[Funland] Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bạn còn nhớ gì về ngày đó?

Quang_Quyen

Xe hơi
Biển số
OF-172766
Ngày cấp bằng
20/12/12
Số km
100
Động cơ
343,463 Mã lực
Loạt bài hồi kí của bác Tuan Bim, một cựu chiến binh đã trải qua cuộc chiến Biên giới phía Bắc.
(Em vừa đọc bên #ĐVTCĐT, post nhanh cho cụ nào chưa đọc)
---------------------------------------------------------------------

01- Ngày Lễ Tình nhân.

Những ngày này, thiên hạ đang náo nức chuẩn bị chào đón ngày Lễ Tình nhân.

Còn TuanBim tôi, do được những bài viết của nhà báo Mai Thanh Hải truyền cho cảm xúc nhớ về một cuộc chiến chưa xa, nên nhân ngày Lễ Tình nhân năm con Ngựa này, lại luôn khắc khoải nhớ về những ngày thấm đẫm một Tình yêu khác – Tình yêu Tổ quốc.
Ngày này cách đây 35 năm, gió mùa đông bắc đang về, và cuộc chiến tranh nơi ải bắc sắp nổ ra.
Ngày Tình nhân cách đây 35 năm, là ngày mà chỉ còn 72 giờ đồng hồ nữa, súng sẽ nổ trên khắp giải biên cương, trong một buối sáng gió bấc, sương mù.

Ngày 14/02/1979, đa phần bộ đội ta, trong đó có người lính TuanBim, không hề biết và có khái niệm là: từng có 1 ngày Valentai tồn tại ở trên đời.

Dịp Valentai năm nay, 14/02/2014, theo dự báo xa, Hà Nội sẽ là ngày đẹp trời. Và các quầy hoa sẽ tràn ngập các đôi lứa mua hoa tặng nhau.
Hãy tặng nhau thật nhiều những bông hoa đẹp, hãy hôn nhau thật say đắm đi, các lứa đôi ơi.
Trong bó hoa hồng mầu đỏ, tặng người yêu dấu, các bạn nên có thêm một vài chiếc lá xanh nhé.
Mầu của lá xanh bên nhành hoa hồng đỏ, như gợi nhớ về mầu xanh quân phục trên biên cương thủa nào.

35 năm trước, những người lính chúng mình không hề biết có ngày này, để tặng hoa người yêu. Chỉ biết tặng nàng dòng máu đỏ chảy trong bộ quân phục xanh, tặng nàng với cả tình yêu đất nước.
Năm nay, 14/02/2014, sẽ là ngày nắng đẹp. Hãy tặng nhau nhiều bông hoa đẹp, nhớ cho thêm một vài chiếc lá xanh nhé.

Mầu của lá xanh bên nhành hoa đỏ, như gợi nhớ về mầu xanh quân phục trên biên cương thủa nào.

Năm nay, 14/02/2014, là ngày Tết Nguyên tiêu của năm con Ngựa, vẫn còn Tết lắm. Cũng như năm 1979, ngày 14/02/1979 cũng mới là 18 Tết Kỷ Mùi mà thôi.
Nào ai biết, chỉ 72 giờ đồng hồ nữa, súng sẽ nổ trên khắp giải biên cương, trong một buối sáng gió bấc, sương mù.
 

Quang_Quyen

Xe hơi
Biển số
OF-172766
Ngày cấp bằng
20/12/12
Số km
100
Động cơ
343,463 Mã lực
02- Ngày 17/02/1979 – Ngày thứ nhất.

Ngày 17/02/1979, đó là một ngày thứ bẩy.
Ngày ấy, TuanBim là học viên năm cuối cùng, đang chuẩn bị làm đồ án rồi sẽ nhận lon thiếu uý.
Do được đi tìm tài liệu ở Hà Nội, nên TuanBim đã về nhà 2 ngày trước đó.
Cả ngày hôm đó (17/02) ở Hà Nội không có bất cứ 1 tin tức gì về 1 sự kiện lịch sử đang diễn ra.
Nên nhớ là hồi đó chưa có in tơ nét, phôn thì chỉ có ở cơ quan hay nhà riêng các vị từ cấp vụ trở lên (mà gọi đường dài tỷ như từ HN đi Lạng Sơn vẫn còn phải đăng ký qua tổng đài chứ không gọi được trực tiếp), ti vi chỉ phát theo giờ. Liên lạc với nhau chủ yếu qua thư từ hoặc cần kíp lắm thì mới dám đánh dây thép, kiểu như: vỡ đê, con vẽ đi (vo de-con ve di).
Chỉ có sự kiện duy nhất mà TuanBim linh cảm thấy có sự chẳng lành. Đó là, chiều thứ bẩy hôm ấy, TuanBim ra ga Hàng Cỏ để đón 1 người bạn từ Vĩnh Phú về, nhưng cả ngày hôm đó, các con tầu từ phía bắc (Lào Cay, Lạng) về, đều không có.
Thứ bẩy, ngày 17/02/1979, đang có đợt gió mùa đông bắc, trời rất lạnh và tối rất nhanh. Bầu trời âm u, lạnh giá như đang dồn nén một khối thuốc nổ.
***********
Rồi đúng 6 giờ tối, sau tiếng tút tút, giọng phát thanh viên trên chiếc loa truyền thanh treo ở đầu cửa ô Đồng Lầm, bật lên đanh thép: xin đề nghị đồng bào cả nước đón nghe thông báo quan trọng của….. sau ít phút nữa. Ngay sau đó đài phát các bản nhạc quân hành, hết mỗi bản nhạc là giọng phát thanh viên lại lặp lại: xin đề nghị đồng bào cả nước đón nghe thông báo quan trọng của…
Dự cảm thấy điều trọng đại, TuanBim trở vào nhà, vặn to triết áp của cái đài truyền thanh Hà Nội, chăm chú đón nghe.
(Ghi chú: loại đài được nghe qua dây điện, tương tự như cáp truyền hình bây giờ. Loại đài này không dùng pin, không có sóng, không bắt được bất cứ đài nào. Đại loại nó là một loại loa truyền thanh phường, nhưng được đài truyền thanh HN mắc vào tận từng nhà cán bộ cốt cán, gần như không thu phí)

Đúng 6h30 tối, giọng phát thanh viên vang to: xin thông báo để đồng bào cả nước biết: sáng nay, phía Trung Quốc đã ồ ạt tấn công một số điểm trên biên giới phía Bắc, thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai……
Phía TQ đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng. Tin đầu tiên cho biết: ta đã tiêu diệt được x quân địch, y xe tăng, z khẩu pháo…..
Tiếp đến là thông báo, hiệu triệu của đủ loại các tổ chức.

TuanBim lạnh người. Cảm giác đầu tiên là bất ngờ đến ngã người. Rồi đến là bàng hoàng. Rồi nghiến răng: Chiến à!!.

Qúa bất ngờ, đến mức sửng sốt. Đã biết là tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng từ hơn một năm rồi. Thậm trí bọn học cùng phổ thông đi làm công nhân kỹ thuật ở Tát Sơ Ken về nước bằng chuyến tầu liên vận cuối cùng vào năm 1978, có hỏi rằng:
- Xe tăng TQ nhiều như lá tre sát biên giới, thế mà lính chúng mày chẳng chuẩn bị gì à ???.
Nhưng trong tất cả các buổi nghe thời sự chính thống, cũng như tin từ nguồn tham mưu con, không có bất cứ 1 tin gì để có thể đoán biết được TQ sẽ tấn công vào dịp 17/02.
TuanBim không còn nghe lọt tai đầy đủ các thông tri trên loa truyền thanh nữa. Chỉ duy nhất còn 1 ý nghĩ trong đầu: thế là lại chiến tranh rồi!!!

Qua các báo cáo tuyên truyền từ trước, cố nhiên là TuanBim không lạc quan tếu đến mức nghĩ rằng: 7 giờ tối ngày 17/02 ấy, lính bộ binh như Vu Anh Nguyen đang ngồi uống nước chè với Donga Doan bên Manipo, lính cơ khí như Thắng Còng đang rửa xe tăng bên Bằng Tường.
Nhưng chí ít cũng BỊ tin rằng: chiến sự giờ này đang loanh quanh đường biên, chứ không tin rằng nó đã lùi sâu vào đất ta như thực tế đang diến ra.

Đúng như phản xạ của người lính, TuanBim lập tức nghĩ rằng: phải trở về đơn vị ngay-lập tức.
Khoảng 9 giờ tối, TuanBim đến nhà mấy thằng cùng khoá để rủ nhau ngày mai cùng về đơn vị.
Đường phố vắng tanh. Không có hò hét, không có quần chúng tụ tập. Dường như thông báo về sự kiện bất ngờ được đọc trên đài truyền thanh tối ngày hôm đó đã đẩy mọi sự ồn ào của phố xá đi. Thay vào đó là sự lặng yên trong từng mái nhà để rồi sẽ tích tụ thành giông bão nay mai.

Trong số mấy thằng cùng khoá hồi đó, có thằng Cương, nhà ở Phan Đình Phùng, có bố là vụ trưởng 1 vụ trong Phủ Thủ Tướng (bây giờ gọi là Văn phòng CP). Đến nhà nó mới được biết thêm 1 số tin: đánh nhau to rồi, ta đang yếu, bị lấn khá sâu ở nhiều điểm trên toàn tuyến BG chứ không như đài đưa tin.
Lạ một điều là kể từ 6h30 tối ngày hôm đấy, tất cả mọi người đều trao đổi với nhau bằng giọng chìm hẳn đi như thì thầm.
Trong phòng khách nhà thằng Cương ‘cốm’, sáng ánh bóng đèn sợi đốt vàng vàng, nom rõ con thạch thùng bò trên tường, mà mấy thằng bọn TuanBim đều như nói thầm lúc đổi gác ban đêm.

Sau này ngẫm lại mới cay, chứ trình độ chính trị lúc ấy chưa nghĩ ra. TQ đánh ta vào đúng thứ bẩy, tức là trong lúc quốc tế nghỉ 2 ngày.
Nghĩa là đến thứ hai, khi các công sở trên thế giới bắt đầu làm việc lại, thì lúc ấy mọi sự đã rồi. Đúng là thâm Nho như Tầu thật.
Nhưng ngay đêm hôm đó, TuanBim chỉ còn biết có 1 hành động là: ngày mai, trở về đơn vị ngay, cho dù ngày mai là Chủ nhật-ngày nghỉ.

Đêm hôm đó, thao thức suốt đêm, không thể nào ngủ được. Tin tức thì không nghe thêm được gì nữa, vì loa truyền thanh đã hết giờ truyền thanh từ 10h30.
Tự nhủ lòng mình: thôi, thế là phải dẹp hết mọi ước mơ lại rồi. Nào là những mơ ước được đi làm phó TS ở Liên xô, nào sẽ được phân 1 căn hộ lắp ghép trong khu tập thể Trung Tự, rồi sẽ được phân phối cái xe đạp Thống Nhất lẫy lừng.
Trước mắt là chiến tranh, chưa biết kéo dài đến bao giờ, mà mình sẽ có còn được trở về nhà nữa không, khi đã xác định rằng: chí ít mình cũng sẽ đỡ được 1 viên đạn cho mọi người.
Ngày mai sẽ như thế nào nhỉ. Và đó là câu chuyện của ngày mai.
 

Quang_Quyen

Xe hơi
Biển số
OF-172766
Ngày cấp bằng
20/12/12
Số km
100
Động cơ
343,463 Mã lực
03- Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh.

Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (BGPB) lần thứ nhất, ngày 18/02/1979.
Như có tiếng kèn hội quân thúc giục trong lòng, TuanBim và 2 thằng nữa cùng hẹn gập nhau ở Ga Hàng Cỏ để đi tầu chuyến sớm nhất, về đơn vị.
Sáng ngày thứ hai của cuộc chiến, không khí khác hẳn ngày thứ bẩy máu chảy về tim ngày hôm qua.
Mới ngay chiều ngày hôm qua, cũng tại ga Hàng Cỏ này, tuyệt đại dân chúng, trong đó có mình, còn đang hào hứng, nhàn tản trong một ngày an bình.
Còn hôm nay, ngay từ 6h30 sáng ngày 18/02, nhà ga Hàng Cỏ đã có bộ mặt khác hẳn.
Cũng khác hẳn với vẻ vắng lặng tối hôm qua. Hôm nay hàng vạn cái đài phát thanh ‘mồm’ tranh nhau mở máy, đài ‘mồm’ nào cũng cho rằng mình có nhiều tin hơn đài kia. Tất cả dân chúng như đều hối hả, vội vã với vẻ mặt không thể nghiêm trọng hơn.
Vô vàn các đám người tụ tập lại thành các nhóm khác nhau, tuỳ theo nội dung tin đồn mà nhóm người đó thích. Kính thưa các loại tin.
Chỗ này một tay ăn mặc không ra lính, cũng chẳng ra dân, đang ra tay chém gió:
- úi giời, cứ gọi là bình địa, tên lửa tầm xa của ta san phẳng Côn Minh rồi.
Chỗ khác, một ông trung niên áo bông, nhưng quần đùi:
- mất hết cả rồi, đến đêm hôm qua mới bám thùng được cái xe tải từ Lạng về đây, nay đang ra đây tìm xem có người nhà nào chạy kịp không.

Gạt ra ngoài tai các loại thông tin, tốp lính TuanBim hối hả tìm xem có con tầu nào lên hướng Lao Cai để về Vĩnh Phú, về lại trường, về lại đơn vị cơ sở không.
Đến tận 10 giờ sáng, cả tốp tuyệt vọng khi phải thừa nhận rằng: ngày hôm nay, ngày thứ hai của cuộc chiến, sẽ không có bất cứ con tầu nào lên phía bắc, kể cả tầu hàng.
Khó khăn nào cũng phải vượt qua. Tốp lính TuanBim quyết định: bắt xe buýt lên phà Chèm, từ đó đi bộ từ phà Chèm lên Vĩnh Yên, theo đường qua Thanh Tước. Đây là con đường có quãng đường đi bộ ngắn nhất từ Hà Nội đi Vĩnh Yên. May mắn thì có thể đi nhờ được xe tải.
Trong suốt cuộc đời lính, đó là cuộc hành quân bộ dài nhất mà TuanBim đã từng trải qua. Có một điều cảm động, mà đã qua 35 năm, TuanBim tui đến hôm nay vẫn còn nhớ mãi.
Đó là, từ phà Chèm lên, tụi mình đi bộ là lên hướng bắc, hướng biên giới. Chính vì thế, các em nhỏ, các mẹ già đều nhìn theo, vẫy tay trìu mến, thậm trí đi theo 1 đoạn, vì đấy là:
- các chú bộ đội đang hành quân lên biên giới!
Mặc giù đích của bọn mình chưa phải là biên giới, nhưng bọn mình xin gửi những vinh dự mà bọn mình được ‘ngộ nhận ké’, cho các đồng đội đang ghì nòng AK nóng bỏng chặn đánh biển người trên biên thuỳ.
Lính kiểng, cho giù nhiều đoạn được đi nhờ xe đạp, nhưng mãi đến hơn 9 giờ đêm, bọn mình mới về được đến đơn vị. Đây rồi, đơn vị của ta, vị trí của ta, ta đang trông chờ mệnh lệnh mà mọi người lính lúc này đều nghĩ đến.
Đã qua 2 ngày chiến tranh, chiến sự đã lan đến đâu rồi ???.

