VĨNH BIỆT ANH HÙNG HỒ GIÁO
Ông đi chiều nay, thọ 85 tuổi. Một nhân vật đặc biệt, lạ lùng có một không hai trong lịch sử nước Việt này: Hai lần được phong tặng anh hùng vì thành tích nuôi trâu bò.
(Đăng lại vài mẩu vui và mấy tấm hình từ năm 2008):
CHUYỆN VUI HỒ GIÁO
Kể vài mẩu vui về một con người đặc biệt, suốt đời chỉ biết nuôi bò với trâu. Nhờ trâu với bò mà hai lần được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng!
(Ghi lại qua lời kể của Thanh Thảo và Trần Đăng)
30 CẶP LỐP XE ĐẠP TIÊU CHUẨN ANH HÙNG
Sau 75, Hồ Giáo về quê. Khối tài sản duy nhất và lớn lao nhất ông tích cóp được qua mấy chục năm ở miền Bắc XHCN là 30 cặp lốp xe đạp hiệu Cao su Sao Vàng. Hồi đó, mỗi đợt đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua xuất sắc toàn quốc, người ta duyệt tiêu chuẩn cho mỗi đại biểu được mua một cặp (loại tốt nhất miền Bắc thời đấy). Cả cuộc đời theo cách mạng chỉ để chăn bò. Cũng nhờ thành tích chăn bò, hai lần ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Vì thế không đại hội thi đua nào ông vắng mặt. Tiêu chuẩn anh hùng tích cóp được qua mấy mươi năm là 30 cặp lốp.
Hì hục cõng khối “tài sản” ấy về quê hương miền Nam tặng họ hàng thân thuộc, mỗi nhà một cặp. Ông sợ đồng bào miền Nam mấy mươi năm bị đế quốc kìm kẹp khổ đau đói rách không có lốp xe đạp để đi.
Đem tặng hết. Riêng ông, vẫn đi bộ mãi đến tận bây giờ.
CƯỚI VỢ KHÔNG CÓ GIƯỜNG NẰM
Cưới vợ năm 1981. Lúc ấy ông vẫn ở trại trâu Sông Bé. Về quê Quảng Ngãi xin một căn phòng tập thể để vợ chồng mới cưới có chỗ qua đêm. Bấy giờ bà Thành là cán bộ công ty thương nghiệp thị xã Quảng Ngãi. Thế nhưng, người ta bảo: ông là anh hùng lao động nhưng anh hùng ở tỉnh khác, làm việc cho tỉnh khác chứ không phải cho Quảng Ngãi nên không có tiêu chuẩn cấp phòng tập thể!
Ông không phản ứng gì, chỉ nhỏ nhẹ với vợ: “Bà chịu khó đi ngủ nhờ đâu đó một thời gian, còn tui lên… trại trâu cũng được, quen rồi!”
BÍ MẬT MỘT CHUYỆN TÌNH
Chuyện đúng nửa thế kỷ sau mới lộ. Từ khi đất nước thống nhất, ông đi một mạch, hết trại trâu này đến trại trâu khác. 32 năm sau mới có dịp quay trở lại Ba Vì. Và lần trở về ấy mới bật mí một chuyện mà ông Giáo không thể cất dấu mãi suốt gần nửa thế kỷ qua. Đó là mối tình đầu của một cô thiếu nữ đội 8 nông trường bò Ba Vì gần nửa thế kỷ trước với chàng trai chăn bò anh hùng mang tên Hồ Giáo.
Bà Huệ chủ động tìm gặp khi nghe tin ông Giáo trở lại Ba Vì. Khi đó ông cũng sắp tám mươi, bà ngấp nghé thất thập. “Anh chê em chứ không thì giờ đã con đàn cháu giống ở Ba Vì này rồi! Anh Giáo nhỉ?”. Bà Huệ nói vậy nhưng vẫn bẽn lẽn. Ngày ấy bà yêu, yêu thầm trộm nhớ ông. Và đợi, sống một mình cô độc đợi chờ ông mãi đến bây giờ- Gần nửa thế kỷ!
