‘’Trao 1000 niềm vui, cho các cháu học sinh trên
cao nguyên đá Đồng Văn’’ – Chương trình thăm khám và tặng quà các cháu học sinh hai xã Sảng Tủng và Hố Quáng Phìn.
Báo cáo các cụ, các mợ OF, theo truyền thống của chi hội Ford, cùng với sự chung vai sát cánh, ủng hộ, động viên của các cụ, các mợ trên diễn đàn, định kỳ chúng em có tổ chức những chương trình ‘’Tặng quà – Trao niềm vui cho các cháu học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn’’. Chương trình đã được triển khai ở một vài nơi như: Minh Hóa - Quảng Bình, Trạm Tấu - Yên Bái, Điện Biên Đông - Điện Biên, … và gần đây nhất là ở Bắc Hà & Simacai - Lào Cai với nhà Focus làm đầu mối.
Để tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, lần này, nhà Escape – Chi hội Ford và những người bạn diễn đàn otofun.net đã thực hiện chuyến tiền trạm tại huyện vùng cao Đồng Văn, mảnh đất còn nhiều khó khăn nơi địa đầu của tổ quốc. Đồng Văn – Hà Giang - Một vùng cao nguyên đá hoang sơ, đầy quyến rũ, hấp dẫn với dân ‘Phượt’, với những người ưa thích khám phá, nhưng với đồng bào các dân tộc cư trú trên những dãy núi đá cao ngút ngàn này, cuộc sống từ bao đời nay không dễ dàng gì.
Đoàn tiền trạm chúng em lên đường với nhiệm vụ đặt ra: ‘’Khảo sát 1 đến 2 xã giáp biên giới, thuộc diện nghèo nhất của huyện, giao thông đi lại khó khăn và nhận được ít, hoặc chưa có đoàn đến thăm hỏi tặng quà’’… Qua trao đổi với lãnh đạo phòng Giáo dục của huyện, thông tin được nhận lại là: Ở huyện Đồng Văn, chỉ có hai thị trấn và một số xã giáp đường QL 4C là còn khá một chút, còn lại, phần lớn các xã đều thuộc diện xã khó khăn, xã nghèo. Nhiều xã nội địa còn khó khăn hơn những xã giáp biên, sự quan tâm hỗ trợ cũng không được bằng xã giáp biên, đoàn nào lên thăm cũng chỉ muốn đến xã giáp biên tặng quà, nhiều điểm trường trong nội địa, có rất ít đoàn đến thăm hỏi, tặng quà.
Sau khi nhận được thông tin trao đổi, tiêu chí ‘’giáp biên’’ được lược bỏ. Hai xã được chọn khảo sát lần này là: Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng. Cả hai xã, Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng đều thuộc nhóm những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Với trên 70% số hộ gia đình của 2 xã thuộc diện nghèo, một số hộ gia đình vẫn phải cứu đói bằng gạo. Đồng bào của 2 xã chủ yếu là người dân tộc Mông, và Dao (Sảng Tủng: 100% là đồng bào Mông, Hố Quáng Phìn hơn 90% là dân tộc Mông, còn lại là đồng bào người Dao).
Vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do thiếu đất canh tác và chăn thả, điều kiện về thổ nhưỡng và khí hậu không thuận lợi, địa hình núi đá hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, bị chia cắt nhiều nên đời sống của bà con ở cả 2 xã còn rất vất vả, việc học của các cháu học sinh ở hai xã Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng cũng vì vậy mà gian nan không kém.
Trong công cuộc gùi con chữ, vượt qua những con dốc đá cheo leo, lên trồng trên cao nguyên đá, việc vận động các cháu trong độ tuổi đến trường đã khó, nhưng giữ được các cháu không bỏ, nghỉ học sớm còn khó hơn. Các cháu bỏ học thì có rất nhiều nguyên nhân: nhà xa, ở nhà đi ngô cùng bố mẹ, nhớn 1 tý thì bỏ học để đi lấy vợ, cưới chồng… Tựu chung lại là khó quá (đường xa, đường khó…), vất vả quá (nghèo quá, khổ quá …) nên tỷ lệ bỏ học tăng dần và tăng mạnh vào những lớp cuối cấp.