-----------------------------------------------------------------------------
04- Ngày thứ ba của cuộc chiến.

Đã sang ngày thứ ba của cuộc chiến.
Thông tin chính thống về cuộc chiến bắt đầu rõ ràng hơn. Không phải chỉ vì đó là ngày thứ hai-ngày làm việc đầu tuần. Mà cái chính là đã qua 3 ngày, ta đã có thể định hướng rõ nét hơn về việc: cái gì đang xảy ra ???- thực chất nó là vấn đề gì ???. Đó là xung đột biên giới giữa 2 nước anh em ???, hay là cuộc chiến sống mái giữa 2 kẻ tử thù.???

Bắt đầu từ hôm nay, ngày thứ 3 của cuộc chiến, thông tin đã được định hướng theo cách: đây là cuộc chiến của 2 kẻ tử thù.
Bắt đầu có những hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến được đăng tải trên báo giấy (ND, QĐND) và trên vô tuyến lúc 18h30. Còn trên radio, tin chiến thắng của ta ở Cao Lạng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên luôn tràn ngập. Chưa thấy tuyên truyền cụ thể về 1 gương sáng tập thể hay cá nhân nào. Nhưng thông tin chính thống lúc đó là thế.
Lớp lính TuanBim vẫn chưa có lệnh ra trận.
Trên giải thích là phải chờ lệnh của trên, rồi lại trờ lệnh của cấp trên hơn nữa. Vài ngày sau lại có lệnh là để giành bọn TuanBim cho những nhiệm vụ quan trọng hơn, cho những trận chiến khốc liệt hơn sau này (híc!!). Vì thế nhiệm vụ trước mắt là cứ tiếp tục làm tốt nghiệp đã, nhưng sẵn sàng cơ động vì các nhiệm vụ đột xuất ???.
Nhưng thực lòng mà nói, chẳng thằng nào còn có có thể chúi mũi vào sách vở được nữa.
Thông tin chính thống thì cứ để nó là thông tin chính thống.
Còn lớp lính TuanBim lúc đó chẳng còn bụng dạ nào mà ngồi yên. Bởi vì từ các nguồn thông tin không chính thống cũng như thông tin từ tham mưu con, đều tràn ngập những điều lo âu.
Xung quanh TuanBim có rất nhiều lính COCC, tụi nó dò hỏi được thông tin tham mưu con từ các ông già. Hơn thế nữa, Vĩnh Yên lúc đó như 1 cái ngã ba đường. Lên mạn Hà Tuyên hay Hoàng Liên, đều phải đi qua đấy. Nơi đây là nơi dừng- nghỉ chân lý tưởng của mọi sự di chuyển về xuôi hay lên ngược.
Ngày thứ ba của cuộc chiến, bắt đầu có chuyến tầu đầu tiên từ Hoàng Liên chạy về.
Mấy thằng bọn TuanBim đâm bổ ra ga để nắm tình hình.
Thông tin không chính thống, những hình ảnh đập vào mắt và thông tin từ tham mưu con -> chẳng khác nhau là mấy.
Đó là: Ngày thứ 3 của cuộc chiến, tình hình tại các mặt trận vẫn còn rất lộn xộn. Vẫn chỉ là lính biên phòng, lính địa phương, dân quân các bản làng trần lưng chống đỡ biển người của quân thù. Các lực lượng địa phương đó vẫn đang tác chiến theo kiểu của họ, theo phương án của riêng từng đơn vị.
Trên đoàn tầu từ Hoàng Liên đổ về, không chỉ có các gương mặt đầy vẻ lo âu của cụ già hay trẻ thơ, mà còn rất nhiều dân quân, họ vẫn còn mang nguyên vũ khí trên người. Đủ các loại tiểu liên, súng trường kim-cổ, thậm trí khá nhiều lựu đạn.
TuanBim bắt chuyện 1 tay chạc 35 tuổi, quần píc kê, áo bông xanh rách rưới, nhưng lại có khẩu tiểu liên lạ mắt với bao xe còn nguyên 5 băng đạn. Đặc biệt là cha này còn có 3 quả lựu đạn chầy Trung Quốc mới cáu cạnh. TuanBim nhớ chi tiết như vậy chính là vì 3 quả lựu đạn này. Chuôi gỗ còn trắng bóng, chưa 1 vết vân tay và nổi bật chói lọi là mầu đỏ rực rỡ của ngôi sao Bát Nhất trên từng chuôi lựu đạn.

Khi thấy TuanBim băn khoăn về việc mang đầy đủ vũ khí mạnh như vậy, nhưng về HN để làm gì, thì cha ấy cho biết: chỉ về tìm vợ con lạc thôi, sau đó sẽ lại quay lại để chiến tiếp. Câu trả lời ấm lòng. Tuy còn hồ nghi, nhưng TuanBim không còn nhìn tay ấy bằng cặp mắt thiếu thiện cảm nữa.
Qua các thông tin như vậy, TuanBim biết rằng ngày thứ 3, quyết tâm của các lực lượng địa phương là cố chặn địch, không cho quân bành trướng Trung Quốc vượt qua ở Phố Lu (Hoàng Liên), Sài Hồ (Lạng Sơn). Như vậy là chiến sự đang diến ra khá sâu vào đất mình rồi.

Nhưng ngày thứ ba của cuộc chiến, tin tức bị lấn chiếm đất không làm TuanBim quan tâm, mà TuanBim quan tâm tới 1 tin nóng khác. Mất đất thì còn có thể lấy lại được. Nhưng còn có thứ mà khi mất mát thì không còn có thể nào lấy lại được nữa.
Qua thông tin tham mưu con, TuanBim biết rằng, hôm nay đã là 3 ngày rồi, rất đông anh em mình còn đang kẹt lại trong pháo đài Đồng Đăng. Chiến sự thì đã diễn ra phía sau thị xã Lạng Sơn rồi. Anh em đang nằm trong vây trùng điệp của biển người.
Tin chiến thắng vẫn vang lên trong radio, nhưng trong lòng TuanBim và đồng đội lại vang lên lời kêu gọi khác:
-hãy cho chúng tôi lên đánh giải vây cho anh em trên Đồng Đăng. Đã 3 ngày rồi, còn đạn không, đồng đội ơi.
-Cấp trên - hãy cho chúng tôi đi đánh giải vây cho anh em ở Đồng Đăng.

