hôm đó, sân bay Saki đón 66 máy bay Mỹ và Anh, tổng số thành viên đoàn lên tới hơn 700 người. Trên thực tế, một hoạt động vận chuyển lớn đã diễn ra, được chuẩn bị từ trước và hơn nữa, hoàn toàn bí mật trong điều kiện của cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra. Mật danh "Argonauts" là do đích thân Winston Churchill đề xuất, ông không chỉ là một chính trị gia gây tranh cãi mà còn là một nhà báo tài năng. Có thiên hướng sử dụng ẩn dụ văn học, Sir Winston đã so sánh các nhà lãnh đạo của các nước Đồng minh với các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đã đi thuyền đến bờ Biển Đen để tìm Bộ lông cừu vàng.

Ở Crimea, Winston Churchill và Franklin Roosevelt đã phải chia sẻ lợi thế địa chính trị thế giới quý giá với Iosif Stalin. Vị lãnh tụ Liên Xô không tiếp đón các vị khách quý tại sân bay mà giao buổi lễ này cho Vyacheslav Molotov, Ủy viên nhân dân (Bộ trưởng) Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Một thời gian ngắn sau đó, tại một trong những phiên họp của Hội nghị Yalta, Stalin đã xin lỗi một cách hời hợt nhưng rất có ý nghĩa vì sự thiếu quan tâm đó: “… rất bận rộn với một số vấn đề khác và do đó hy vọng nhận được sự khoan hồng từ phía phái đoàn Anh và Mỹ.” Bản ghi chép khách quan ghi lại phản ứng hùng hồn của những người đứng đầu Hoa Kỳ và Anh: "Roosevelt và Churchill, bằng cử chỉ và lời cảm thán, cho thấy rõ rằng họ biết rõ Stalin đang bận rộn với điều gì." Theo cách ngoại giao và về bản chất là theo kiểu Byzantine, nhà lãnh đạo Liên Xô đã chứng minh rõ ràng với các vị khách quý của mình rằng ngày nay ông không chỉ là một chính trị gia mà còn là Tổng tư lệnh tối cao của quân đội, sẵn sàng tấn công Berlin. và gánh chịu gánh nặng chính của chiến tranh thế giới.

Cung điện Sa hoàng và Shchi của Nga dành cho Tổng thống

Đúng 80 năm trước, vào ngày 4 tháng 2 năm 1945, Stalin, Roosevelt và Churchill đã gặp nhau tại Yalta. Khu nghỉ dưỡng ở Crimea này ít bị phá hủy hơn, đặc biệt là khi so sánh với Sevastopol. Nhưng ngay cả “ít hơn” này cũng thật khủng khiếp: trong những năm Đức chiếm đóng, một phần ba dân số Yalta đã bị hành quyết hoặc bị đưa đến các trại tập trung. Một nửa trong số bốn chục viện điều dưỡng và nhà nghỉ dưỡng lớn đã bị phá hủy, nổ tung, đốt cháy...

Những cung điện nổi tiếng gần Yalta, được xây dựng trước cách mạng, đã bị quân chiếm đóng đặt mìn khi tháo chạy vào tháng 4 năm 1944 và chỉ được cứu khỏi sự phá hủy hoàn toàn nhờ sự tiến quân nhanh chóng của Hồng quân Liên Xô. Chín tháng sau, vào tháng 2 năm 1945, các cung điện Livadia, Yusupov và Vorontsov trở thành nơi ở của ba phái đoàn tập trung tại Yalta.

Trong hồi ký của mình, nhà báo quan sát Churchill sau đó đã ghi nhận cả sự tàn phá lớn ở các thành phố Crimea và thực tế là cung điện đẹp nhất, Cung điện Livadia, nơi ở trước đây của hoàng gia, đã được trao cho Tổng thống Roosevelt. Đây là nơi diễn ra tất cả các phiên họp chính của Hội nghị - những người đứng đầu Liên Xô và Anh đều lưu ý rằng Tổng thống Hoa Kỳ là người bệnh nằm liệt giường và việc di chuyển của ông gặp nhiều khó khăn.