Ở nhiều vùng đất khó khăn, nghèo khổ trên dải đất hình chữ S thân yêu này, cái sự nghèo khổ của người lớn thì: Đã nghèo, đã khổ từ lâu rồi, mãi rồi cũng phải quen - nghe thật chua chát, nhưng đành!!! Con trẻ thì khác, các cháu phải có cơ hội được học tập, phải có cơ hội có được kiến thức, có cơ hội có một tương lai tốt đẹp hơn, đỡ vất vả hơn thế hệ trước… Vẫn trên tinh thần đã là động lực của những chuyến thiện nguyện trước đó, nhà Escape – Chi hội Ford và các anh em bạn bè diễn đàn otofun.net, lần này làm đầu mối, tổ chức chương trình thăm khám và tặng quà cho các cháu học sinh PTCS và Mầm non tại hai xã, Sảng Tủng và Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Kết hợp có tổ chức khám phá những cung đường từ cực bắc sang đông bắc của Tổ quốc.
Chương trình được tổ chức với mục đích: Sẻ chia một phần nào đó, những khó khăn, vất vả của các cháu học sinh, các thày cô, trong sự nghiệp trồng con chữ trên cao nguyên đá Đồng Văn. Cũng là để góp phần vào việc thực hiện khẩu hiệu: Mỗi ngày đến trường là một niềm vui … Niềm vui đó có thể chỉ là tập vở, manh áo, là sự động viên, sẻ chia, dẫu nhỏ nhoi, dẫu giản dị, nhưng ấm áp, chân tình! Khi chúng ta nhìn thấy ánh mắt các con, thật vui vẻ, ấm áp lúc nhận được sự chia sẻ, chúng ta cũng ấm lòng, vui cùng các con, các cháu học sinh… Dẫu còn bao khó khăn, vất vả, nhưng niềm vui giản dị đó, như ánh nắng lấp lánh trên giọt sương cao nguyên đá, như lá cờ đỏ sao vàng vẫn ngày đêm kiêu hãnh bay trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc…
Chương trình được tổ chức vào dịp lễ 30/4 1/5 tới đây. Báo cáo của chuyến tiền trạm, kế hoạch ủng hộ, chi tiết chương trình… được tổ chức thành từng mục ở trong thớt này. Rất mong được sự cổ vũ, động viên và chia sẻ của các cụ, các mợ diễn đàn mình. Để niềm vui được nhân mãi, và sự sẻ chia, tương thân tương ái luôn là một trong những tiêu chí của diễn đàn chúng ta.
Thay mặt cho những anh em làm đầu mối chương trình lần này. Cảm ơn các cụ, các mợ thật nhiều!
Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi tiền trạm:
Đoàn tiền trạm của chúng em gồm 8 anh em nhà Escape. Chuyến đi khá thuận lợi vì thời tiết rất ủng hộ, không mưa, trời đẹp. Mỗi tội lên đúng ngày các cháu học sinh được nghỉ nên không gặp được các cháu nhiều. Dù vậy, những thông tin và cảm nhận không vì thế mà giảm đi, cảm nhận về tấm chân tình, về những vất vả, khó khăn của mảnh đất, con người nơi đây vẫn ắp đầy cảm xúc với các anh em trong đoàn...
Một số hình ảnh của chuyến tiền trạm:
Vượt qua những con đường đá ghập ghềnh, 8 anh em nhà Escape chia nhau ra, tỏa đến các điểm trường chính và lẻ của 2 xã Sảng Tủng và Hố Quáng Phìn. Hầu hêt các điểm trường lẻ đều không tiếp cận được bằng xe oto, có những điểm trường lẻ chỉ đi bộ được, hoặc đánh vật với đá bằng xe máy cả nửa ngày mới tới được điểm trường.
Một điểm trường vẫn chưa xây được nhà cấp IV:
Điện chưa có, dùng ánh sáng mặt trời chiếu sáng qua mái, thắp sáng trang vở cho các con:
Cả hai xã, vẫn còn 4 điểm trường chưa xây được nhà cấp IV
Thiếu lớp học, thiếu thày cô, học sinh ít, nên gần như ở tất cả các điểm trường lẻ, các cháu vẫn học ghép lớp, có 2 thày hoặc cô thì được chia như này:
Còn chỉ có 1 thày hoặc cô phụ trách 1 điểm trường thì chỉ cần chia đôi bảng, mỗi lớp 1/2...