“Nhưng kẹt nỗi, trong lý lịch của mình, tôi khai rằng đã có vợ ở miền Nam rồi!”. Đúng là Hồ Giáo đã có vợ trước khi tập kết, nhưng “người ấy” đợi ông đúng hai năm theo như giao ước của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Không thấy ông trở về nên đi bước nữa. Ông Giáo đã thuỷ chung với người không biết đợi, trong khi “em Huệ xinh đẹp” kè kè bên mình lại… ngó lơ!
Những cô thiếu nữ đội 8 của nông trường chăn bò Ba Vì ngày nào giờ đã thành bà. Riêng cô Huệ thì vẫn một mình như xưa. “Thương Huệ quá!” Ông Giáo buột miệng chân thành. Nhưng... già quá rồi!
HỒ GIÁO UỐNG SỮA HỒ GIÁO
Cũng trong chuyến về lại này, ông Giáo bắt gặp một quán sữa mang tên mình. Đó là một quán nhỏ cạnh ngã ba Hoà Lạc, treo biển “Ở đây bán sữa Hồ Giáo”. Tò mò, ông dừng chân vào quán gọi một cốc sữa uống thử xem “sữa mình” có ngon không.
Suốt đời gắn với trâu bò. Nhờ trâu bò mà hai lần ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Gần 80 tuổi đầu, ông mới uống được một cốc sữa mang tên mình. Hình như ông xúc động, bàn tay run run rút chiếc khăn tay đưa lên mặt.
Chẳng biết buồn hay vui, chỉ thấy ông từ tốn, chậm rãi nuốt từng giọt sữa như uống cái thứ nước quí hiếm chi của… người ngoài hành tinh vậy.
Cô chủ quán khoe rằng: 3 năm trước, tên quán của cháu là Nguyên Vũ, buôn bán ế ẩm nên chồng cháu bèn đổi thành Hồ Giáo và treo cái bảng này. Anh ấy bảo, ngày trước ở Ba Vì có một ông tên là Hồ Giáo, nuôi bò rất giỏi, và thành anh hùng, nổi tiếng cả vùng, cả nước, cả thế giới biết. Giờ không biết ông ấy đi đâu, sống hay chết, nhưng mình lấy tên để nhớ về ông cụ, và cũng để nhắc cho thế hệ trẻ sau này biết đến một thời ở vùng đất này có cái tên anh hùng Hồ Giáo. Chồng cháu hiện đang ở trên Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cách đây vài chục cây số. Trên đó anh ấy cũng mở một quán sữa mang tên Hồ Giáo!
Ông cụ chẳng nói gì, chỉ ôm khư khư cốc sữa và ngồi im lắng nghe. Cô chủ quán huyên thuyên mà không hề biết ông cụ dáng người lọm khọm, tỏng teo đang ngồi trước mặt mình chính là anh hùng Hồ Giáo.
HỒ GIÁO NHẬN PHONG BÌ
Năm đó ông được báo Văn Nghệ mời ra Hà Nội. Số là cái bút ký “Bài ca Mu ra” của nhà báo Trần Đăng viết về ông đạt giải ba. Thấy ông lết đôi dép lê và cặp cái nón lá ra Hà Nội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đang họp ngoài đó biết tin thương tình “tài trợ” cho ông ngủ nhờ khách sạn. Tối đó, dự lễ trao giải xong, một mạnh thường quân thần tượng ông tìm đến khách sạn thăm và dúi vào tay ông một phong bao “bác ra đột ngột quá, cháu không kịp mua chi làm quà, thôi gửi biếu bác mấy trăm, bác thích mua cái gì mua giúp cháu”.
Khuya, ông Giáo móc phong bao ra đếm, giật thót mình bởi trong cái bì thư thật đẹp kia không có tiền mà chỉ có 3 tờ giấy rất lạ ông chưa thấy bao giờ. Săm soi so với mấy tờ trăm nghìn bà vợ dúi cho trước khi đi nhưng thấy nó chẳng giống nhau. Hay là “thằng cha” kia chơi xỏ mình, nó bảo “biếu vài trăm” sao lại đưa mấy tờ giấy chi lạ hoắc kỳ cục rứa.