Bản thân Stalin trú ở cung điện cũ của Công tước Yusupov, và phái đoàn Anh được trao Lâu đài Vorontsov, không phải ngẫu nhiên mà nó được trao cho họ. Như Churchill nhớ lại: “Tôi và các thành viên lãnh đạo của phái đoàn Anh được ở tại một biệt thự lớn, xây dựng vào đầu thế kỷ 19 bởi một kiến trúc sư người Anh cho Bá tước Nga Vorontsov, người từng là đại sứ của Sa hoàng tại triều đình Anh”.

Ngài Winston đã viết sai một chút trong hồi ký của mình: đại sứ của Sa hoàng tại London Bá tước Mikhail Vorontsov, anh hùng của Chiến tranh Vệ quốc năm 1812, không phải là người xây dựng cung điện, mà là cha của ông, anh hùng của cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Những người còn lại trong phái đoàn của chúng tôi,” Churchill nhớ lại, “được bố trí ở hai nhà nghỉ, cách chúng tôi khoảng 20 phút đi bộ, nơi họ, bao gồm cả các sĩ quan cấp cao, ngủ chung một phòng với năm hoặc sáu người, nhưng không ai có vẻ bận tâm. Người Đức mới di tản khỏi vùng này chỉ mười tháng trước khi chúng tôi đến, và tất cả các tòa nhà trong khu vực đều bị hư hại nặng nề. Chủ nhà đã làm mọi thứ có thể để chúng tôi cảm thấy thoải mái…"

Nước chủ nhà thực sự đã đảm bảo được sự an toàn và thoải mái tuyệt đối cho những người tham dự hội nghị trong những ngày tháng 2 năm 1945. Mọi nơi cư trú và nơi họp đều được canh gác cẩn thận và liên tục kiểm tra để đề phòng nguy cơ khai thác và phá hoại. Các tiện nghi cũng đạt tiêu chuẩn - ví dụ, thực đơn bữa trưa phong phú vẫn được giữ nguyên. Họ thậm chí còn mang chanh lên máy bay để pha chế cocktail. Tuy nhiên, không có món ăn nước ngoài nào, và trong số các món ăn, những món mang chất địa phương được dùng rộng rãi - ví dụ, món cá chép Azov shemaya hiện rất hiếm và món cá đối tương tự, "đầy sà lan" mà sau đó được ca ngợi trong bài hát Xô viết hết sức nổi tiếng của ca sĩ Liên Xô Mark Bernes.

Phái đoàn Hoa Kỳ, lo ngại về những khó khăn quân sự ở Liên Xô, đã bay đến với nguồn cung cấp lương thực của riêng họ, nhưng cuối cùng lại không có tác dụng gì. Theo hồi ức của những người phục vụ khách nước ngoài vào tháng 2 năm 1945, Tổng thống Roosevelt đặc biệt thích món shchi, mà ông đã nhầm lẫn trong các từ tiếng Nga, và cố tình gọi là "borscht". Churchill, ngoài rượu cognac, đặc biệt coi trọng trứng cá muối đen - và thậm chí còn ôm lấy cả một lọ, không phải lọ nhỏ mà chúng ta thường thấy ngày nay, mà là hộp lớn nặng một kilôgam.

Yalta từ Berlin đến Bắc Kinh

Tất nhiên, mối quan tâm chính của những người tổ chức và tham dự không phải là cuộc sống thường ngày hay thậm chí là an ninh, mà là các mục tiêu chính trị và quân sự của hội nghị. Cuộc họp công việc đầu tiên của người đứng đầu ba cường quốc bắt đầu lúc năm giờ chiều ngày 4 tháng 2 năm 1945. Tổng cộng, tính đến ngày 11 tháng 2, đã có mười cuộc họp và phiên họp chung của các phái đoàn Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh được tổ chức. Các biên bản ghi nhớ của họ đã được công bố từ lâu và rất nhiều nghiên cứu và sách đã được dành riêng cho hoàn cảnh và kết quả của Hội nghị Yalta trong tám thập kỷ qua. Do đó, không cần phải kể lại toàn bộ diễn biến của trò chơi ngoại giao giữa Stalin, Roosevelt và Churchill tại Yalta - chúng ta sẽ chỉ ghi lại những điểm chính và quan trọng hơn là những điểm vẫn giữ được ý nghĩa cho đến ngày nay.

