Em có vài dòng sưu tầm cho các cụ tham khảo như sau :
"Theo qui định mới đây của Bộ Công an, CSGT khi tuần tra, kiểm soát có nhiệm vụ phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. CSGT được quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ để kiểm soát giấy tờ của người và phương tiện; lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm an ninh, trật tự theo qui định của pháp luật; tạm giữ giấy tờ, tạm giữ người, tang vật, phương tiện, khám người (trước kia không cho phép), khám phương tiện; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm theo qui định của pháp luật.
Trong lúc kiểm soát phải có người lái xe hoặc chủ xe chứng kiến (nếu cả hai vắng mặt thì phải có hai người khác chứng kiến). CSGT phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nếu làm hư hỏng, thất lạc hàng hóa, đồ vật hoặc phương tiện bị khám. Sau khi khám xong phải lập biên bản theo qui định.
Trong trường hợp kiểm soát tại một điểm trên đường phải đặt biển báo “CSGT” về hai phía; ban đêm phải có đèn chiếu sáng để đảm bảo việc kiểm soát, xử lý vi phạm công khai, minh bạch (trước kia không có biển báo và không bắt buộc phải có đèn chiếu sáng)...
Khi nào CSGT được phép dừng phương tiện đang lưu thông trên đường để kiểm soát?
Bằng quan sát trực tiếp hoặc bằng các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ phát hiện các hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ thì CSGT mới được phép dừng phương tiện để kiểm soát, ngăn chặn, đình chỉ, xử lý ngay vi phạm.
CSGT chỉ được dừng xe kiểm soát tại một điểm trên đường khi: thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt trở lên; thực hiện kế hoạch, phương án của trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề trong thời gian nhất định; có lệnh bằng văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện trở lên; khi nhận tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với người và phương tiện cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế có nhiều trạm CSGT lập chốt cố định tại một điểm 24/24 giờ để chặn xe một cách vô tội vạ và không tiến hành các trình tự kiểm tra giấy tờ xe, phương tiện, hàng hóa?...
Trước đây, ban giám đốc Công an TPHCM và Phòng CSGT đường bộ nghiêm cấm việc dừng xe tại một điểm để kiểm soát nhưng chỉ là qui chế nội bộ. Khi quyết định nói trên của bộ trưởng Bộ Công an đã được triển khai mà CSGT nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm.
Theo quy định tại khoản 2 mục IV Thông tư số 27/2009/TT-BCA(C11) ngày 06/ 05/2009 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát Giao thông đường bộ thì khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được bố trí một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong tổ tuần tra, kiểm soát để hóa trang (mặc thường phục) nhằm giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi tuyến, địa bàn phân công. Việc bố trí cán bộ, chiến sĩ hóa trang được thực hiện trong các trường hợp sau:
1. Khi cần bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phải có phương án, kế hoạch được Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt.
2. Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp; phải có phương án, kế hoạch được Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
Như vậy, cảnh sát giao thông khi hóa trang làm nhiệm vụ không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mà thực hiện nhiệm vụ phát hiện vi phạm và phối hợp với lực lượng cảnh sát công khai phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư vừa được Bộ Công an ban hành, trong trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT phải thông báo với lái xe và hành khách (nếu có) và nói "Cảm ơn,... đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ".
Bộ Công an vừa ra Thông tư 27/2009/ TT- BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT).
Theo đó, CSGT khi làm nhiệm vụ chỉ được dừng phương tiện để kiểm tra khi phát hiện được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; trong trường hợp thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề. Khi thực hiện phải có lệnh bằng văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
CSGT cũng có quyền dừng phương tiện khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi kiểm tra phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông....
Việc kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, khi ghi nhận hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người, phương tiện tham gia giao thông thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, CSGT thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện, người có hành vi vi phạm để kiểm soát và xử lý theo quy định. Nếu người vi phạm có yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu, phải được đáp ứng, sau đó mới lập biên bản vi phạm. Trường hợp người vi phạm yêu cầu cung cấp bản ảnh vi phạm, thì người vi phạm phải chịu mọi chi phí trong việc in ấn.
Trường hợp không dừng ngay được phương tiện, người vi phạm, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên có văn bản thông báo đến người vi phạm hoặc chủ phương tiện, yêu cầu đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết. Khi giải quyết cần cho người vi phạm hoặc chủ phương tiện xem hình ảnh chụp hoặc kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm trước khi lập biên bản và quyết định xử phạt theo quy định.
Trong trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT phải thông báo với lái xe và hành khách (nếu có) và nói "Cảm ơn, ... đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ".
Thông tư có hiệu lực từ 1/7/2009"