-----------------------------------------------------------------------------
05- Tuần đầu tiên của chiến tranh.

Hết tuần đầu tiên của chiến tranh. Tình hình chiến sự vẫn không có gì đột biến. Đánh chặn biển người vẫn chỉ là bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân thôn xóm.
Riêng bộ đội biên phòng trên toàn tuyến mặt trận, trong thực tế đã hoà nhập vào các đơn vị khác, trở thành lính bộ binh đơn thuần.
Trong đơn vị lính nhiều chữ của TuanBim, anh em phát hiện ra 1 điều vui trong các bản tin chiến sự: các địa danh có chiến công, đã không còn thay đổi, lùi sâu dần từng ngày vào trong nội địa từng ngày nữa. Các địa danh đã không thay đổi, kể từ ngày thứ 6 của cuộc chiến. Điều đó có nghĩa là: quân địch đã bị chặn lại.
Và lính chúng mình lại bắt đầu mong có sự thay đổi địa danh trong các bản tin chiến công, theo xu hướng nhích lên biên giới. Nếu có, nghĩa là quân ta đang phản công.
Nhưng tuần đầu tiên kết thúc, mà không có sự thay đổi đó.

Trong tuần đầu tiên, bằng nhận thức của TuanBim lúc đó, tình hình tại các mặt trận là khá lộn xộn và tại các mặt trận đều là cuộc chiến bộc phát.
Bất ngờ bị tấn công và phản công 1 cách thụ động, tùy vào thực lực của từng đơn vị và tài nghệ của người chỉ huy ở đó.
Sự phối hợp trong toàn tuyến mặt trận và sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Tổng, theo đánh giá của cá nhân TuanBim, là khá yếu trong tuần đầu cuộc chiến.
Có thể hình dung như thế này: đang ngủ, bỗng dưng bị cơn thác lũ ập vào nhà. Thế là bố, mẹ, vợ, con ai nấy lao đi cứu chữa trong phạm vi của mình. Ông nào đang ngủ dưới bếp thì vội bê cái thùng gạo lên cao, ông nằm gần cửa thì vội lấy chăn bông làm đê, ông khác thì lo bê cái vô tuyến lên bàn. Chưa đủ thời gian để phối hợp hành động và có kế hoạch logic.
Việc đánh trả lại cuộc xâm lược của quân bành trướng Trung Quốc, cũng giống như thế. Mạnh đơn vị nào, đơn vị ấy đánh.

Nhưng có một điều mà bây giờ, các bạn 8x, 9x, 20x hãy lấy làm tự hào.
Đó là hầu như không 1 ai bỏ chạy khi bị tấn công.
TuanBim hay nói từ lộn xộn tại các mặt trận, điều đó cũng có hàm ý ngợi ca.
Tức là gần như đơn vị nào gập địch cũng đều tự lực đánh lại bằng vũ khí tự có lúc ấy. Bất cứ ai có vũ khí hay tình nguyện sát nhập vào đơn vị tác chiến, là được nhận ngay, chẳng phân biệt đó là lính biên phòng, lính về phép, dân quân hay cựu binh chống Mỹ.
TuanBim xin kể 2 chuyện.
-Thằng Thắng chỗ TuanBim (bây giờ là vụ phó vụ trang bị, bộ Y tế), về nhà ở thị xã Lào Cai trước ngày 17/02. Chiến sự nổ ra, nó lao đến đội tự vệ khối phố. Đánh nhau được hơn 1 ngày, nó tìm thấy một đơn vị của 316, được nhận ngay vào đơn vị đó. Khi chiến sự tại thị xã Lào Cai đã an bài, nó mới đi bộ dọc đường tầu từ Lào Cai về Phố Lu, rồi về lại đơn vị TuanBim. Qua lời nó kể, bọn TuanBim được biết là tại thị xã Lào Cai, ‘dê cu dê ca’ đánh nhau với địch còn dữ hơn quân 316. Điều này mãi sau khi tàn cuộc chiến đã lâu, đài báo mình mới ca ngợi.
-Năm 80, lúc đó TuanBim là quân của binh đoàn 12 trên Sông Đà. Trong dịp lên tham dự lễ khởi công, nhà văn Triệu Bôn ở cùng TuanBim có kể chuyện.
Dịp 17/02/79, Triệu Bôn lúc bấy giờ đã chuyển ngành với quân hàm đại úy. Đang học viết văn tại trường Nguyễn Du. Chắc là cùng khóa với ông cụ thân sinh của bác Donga Doan trong này. Chiến sự 17/02 nổ ra, Triệu Bôn ngay ngày 19/02 đã mò lên Cao Bằng, tìm vào tỉnh đội. Lúc này, Triệu Bôn lại khoác bộ quân phục cũ và đeo lại quân hàm đại úy cũ. Xưng danh và cấp hàm, Triệu Bôn được tỉnh đội kết nạp làm quân sư ngay tắp lự. Suốt cuộc chiến lúc đó, Triệu Bôn kể rằng: Tớ phán cũng kinh lắm, bởi vì các bố ấy cũng nể cái mác đại úy chống Mỹ của mình.

Một băn khoăn của của cánh lính chúng TuanBim lúc đó (bây giờ sau 35 năm, câu trả lời đã quá dễ) là: quân chủ lực của Bộ đang ở đâu ???
Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, các bạn đang ở đâu rồi ???
Bọn TuanBim biết thân, biết phận là không dám mơ tới quân đoàn 1, quân đoàn dành để cúng cụ của triều đình. Mà chỉ mong quân đoàn 4, quân đoàn 3, quân đoàn 2. Những quân đoàn mà quần áo không bao giờ thẳng ly, nhưng đầu ruồi luôn thơm mùi khói súng.
Trong tuần đầu tiên của chiến tranh, thực sự là TuanBim không nhìn thấy một đơn vị bộ binh nào hành quân lên biên giới. Các xe trở đạn thì có.
Và ở chiều ngược lại, đang có đợt vận chuyển khí tài, trang bị cấp tốc ngược trở về hậu phương từ biên thuỳ. Lính chúng mình, nhiều khoá được điều đi tham gia vận chuyển ngược như thế. Tên lửa và phụ tùng từ Cao Bằng về Suối Hai. Đạn dược thì về Thanh-Nghệ.
Tại nhà ga, bọn mình đã quen với việc nhìn thấy tự vệ mang đủ loại vũ khí trang bị ngược về xuôi. Nhưng những ngày cuối cùng của tuần đầu tiên, bắt đầu nhìn thấy lính mình mang vũ khí ngược về HN. Họ không đi thành từng tốp, mà rải rác từng người. Có tin đồn là: tất cả lính lạc đơn vị trong chiến đấu, được về trạm thu dung. Trạm thu dung cuối cùng là ở HN.
Không có lực lượng KSQS nào chặn những người lính, những người dân quân mang vũ khí ấy, về xuôi cả. Tất cả, kể cả TuanBim, lúc đó đều tin rằng: không có sinh vật nào được gọi là người, mà lúc ấy lại đang tâm mang vũ khí đi chuồn.
Lớp lính TuanBim lúc đó, chẳng cần một ông chính uỷ nào, đều hiểu rằng: sau lưng là tổ quốc, không có chỗ để lùi.

Cuối tuần chiến tranh đầu tiên nhiều âu lo. Trong tâm trạng sẵn sàng lên làm ‘một con chốt’- chặn nơi biên giới, TuanBim tìm đến nơi người bạn gái đang dạy thực tập ở 1 trường phổ thông, gần nơi đóng quân, người mà TuanBim đón hụt hôm 17/02 ở ga Hàng Cỏ.
Cuộc gập gỡ cũng chỉ được chừng 1 giờ đồng hồ. Nhưng TuanBim cũng đã nói được điều quan trọng:
-nếu chiến tranh ngày càng khốc liệt, không còn biết tin tức về nhau. Thì sau này đất nước yên bình, hãy tìm thông tin về TuanBim, ở địa chỉ gia đình.
Bởi lúc đó TuanBim tin rằng, gia đình sẽ là địa chỉ cuối cùng- của thông báo cuối cùng và duy nhất- của quân đội, về thân phận của 1 người lính. Có thông báo cuối cùng rồi, cô bạn ấy sẽ yên tâm với hạnh phúc mới.
 

Jerry Minh

Xe tăng
Biển số
OF-58486
Ngày cấp bằng
7/3/10
Số km
1,493
Động cơ
459,200 Mã lực
E cũng đánh dấu để đọc dần ... :-"
 

Quang_Quyen

Xe hơi
Biển số
OF-172766
Ngày cấp bằng
20/12/12
Số km
100
Động cơ
343,463 Mã lực
06- Tuần thứ hai của cuộc chiến.
Tuần thứ hai của cuộc chiến. Địa danh chiến sự vẫn không có gì thay đổi. Như vậy thì vui là ta không còn bị lấn thêm ít đất nào nữa. Nhưng vẫn thấy thiếu thiếu là chưa có sự đột biến nào.
Kể ra, đòi hỏi như thế là quá cao so với thực tế lúc ấy.

Cuộc chiến đã diễn ra được 2 tuần. Đấu lại với xích sắt xe tăng, trọng pháo thét gào với chiến thuận biển người, vẫn chỉ là cô dân quân bản mường vốn quen tay xay ngô, hay anh biên phòng chỉ quen lối tuần tra. Thiện chiến nhất cũng chỉ được vài E lính quân khu. Sức người cũng đã mỏng, mà tầng tầng, lớp lớp biển người hét hò tả lớ thì ngày một nhiều hơn. Còn các bạn quân đoàn 4, quân đoàn 3, quân đoàn 2 vẫn còn đang ở xa tít ngàn trùng.

Tin tức tham mưu con cũng hé lộ cho biết, vì sao những ngày đầu tiên trong tuần đầu cuộc chiến, địch quân lại thọc được nhanh vào phòng tuyến của ta như thế. Hoá ra, ngoài yếu tố bất ngờ và địch quân được chuẩn bị kỹ càng, còn có yếu tố có bọn dẫn đường. Dẫn đường cho quân địch luồn lách là có cả người Việt gốc Hoa, người dân tộc Mông, người dân tộc Dao.

Tinh thần chung lúc ấy là ai cũng không ưa những người này. Vì vậy, tại mặt trận, cụ thể là ở hướng Hoàng Liên, chỉ cần có cậu lính hô lên: bọn Giáy đấy (gọi chệch tên dân tộc Dao), là súng đã có thể nổ. Tại Hoàng Liên, bọn dẫn đường đưa địch quân cắt ngay đường nối từ SaPa đi Lai Châu, cũng như từ Lao Cai đi Sapa và từ Lao Cai về xuôi (đường 4D). Vì thế quân ta bị vỡ trận ngay từ giờ đầu tiên và không có đường chi viện. Từ phía sau muốn lên Lào Cay, hay từ Lào Cay rút về, duy nhất chỉ có cách đi bộ dọc đường tầu xuống tới Phố Lu. Tại Cao Bằng, địch quân dùng quái chiêu là dùng tời trợ lực, dòng-gìm xe tăng qua dãy núi phía sau, khu vực hang Pắc Bó (ngày nay, ai lên thăm hang Pắc Bó đều được nghe lại hồi ức này) , rồi dùng đường từ Pắc bó về, để đưa xe tăng lọt ngay vào thị xã Cao Bằng, chứ không dùng đường bộ qua 2 cửa khẩu Trà Lĩnh và Sóc Giang.

Cũng trong tuần thứ hai của cuộc chiến, bọn mình được làm quen với vũ khí trang bị cho 1 tiểu đội, bởi trước đó, do là học viên gửi đào tạo ngoài, nên mới chỉ biết sử dụng AK và CKC. Trong số vũ khí được huấn luyện, có một số vũ khí mới của Trung Quốc, do ta tịch thu được của Pot ở Tây Nam mới cấp tốc chuyển ra. Đó là: B-40, B-41 cải tiến, có chân giá súng như trung liên và M79 của Mỹ.

Tụi mình lao vào luyện tập, hoàn toàn không cần có bất cứ một sự thúc ép nào của giáo viên chiến thuật. Tất cả các giờ nghỉ giải lao tự nhiên biến mất. Mặc giù vẫn có còi báo nghỉ giải lao của trực ban, nhưng lúc đó lại là thời gian để quan tâm tới việc tháo lắp RPK hay M79, hay tranh thủ sử dụng thước ngắm khẩu B-41 TQ cải tiến.

Nhưng cũng tuần thứ hai của cuộc chiến, qua tham mưu con, nhiều thông tin vui hơn đến dồn dập.
Quân đoàn 2 sẽ được Liên xô giúp không vận và xa hỏa vận từ K, sẽ lên thẳng tuyến 1. Khi chuyển địa bàn tác chiến, lính quân đoàn 2 sẽ chỉ cần đi tay không, bỏ lại toàn bộ vũ khí, cũng như quân tư trang, tất cả sẽ được Liên xô trang bị mới tại ngay nơi tập kết. Rồi hàng loạt vũ khí mới đang được LX viện trợ ồ ạt cho ta. Hơn nữa, cố vấn LX sẽ sang trực tiếp giúp ta phản kích.

Trong hàng đống thông tin không chính quy, TuanBim chỉ quan tâm tới thông tin 1 và thông tin 3. Nếu có quân đoàn 2 tham gia phản công, không có lẽ trên lại để cho tụi lính TuanBim đã ở sẵn phía bắc, ngồi ăn để vỗ béo. Thế nào cũng được tham gia đánh trận vét. Còn không, nếu có cố vấn sang, ít nhất họ cũng cần phiên dịch. Lớp lính như TuanBim thì quá hợp cho vai trò đó. Tâm lý của TuanBim là: Cứ được 'lên biên' cái đã. Ở đấy mình sẽ kiếm khẩu AK rồi lao lên, ai mà cản được lúc ấy.

Tuần thứ hai của cuộc chiến, mặc giù còn ngồi ở tuyến 2, nhưng TuanBim đã cảm thấy phảng phất hơi thở chiến trường. Không còn nghe tin chiến sự theo kiểu: ta đang thắng ở đâu nữa. Mà qua tin chiến thắng, thì TuanBim âm thầm tự xếp: mình sẽ được dành cho mặt trận nào.
- Đi Cao Lạng, nơi đang nóng nhất trong các bản tin, nơi được các tham mưu con thông tin: đó sẽ là hướng phản công chính của toàn quân, mà quân đoàn 2 là lực lượng nòng cốt ?
- Hay Hoàng Liên, theo lại dấu chân hành quân của ông già TuanBim hồi 9 năm ?

Tuần thứ hai của cuộc chiến, tụi mình hừng hực khí thế và quá sốt ruột, mong được lệnh hành quân lên biên.

Thế nhưng, chiến tranh luôn luôn là những bất ngờ.
-------------------------------------------------------------------------------------------------

07- Tuần thứ ba của cuộc chiến.
Cuộc chiến tranh mới diễn ra được hơn 2 tuần.
Đến cuối tuần thứ hai của chiến tranh, các lực lượng của ta mới bắt đầu dồn được đội hình để chuẩn bị mở cuộc phản công quy mô lớn, hứa hẹn là hoành tráng. Quân đoàn 2, được cầu hàng không do Liên xô giúp, bắt đầu di chuyển từ K về Hà Bắc, hướng biên giới xứ Lạng.
Vũ khí huỷ diệt lớn nhất mà ta có lúc ấy: trung đoàn Ca chiu sa BM-21 duy nhất, cũng được điều lên Cai Kinh- Lạng Sơn.
Cầu hàng không do Liên xô giúp, tấp nập hạ cánh xuống Gia Lâm, Nội Bài. Từ Liên xô sang là vũ khí, khí tài. Từ K về là quân của quân đoàn 2.

Tại mỗi tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, mỗi huyện đều đang tiến hành thành lập bộ khung của 1 tiểu đoàn, đang bổ xung quân cho đủ quân số để ném lên phản công (riêng ở Hà Nội, lính của tiểu đoàn Sóc Sơn-sư 301, khi lên biên sau này, là kém nhất, nhưng đó là 1 câu chuyện khác).

Tóm lại, ta đang tích tụ năng lượng, kiểu như đang căng dây chun để bắn đi viên đạn phục thù (đang căng nhé, chứ chưa căng xong, và càng chưa đến đoạn sắp thả tay).

Tất nhiên, lúc này chưa xuất hiện câu chuyện về phòng tuyến Sông Cầu huyền thoại, câu chuyện về kế hoạch đi sơ tán ở Đà Nẵng, câu chuyện về hệ thống hầm phòng không ở Hà Nội. Đó là câu chuyện của những ngày sau, của đoạn hồi ức sau. Năng lượng được dồn nén, cảm nhận thấy được ngay cả ở đơn vị TuanBim.

Đầu tuần thứ ba của chiến tranh, trung đội TuanBim ôn lại bài chiến thuật: trung đội bộ binh đột phá cửa mở. Tay TuanBim cầm cái mõ quay giả làm tiếng trung liên RPK mà không thấy giả chút nào. Cũng mài người sau bụi cây xấu hổ, ấn thân mình xuống rãnh bùn trên đuờng vận động, mỗi khi nghe tiếng còi của giáo viên đang cầm lá cờ đuôi nheo, giả làm khẩu DK của quân địch phát hoả, chẳng sá kể đang là tháng 3 rét mướt, mưa phùn.

Hỡi ôi. Chiến tranh luôn là những chuỗi bất ngờ.
Cuộc chiến bỗng nhiên kết thúc 1 cách đột ngột. Giống hệt như nó đã bất ngờ nổ ra.

Thứ hai, 05/03/1979, ngày thứ 16 của cuộc chiến tranh.
Khoảng 2 giờ chiều, trung đội TuanBim đang ngồi gói lượng nổ cho bài đánh bộ phá, thì anh Th (con trung tướng Song Hào, học cùng hệ với bọn mình) mới từ nhà lên, báo ngay 1 tin sét đánh: TQ rút quân rồi, TQ đã thông báo xin mình không truy đuổi, và ta đã trả lời đồng ý. (híc)

Thế là thế nào, chẳng nhẽ lại kết thúc một cách lãng nhách vậy sao. Một cảm giác hẫng hụt bao trùm toàn thân. Các bác cứ hình dung như ở 1 cuộc đi săn mà xem. Lừa lúc ta sơ ý, con mãnh thú đã ngoạm được ta vài phát. Lòng ta sôi réo trả đòn cho các vết thương đang rỉ máu. Rồi sau bao ngày gian nan, chịu để gai cào rướm máu, lê lết thân qua các bụi chông gai ẩm ướt, giá băng, lừa thế mãi, ta mới đưa được con mãnh thú vào đường ngắm, đang hít hơi để ngón trỏ chắc cò, thì bỗng:…… toét!!!. Còi của ban lãnh đạo 'rúc' lên là: hết giờ, phải để nó sống, để bảo tồn ??. (sic!)

Đã đành rằng cụ Nguyễn Trãi còn cấp lương- thuyền khi Vương Thông đã dâng sớ qui hàng. Nhưng giá như lính mình bây giờ cứ được ‘trên’ phóng lên biên, như mũi tên rời khỏi ná, làm một trận bát gạo nấu nốt cái đã, rồi 'trên' hú rằng: lính chúng nó chưa nhận được lệnh, do điện đài trục trặc-chẳng hạn. Như quân của cụ Nguyễn Trãi đã từng chém Liễu Thăng trước, cấp gạo cho Vương Thông sau, thì có hơn không.

Thế nhưng, thế thời thế, thế thời phải thế.

Kể từ 2 giờ chiều ngày 05/03/1979, ngày thứ 16 của cuộc chiến, trung đội TuanBim đã biết rằng: sẽ không thể có lệnh phản công nào được đưa ra.
Mặc cho, chiến binh quân đoàn 2 vẫn đang ùn ùn đổ xuống Gia Lâm.
Mặc cho, dàn Ca chia sa BM -21 đã tập kết ở Cai Kinh, đang muốn bắn thử, phục thù.
Mặc cho, oanh tạc cơ A-37 và chặn kích F-5 vừa chuyển sân ra phía bắc, mà trên đường đáp xuống Nội Bài phải hạ độ cao qua thao trường của mình, đã tập kết đầy đủ ở Đa Phúc.
Mặc cho, trên vừa điều mấy thằng khoá dưới, xuống cảng Hải Phòng để phiên dịch cho tầu Liên xô chuyển xe tăng cho ta,
Mặc cho, kế hoạch phản công của ta, dường như đã được cả đại tướng Liên xô tham vấn.

Như để bồi thêm vào nỗi hẫng hụt để sổng con mồi. Lại một lần nữa, địch quân bành trướng Trung Quốc lại chơi thêm cho ta một đòn mắc nỡm.

Trong một động thái đã được lên lịch sẵn của cỗ máy chiến tranh đã được khởi động và bắt đầu tăng tốc vận hành, mà không 1 chiếc phanh nào có thể bắt nó dừng ngay lại được. Giống như đang trong quá trình căng giây thun, không thể buông tay nửa chừng. Mãi đến 6 giờ rưỡi tối ngày 05/03/1979, đài phát thanh mới phát bản tin thời sự đặc biệt: Lệnh tổng động viên, do chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh ban hành.
Lệnh Tổng động viên được ban hành quá muộn. Sau 16 ngày chiến tranh và chậm 12 tiếng đồng hồ, sau khi Trung Quốc đã tuyên bố rút quân.
Một quả đấm, nhưng hụt vào hư không.
-------------------------------------------------------------------------------------------------

08- Những ngày sau khi bọn bành trướng Trung Quốc rút quân.

