http://www.vietnamvienxu.com/threads/5615-Bao-tri-hop-so-Nen-hay-khong-nen-thay-dau-bai-II
Bảo trì hộp số: Nên hay không nên thay dầu - bài II
Trước tiên, đó là cuốn sách Owner Manual do chính nhà sản xuất in ra, và nhờ đại lý trao lại cho bạn khi bạn đến “rước nàng” về nhà làm bầu bạn. Không hiểu từ hồi đó tới giờ bạn có tìm ra chỗ nào họ khuyến cáo thay dầu hộp số không? “Thợ vườn” này thì chưa. Mở nát cuốn Owner Manual cho mấy kiểu xe Toyota ở nhà mà tuyệt đối không tìm được một dòng! Chắc nhà sản xuất nghĩ rằng tài liệu này chỉ hướng dẫn cách sử dụng, không nhất thiết phải nói về bảo trì, nên không đề cập đến việc thay dầu nhớt?
Vậy trong các tài liệu được gửi ra để nhắc nhở khách hàng đến bảo trì trong thời gian xe còn được bảo hành (guarantee period), thì họ nói gì? Xin mời các bạn xem ý kiến của một vài nhà sản xuất lớn:
* Toyota: Ðối với nhớt máy (oil engine), họ luôn luôn nhắc nhở chủ xe phải thay (replace) sau mỗi 5,000 miles, hoặc 2,500 miles tùy từng thời điểm. Nhưng đối với dầu hộp số, nhà sản xuất chỉ nói “kiểm tra” (inspect) mỗi 30,000 dặm. Trong phần định nghĩa thêm về dầu hộp số thì họ nói theo kiểu nước đôi “kiểm tra hoặc thay thế.” Nói có sách mách có chứng, xin mời các bạn xem tài liệu hướng dẫn bảo trì Toyota Corolla 2002, Service Guide trên mạng
www.toyotapartsandservice.com.
* Honda: Cũng như Toyota, nhà sản xuất Honda dặn dò thay nhớt máy một cách rất rõ ràng sau mỗi 10,000 dặm. Nhưng với dầu hộp số thì ngay cả nhắc nhở kiểm tra cũng không có. Mãi tới khi xe đã đi được 120,000 dặm hoặc đã sử dụng được 6 năm họ mới bảo phải thay nhớt. Từ đó trở đi thì thay nhớt mỗi 90,000 dặm hoặc mỗi 5 năm (theo sách 2006 CRV Owner's Manual, trang 212). Dặn dò kiểu này mà gặp ông Austin Davis, chuyên gia bảo trì mà chúng tôi giới thiệu với các bạn lần trước, thì còn khỏe nữa, ổng sẽ nói: “Thôi, đã nhịn được tới mức này rồi thì khỏi, khỏi làm gì hết cho tới cuối đời cái xe.” Các bạn có thể đối chiếu bài lần trước để xem ý ổng thực sự như thế nào.
- Có vẻ như 2 nhà sản xuất trên đây không muốn chúng ta táy máy vào dầu hộp số. Chính vì thế một số kiểu xe được “chào đời” không có que thăm dầu (dipstick), như một lời nhắn nhủ nhà sản xuất muốn gửi tới giới tiêu thụ rằng: “Không phải thăm dầu cho mất công. Chuyện đó đã có đại lý chúng tôi lo.” Sợ khách hàng không hiểu rõ ngụ ý của mình mà cứ loay hoay đi tìm cái que thăm, họ bèn bít luôn cái lỗ xả (drain hole) ở đáy bình, cho tiện... việc sổ sách. Lần này thì không phải ngụ ý gì nữa, nhà sản xuất nói thẳng vào mặt chúng ta: “Ðó, giỏi thì tìm đi, không có que thăm, không có lỗ xả, có lên giời mà... thay dầu!”
- Như vậy là quá rõ, khách hàng không phải bận tâm với dầu hộp số. Nhưng điều đó không có nghĩa là dầu hộp số không cần thay. Sao lại rắc rối thế này? Ăn nói theo kiểu câu trước... chửi bố câu sau như vậy thì có trời mới hiểu được ông! Xin lỗi các bạn, Phạm Ðình chưa bao giờ gặp phải một trường hợp cực lòng như vậy. Nhưng đó là sự thật: Nếu vô tình làm chủ những cái xe không có que thăm dầu, lại không có nút xả ở đáy bình, thì đương nhiên vô phương, bạn không làm sao bảo trì hộp số được. Chỉ chờ đến khi hộp số có trở ngại rồi mang đến cho đại lý, hoặc những trung tâm dịch vụ có đầy đủ máy móc. Ở đây, họ sẽ dùng một hệ thống máy phức tạp để thăm dò tình trạng dầu, và nếu cần thì tháo cả cái chảo nhớt ra để thay dầu mới. Ðó là những công việc bạn có thể làm được một cách rất dễ dàng nếu nhà sản xuất bằng lòng gài một cái que thăm và khoét một lỗ xả. Vậy, tại sao họ không chịu làm như thế? Có chứ, họ làm với một số xe, và không làm với một số xe khác... để gây khó cho chúng ta? Với kiến thức hạn hẹp, chúng tôi không dám kết luận như vậy, chỉ xin trình bày thực tế để các bạn coi chừng.
- Xin rút kinh nghiệm ngay ở đây: Cứ như tay thợ vườn này thì khi đi “xem mắt” và trước khi muốn “rước nàng về dinh,” mình phải hỏi kỹ xem có... đủ lỗ, đủ que không đã. Bằng không thì thôi, khỏi mua, chứ rước về mà chẳng được táy máy gì vào đó thì... chán chết!
II. Lập trường rõ ràng:
Bên cạnh những kẻ ỡm ờ như vậy, những thành phần sau đây lại khẳng định: Phải thay dầu hộp số! Họ còn nói rõ cần thay lúc nào. Sau đây là một vài tên tuổi trong số những “người” có lập trường như vậy:
- Hãng sản xuất xe Ford (một hiệu xe Mỹ): Cũng như với nhớt máy, dầu hộp số phải được kiểm tra (inspect) sau 15,000 dặm đầu tiên để xem có hao hụt gì không, khi tới 30,000 dặm là phải thay (replace), và tiếp tục thay cứ mỗi 30,000 dặm sau đó. Yes hay No, thật là rõ ràng kiểu Mỹ, Ford mà! Xin tham khảo Ford Explorer 2006 Service Guide,
www.fleet.ford.com/maintenance). Nhưng ai thay? Chủ xe có thể tự làm được không? Hay phải mang ra đại lý? Còn tùy! Người viết không có cơ hội kiểm soát mọi loại xe Mỹ về cái khoản que thăm và lỗ xả, nên chỉ dám nói “còn tùy.”
- Pep Boys: Pep Boys không phải là nhà sản xuất, mà là công ty bảo trì và sửa chữa. Ðây là một tên tuổi lớn trong kỹ nghệ bảo trì của nước Mỹ, có chi nhánh ở nhiều nơi trên toàn quốc, và dường như Pep Boys còn vượt biên đi làm ăn cả ở những nước khác. Trên trang mạng chính thức của mình, phần Preventive Maintenance (bảo trì phòng ngừa), Pep Boys chủ trương rõ ràng: Cần thay dầu hộp số mỗi 48,000 dặm hoặc 48 tháng (4 năm), tùy điều kiện nào đến trước.
III. Lập trường của thợ vườn:
Cái tên “thợ vườn” là do bà xã đặt cho, mỗi khi bả thấy Phạm Ðình loay hoay bên cái xe mà quên cả vào ăn cơm. Bả nói: “Thôi ông ơi, có giỏi lắm cũng chỉ là thợ vườn, chứ có ăn ai đâu mà mê mải thế?” Có lần mấy người bạn đến chơi, họ thấy vậy mới được thể nói theo: “Ổng quên cơm thôi, nhưng có phở thì sáng mắt ngay lên đấy.” Nói lòng ngay, dù thợ vườn chăng nữa thì cũng phải làm tới nơi tới chốn, xìu xìu ển ển là không được. Bà xã vẫn chịu mình cái khoản đó, nên gọi mấy lần mà chưa kịp vào thì bả cũng xính xái, chứ không đến nỗi lấy chổi chà ra lùa đâu.
Ðối với dầu hộp số cũng vậy, mình chủ trương dứt khoát: Phải thay. Nhưng nói chuyện với “người lớn” - đúng, toàn những “người lớn” cỡ Toyota, Honda, Ford, Pep Boys... chứ ít sao - thì phải có trước có sau. Trước hết, xin giải thích cơ chế làm việc và tiến trình hao mòn của dầu hộp số, cụ thể là câu hỏi: “Dầu hộp số có thoái hóa không?”
Cũng như nhớt máy, dầu hộp số làm việc trong lòng máy dưới những nhiệt độ rất cao. Nó bị tăng nhiệt và cũng có thể bị overheat. Nhiệt trong hộp số tăng lên do ma sát: ma sát do dầu bị quậy đảo trong lòng “torque converter” khi xe chuyển động, ma sát do những đĩa số chạm vào nhau... Còn khi “lao động nặng” - như chở nhiều kéo nặng, chẳng hạn kéo theo toa chở hàng, trailer, “rờ moọc,” tàu bè... ở đằng sau, di chuyển trong lúc bị lún sâu trong tuyết, vừa chạy vừa dừng (stop and go) vì bị kẹt xe giữa lúc trời nắng như đổ lửa, xe leo dốc quá cao và quá lâu... - thì hộp số lại tăng nhiệt càng nhanh.
Khi tăng nhiệt quá sức chịu đựng của mình, thì dầu trong hộp số bị cháy khét, tức là bị “ốc xít hóa,” mất đi tính trơn nhờn hữu dụng của nó và biến thành tro tàn màu nâu, đóng vẩy cùng khắp trong bộ phận số. Hệ thống nào cũng vậy, ngay cả cái ruột già của chúng ta, vốn là nơi để chứa cặn bã, mà cặn bã lưu lại trong đó quá lâu không thoát được để đến nỗi nó đóng vẩy, đóng cặn thì bạn biết hậu quả sẽ ra thế nào rồi. Bên cạnh tác hại đối với dầu, nhiệt còn làm cong các miếng đệm (gasket) và các chốt hàn bằng cao su (rubber seal) trong hệ thống, gây ra rò rỉ... Tất cả những biến cố này, với hậu quả lâu ngày góp lại, sẽ dẫn tới một ngày N, là ngày bộ phận số không còn hoạt động, cần gạt số có nhúc nhích mà chiếc xe không di chuyển theo ý muốn của người điều khiển nữa.