Tất nhiên, tại Yalta, tình hình quân sự đầu năm 1945 được chú ý nhiều - nỗ lực cuối cùng nhằm phản công chiến lược của Đức Quốc xã ở Ardennes đã kết thúc chỉ một tuần trước khi hội nghị bắt đầu. Vào ngày Churchill và Roosevelt đến Crimea, chiến dịch tấn công Vistula-Oder của quân đội Liên Xô đã kết thúc, cho phép bắt đầu chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng vào Berlin.

Điều đáng chú ý là, Hội nghị Yalta là cuộc họp đầu tiên của những người đứng đầu liên minh chống Hitler trên vùng đất chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh. Tổng cộng đã có ba cuộc họp thượng đỉnh như vậy. Lần đầu tiên diễn ra ở nơi xa chiến tranh, tại Tehran, vào cuối năm 1943. Lần thứ ba diễn ra tại Potsdam, Đức, vào mùa hè chiến thắng đầu tiên, sau khi Đức đầu hàng và chấm dứt mọi cuộc chiến ở châu Âu. Vì vậy, “Yalta-1945” đã trở thành đỉnh cao của chính sách quân sự quốc tế.
Nhưng bất chấp tất cả tầm quan trọng đó vào thời đó, đối với thời đại chúng ta, tất cả các cuộc thảo luận và quyết định hoàn toàn mang tính quân sự được đưa ra tại Cung điện Livadia đã trở thành lịch sử cổ đại. Thú vị hơn nhiều là những quyết định “Yalta” vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống trên hành tinh của chúng ta ngày nay.

Đôi khi hậu quả của chúng rất đáng ngạc nhiên và, xét về mặt địa lý, rất khác xa so với Hội nghị Yalta ở Crimea. Ví dụ, sự tồn tại của một Mông Cổ độc lập tách biệt khỏi Trung Quốc hay sự tồn tại của hai miền Triều Tiên đều là hậu quả trực tiếp của các thỏa thuận và quyết định mà Stalin, Roosevelt và Churchill đưa ra vào tháng 2 năm 1945.

Vào thời điểm đó, ba người này là những nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của ba cường quốc hùng mạnh nhất hành tinh, chiến thắng của họ trong cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp nhất đã gần kề và rõ ràng. Đó là lý do tại sao họ có thể quyết định tương lai của cả thế giới và thậm chí còn nói đùa về điều đó.

Ví dụ, biên bản cuộc họp ngày 6 tháng 2 dành riêng cho việc thành lập Liên hợp quốc (LHQ) ghi lại những lời sau đây của Stalin và phản ứng của các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đối với những lời này: “Churchill bày tỏ lo ngại rằng người ta có thể nghĩ rằng ba cường quốc muốn thống trị thế giới. Nhưng ai đang lên kế hoạch thống trị như vậy? Hoa Kỳ? Không, họ không nghĩ về điều đó. (Tiếng cười và một cử chỉ hùng hồn từ Tổng thống). Anh? Cũng không. (Tiếng cười và một cử chỉ hùng hồn của Churchill). Vậy là hai cường quốc đã thoát khỏi vòng nghi ngờ. Cường quốc thứ ba vẫn còn. ...Liên Xô. Vậy là Liên Xô đang phấn đấu để thống trị thế giới? (Tiếng cười chung). Hay có lẽ Trung Quốc đang phấn đấu để thống trị thế giới? (Tiếng cười chung).

Tại sao Litva không bị chọn và Roosevelt không bị sụp đổ

Bất chấp mọi mâu thuẫn và thất bại của Liên Hợp Quốc hiện đại, vai trò của tổ chức này đối với sự sống của hành tinh chúng ta là rất quan trọng. Và điều đáng nhớ là tổ chức quốc tế chính này ra đời chính là kết quả của các thỏa thuận tháng 2 năm 1945 tại Yalta.

Sau đó, Stalin đã đưa thêm hai nước cộng hòa Xô Viết là Ukraine và Belarus vào danh sách những nước sáng lập Liên Hợp Quốc, ngoài Liên Xô. Lãnh đạo Liên Xô muốn đưa Litva, khi đó là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Litva, trở thành nước sáng lập, nhưng vấn đề này bị cản trở bởi các nhà ngoại giao Mỹ và Anh. Họ không muốn Liên Xô có thêm đòn bẩy ảnh hưởng trong trung tâm chính trị thế giới trong tương lai - mặc dù Đế quốc Anh khi đó bao gồm tất cả các lãnh thổ rộng lớn của mình, từ Canada đến Úc, nằm trong số những quốc gia sáng lập Liên hợp quốc, và Hoa Kỳ, quốc gia vào thời đó thực sự kiểm soát một phần đáng kể các quốc gia Mỹ Latinh, cũng được chấp nhận là nước sáng lập.

Nói tóm lại, trò chơi ngoại giao ở Yalta đúng 80 năm trước rất tinh vi, phức tạp và vẫn ảnh hưởng đến nền chính trị lớn và toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Tại Hội nghị Yalta, nhiều đường biên giới đã được xác định và vẫn còn chạy qua trung tâm châu Âu. Những đường nét hiện đại của nước Đức và Ba Lan chính là di sản của Hội nghị Yalta 1945. Không phải vô cớ mà giai thoại lịch sử về cuộc tranh chấp giữa Churchill và Stalin được cho là có liên quan đến các cuộc đàm phán Yalta: "Nhưng Lvov chưa bao giờ là thành phố của Nga! - Còn Warsaw thì sao..."

Điều quan trọng là tại Yalta vào tháng 2, số phận của toàn bộ lục địa châu Âu đã được quyết định mà không có sự tham gia của nó - và điều này mơ hồ giống với tình hình chính trị của thời đại chúng ta, khi EU cũng ít gợi nhớ đến một chủ đề lịch sử trong bối cảnh của các trung tâm quyền lực.

Người đứng đầu của ba cường quốc hùng mạnh nhất, sau khi thảo luận về kết cục thắng lợi của cuộc xung đột khủng khiếp nhất và phác thảo đường hướng của thế giới hậu chiến trong tương lai, đã rời Yalta vào ngày 12 tháng 2. Stalin đã đến và rời Crimea trên một "chuyến tàu tiêu chuẩn đặc biệt" bọc thép, còn Roosevelt đã đi Ai Cập bằng máy bay.

Tổng thống Hoa Kỳ nhớ rõ bờ biển phía nam của Crimea. Trong một chuyến đi dọc con đường quanh co trên núi gần Yalta, người ta phát hiện ra rằng vệ sĩ của ông đã cố định không tốt lan can đỡ trong cabin mở của chiếc Willy, và Roosevelt, người gần như bị liệt, đã suýt ngã khỏi xe. Ông được cứu thoát chết bởi một lái xe Liên Xô, người đã không buông tay lái mà vẫn kịp túm lấy áo khoác của tổng thống bằng một tay. Tên của vị cứu tinh này là Fyodor Khodakov; ông phục vụ phái đoàn Hoa Kỳ trong trang phục thường dân, nhưng thực tế ông lại đeo lon vai của một sĩ quan an ninh quốc gia. Có lẽ câu chuyện đầy kịch tính này chỉ là huyền thoại. Trong các bản tin thời sự tháng 2 năm 1945, Khodakov, một người đàn ông lực lưỡng đội mũ rộng vành, đã nhiều lần bị bắt gặp khi đang lái xe của Roosevelt.

Churchill cũng nhớ tới Crimea. Trong ba chương, ông là người cuối cùng rời khỏi bán đảo, dừng lại một ngày ở Balaklava để khảo sát chiến trường của Chiến tranh Crimea, cái thời Anh và Nga không phải là đồng minh mà là kẻ thù.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top