Thấy ông cứ dấm dúi, săm soi cái phong bao, người khách cùng phòng hỏi “chi rứa ông Giáo?”. Ông thật thà: Lúc nãy có chú cho cái phong bì bảo tiền, nhưng tiền không có mà hắn lại nhét cái thứ chi vào đây nè! Vị khách cùng phòng phá lên cười: Giời ơi là ông Giáo, đấy là đô la, là tiền thằng Mỹ! 3 tờ là ba trăm đô, hơn 6 triệu đấy!
Mô Phật, nghe nói miết mà bữa ni mới thấy, đô la là ri hả, ri hả? Ông chép miệng mãi rồi miết miết mấy ngón tay trên mấy tờ đô la. Hơn 80, suốt đời chăn bò với giữ trâu, hai lần thành anh hùng, lần đầu tiên ông cầm được trên tay 3 tờ đô la, tiền của… thằng Mỹ!
Cũng may ông chưa nghi đó là mấy tờ truyền đơn *********, rồi đem nộp báo công an, gặp “thằng” tham lam nó cuỗm luôn thì tội cái thân ông Giáo anh hùng!
ANH NHẪN KHÔNG PHẢI LÀ HỒ GIÁO
Hiếm có nhân vật chăn bò nào lại vào sách truyện sống động, rung cảm như hình tượng anh Nhẫn trong truyện ngắn “Cỏ non” của Hồ Phương. “Cỏ non” được đưa vào sách giáo khoa phổ thông và gần nửa thế kỷ qua, hết lớp học trò này đến lớp học trò khác đều được dạy và hiểu rằng nhân vật Nhẫn là nguyên mẫu của anh hùng Hồ Giáo.
Bất ngờ, sau gần nửa thế kỷ, ông tác giả, Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương trả lời trên báo Thể Thao & Văn hoá rằng: nhân vật Nhẫn không phải là Hồ Giáo!
Ông Phương bảo: Năm ấy đột nhiên ông nhận được giấy mời của UBND tỉnh Quảng Ngãi mời vào tham gia một chương trình cầu truyền hình nhưng lại không cho biết nội dung chương trình là gì. Đọc đi đọc lại cái giấy mời, ông cứ thắc mắc không biết sao mình lại được họ mời. Từ tấm bé đến giờ ông đâu đã đến Quảng Ngãi, cũng không phải quan chức cấp cao gây dựng nên công trạng gì ở đó mà họ lại mời? Lấy làm lạ ông bèn gọi điện cho họ hỏi lý do thì được biết: người ta mời vì trong truyện ngắn “Cỏ non” xưa kia ông viết về anh hùng lao động Hồ Giáo, mà anh hùng Hồ Giáo là công dân tỉnh Quảng Ngãi!
Ông Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương giãy nảy: “Không! Truyện ngắn của tôi không phải viết về anh Hồ Giáo mà là viết về người chăn bò nói chung, không cụ thể về ai cả. Kính mong các đồng chí nhớ và thông cảm cho…”. Ông nói: “Cỏ non” được thai nghén và ra đời trước khi Hồ Giáo được phong anh hùng 5 năm. Đặc biệt, “cho đến tận bây giờ người có tên là Hồ Giáo tôi còn chưa biết mặt, chưa gặp và tiếp xúc với anh ấy lần nào thì sao anh ta có thể “nhảy vào” truyện của tôi được”.
Vậy mà biết bao thế hệ học trò, suốt nửa thế kỷ qua vẫn được dạy dỗ ê a “bài ca cỏ non” về anh hùng Hồ Giáo. Và cũng thật kỳ lạ, gần nửa thế kỷ qua, ông Thiếu tướng nhà văn vẫn còn sống, nhưng đến hôm nay mới thấy ông đưa ra lời cải chính?
Khôi hài hơn: Ngay bản thân anh hùng Hồ Giáo, suốt gần nửa thế kỷ qua, cho đến tận bây giờ, đến ngày hôm nay, đến khi chết, ông vẫn cứ đinh ninh rằng nhân vật Nhẫn trong “Cỏ non” kia chính là… mình!
Nguồn:
https://www.facebook.com/nhabaotruongduynhat/posts/182128595454629