Cho dù đến tận ngày 18/03/1979, địch quân mới hoàn tất việc rút hết quân khỏi biên giới nước ta. Nhưng kể từ ngày 05/03/1979, ngày địch quân tuyên bố rút quân, ta cũng đã tôn trọng lời hứa. Không phản công, không truy đuổi. Mặc giù đây đó vẫn còn tiếng súng, nhưng đó chỉ là va chạm giữa các lực lượng địa phương ta, khi sớm quay lại địa bàn của mình, với hậu quân của kẻ thù.

Trong giai đoạn này, chỉ có một sự kiện nổi bật: đó là cái chết của nhà báo Nhật, hình như tên là Isao Takano. Ngày 07/03/1979, sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, tay nhà báo này được ta bố trí đưa lên thị xã Lạng Sơn để giúp ta tuyên truyền.

Báo chí chính thống thì nói là tay phóng viên này bị ăn đạn của quân Trung Quốc. Còn phía địch quân không thừa nhận có hoạt động quân sự ở địa điểm đó, vào thời gian đó. Cuộc chiến báo chí lúc ấy về sự kiện này khá là om sòm.

Tuy nhiên, TuanBim thiên về thông tin của tham mưu con lúc ấy. Tay nhà báo này được bố trí đi bằng xe Bắc Kinh, mắt thì 1 mí, béo tốt. Lại mò vào đến thị xã xứ Lạng lúc 10 giờ sáng ngày 07/03, nên quân của sư 3 Sao Vàng, đang nóng tiết về trận Khánh Khê, thổi cho 1 quả B-40, ấy cũng là 1 điều dễ hiểu trong chiến tranh.
Tuy cuộc chiến tranh đã đột ngột chấm dứt vào ngày 05/03/1979 và coi như tạm kết thúc vào ngày 18/03/1979 (TuanBim cho đó là cuộc chiến biên giới lần thứ nhất), nhưng-như TuanBim đã hồi tưởng ở trên: một khi cỗ máy chiến tranh đã được khởi động và vận hành, việc phanh nó lại là 1 việc không hoàn toàn dễ dàng.

Cỗ máy chiến tranh đã chạy thêm 10 năm nữa mới chịu dừng hẳn vào năm 1989, kinh qua thêm 2 cuộc chiến trên bộ và 1 cuộc chiến trên biển nữa. Đó là cuộc chiến trên bộ thứ 2, cuộc chiến ở bình độ 400-Lạng Sơn năm 1981. Và cuộc chiến trên bộ thứ 3, cuộc chiến ở Hà Giang năm 1984 (Trong cộng đồng cư dân mạng, do có sự tham gia và khai sáng của các chiến binh Donga Doan, Vu Anh Nguyen và thời gian gần đây có thêm bác Thắng Còng, thì cộng đồng mạng được ‘giác ngộ’ rằng: cuộc chiến Hà Giang 84 này là "vĩ đại nhất trong mọi cuộc chiến"-híc híc).
Còn cuộc chiến trên biển, CQ-88 của Quân chủng Hải quân của TuanBim, thì TuanBim là người trong cuộc rùi.

Cũng cỗ máy chiến tranh đó, cũng chạy tròn 10 năm trên đất Căm Pu Chia, từ 1979 đến 1989. Giai đoạn 10 năm này (1979-1989) mới là giai đoạn gian khó nhất (TuanBim nhấn mạnh từ gian khó, hơn là từ ác liệt-hy sinh) của cánh lính miền Bắc ải.

Đây là giai đoạn mà nổi bật trong sự tuyên truyền và trong quan niệm của tuyệt đại dân chúng Việt Nam ta là: đã hết chiến tranh với TQ rồi, hết từ tháng 3/1979 lận. (híc!)

Sang năm 1980, chiếm tỷ lệ tuyệt đối trên phương tiện truyền thông, trong tâm trí người dân là sự kiện ta có đài vệ tinh mặt đất Hoa Sen ở HN và ở HCM, anh Tuân bay ‘ké’ vào vũ trụ, thế vận hội Mạc tư khoa 1980. Những người biết về cỗ máy chiến tranh vẫn đang vận hành trên Ải Bắc, bên Tây Nam, thật hiếm biết bao.

Vì thế, đây là lúc những người lính lâm vào tình trạng khó nói.
Phía sau chiến hào biên giới độ chừng 5 km, là 1 cuộc sống khác hẳn. Ở đó người ta đang hò nhau sắm con cúp Nhật bãi rác. Bắt đầu nhẩy đầm, đi Đức hay Tiệp để làm giầu. Còn trên chiến hào biên giới, là cánh lính đang phải nhường nhau từng cành lá xu hào, là máu đổ trên 1509, là hang Làng Lò, là truy quét ở Tây Nam.
Vì thế, trong nhân dân, ít có sự cảm thông với người lính nơi biên ải hơn.
Đây cũng là lúc mà khi hành quân lên biên, bác Vu Anh Nguyen bị ném đất vào người, bác Muc Tau bị dân hò hét khi ra chợ ở gần Cai Kinh.

Với cảm nhận của một người, sống đủ 10 năm trong sự vận hành của cỗ máy chiến tranh (đến tận 1989 mới ra quân), TuanBim xin hồi tưởng về thời gian khó ấy. Về những huyền thoại: phòng tuyến Sông Cầu, kế hoạch đi sơ tán ở Đà Nẵng, hệ thống hầm phòng không ở Hà Nội, câu chuyện về vót chông gửi lên biên giới và những kỷ niệm khác. Những câu chuyện của một thời: người lính ở vào tâm trạng khó nói.
-------------------------------------------------------------------------------------------------

09- Hầm phòng không ở Hà Nội.

Sau khi địch quân đã hoàn tất việc rút quân vào ngày 18/03/1979 rồi, vào cuối tháng 3, kế hoạch phòng không cho nhân dân Hà Nội mới được triển khai.
Việc đầu tiên là khôi phục các hầm trú ẩn cũ, được làm từ hồi chống máy bay Mỹ.
Trước hết là cái hầm ở Bờ Hồ, chỗ bán cà phê, đối diện bót Hàng Trống. Sau đó là cái hầm ở vườn hoa Hàng Đậu.

Rồi tập báo động phòng không đâu như được 2 lần vào ban tối ở Hà Nội, để phóng viên chụp ảnh đăng báo: bà con đang bình tĩnh, trật tự xuống hầm trú ẩn. Rồi sau nữa mới đến đoạn: ở một vài nơi trong Hà Nội, triển khai đào giao thông hào, hầm trú ẩn, như ở trường học của bà cụ thân sinh bác Donga Doan.

Trong quân đội, như ở đơn vị như của TuanBim, trong nhà trực ban luôn có dán 1 tờ thông báo: thời gian bay từ Mông Tự, Nam Ninh hay Hải Nam đến đơn vị.. (để trống, đơn vị nào tự đề tên đơn vị đó) là….. phút (để trống, do tác chiến từng đơn vị tự đề).

Đây là một động thái của cỗ máy chiến tranh, do đã được khởi động mà chưa thể hãm dừng. Kế hoạch phòng không này, chủ yếu mang tính chất của công tác ****, công tác chính trị, nhằm mục đích tác động vào tâm lý của quần chúng. Còn giá trị của khía cạnh quân sự, còn phải bàn nhiều.

Không có 1 tổng kết hay mệnh lệnh nào huỷ bỏ công tác này. Chỉ thấy đầu năm 1980, công ty công viên bắt đầu lấp cửa hầm ở Bờ Hồ và trồng hoa, cỏ lên đó. Bây giờ các bác vẫn còn thấy cái đồi cỏ ấy, trước cửa bót Hàng Trống.

Cũng đầu năm 1980, các ống cống tròn làm tăng xê ở các vỉa hè được bật đèn xanh cho nhân dân đào về làm phi đựng nước. Năm ấy, trong lần về phép, TuanBim cũng mất 2 đêm làm cửu để đi đào tăng xê trên hè phố Trần Hưng Đạo cho gia đình ông nhạc tương lai.

Huyền thoại đào hầm như nhiều bác đã kể, dưới góc nhìn của TuanBim, nó là vậy.
-------------------------------------------------------------------------------------------------

10- Sơ tán về Đà Nẵng.

Đã khởi động phong trào triển khai hầm phòng ở Hà Nội, trong trí nhớ của vài cụ cốp (có tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ) lúc ấy, ám ảnh của từ sơ tán chắc lại đã hiện về. Tuy nhiên, cuộc chiến khác nhau, thì tính chất sơ tán cũng phải khác nhau.

Thời chống Mỹ, các cơ quan chỉ cần dịch ra khỏi Hà Nội vài chục cây số, đã được coi là đi sơ tán. Còn lần này ???

Thực sự là bây giờ, đã sau 35 năm, TuanBim cũng không thể tìm ra quân sư nào đã hiến ra cái sáng kiến vĩ đại đấy. Quân sư đó dường như đã thổi vào tai mấy cụ cốp rằng:
Không quân TQ không đáng ngại bằng không quân Mỹ. Trình độ và trang bị của ta bây giờ, sau khi tịch thu được hằng hà sa số máy bay của Mỹ, đáng được xếp vào hàng thứ ba trên thế giới, thì cái đám Míc cổ lỗ của quân bành trướng kia, chỉ đáng làm rau gém. Tuy nhiên, cái đáng ngại lại nằm ở chỗ: TQ hiện đã trang bị đại trà loại tên lửa vượt đại châu, mang đầu nổ thông thường. Từ trận địa bố trí gần biên giới Việt Nam nhất, loại tên lửa này có tầm bắn với đến tận đèo Hải Vân ???.

Thế là 1 kế hoạch sơ tán hoành tráng được ra đời: không sơ tán loanh quanh ra khỏi nội thành Hà Nội nữa, mà phải sơ tán ra ngoài tầm tên lửa đối phương !

Thế là tên của thành phố Đà Nẵng bắt đầu được ra đời trong cái kế hoạch huy hoàng ấy. Bởi vì Đà Nẵng vừa khuýp là ra khỏi tầm bắn tên lửa đối phương, lại vừa là chốn đô thị (tuy rằng thời 1979 thì Đà Nẵng cũng mới chỉ như thành phố Thanh Hóa bây giờ, chứ chưa được phát triển như ngày nay), lại có cung đường vận chuyển gần Hà Nội nhất.

Thế là cái tên Đà Nẵng xuất hiện trong tất cả các kế hoạch sơ tán của kính thưa tất cả mọi loại cơ quan. Cái tên thành phố Đà Nẵng được nhắc nhiều đến mức, ngay cả trẻ con cũng thuộc lòng. Đến nỗi ngày nay, khi hồi tưởng lại, nhiều bác tham gia diễn đàn này hồi ấy mới chỉ tầm 5 tuổi, đã bật lên ngay: hồi đó cơ quan ông già em định về Đà Nẵng.

Cũng may, nước nhà còn vượng, nên còn có kẻ trung quân can gián. Kế hoạch rời đô vào Đà Nẵng đã kịp dừng lại trên giấy tờ.
Sang năm 1980, cùng với việc cho dân đào ống tăng xê lên làm của riêng, kế hoạch đi sơ tán ở Đà Nẵng, được đưa về kho lưu chiểu.
Đại phúc.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
 

pháo BM21 grad

Xe container
Biển số
OF-302370
Ngày cấp bằng
20/12/13
Số km
9,879
Động cơ
73 Mã lực
Em dấu tối đọc. mà các cụ pót chung vào thớt Hà giang đi, các cụ mở nhiều thớt quá trong khi thớt kia còn khá nhiều tài nguyên.
 

Quang_Quyen

Xe hơi
Biển số
OF-172766
Ngày cấp bằng
20/12/12
Số km
100
Động cơ
343,463 Mã lực
Em dấu tối đọc. mà các cụ pót chung vào thớt Hà giang đi, các cụ mở nhiều thớt quá trong khi thớt kia còn khá nhiều tài nguyên.
e thấy bài này khác mà.... post chung vào kia nhiều cụ đọc bài kia rồi sợ ko biết bài này nữa :)
 

pháo BM21 grad

Xe container
Biển số
OF-302370
Ngày cấp bằng
20/12/13
Số km
9,879
Động cơ
73 Mã lực

lamthitvit

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-105805
Ngày cấp bằng
14/7/11
Số km
725
Động cơ
401,930 Mã lực
Cụ quang-quyen@ : Câu chuyện cụ đang đăng tải đã được cụ Pain đăng đầy đủ trong thớt Hà giang rồi, chỉ khác mỗi tên người kể chuyện thôi. tuanbim & baoleo.
 

bridge

Xe điện
Biển số
OF-41446
Ngày cấp bằng
24/7/09
Số km
4,955
Động cơ
313,571 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Thớt bổ ích quá...
Cảm ơn cụ chủ đã cho thế hệ 7X bọn em ôn lại lịch sử, tự hào về cha anh và có suy nghĩ hơn về bảo vệ đất nước !!
 

otohagiang

Xe container
Biển số
OF-57467
Ngày cấp bằng
23/2/10
Số km
5,201
Động cơ
497,962 Mã lực
mỗi lần nhắc đến quê nhà em là em lại rưng rưng nước mắt :(
 

cu son

Xe hơi
Biển số
OF-101132
Ngày cấp bằng
16/6/11
Số km
105
Động cơ
398,614 Mã lực
Tuổi
13
đã đọc.rất gian khổ nhưng hào hùng cảm ơn tác giả và những người lính đã ngã xuống ở mặt trận biên giới phía bắc nói riêng
 

ThanhSon2003

Xe buýt
Biển số
OF-89489
Ngày cấp bằng
23/3/11
Số km
921
Động cơ
415,130 Mã lực
Em thấy bài này giống bài bạn Pain post hồi ký của bác Baoleo bên quansu chi khác tên TuanBim - k nhẽ đạo...hồi ký ????
 

binh an 99

Xe máy
Biển số
OF-192798
Ngày cấp bằng
6/5/13
Số km
99
Động cơ
329,610 Mã lực
Cám ơn cụ chủ cho e biết thế nào là chiến tranh. Tổ Quoc mãi ghi công!
 

vị xuyên 84

Xe hơi
Biển số
OF-122205
Ngày cấp bằng
27/11/11
Số km
196
Động cơ
383,166 Mã lực
Em thấy bài này giống bài bạn Pain post hồi ký của bác Baoleo bên quansu chi khác tên TuanBim - k nhẽ đạo...hồi ký ????
Hại cụ này là một bên VMH thì cụ ấy có nik là Baoleo còn trên fb thì cụ ấy là TuanBim.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top