Lớp học đằng trước thì ngay cạnh cũng là gian ở của các thày cô cắm bản:
Em có những dịp được đến với những điểm trường lẻ ở một số tỉnh miền núi phía bắc, hầu như điểm nào cũng gian khổ, cũng vất vả, nhưng đấy chưa phải là cái đáng sợ nhất, mà cái đáng sợ nhất có lẽ là nỗi buồn, nỗi buồn của giáo viên cắm bản mênh mang như sương trong núi... nhiều thày cô dưới xuôi nên, không chịu được mà đành bỏ trò ở lại, bỏ nghề về xuôi ...
Các cháu thì có lẽ quen hơn, từ nhỏ đã được rèn luyện trên những con dốc lởm chởm đá và đá:
Con người trên vùng đất này, đi thì leo lên đá, làm lụng kiếm sống cũng làm trên đá, sống lẫn vào trên những ngọn núi đá trùng điệp, chết cũng vùi trong đá. Chỉ hi vọng rằng, thế hệ sau, nhờ có học hành, nhờ có kiến thức, cuộc sống thế hệ sau sẽ dần khá hơn thế hệ trước...
Ngoài con đường liên thông 2 xã bằng đá lổn nhổn, đủ cho chiều rộng của xe oto, hầu hết những con đường ở trên này chỉ đủ cho xe máy và người đi bộ, nhiều điểm trường lẻ, những hôm trời mưa, xe máy quấn xích vào cũng không lên tới nổi, mùa mưa, nhiều thày cô cắm bản, cả tháng không xuống dưới điểm trường chính được 1 lần để sạc pin điện thoại và xem tivi 1 lần...
Những con đường, nhìn xa như những sợi dây vắt trên những ngọn núi đá lởm chởm:
Đường đủ rộng cho xe oto đi thế này không nhiều:
Đi cùng với anh Dũng, phó phòng GD huyện, người dân tộc Mông, suốt dọc đường đi, anh em trao đổi đủ thứ chuyện về cuộc sống của bà con nơi đây. Có một câu làm mấy thằng kinh bọn em nhớ mãi: ''Không có đất thì nuôi bò trên lưng thôi ...'' Đấy là câu trả lời khi em hỏi khi thấy bà con cõng cỏ trên lưng lầm lụi leo lên những con dốc đá dựng ngược. Vâng! Thật dễ hiểu, không có đất trồng ngô thì gùi đất dưới khe lên thả vào hốc đá để trồng, không trồng được thì người đói, cỏ ở xa, khó đi thì người cõng trên lưng về cho bò ăn, không thì bò chết ... Trên cao nguyên đá, bản năng sinh tồn của bà con thật đáng kinh ngạc!
Đá, đá là thứ nhiều nhất trên cái cao nguyên này, chính nhờ đá mà nơi đây trở thành công viên địa chất toàn cầu. Cũng nhờ có những hốc đá còn có chỗ gùi đất lên, thả vào mà trồng ngô, nhìn theo một góc độ nào đó, bà con trên này và đá núi sống rất hài hòa với nhau:
Khả năng leo trèo qua các mỏm đá của các cháu trên này thì như một nghệ sĩ nhí, thoăn thoắt, đầy khéo léo, không như vậy thì làm sao để vượt hàng chục ngọn núi để về nhà vào mỗi dịp cuối tuần được
Nhìn cảnh các cháu học sinh, trên đường về nhà, nhỏ dần, lẫn vào trong những mỏm đá lô nhô, thấy vừa thương, vừa cảm phục
Một em học sinh người Mông:
Mai này! Các cháu sẽ là chủ nhân tương lai của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc đây!
Hai bé gái này chắc cũng người Mông, không hiểu cô chị học lớp mấy, hay phải nghỉ học ở nhà đi ngô cùng bố mẹ rồi ...
ở vùng núi phía bắc, càng leo lên cao, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, mà thường thì chỗ nào người Mông cư ngụ là đồi núi cứ hay trụi thùi lụi, tập tục đốt rừng để trồng trọt là thói quen tự bao đời của nhiều bà con dân tộc ít người, không dễ gì mà thay đổi được. Hi vọng thế hệ sau, là chính các cháu đang được ngồi trên ghế nhà trường trên đó, sẽ không còn đi đốt rừng nữa, không còn phải nuôi bò trên lưng nữa ....
Các cháu có quyền hi vọng một tương lai tốt đẹp hơn, và chúng ta, chúng ta sẽ cùng hi vọng với các cháu!
Chỉnh sửa cuối: