Em xin mạn phép cụ B747 cho em được trích lại bức thư em đã trao đổi với cụ cách đây mấy tháng:
Con người từ lúc mới sơ sinh đã biết hướng ra thế giới bên ngoài để thu thập những thông tin cần thiết cho đời sống. Đến bốn năm tuổi đã tích lũy được những sở tri cơ bản để có thể xử lý những sinh hoạt thông thường. Sau đó nhờ học tập từ gia đình, bè bạn, học đường và cộng đồng xã hội; kết hợp với khả năng tư duy, chiêm nghiệm, phán đoán mà kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng v.v... ngày càng phong phú, đa dạng và cũng càng phức tạp hơn. Trên mỗi đối tượng tiếp xúc hàng ngày, chúng ta không ngừng gia tăng thêm những tình cảm, chẳng hạn như ưa, ghét, tham, sân v.v… rồi tùy thuộc vào những cảm tính đó chúng ta phán xét đúng sai và đưa ra hành động yêu, ghét... Ở một mức độ nào đó, điều này xem ra cũng là chuyện bình thường, nhưng khi những thái độ này ngày càng được tích lũy, vun bồi, gia tăng, phát triển cho đến khi trở nên quá sâu dày, kiên cố, thì bắt đầu trở nên vô cùng nguy hiểm! Và những thành kiến, cố chấp, hận thù, oan kết hay những say mê, chìm đắm trong thế giới bên ngoài bắt đầu đưa đến phiền não, khổ đau, chán chường, thất vọng v.v…
Khi chúng ta không thấy biết rõ một điều gì thì tưởng tượng liền xen vào tô vẽ thêm thắt để tạo dựng điều ấy thành một khái niệm chủ quan theo tầm nhìn, kiến thức và kinh nghiệm giới hạn của mình. Cũng vậy, khi không thấy biết chính mình, mỗi người tự dựng lên một cái ta ảo tưởng mà nội dung và tầm vóc của nó được đo lường bằng những gì người ấy mong ước, chọn lựa và chiếm hữu. Cái gì thích thì cái ta thu thập, tích lũy, chiếm dụng, duy trì. Cái gì không thích thì cái ta loại bỏ, khử trừ, xa lánh, hủy diệt. Từ đó, cái ta quy định chính mình trong khái niệm “của ta” đối lập với “không phải của ta”, để rồi phân ranh cái trong, cái ngoài, cái thuận, cái nghịch. Vô hình trung, ngay từ lúc khởi sinh, cái ta đã hàm ẩn tính nhị nguyên, mâu thuẫn, đối kháng và hữu hạn.
Thế rồi, cái ta lớn dần theo sự bành trướng khối lượng mà nó chiếm hữu, tích tập. Nhưng khi cái ta sở hữu một điều gì thì đồng thời cũng phải bị sự khắc chế của cái đối nghịch với điều đó. Ví dụ như khi bạn chọn lựa sở hữu sự yên tĩnh thì bạn liền bị ồn ào khắc chế. Cho nên muốn được như ý thì phải đối đầu với bất như ý. Nghĩa là tham lam càng lớn thì sân hận càng nhiều. Và mãi bị cuốn hút trong những đối tượng bên ngoài của tham và sân, cái ta quên mất thực tại đang là nơi bản thân sự sống. Không thấu rõ thực tại sự sống chính là khởi điểm của vô minh.
Vậy lối thoát ở đâu?
Hóa ra Đức Phật đã tìm ra đường đi cách đây 2500 năm rồi: ngài dạy "Hãy trở lại để thấy (thấy chân lý thực tại), thấy ngay lập tức, ngay tại đây, không qua thời gian và không gian". Cũng như vậy, Thiền tông có câu "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật".
Có vị Thiền Sư nói: “Kiến, tức trực hạ tiện kiến, nghĩ tư tức sai”, nghĩa là hễ thấy là thấy ngay tức khắc, thấy ngay trước mắt, suy nghĩ, phê phán, đánh giá là sai liền. Chân lý này, chân lý mà Đức Phật đã khai thị, pháp ấy, ai thấy được là thấy ngay lập tức, nếu còn chần chừ suy nghĩ, lý luận, kết luận về nó tức là chưa phải. Ngộ là ngộ ngay trước mắt, phải không? Nếu hẹn đến ngày mai, ngày kia là không được. Kiến là kiến tánh ngay, kiến tánh là không hẹn thời gian. Hễ thấy là thấy ngay.
Nó rất đơn giản, đơn giản đến mức mà cái tâm luôn khao khát đạt được cái gì đó của chúng ta không thể chấp nhận và sống cùng với sự đơn giản đó. Ajahn Chah, một trong những vị thánh của Phật giáo Thái Lan trong thế kỷ 20 với hàng trăm đệ tử người Tây phương đã nói rằng: "Cốt tủy của Đạo rất đơn giản, chẳng cần phải giải thích dông dài: Vất bỏ yêu ghét, thản nhiên trước mọi chuyện xẩy ra." và "Đừng cố gắng trở thành cái gì. Đừng nhẩy vào bất cứ chuyện gì... Đừng mong giác ngộ... Chẳng nắm giữ gì mà cũng không chống đối gì cả. Tất cả đều trở về chỗ: Hãy để mọi sự tự nhiên. Thoát ra ngoài chiến trường, đặt chân đến nơi an lành mát mẻ". Nhưng việc cực khó khăn là luyện tập cho cái tâm của ta chấp nhận, quen dần và sống với sự thực đơn giản đó. Và ta phải học, phải tu.
Nhưng tu là phải thấy, điều kiện tất yếu của pháp do Đức Thế Tôn khai thị, nếu không thấy ngay thì hãy hồi đầu mà thấy. Thấy pháp và sống pháp, ấy mới gọi là tu. Tu là ở trong pháp, với pháp, đặt chân đúng trên đất pháp, chứ không phải là chạy ra khỏi pháp mà tu.
Thực ra, Niết-bàn không phải là xa. Xa là vì chúng ta cứ mãi hướng ngoại tầm cầu mà sở cầu chỉ là Niết-bàn ảo ảnh. Nhưng ngay khi buông bỏ mọi khát vọng, mọi tầm cầu, mọi ý muốn thủ đắc Niết-bàn thì Niết-bàn đã ở đó tự bao giờ.