Ngày 13/2/1929, George “Bugs” Moran – một tay gangster “thứ dữ” tại Chicago – nhận được một cuộc điện thoại. Từ đầu dây bên kia, một người hỏi “Bugs” rằng hắn có muốn mua một xe tải rượu whisky với giá rất hời – chỉ từ 57 USD/thùng – không?
Đó là thời điểm cao trào của thời kỳ cấm rượu mà chính quyền Liên bang Hoa Kỳ thực hiện, cũng là thời “ăn nên làm ra” của tất cả những tay tội phạm buôn bán rượu lậu. Do đó, lời đề nghị trên đối với “Bugs” Moran là không thể khước từ, nhất là khi y ôm tham vọng vươn lên cạnh tranh với tất cả các “ông trùm” hùng mạnh nhất tại Chicago, nhằm giành giật địa bàn làm ăn. Bởi vậy, vụ mua bán được sắp đặt tại một nhà kho, ở số 2122, đường North Clark.
Ngày 14/2 – Ngày Lễ Tình yêu, “Bugs” Moran đích thân lên đường. Song, trên lộ trình, xe của y lại va chạm với một chiếc xe tải, khiến Moran đến điểm hẹn hơi muộn. Trong khi đó, tại nhà kho, 7 tên tay chân thân tín của Moran ngồi đợi ông chủ tới (theo cuốn “The most evil mobsters in history” của tác giả Lauren Carter).
Đột nhiên, một chiếc xe trông giống xe cảnh sát dừng ở bên ngoài. Có 5 người bước xuống xe, gồm 3 người mặc cảnh phục và 2 người mặc thường phục. Tin rằng đây chỉ là một đợt truy quét “bình thường” của cảnh sát, đám đàn em của Moran làm theo tất cả những gì được yêu cầu. Cũng chỉ là “úp mặt vào tường, và đưa hai tay lên đầu”. Mọi chuyện hoàn toàn không có gì đáng ngại.
Song, chỉ trong vòng 120 giây sau đó, theo ước tính của cơ quan điều tra sau này, đã có khoảng 150 viên đạn (súng tiểu liên Thompson và cả hai khẩu shotgun) xả vào 7 thân người ấy. 6 kẻ chết tại chỗ, còn 1 tên duy nhất vẫn thoi thóp khi đám “cảnh sát” giả rời đi.
Vừa lúc ấy, “Bugs” Moran cũng lái xe đến nơi. Nhìn thấy xe cảnh sát đỗ bên ngoài, cũng như đám đàn em, y cho rằng đây là một cuộc truy quét quen thuộc, nên lại phóng xe đi thẳng ngay lập tức. Đến lúc cảnh sát thật tới hiện trường, họ chỉ còn kịp nghe Frank Gusenburg - kẻ hấp hối còn lại - trăng trối: “Chúng không phải là cớm”.
Toàn bộ giới tội phạm Chicago nhanh chóng đoán được ai đứng sau vụ thảm sát ghê rợn này, và cảnh sát cũng vậy. Hội đồng thành phố, Hiệp hội Thương mại, văn phòng Luật sư Liên bang treo thưởng tới 100.000 USD cho bất cứ ai bắt hoặc đưa ra chứng cứ buộc tội được hung thủ.
Vấn đề là, trong thời điểm vụ án diễn ra, Al Capone lại không ở Chicago. Y đã tới Miami, nhằm tạo nên một bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo cho mình. Và cũng như mọi tội ác khác đã từng thực hiện, như buôn lậu, bảo kê sòng bạc, tổ chức mại dâm, tống tiền, cho vay nặng lãi, hối lộ quan chức hay kể cả giết người…, Al Capone vẫn không thể bị công lý động tới.